TruyenHHH.com

Van Hoc Nghe Thuat


•ĐẤT NƯỚC:
•9 câu đầu + chất liệu văn hóa, văn học dân gian.

"Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết nằm ở giá trị tư tưởng của nó". Câu nói hiển nhiên như một chân lý không thể phủ nhận. Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cốt ở một tư tưởng mới mẻ, độc đáo chứ không phải những tư tưởng được viết ra dưới ánh sáng của một khuôn mẫu nào đó. Một nhà văn tầm cỡ phải có những phát hiện riêng của mình về chân lý đời sống, có những triết lý riêng của mình về nhân sinh và Nguyễn Khoa Điềm với đoạn trích Đất Nước là một minh chứng điển hình. Với đoạn trích thi nhân đã để lại trong dòng chảy văn học Việt những trang thơ đầy xúc động và ám ảnh về quê hương đất nước, đặc biệt là qua phương diện chiều sâu văn hóa lịch sử trong 9 câu thơ đầu từ đó ta thấy được chất liệu văn hóa, văn học dân gian mà nhà thơ muốn thể hiện.

Nguyễn Khoa Điềm là một gương mặt tiêu biểu trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã ghi dấu ấn riêng để trở thành nhà thơ có đóng góp quan trọng cho thành tựu thơ ca chống Mỹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự kết tinh giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước con người Việt Nam. Thơ ông tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính luận. Đoạn trích Đất nước nằm phần đầu chương 5 của "Trường ca Mặt đường khát vọng" - được viết ở chiến khu Trị Thiên năm 1971. Chương thơ thể hiện sự cảm nhận của tác giả về đất nước qua các phương diện: lịch sử, địa lý, chiều sâu văn hóa.

Xuân Diệu đã rất đúng khi cho rằng: "Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy tâm hồn trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc càng cá thể càng độc đáo càng hay". Bắt nguồn từ những điều giản dị, thiêng liêng gắn bó với đời sống tâm hồn người dân, cội nguồn "Đất Nước" đã in dấu vào lòng người đọc một cách thật sâu sắc và độc đáo:

"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc "

Với câu thơ đầu tiên tác giả không xưng "tôi" mà xưng "ta": vừa là nhân vật trữ tình vừa là mỗi chúng ta những con người Việt. Câu thơ mở đầu được viết như thể khẳng định một chân lý ai cũng biết: Đất nước đã có từ rất lâu từ trước khi ta sinh ra và đó là lời khẳng định về sự trường tồn của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Hai câu thơ tiếp theo Nguyễn Khoa Điềm và diễn tả cụ thể về sự ra đời của đất nước:

"Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn"

Đất Nước hiện hình trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể cho ta nghe mỗi đêm khuya thời thơ ấu. Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" mang điệu hồn về những câu chuyện cổ tích huyền thoại đưa ta về một thuở rất xa khi đất nước mới sơ khai. Câu truyện cổ tích là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng tâm hồn ta giúp ta yêu cái đẹp, cái thiện căm ghét, tránh xa cái ác, cái xấu. Ý nghĩa về những câu chuyện cổ tích trong đời sống tâm hồn người Việt cũng được nhắc đến trong thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ:

"Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm"

Với Nguyễn Khoa Điềm Đất nước còn có trong "miếng trầu bây giờ bà ăn" câu thơ diễn tả được một chân lý: một Đất Nước dù lớn lao đến đâu cũng bắt đầu từ những cái nhỏ nhoi, bình dị và vô số cái nhỏ nhoi, bình dị ấy sẽ làm nên cái lớn lao và thiêng liêng. Ẩn trong miếng trầu kia là cả bề dày lịch sử: Ăn trầu, mời trầu vốn là một tập tục cổ truyền, một thuần phong mỹ tục của người Việt Nam: "miếng trầu là đầu câu chuyện". Bên cạnh đó miếng trầu còn gợi cho ta nhắc về sự tích "trầu cau" như một chuyện thể hiện tình cảm anh em thắm thiết, tình nghĩa vợ chồng thủy chung:

"Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người" (Lâm Thị Mỹ Dạ)

Bàn về vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, Mác-xen Prút từng nói: "Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập". Qua cách cảm của bản thân, mỗi người nghệ sĩ đã tạo lập trong tác phẩm của mình một thế giới quan khác nhau. Và chỉ khi đến với Nguyễn Khoa Điềm ta mới nhận ra được thế giới đó gần gũi và thân thuộc biết bao. Đó là Đất Nước trong câu truyện ngày xửa ngày xưa, là Đất Nước trong miếng trầu của bà và là một Đất Nước lớn lên trong truyền thống trồng tre đánh giặc:

"Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

Câu thơ trên như gợi nhắc về hình ảnh người anh hùng làng Gióng nhổ tre giết giặc. Và cũng gợi nhắc về hình ảnh của một dân tộc kiên cường, anh dũng với bao kì tích. Hai chữ "lớn lên" được sử dụng đầy ý nghĩa nó đã hữu hình hóa quá trình trưởng thành của đất nước: Đất nước lớn lên trong truyền thống anh hùng trồng tre đánh giặc là đất nước trưởng thành, mạnh mẽ, vững chắc hiên ngang, bản lĩnh trong chính khói lửa của những cuộc chiến tranh khốc liệt.

Câu thơ tiếp theo Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục cho ta thấy được cách nhìn rất riêng về đất nước trong phong tục tập quán:

"Tóc mẹ thì bởi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng".

Tóc bới sau đầu là một tập tục cổ truyền của người phụ nữ Việt. Thói quen giản dị ấy đã tạo thành một nét sinh hoạt văn hóa mang đến trong đó bản sắc riêng của dân tộc qua thời gian. Định nghĩa về Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm cũng không quên cảm nhận đất nước bằng những hình ảnh quen thuộc:

"Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

Mang theo hơi thở tâm tình của ca dao "Gừng cay muối mặn" thể hiện được tình cảm bền chặt gắn bó thủy chung trong lối sống dân tộc. Đó là cơ sở cho cuộc hôn nhân bền chặt, vững kết. Cuối cùng đất nước được cảm nhận qua hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống ngày thường "cái kèo, cái cột, hạt gạo" tuy là những hình ảnh nhỏ bé nhưng lại là những sản phẩm văn hóa của một nền văn minh nông nghiệp. Đồng thời trong những sự vật nhỏ bé bình dị ấy lại mang những giá trị vĩnh hằng, đó là phẩm cách truyền thống của người Việt: Chịu thương, chịu khó, cẩn trọng, tài hoa và khéo léo. Như vậy Đất Nước đã có từ một lịch sử rất lâu rồi đất nước được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận qua những gì đơn sơ bình dị chứ không phải những gì vĩ đại, lớn lao.

"Những sợi ngang dọc dệt nên hình tượng thơ Nguyễn Khoa Điềm đều óng ánh một màu sắc đặc biệt của chất liệu văn hóa dân gian". Trong 9 dòng thơ đầu này Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng một cách phong phú, khai thác một cách có hiệu quả lớp trầm tích của văn hóa văn học dân gian. Từ những sinh hoạt, văn hóa truyền thống, những tập tục ăn trầu, phong tục bới tóc sau đầu cho đến những sản vật văn hóa của một nền văn minh lúa nước đều được tác giả khai thác và vận dụng. Không chỉ có chất liệu văn hóa dân gian mà Nguyễn Khoa Điềm còn sử dụng phong phú những thể loại văn học dân gian từ những truyện kể dân gian với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết. Tất cả thi ảnh rất quen thuộc ấy đều được đánh thức để tạo nên vầng sáng lung linh cho hình ảnh thơ Nguyễn Khoa Điềm.

"Thơ ca Nguyễn Khoa Điềm chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian. Câu thơ dù ở thể thơ truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị của ca dao, tục ngữ" Không chỉ vận dụng phong phú Nguyễn Khoa Điềm còn vận dụng một cách linh hoạt tài tình và có hiệu quả chất liệu của văn hóa văn học dân gian. Rất ít khi Nguyễn Khoa Điềm sử dụng trực tiếp trích dẫn nguyên văn mà thường nhào nặn, tái tạo và biến tấu, khi thì sử dụng một hình ảnh, lúc thì khai thác một chi tiết, khi thì vận dụng về phương diện nội dung, lúc lại học tập về phương diện nghệ thuật. Bởi thế nên bằng chất liệu văn hóa văn học dân gian Nguyễn Khoa Điềm đã tái tạo và sáng tạo nên một thế giới hình ảnh thơ của chính mình và điều quan trọng là những hình ảnh thơ ấy đã giúp nhà thơ gửi đến người đọc những cảm nhận sâu sắc về đất nước, một đất nước anh hùng trong chiều dài lịch sử, nghĩa tình thủy chung trong lối sống, có bản sắc trong văn hóa và cần cù, chịu khó, khéo léo, tinh tế trong lao động sản xuất.

Sóng Hồng từng nói: "Thơ là viên kim cương sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời". Và chương thơ Đất Nước chính là một viên kim cương sáng lấp lánh giữa dòng chảy của văn học về đề tài đất nước. Bằng cách cảm nhận của mình về đất nước Nguyễn Khoa Điềm đã cho ta thấy được một định nghĩa với rất mới và rất riêng về Đất Nước. Đó là một Đất Nước bình dị gần gũi nhưng thiêng liêng và lớn lao, qua đó ta rút ra được chất liệu văn hóa, văn học dân gian.

===================================
Góp ý nhè nhẹ. Đừng phê phán quá nhé, chủ thớt sẽ buồn lắm 😥

Mình đã hoàn thành những đoạn trọng tâm bài Đất Nước rồi ạ. Mọi người có muốn mình up lên không?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com