Van Tuyen Sinh Thi Vao Lop 10
Hồi ký Nguyên Sa“ Tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là người làm thơ, thơ tình, mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi”Nguyên Sa là một trong những nhà thơ hiếm hoi thổi vào làng văn học miền Nam những hạt bụi vàng của thời đại. Thơ ông mới mẻ, theo lối duy mỹ của Phương tây, có sự cách tân về tư duy hình ảnh cho đến việc sử dụng ngôn từ. Thơ ông đúng nghĩa Thơ Mới nhưng cũng không hẳn là Thơ Mới. Vì ông chẳng tìm cho mình một chốn để quên, tìm một "cõi riêng lặng lẽ cài then kín" (Hàn Mặc Tử), trong thế giới mà ông tạo dựng nên, ít nhiều vẫn hướng đến chủ thể là con người. Vì lẽ đó, thơ Nguyên Sa hướng đến cái tình và tập trung miêu tả vẻ đẹp của con người thông qua những câu từ giàu sức gợi và độc đáo mới lạ. Nói theo Thụy Khê, Nguyên Sa muốn cách tân văn học. "Rồi Thơ Nguyên Sa ra đời. Ra đời trong bối cảnh Mai Thảo giã từ Hà Nội, Vũ Thành mơ giấc mơ hồi hương, Thanh Tâm Tuyền không còn cô độc, Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy hát tiễn em giữa mùa thu Paris. Vũ Khắc Khoan mộng thấy thần tháp rùa. Nhật Tiến bước lên thềm hoang. Vũ Bằng nhớ miếng ngon Hà Nội. Bình Nguyên Lộc ký thác cho đò dọc. Võ Phiến viết chữ tình. Nguyễn Văn Trung nhận định, Vũ Hoàng Chương mang tâm sự kẻ sang Tần. Đinh Hùng lạc trong mê hồn ca..."Để rồi vào những năm 54-60, ở sân trường miền Nam, học trò tình tự với nhau bằng thơ Nguyên Sa. Tôi chẳng bàn về những bài thơ đã trở thành hiện tượng xã hội thời bấy giờ của ông như: Áo Lụa Hà Đông, Cần Thiết, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em..., để bàn về "nỗi xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc. Tôi chọn một bài thơ ít được nhắc đến để viết đôi lời về cách nhìn nhận của mình trong lối viết của Nguyên Sa với bản trường ca tình yêu mà bao nhà thơ đã dấn thân. Đó là bài "Đẹp". Một nhan đề đã ấn định được linh hồn của tác phẩm: cái đẹp. Đi cùng với một trái tim rất đẹp. Pauxtopki nói "Nhà văn chân chính là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp". Con người sùng bái và tôn thờ cái đẹp là một xu thế khách quan từ cổ chí kim. Với mỗi người, cách cảm nhận về cái đẹp sẽ khác nhau, Hàn Mặc Tử tạo nên những vần thơ quỷ yêu với vầng trăng máu. Chế Lan Viên từng một thời đảo điên trong thế giới của máu, xương và thịt, thế giới siêu hình mang dáng dấp của cõi chết, với nhà thơ, đấy cũng là một vẻ đẹp. Vẻ đẹp tồn tại và hiện hữu ở mọi nơi, người nghệ sĩ biết nắm bắt và hun đúc đưa vào trang chữ của mình mới thật sự là một người nghệ sĩ đưa nghệ thuật đạt đến vị nghệ thuật. Với Nguyên Sa, cái đẹp ẩn trong xác thân con người, vẻ đẹp của tình yêu. Đọc thể loại thơ mới phải theo lối đọc mới , vì lối đọc truyền thống với cách phân tích câu cú, cách gieo vần và nhạc điệu chẳng thể nào đi sâu vào thế giới của nhà thơ để nắm bắt và cảm nhận từng câu từ ứ đọng bằng cái tình. Nói theo Liễu Trương đọc thơ Nguyên Sa phải đọc theo:" phương pháp phê bình chủ đề {critique thématique}, đó là một trong những phương pháp đọc và phê bình của phương Tây. Một chi tiết, một hình tượng chỉ có giá trị ý nghĩa cho việc xác định chủ đề nếu nó được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, có khi dưới những hình thức khác nhau."Thơ là để cảm nhận, theo cách riêng mỗi người, nó gợi nhiều cách hiểu, nhiều ý nghĩ. Vì vậy, những dòng tôi sắp viết sau đây là cách nhìn thơ dưới con mắt của tôi. Dĩ nhiên chẳng có thang điểm nào để đong đo cho cái chuẩn mực hiểu về thơ văn. Phải chăng là ý trùng với nhiều người nghĩ, nên được đón nhận hơn. Dù gì một tác phẩm, ít nhiều đều cần sự đóng góp của bạn đọc, nếu đó là đóng góp hay, vậy thì tôi cảm ơn mọi người đã đồng điệu với tôi trong cách hiểu về thơ Nguyên Sa. Nếu như ngược lại, cũng xin cảm ơn mọi người đã đọc hết những dòng này của tôi. "Người dáng bước bơ vơ của bầu trời hải đảo
Tóc bồng bềnh trên nếp trán ưu tư
Những ngón tay dài ướp trọn mấy ngàn thu
Mà men sáng trong xanh mầu trăng vời vợi" Người là ai? Tôi chẳng rõ. Chỉ biết với Nguyên Sa, người hẳn là ở một vị trí đặc biệt khiến ông tôn thờ và hằng yêu, để ông dùng từ tôn quý nhất cho người con gái đấy : Người. Với tôi mà nói, từ Người dùng để nhắc đến chúa trời, nhắc đến các đấng trên cao, những thánh thần trong đức tin của con người. Vì vậy, với Nguyên Sa, Người hẳn là một người đáng để tôn thờ và trân quý. Bởi thế từ ngữ miêu tả, khắc họa dáng hình của Người luôn được Nguyên Sa cẩn thận chắt lọc. Ông lấy những hình ảnh vĩ mô của thiên nhiên để tô lên những hình ảnh vi mô của con người. Đó là dáng điệu của người con gái nhìn "bơ vơ" như bầu trời cao rộng mà cô liêu nơi hải đảo. Đó là mái tóc "bồng bềnh" thả điệu vào gió vươn trên nếp trán ưu tư. Đọc hai câu thơ, mà đã thấy ẩn trong đó là cái bi, cớ gì mà lại dùng "bơ vơ" và "ưu tư" để miêu tả một người con gái đẹp? Có thể thấy người con gái này là người có nội tâm phong phú, đa sầu đa cảm, có chăng giống nàng Kiều mà cụ Nguyễn Du từng viết "Lòng đâu sẵn mối thương tâm,Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa."Dáng bước nhẹ nhàng giữa một không gian rộng lớn càng làm người ta mường tượng ra bóng dáng nhỏ bé của Người. Thế mà dẫu Người nhỏ bé với đất trời, Người vẫn là tín ngưỡng to lớn với Nguyên Sa. Để ông bắt trọn từng chi tiết nhỏ nhặt nhất là mái tóc bồng bềnh, là ngón tay ướp trọn mấy ngàn thu. Từ "ướp" nghe thật lạ, nhưng cũng thật hay. Thu trong thơ ca vốn dĩ tượng trưng cho cái đẹp sâu lắng và man mác buồn, ấy thế mà dùng từ "ướp", bàn tay người con gái đấy thấm đẫm "ngàn thu". Đó là bàn tay ngọc ngà thu trọn vẻ đẹp trời thu qua ngàn năm, là bàn tay như được tạc thành tượng, nặn thành gốm. Kiêu sa mà bàng bạc như màu men sáng trong xanh màu trăng vời vợi. Một câu thơ cực tả màu sắc rất mới cũng rất thi vị. Hình bóng giai nhân được Nguyên Sa bắt trọn, thu giữ trong tim. Để rồi ông viết nên những dòng thơ da diết mà táo bạo, như kẻ khát tình thổn thức tâm tư. "Hơi thở mới nguyên của đồng tiền mừng tuổi
Tôi nhìn người ngóng đợi mắt lên ba
Người về đây có phải tự trời xa
Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng?" Nhân vật tôi khi thấy Người, hệt như một đứa trẻ nhỏ với hơi thở nóng rực đầy háo hức khi nhận được tiền mừng tuổi. Hệt như một đứa trẻ lên ba hay tò mò, say sưa ngắm nhìn và khám phá mọi vật xung quanh. Tôi từng nghe qua Xuân Diệu nhìn đời với con "mắt xanh", mắt non tơ". Thì nay, Nguyên Sa lại góp thêm vốn liếng là" mắt lên ba", đó là cách nhìn thế giới với bao điều mới mẻ, lạ kỳ, nhìn thế giới với đôi mắt trong veo, tinh khôi. Nguyên Sa nhìn Người với một đôi mắt không vấy một chút tạp bẩn nào, để tôn lên ánh hào quang nơi Người. Đưa Người trở thành một vị thánh thần đến "tự trời xa". Ngay cả ánh mắt cũng được ví như cầu vồng kỳ vĩ của tạo hóa. Xưa nay trong huyền thoại Hy Lạp, trong các tín ngưỡng của các dân tộc Polinésie, Indonesia, Nhật Bản cầu vồng được quan niệm như một gạch nối, một chiếc cầu giữa đất trời, giữa loài người và thần thánh. Cầu vồng với Nguyên Sa mà nói là thi liệu duy mỹ và cao quý đáng để đưa vào trang thơ của mình. Trong bài "Tám phố Sài Gòn" cũng có đoạn nhắc đến biểu tượng này.
Sài gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong
Cầu vồng là lối đi qua của tình yêu giữa mưa và nắng, tức giữa hai thế giới xa cách nhau, thế giới của người nam và người nữ. Trong bài "Đẹp", phải chăng nắng mưa đó là cả một khoảng trời khuấy động nơi ánh mắt của người con gái, sinh động như chính dáng hình nàng. Đó là nét mắt đẹp nhất, đẹp như ánh cầu vồng đủ cung bậc màu sắc, nét mắt ấy cũng mang đủ cung bậc khiến "Tôi" xuyến xao.
"Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng đế đưa sao mang gửi về khóe mắt?"
Để rồi "Tôi" phải nhớ thương mà nhắc lại cái tên của "Người". Thế nhưng, "Tôi" dường như chỉ có thể gọi lên bằng nỗi nhớ thương của mình, gọi tên Người trong "âm thanh vô vọng". Bốn chữ này, gọn ghẽ nhưng giàu sức gợi. Âm thanh vô vọng là âm thanh thế nào? Là tiếng gọi da diết, sầu bi, là tiếng gọi đong đo cân đếm cho nỗi nhớ. Nó gợi cho tôi nhớ đến đôi câu hát nghe buồn nhưng thật đẹp của một bản nhạc vàng son.
"Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm"
Vì lẽ đó, chẳng ai đáp, nên nhân vật "Tôi" mới có đôi mắt buồn le lói thoáng bơ vơ như thế. Đôi mắt của kẻ si mê một hình bóng đến mức tôn thờ, rồi cũng đau khổ biết bao khi chẳng có hồi đáp.
Thơ Nguyên Sa luôn mang tầm vóc của vũ trụ, ông đưa vào để tả ánh mắt là nước lụt Ngân Hà, là sao nơi khóe mắt. Nỗi buồn kết tinh thành nước mắt, những giọt lệ sầu bi vô hạn cõi trần chẳng chứa nổi, chỉ có dãy Ngân Hà mới chứa đựng hết, mới ôm lấy hết được nỗi đau đó, ấy thế mà vẫn "nước lụt Ngân Hà" vào một đêm nhớ và gọi tên Người. Phải chăng vì động lòng, Thượng đế đem sao gửi về ánh mắt. Đọc câu thơ này, chúng ta dễ nghĩ đến ánh mắt sáng như sao của vị giai nhân nào đó, được Thượng đế đem gửi tặng biết bao tinh túy của Ngân Hà trú ngự nơi mắt tiên. Nhưng với riêng tôi, sao ở đây cũng là biểu tượng duy mỹ dùng để chỉ nhân vật Người, ánh mắt ở đây là ánh mắt của nhân vật tôi.
Nhớ, thương, gọi tên, vỡ òa để rồi thẫn thờ và sướng vui khi lại bắt gặp được ngôi sao trong lòng mình- kể cả khi đó chỉ là mộng tưởng, là huyễn hoặc. Với "Tôi" mà nói, điều đó cũng xem như là món quà mà Thượng đế ban tặng. Câu hỏi tu từ được đặt ra, "Thượng đế đưa sao đem gửi về khóe mắt?" như tự hỏi, liệu có thể cho "Tôi" thấy vì sao trong lòng mình?
Mong nhớ thấy dáng hình Người, mà thấy được Người.
"Người về đâu giữa đàn khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc ẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt"
Tôi cảm nhận Nguyên Sa nương theo tiếng đàn réo rắt để thấy được dáng hình của Người. Xưa nay người ta chuộng mượn âm thanh của nhạc để nói lên tiếng lòng, mà tiếng đàn trong đêm bao giờ nghe cũng đầy nức nở, da diết và thổn thức với bao tâm sự. Mượn thanh nhớ người, ý này trong thơ Xuân Diệu cùng từng điểm qua vài nét.
"Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm!"
Thấy được Người, rồi "Tôi" lại lo lắng cho Người, muốn quan tâm Người.
"Người về đâu" mà để "tôi" lo lắng hỏi rằng "trời nắng hay mưa" mà để lòng "tôi" ẩn đau khi gió sương trêu đùa má ướt.
"Hơi thở thiên thần"- vì Người là thần thánh của "Tôi", mái tóc ẩm nước mưa, đan với mùi hương nơi tóc quen thuộc được gói gọn qua"ẩm hương xưa", ngay cả đôi má mịn màng như lụa cũng khiến gió sương trầm tư thêu thùa vài nét mưa phơn. Những câu từ trong đoạn thơ này đẹp đến độ cách biệt cõi trần, thơ và giàu sức gợi. Nhưng bút lực của Nguyên Sa chưa dừng lại ở đây, càng ngày, nhà thơ càng khiến bạn đọc thổn thức với thế giới mà ngôn từ được xây bằng ngọc, lát bằng vàng.
Mắt dịu ngọt đúc từ rừng ngọc bích
Sao người về mang trọn một mùa thu
Với mây trắng lênh đênh của những chiều nguyệt tậnTả giai nhân, người ta luôn đặc tả đôi mắt, tựa như Nguyễn Du từng lấy "Làn thu thủy nét xuân sơn" vẽ nên Thúy Kiều. Với khổ thơ này, cũng là ước lệ thiên nhiên, nhưng đã vượt khỏi quy phạm thơ cổ như tùng, cúc, trúc, mai, núi, hoa, tuyết, mây, Nguyên Sa chọn"rừng ngọc bích". Và chỉ có ở thơ Nguyên Sa mới có "rừng ngọc bích", vừa là tên gọi, vừa để chỉ màu sắc xanh như ngọc, bạt ngàn, trải dài và đầy sức sống. Mắt Người được dùng từ "dịu ngọt" để miêu tả, vừa dịu dàng lại vừa ngọt ngào, đẹp như viên ngọc quý được hun đúc từ thiên nhiên. Mắt Người đẹp mà linh hồn Người cũng đẹp, ví với "trăm phiến đá chân tu", Nguyên Sa đã sáng tạo nên một cấu tứ mới của từ, đá chân tu phải chăng là những phiên đá nơi đền thờ, hàng thập kỷ vẫn ở đó cùng thần linh, tinh khiết chẳng nhiễm bụi trần thế. Từ dáng hình đến linh hồn, Người đều mang một vẻ đẹp hoài cổ, bi tráng mà tĩnh lặng của trời thu, với mây trắng lênh đênh vào những ngày trời thu đương ngả chiều. Người ta đều nói thiên nhiên ban ân cho con người, chẳng có ai có thể thay đổi quy luật bốn mùa luân chuyển. Nhưng ở thơ Nguyên Sa, con người là trung tâm của tạo hóa, và ở đây Người lại là thánh thần đem đến "trọn một mùa thu" cho "Tôi" , một suy nghĩ táo bạo, một cuộc cách tân mới mẻ. "Là gió trăm cây hay là cồn nước đọng
Người không cười mà hoa cỏ gói trong tay
Đường áo màu viền trắng cổ thơ ngây
Màu sắc thời gian người thu tròn giữa áo"Người là tất cả những gì đẹp đẽ hiện hữu trên đời. Người là gió thổi qua muôn cánh rừng, người là nước hồ xanh đọng lại nước mát trong. Người được ví von như hoa như đất, như thiên nhiên thảo mộc, Người chưa cười mà đã ôm lấy hết vẻ đẹp hoa cỏ đất trời. Nguyên Sa còn tinh tế miêu tả trang phục của người, trong các câu ca dao, thành ngữ, cách ăn mặc của người con gái cũng cần chỉn chu và đẹp đẽ. "Người đẹp vì lụa" cũng từ ý đấy mà nên. Với bài "Đẹp", chủ thể của bài thơ được vẽ nên từ những nét bút mềm mại và khéo léo nhất, tỉ mỉ và cẩn trọng nhất. Bởi thế, ngay cả chiếc áo màu cũng được điểm thêm viền cổ trắng ngây thơ, kín đáo. Ngay cả từ ngữ cũng được nâng niu chắt lọc cặn kẽ. "Màu sắc thời gian"- từ ngữ được dùng rất độc đáo, thời gian là thứ vô hình so với cái hữu hình là màu sắc, gợi tả được độ phai nhạt của màu áo theo thời gian. Ấy thế mà, đó là màu đẹp trong mắt Nguyên Sa, màu áo của sự giản dị, đơn giản tinh khôi mà đằm thắm bí ẩn. Đọc bài thơ "Đẹp" của Nguyên Sa như ngậm nhạc trong miệng, vì câu từ dịu dàng và kéo người ta vào cõi tiên mộng mị để mơ đến hình bóng giai nhân. Bao xúc cảm lâng lâng mà mát lành như suối nguồn chảy nơi tim, với nỗi buồn thấp thoáng ghé hơi thở. Thế nên ở ba khổ cuối của bài, khi nỗi buồn đã tràn đầy cả xác thơ, thì cái bi và cái đẹp vẫn luôn song hành và đồng điệu trong thơ ông. Nó chẳng còn là suối nguồn xoa dịu trái tim, mà là suối nguồn réo lên những âm thanh thổn thức nơi đáy lòng. Bóng nhỏ xa đi trên lá vàng cổ đạo Bước chân chìm theo mỗi phím đàn khuya Tay trần gian tôi đếm ngón so le Đã có phút âu lo đường về dương thếVì Người là sao trên trời, chỉ có thể thấy khi Thượng đế gửi tặng. Thế nên thấy được dáng hình người trong giây lát, "Tôi" đã thỏa đi bao nỗi nhớ thương. Bóng người nhỏ nhắn dạo bước đi trên lá vàng của con đường xưa mang dấu ấn hoài cổ, trang nghiêm, rêu phong. Mỗi bước chân như chìm theo mỗi phím đàn khuya của gã tình si đang cất lên bản nhạc của yêu thương, rạo rực, choáng ngợp. Người đến cùng tiếng đàn và cũng nương theo tiếng đàn mà rời khỏi nơi tôi "mộng tưởng". "Tôi" bắt đầu lo lắng về quãng thời gian ít ỏi còn sót lại, thời gian trôi nhanh qua kẽ tay, người trần mắt thịt như "Tôi" làm sao giữ được "Người" ở lại. Vì tôi vẫn còn đó thế giới hiện thực, thế giới mà tôi thuộc về chứ không thuộc về tôi. Thế giới của tôi phải có Người, với vẻ đẹp thánh thiện khiến tôi mê luyến. Vì thế khi biết con đường trở về dương thế ngày một gần, "tôi" ích kỷ mang theo chút lo âu. Người về đâu mà lầu đài hoang phế Mang dáng người trên mỗi nấm bia phai Trăm vạn đường mây xê dịch chân trời Theo tiếng nhặt khoan của từng nhịp bước "Tôi" chỉ biết đứng lặng nhìn dáng người. Lại một lần nữa, tôi hỏi "Người về đâu", lối kết mở điệp cấu trúc cung ứng nhau. Nếu khổ thứ tư người về với thế giới của riêng tôi theo tiếng đàn, thì bây giờ Người lại về với thế giới của Người. Thế giới rêu phong phủ kín với hoài cổ, với những vết tích hoang tàn "lầu đài" "bia phai" nhuốm màu thời gian. Với những luồng mây nhướn mình nhường chỗ đón Người, từng bước khoan thai, Người dần rời xa tầm mắt "tôi" dõi theo. Ừ thì, Nguyên Sa đang nói đến cõi chết, nhưng dùng những từ ngữ thơ mộng để tiếp cận bạn đọc. Không là những từ ngữ ghê rợn, nghe ớn lạnh tận xương tủy, ngược lại là những từ ngữ cổ kính trang nghiêm với vần điệu nhẹ nhàng chậm rãi. Nó gợi cho người ta trăm nỗi sầu, mà nỗi sầu đó lắng đọng dần dần dưới đáy sông, sau đó phân hủy thành lớp thổ nhưỡng trong hồn thơ của Nguyên Sa. Dù về đâu tôi xin đừng chậm gót Để làm gì cho mỏi mắt trần gian Có bao giờ tôi sẽ phải làm quen Lời ngỏ ý sẽ là kinh cầu nguyện...
Gót sen hãy cứ bước, đừng để cho bao ánh mắt trần gian ngưỡng vọng đến mỏi mệt. Những ánh mắt của kẻ trần tục thèm khát bóng dáng nàng.
Dẫu đến khi Người chỉ là "sương khói mờ nhân ảnh", dẫu cho "tôi" có luyến lưu bóng dáng Người. Nhưng lòng ích kỷ đó, "tôi" xin giữ riêng cho mình, vì đó là cõi riêng của nàng, mà "Tôi" không thể vì sự ích kỷ nhỏ nhen của mình mà làm phiền đến chốn non nước ấy. Bởi thế Nguyên Sa đã nâng tín ngưỡng tình yêu của nhân loại lên bởi sự bao dung, cảm thông và thấu hiểu, thay vì là điên cuồng chiếm hữu tình yêu. Từ xưa đến nay nhắc tình yêu và tôn giáo. Người ta vẫn thấy nhiều mối tình trắc trở vì tôn giáo. Thế nhưng với Nguyên Sa, tình yêu đã trở thành tôn giáo và tín ngưỡng. Tình yêu đã mang tầm vóc lớn lao của đại dương nhân loại. Ở tình yêu đó, con người biết hết khổ đau nhưng vẫn chung thủy, vẫn hướng đến cái thiện, luôn mở rộng lòng bao dung và cắt đi những vị kỷ nhỏ nhen trong mình. Bởi thế, nhân vật tôi buông ra một câu hỏi, "có bao giờ tôi sẽ phải làm quen", đó là sự nhận thức rõ về đoạn tình cảm mà Người chẳng thể hồi đáp ở cõi thiên thai vô tận. "Tôi" phải làm quen với điều đó, nhưng trái tim "Tôi" thì vẫn sẽ cứ yêu thôi. Vẫn là trái tim nóng đập loạn nơi thân xác, ôm lấy đóa hồng tình yêu gai góc để máu rỏ nơi xương thịt, để yêu Người đến mức tôn thờ. Trái tim luôn có những quy luật mà lý trí không thể hiểu được, vì thế "Tôi" yêu người theo cách của riêng "Tôi". "Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai cũng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi" Tự hát- Xuân Quỳnh. Tôi yêu người, lời tình tự của trái tim khiến tôi muốn thốt lên cho Người biết. Thế thì, kinh cầu nguyện sẽ hóa thành bài thơ, bài thánh ca sẽ hóa thành lời tự tình, tôi gửi đó đến thánh thần và đức tin trong lòng "Tôi" . Hướng về Người như con chiên ngoan đạo. Đưa tôn giáo vào thơ được coi là sự táo bạo, biến lời ngỏ ý thành lời nguyện cầu kinh thánh càng khiến người khác phải choáng ngợp trước sự mới mẻ của Nguyên Sa. Nhưng cũng khiến người đọc phải thảng thốt trước một trái tim nóng bỏng tôn tình yêu làm tôn giáo của tín ngưỡng đáng thờ tự. Khi cả bài thơ rung lên những vần điệu mà người ta phải rùng mình vì như lời viết cho tinh linh, quỷ yêu. Thì thơ Nguyên Sa vẫn chẳng thoát li khỏi cuộc đời và thế giới thực thụ. Đó là một trái tim biết yêu thương, biết nhớ, biết đau, nhưng cũng biết buông bỏ cố chấp và cũng biết biến nỗi đau thành chất dưỡng nuôi tâm hồn. Biến dáng hình không thực thành một tín ngưỡng để tôn thờ và để sống với trái tim rộng lớn chẳng nhen lửa đố kỵ hay chiếm hữu."Đẹp" có thần và có hồn, Nguyên Sa như một tay phù thủy lão luyện phù phép lên những xác chữ, biến chúng trở nên có thần thức và lôi được người đọc vào cõi mộng cõi mơ. Sự liên tưởng độc đáo, cấu tứ hình ảnh với những câu thơ giàu sức gợi, giàu cảm tính mà chỉ riêng Nguyên Sa mới có: nếp trán ưu tư, những ngón tay dài ướp trọn mấy mùa thu, nét mắt buồn le lói thoáng bơ vơ, tóc ẩm hương xưa, rừng ngọc bích, phiến đá chân tu, lá vàng cổ đạo…Sa theo nghĩa Hán- Việt dùng để nói đến thứ lụa đẹp, mỏng mịn. Người mang cái tên ấy cũng là người nho nhã, dịu dàng và có một tâm hồn đáng quý. Phải chăng vì thế, mà lối thơ của Nguyên Sa bao giờ cũng có âm điệu dịu dàng, nhẹ nhàng, đặc biệt là bao giờ cũng đẹp. Bài "Đẹp" chín đỏ vị nghệ thuật, khiến người đọc phải thổn thức mà thốt lên:" Đúng là đẹp, đẹp từng câu, từng từ".Nguyên Sa đã gửi cho chúng ta một ánh trăng nơi tiên cảnh, một tiếng đàn nơi thiên thai, một chén rượu nồng say mơ màng ranh giới giữa thực và hư. Bài "Đẹp" có chứa cái bi và man mác nỗi buồn mơn man máu thịt, nhưng cũng chứa cái đẹp của trái tim yêu rất thật và rất nồng. Ranh giới hư thực trong thơ, khi cái bi nằm lẫn trong cái đẹp, khi tình yêu lẫn cả khổ đau, thì Nguyên Sa vẫn chọn trở về với thực tại thay vì nhốt mình ở thế giới chỉ có niềm vui và tình yêu thỏa mãn trái tim mình. Đây là một bài thơ tình có sự cách tân và đủ sức lay động trái tim của đọc giả. Và bài thơ "Đẹp" đã chứng minh đúng cho cách nhìn của Khánh Phượng về thơ Nguyên Sa. "Hành trình thơ Nguyên Sa là hành trình tự nhiên của con người kiếm tìm tình yêu và chân lý của cái đẹp cũng như của cuộc đời, chân lý như một khát vọng không bao giờ đứng lại, chứ không phải một nội dung nhất định. Sống giữa cuộc đời hệ luỵ, mệt nhọc, bị tước đoạt dần những thụ cảm tự nhiên, bình thường vốn dĩ, trong lòng một dân tộc đau khổ, bất hạnh, với những bi kịch mù loà, Nguyên Sa là một nhà thơ đắm đuối và lòng với thi ca như với cuộc đời, để đi qua cuộc đời, cất trọn chén sống một cách an nhiên, đường hoàng và can đảm."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com