TruyenHHH.com

Van 12

Anh sẽ đưa em về miền Tây Bắc
Nơi bạt ngàn rừng thẳm tiếp trời xanh
Nơi chim chóc chuyền cành kêu ríu rít
Hoa rừng thơm, bên suối mát ngọt lành.
 Về Tây Bắc cùng em leo dốc núi
Chiều chợ Phiên màu thổ cẩm lượt là
Cô gái Dao miệng cười duyên bên suối
 Đêm chợ tình sơn nữ đẹp như hoa.

("Tây Bắc Hành" - Trần Đức Phổ) 

Quả không sai khi nói rằng Tây Bắc là chiếc nôi đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao hạt mầm văn nghệ, gió lạnh và hoa ban Tây Bắc đã gửi gắm một chút gì đó rất tình, rất thơ cho những người nghệ sĩ văn nhân mượn cánh sáo bay mà góp thành trang viết. Nói đến Tây Bắc, ta không thể không nhắc đến nhà văn Tô Hoài, một nhà văn mà trong từng hơi thở của ông, linh hồn đất nước và tâm hồn người nghệ sĩ như hoà vào làm một. Tô Hoài say đắm trong cảnh núi non Tây Bắc, mê mải trong ánh mắt và đặm chiêu với những mảnh đời xô lệch nơi này. Những điều ấy thôi thúc ông sống và viết, viết về đất và người Tây Bắc bằng tất cả tình yêu và niềm trân trọng. Nổi bật trong số những tác phẩm của mình, Tô Hoài đã thực sự thành công khi hoàn thành tập "Truyện Tây Bắc" mà tiêu biểu trong đó là tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" sáng tác năm 1952, là thành quả của chuyến đi thực tế kéo dài tám tháng ở Tây Bắc. Dưới ngòi bút tài hoa của ông, hình tượng nhân vật Mị với sức sống tiềm tàng trong đêm tình mùa xuân/đêm mùa đông giải cứu cho A Phủ đã được thể hiện vô cùng sâu sắc, tái hiện lại cảnh sống và sức mạnh của con người dẫu trong cảnh cùng cực, tối tăm.

1. Hình tượng nhân vật Mị 

Chẳng có gì vô lí khi nói rằng nhìn từ nhân vật và cốt truyện, "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài có dáng dấp 1 "cổ tích đời mới". Mị và A Phủ dường như bước thẳng vào văn học hiện đại từ những truyện cổ miền núi. Nếu Mị thuộc kiểu nhân vật cô gái nghèo thì A Phủ thuộc kiểu nhân vật mồ côi. 

Trong những tác phẩm dân gian thì hình tượng kiểu nhân vật này thường được xây dựng theo 1 cấu trúc nghịch lí: Những cô gái nghèo xinh đẹp, giỏi giang, nết na nhưng thiếu mỗi hạnh phúc. Nhưng ở tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", Mị có tất cả rồi không có gì cả. Trong "Vợ chồng A Phủ" thì không có 1 ông bụt, bà tiên nào cả mà họ cứu lấy chính mình. Họ tự đổi đời và giành lấy sự sống. Vì vậy, tác phẩm có mô-típ vừa mới mẻ hiện đại nhưng cũng đậm chất truyền thống. 

a. Lai lịch xuất thân 

- Mị sinh ra từ cửa con nhà nghèo, mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình Mị nghèo từ trong "trứng nước" vì hàng năm phải làm 1 nương ngô để trả nợ cho nhà thống lí Pá Tra vì khi bố mẹ Mị cưới nhau đã vay của nhà Pá Tra. 

- Năm nay qua năm khác, lãi mẹ đẻ lãi con, đến lúc Mị 18 tuổi mà nợ nhà thống lí vẫn chưa trả xong. 

b. Ngoại hình, tính cách 

- Mị là cô gái Hmông xinh đẹp, thùy mị, nết na, hiếu hạnh và yêu đời, hồn nhiên và vui sống.

 - Ở tuổi đôi mươi, Mị đẹp như bông hoa ban, hoa đào ở núi rừng Tây Bắc, Mị đã làm xiêu lòng biết bao chàng trai Mông: "Trai làng đến nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị nằm". 

- Mị thổi kèn lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu chàng trai ngày đêm say mê đi theo tiếng sáo của Mị.

 - Nhà Mị nghèo chỉ có 1 chiếc váy do mẹ để lại nhưng mỗi khi xuân về, Tết đến Mị cùng trai gái trong bản làng thổi sáo, đánh pao và hò hẹn. Tâm hồn Mị rất nhạy cảm, dễ rung động trước cái đẹp của thiên nhiên nơi núi rừng, bản làng của tình yêu, tình người đang nảy nở.

 → Mị có đủ phẩm chất để đáng được hưởng 1 cuộc sống hạnh phúc, tình yêu đang ngập tràn trong tâm hồn Mị và tràn ngập trong khát vọng ước mơ. Mị cũng có 1 tình yêu, 1 người yêu, có ngón tay đeo nhẫn với ước hẹn tình duyên. Tâm hồn người thiếu nữ tài hoa, xinh đẹp ấy đang rộng mở để đón nhận những hương hoa của cuộc đời.

c. Mị với thân phận "Con dâu gạt nợ"-Hiện thân cho những đau khổ của người dân miền núi 

Tô Hoài là nhà văn đã từng có sự gắn bó sâu sắc với đất và con người Tây Bắc, ông đã từng phải thốt lên rằng: "Đất và người Tây Bắc đã để thương để nhớ trong tôi nhiều quá". Chính bởi nỗi niềm đó, ông đã dành riêng một tập truyện viết về núi rừng Tây Bắc đó là tập "Truyện Tây Bắc". "Vợ chồng A phủ" là một trong những câu chuyện được rút trong tập đó. Có thể nói tình yêu thương Tây Bắc được Tô Hoài gửi trọn vẹn trong nhân vật Mị. Có lẽ yêu tây bắc như thế nào thì Tô hoài cũng gửi gắm tình yêu vào nhân vật Mị nhiều như thế đó. Tuy nhiên, cuộc đời Mị không theo ý muốn của cô, cô không thể tự quyết định cuộc đời của mình được. Mị đã phải bước chân về nhà Thống lý Pá Tra để làm dâu trừ nợ, sống cuộc đời với thân phận cay đắng, tủi hờn.

* Mị hiện thân cho những đau khổ về thể xác
- Mị bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn:
+ Mị trở thành con dâu gạt nợ vì phải trả món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ để lại, Mị đã lớn mà nợ vẫn chưa trả xong.
+ Mị trở thành người nô lệ trong nhà thống lí từ khi về làm dâu, Mị trở thành công cụ lao động biết nói mà không dám nói, bị hành hạ, bị tước hết mọi quyền sống, làm việc mọi lúc, mọi nơi: Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ cũi hay cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng củi mặt, mặt buồn rười rượi.
+ Mị bị bóc lột sức lao động đến tận cùng, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng phải làm đi làm lại những việc giống nhau và không được nghỉ ngơi: "Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp...".
+ Mị trên danh nghĩa là 1 con dâu nhưng thực chất là 1 người nô lệ, thậm chí không bằng con trâu, con ngựa nhà thống lí Pá Tra: "Con ngựa, con trâu làm còn có lúc đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào làm cả ngày lẫn đêm". 

→ Phác họa chân dụng Mị, Tô Hoài cũng không dùng nhiều lắm chi tiết mà chỉ dùng 1 vài đường nét để khắc đậm dáng vẻ lầm lũi, lam lũ của Mị. Nhà triết học Mĩ Hê-ghen đã từng nói: Sự "vật hóa" là hình thức để hạ thấp con người. Sự miêu tả ấy đã lột tả được đến tận cùng nỗi khổ của Mị. 

- Mị bị đánh đập hết sức dã man:
 + Ngày Tết, Mị không được đi chơi, bị A Sử trói đứng vào cột trong buồng tối, A Sử trói Mị bằng cả thúng dây đay, A Sử trói luôn cả tóc Mị, đóng sầm cửa và bỏ đi chơi.
+ Khi thức cả đêm để thoa thuốc cho A Sử, vì mệt quá nên ngủ thiếp đi, Mị bị A Sử đạp thẳng vào mặt.
+ Những đêm mùa đông trên Hồng Ngài rất dài và lạnh, mỗi đêm Mị phải trở dậy sớm để thổi lửa sưởi ấm, lúc đó A Sử đi chơi về liền đánh Mị ngã xuống bếp.

 * Mị hiện thân cho những đau khổ về tinh thần
- Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, Mị đã mất hết ý thức của sự phản kháng, sống cam chịu, nhẫn nhục, những việc Mị làm là hành động theo thói quen chứ không phải là ý thức.

- Tác giả cắt nghĩa: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" để minh giải tình trạng bị đày đoạ đến mức bị tê liệt về tinh thần và dẫn tới tiếng thở dài buông xuôi phó mặc cho hoàn cảnh: "Bây giờ thì Mì tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi". Ở lâu trong cái khổ nên Mị cũng không cảm nhận được nỗi khổ của chính mình, thân xác héo hon, tinh thần tàn lụi.

- Căn buồng Mị nằm như 1 địa ngục trần gian: "Ở buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi". Sống trong cái ngục tù ấy, Mị không còn ý niệm về thời gian, vô thức về không gian, ý nghĩa của sự sống cũng bị thủ tiêu. Căn buống ấy chính là địa ngục nơi trần gian giam hãm tình yêu, tuổi thanh xuân và cuộc đời của Mị. Mị bị bóp nghẹt hết ước mơ, hi vọng, hiện tại bây giờ của Mị là 1 màu trăng trắng, không biết sương hay là nắng, là màu của 1 thứ hoàng hôn buồn tẻ, tê tái, tuyệt vọng. 

- Mị bị bắt về nhà thống lí Pá Tra theo tập tục cúng trình ma và bị trói chặt cuộc đời ở đây, bị vùi dập bởi sức mạnh của "thần quyền và cường quyền". Mị nghĩ mình đã cũng trình mà nhà thống lí thì chỉ có chế rũ xương ở đây mà thôi, Mị cũng đã nghĩ tới việc ăn lá ngón để tự tử nhưng cũng không đành vì chết tức là chạy trốn với nhà thống lí Pá Tra. Đây là lần đầu tiên ngòi bút của Tô Hoài lách sâu vào cái tâm lí phức tạp của người nữ giới trong Mị. Nhìn bề ngoài, tự tử là 1 hành vi tiêu cực, chán đời, chán sống nhưng thực chất lại là biểu hiện của lòng yêu đời, ham sống và sự thức tỉnh. Nó cho thấy sự lựa chọn cực đoan của Mị: Thà được chết như 1 con người còn hơn phải sống như 1 con vật.

→ Nếu như trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, chị Dậu đã bị bần cùng hóa, Chí Phèo của Nam Cao bị "tha hóa và lưu manh hóa" là điển hình về bi kịch của người nông dân làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám thì Mị lại chịu nỗi thống khổ vì bị "nô lệ hóa", bị sức mạnh vô hình và hữu hình của chế độ miền núi hủy diệt sức xuân và sức sống. Mị giờ đây giống như 1 công cụ lao động biết nói mà không dám nói, nhẫn nhục và cam chịu. 

d. Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị: Sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng về hạnh phúc và tình yêu của Mị. (Qua 4 lần thức tỉnh) 

Mị là linh hồn của tác phẩm, nơi tập trung nhiều nhất tinh lực của ngòi bút tác giả. Nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực đã được Tô Hoài tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt. Mị nhẫn nhục, cam chịu đến bạc nhược nhưng mặt khác kiên gan, quyết liệt đến bướng bỉnh. Mị giống như 1 rừng cây héo úa, tàn lụi nhưng sâu bên trong mao mạch của thân nhựa vẫn chảy thầm. Song, oái oăm hơn cả vẫn là nghịch lí: Những khi thèm sống nhất Mị lại nghĩ đến cái chết còn khi Mị không nghĩ đến cái chết là lúc Mị chán sống cơ cực. Cấu trúc nghịch lí này với những chuyển hóa tinh vi của nó chính là logic độc đáo của tính cách Mị.

 * Sức sống tiềm tàng khi Mị còn ở nhà (lần 1) 
Khi Mị lớn Pá Tra có ý muốn bố Mị gả cho nhà thống lí thì Mị đã nói với bố: "Con đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu". Đây là phản ứng đầu tiên thể hiện sự phản kháng, không đồng tình khi phải làm dâu gạt nợ cho nhà giàu. 

* Sức sống tiềm tàng khi Mị làm dâu (lần 2)
- Mị bắt về lấy A Sử chứ không có tình yêu với A Sử nên có đến hàng tháng đêm nào Mị cũng khóc, Mị trốn về nhà, mắt đỏ hoe, thụp xuống quỳ lạy trước mặt bố.

- Mị bắt về làm dâu, sống 1 kiếp người nhưng thực chất thân phận làm trâu ngựa nên Mị đã định ăn lá ngón tự tử, Mị muốn sống như 1 con người nhưng vì thương bố mẹ nên Mị không đành.

- Mị không ăn lá ngón để tự tử vì Mị chết thì món nợ vẫn còn đó và bố Mị sẽ khổ hơn nên ngay lập tức ý thức phản kháng của Mị đã bị bẻ gãy. Mị buôn nắm lá ngón và quay về nhà thống lí để tiếp tục sống kiếp trâu ngựa bị đọa đày. 

- Mị không ăn lá ngón tự tử, sự lựa chọn của Mị cũng giống như sự lựa chọn của Thúy Kiều cách đây 200 năm về trước. Mị sống như cái xác không hồn, sống trong lặng câm, sống như cái bóng, như con rùa nuôi trong xó cửa. 

* Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân (lần 3)
Nếu có 1 hoàn cảnh làm tê liệt sức sống của Mị thì cũng có 1 hoàn cảnh phục sinh của Mị. Ta tưởng chừng như sức mạnh của cường quyền, cái bóng ma của thần quyền sẽ cấm đoán và giam hãm, bóp nghẹt mọi niềm tự tin, triệt tiêu tinh thần phản kháng, lòng ham sống trong Mị. Căn buồng Mị nằm là địa ngục trần gian, là cái nhà mồ chôn sống tuổi thanh xuân của Mị. Sống trong những tháng ngày đó, không biết vô tình hay cố ý mà ngòi bút Tô Hoài đã phát hiện ra một quy luật: Khi niềm thiết tha với cuộc sống mất đi nó cũng cuốn theo cả 1 phần nữ tính. Mị vừa có cái gì đó chết mòn, chết mỏi nhưng cũng vừa có cái gì đó không chị chết hẳn. Khát vọng sống trong Mị không bao giờ chết hẳn. Nó vẫn âm ỉ cháy đâu đó đằng sau cái dáng hình lầm lũi, câm lặng. Ngọn lửa ấy nếu gặp ngọn gió lành tất sẽ bùng lên. Và nó đã bùng lên mãnh liệt khi mùa xuân đến ở Hồng Ngài.

 - Những yếu tố về ngoại cảnh
+ Lí do đầu tiên làm bùng lên khát vọng sống của Mị đó là bức tranh thiên nhiên rừng núi Tây Bắc vào xuân với sức xuân tràn trề, sắc xuân tươi tắn. Nhà văn thật khéo léo khi đặt nhân vật của mình vào 1 không gian, thời gian đặc biệt "nhạy cảm" đối với lòng người.
+ "Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội". Tất cả tươi vui, có ánh sáng, đầy sức sống, đối lập với không gian sống của Mị.
+"Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ..". Tất cả đang phấn chấn, náo nức.
+ "Đám trẻ đợi Tết, chơi quay cười ầm trước sân nhà"
+ "Ngoài đầu núi lấp ló có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi". Tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng, chi tiết này trở đi, trở lại như 1 ám ảnh, vương vấn, mời gọi, khơi gợi kí ức và khát vọng tình yêu, khát vọng sống trong Mị. 

- Diễn biến tâm lí của nhân vật Mị
Ở nhân vật Mị có 2 mặt dường như đối lập nhưng lại thống nhất với nhau trong 1 tính cách: Một mặt do bị áp bức quá nặng nề nên có lúc Mị như mất hết sức sống và cam chịu. Nhưng mặt khác, vẫn tiềm tàng ở Mị 1 sức sống, 1 sức sống chờ chực cơ hội để bộc phát. Sự cam chịu, nhẫn nhục là do hoàn cảnh tức thời còn sức sống tiềm tàng mới chính là bản chất thật của Mị.

Để làm nên sự "nổi loạn" của 1 trái tim Mị "đã hóa đá" phải cần tìm đến nhiều tác nhân khác nửa. Đó là lời hát, là tiếng sáo gọi bạn tình và cả men rượu đêm hội mùa xuân.
+ "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi". Sau bấy nhiêu năm sống trong đau đớn, nô lệ và tủi nhục, lần đầu tiên tiếng sáo ấy lại lên lỏi vào sâu thẳm trong tiềm thức đã tê liệt của Mị để đánh thức niềm yêu đời, khát khao sống của Mị khi ngoài kia sức sống đang ngập tràn, quá khứ của ngày xưa vang vọng ; về hối thúc Mị. Mị thèm lắm tiếng hát của 1 người con gái trẻ sau bao nhiêu năm giam hãm, tự trong sâu thẳm lòng Mị vẫn có 1 tiếng hát mà không có 1 thứ đòn roi, cường quyền nào có thể hủy diệt được. Bị vùi dập, chôn chặt bao năm tận đáy lòng thì nay tiếng hát ấy đang cựa mình thức dậy.
+ Hành động Mị uống rượu: "Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát". Cách Mị uống "ực" từng bát thì đây không còn là uống nữa mà Mị đang nuốt cay đắng, tủi nhục vào trong lòng. Cách uống của một kẻ phẫn đời, hận đời, phá phách. (Liên hệ cách Chí Phèo uống rượu; Hồ Xuân Hương trong bài thơ "Tự tình"). Mị uống rượu để quên đi thực tại phũ phàng nhưng càng uống Mị càng tủi hổ, bẽ bàng, đớn đau trước số phận oan nghiệt của thực tại. Men rượu đã đưa Mị từ cõi quên trở về với cõi nhớ, từ vô thức trở về với ý thức, Mị trẻ đẹp, ngày xưa mùa xuân Mị cũng uống ượu và thổi sáo, có biết bao nhiêu chàng trai ngày đêm say mê đi theo Mị.
+ Men rượu đã hòa với men đời với men say của tuổi trẻ làm dấy lên men tình, Mị nhớ về ngày trước, tuổi trẻ tươi đẹp đã làm cho Mị bừng lên sức sống. Mị còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi mà không được đi nên Mị nghĩ nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này thì ăn ngay cho chết chứ không buồn nhớ lại nữa. 

Khi ý thức của lòng ham sống trỗi dậy thì Mị muốn tìm đến cái chết - điều này phi lí nhưng trong logic tâm lí của Mị thì hợp lí vì ý thức sống không bằng chết, muốn chết để được giải thoát, chết để được sống với những phút giây của quá khứ tươi đẹp. Mị đang đi từ cõi thực vào cõi mơ và đang phục sinh trong cõi mơ rồi đi vào cõi thực. Quá khứ hiện về là đối chứng làm rõ hơn thực tại đau khổ của Mị, Mị nhận ra hoàn cảnh khốn cùng của mình, phẫn uất, chua xót cho số phận thì lập tức lòng ham sống trỗi dậy mạnh mẽ. Quá khứ rọi vào thực tại của Mị 1 cái nhìn bỏng rát, sắc nhọn, nó xé toang tất cả. Mị không thể ăn lá ngón, Mị không thể chết, nếu Mị chết là trốn chạy với thúc tại, Mị phải sống để tuyên chiến với kẻ thù.

+"Một lần nữa Mị nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường". Nghe tiếng sáo Mị nhớ lại quá khứ tươi đẹp ngày xưa của mình, Mị lại khát khao hạnh phúc trong hiện tai. Tiếng sáo cũng được Tô Hoài dụng công miêu tả 1 cách nghệ thuật từ xa đến gần, từ âm thanh lơ lửng ở ngoài đường sau đó đi vào nội tâm nhân vật, nó thổi bùng lên tình yêu, khát vọng sống của Mị. Tiếng sáo là tác nhân quan trọng nhất trong quá trình khơi dậy và thức tỉnh lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc của Mị. Tiếng sáo cũng là biểu tượng đẹp đẽ nhất của mùa xuân và tuổi trẻ, của tình yêu, hạnh phúc và lòng người.
+ Cuối cùng, Mị đến góc nhà, lấy mỡ bỏ thêm vào đèn cho sáng. Phải chăng Mị muốn thắp sáng lên quãng đời còn lại của mình, muốn xua tan đi cái đen tối của thực tại. Ánh sáng của đèn dầu hay tâm hòn Mị đang bừng sáng, hi vọng. Ánh sáng ngọn đèn dầu phải chăng là ánh sáng tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài. Mị quấn lại tóc, với lấy váy hoa, sửa soạn, chuẩn bị đi chơi. Ở đây, nhà văn Tô Hoài rất thành công khi lách sâu vào để miêu tả tâm lí phức tạp của người nữ giới, đó là có lẽ sau bao nhiêu năm bị đọa đày, sống cam chịu Mị cũng mất luôn bản năng làm đẹp, sửa soạn của 1 người phụ nữ nhưng nay lòng ham sống trỗi dậy thì nhu cầu làm đẹp, sửa soạn tưởng như đã chết trong Mị lại trở về trong cô gái héo mòn này. Khát khao giam cảm, giao lưu, nhu cầu sống trong Mị thực sự đã hồi sinh. Phần nữ tính đã trở về nguyên vẹn trong Mị, đây là điểm sâu sắc nhất của cuộc hồi sinh này. (Liên hệ với câu "Hương gượng đốt hồn đà mê mải/Gương gượng soi lệ lại châu chan" của người chinh phu trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn). Ngay lập tức ước muốn của Mị bị vùi dập một cách phũ phàng bởi hành động độc ác, tàn nhẫn của Mị là trói đứng Mị vào cột bằng cả thúng dây đay, tắt đèn, đóng sầm cửa rồi bỏ đi chơi.
+ Mị bị trói nhưng Mị không hề biết mình bị trói, Mị vẫn nghe tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. Cuộc nổi loạn của Mị ngay lập tức bị chặn đứng, lần này khủng khiếp hơn những lần trước nhưng khát vọng sống trong Mị không bao giờ tắt, nó tiềm tàng, chờ chực đâu đó rồi chờ ngày khởi phát. Mị đang sống về ngày trước, sống với quá khứ tươi đẹp, Mị vùng dậy để bước đi nhưng da thịt bị chạm vào dây trói thì Mị mới sực tỉnh. Sức sống tiềm tàng của Mị đã bộc lộ ngay cả ở tình huống bi thảm nhất. A Sử có thể giam hãm Mị giữa ngày xuân nhưng không thể trói được, giam được sức sống mùa xuân trong Mị. 

Lần này, Khát vọng Mị vừa mới hồi sinh lại bị vùi dập tuy nhiên nó lại được nhen nhóm lên để rực cháy trong đêm mùa đông trong hành động cứu A Phủ và tự cứu mình. 

* Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ (lần 4) 

Dưới ngòi bút đầy bản lĩnh của nhà văn, Tô Hoài - ông không dễ dàng đơn giản đẩy tâm lí nhân vật của mình đi theo một đường thẳng. Nhà văn đã để nhân vật của mình "ứng xử" theo logic vận động nội tại của chính nhân vật.

 Những góc khuất, những khoảng lặng và mẫu thuẫn đã làm nên chiều sâu nội tâm của nhân vật, thúc đẩy quá trình vận động tự thân của nhân vật. Chẳng phải bị giày xéo cùng cực, những phần người tốt đẹp nhất của Mị cứ mai một dần sao? Mất đi tình thương chẳng phải là mất mát cuối cùng, mất mát lớn nhất ở một người phụ nữa hay sao? Tô Hoài diễn tả quá trình mất mát tình thương ở Mị hợp lí bao nhiêu thì lại miêu tả sự hồi sinh ấy khi Mị cứu A Phủ hợp lí bấy nhiêu. Nếu xem Mị có một sức sống tiềm tàng thì sự vụt dậy của tình thương này đã châm ngòi làm bùng lên sức mạnh ấy. 

- Những yếu tố tác động:
+ Bị áp bức quá nặng nề Mị đã trở nên cam chịu, dường như những việc Mị làm là theo thói quen chứ không phải là ý thức. Đó là những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị thường trở dậy rất sớm để thổi lửa hơ tay, nếu không có bếp lửa chắc Mị đã chết héo từ lâu. Mị vẫn trong nỗi cơ đơn cùng ngọn lửa, ngọn lửa là người bạn, ngọn lửa đã sưởi ấm Mị trong mùa đông lạnh lẽo, ngọn lửa đã làm tan chảy trái tim băng giá, nguội lạnh của Mị bấy lâu nay.
+ Đêm nào cũng vậy, Mị dậy sớm thổi lửa hơ tay, thấy A Phủ bị trói đứng ở cột nhưng Mị vẫn bình thản một cách đến lạ lùng, đến nhẫn tâm. Chắc có lẽ Mị sống lâu trong cái khổ nên Mị không nhận ra nỗi khổ của chính mình và dửng dưng vô cảm khi thấy A Phủ bị trói đứng.
+ Mị hoàn toàn thay đổi khi:
     • Ngọn lửa bùng sáng lên: Ngọn lửa không chỉ sưởi ấm trái tim, tâm hồn Mị băng giá nguội lạnh mà ngọn lửa bùng lên để Mị thấy A Phủ là 1 đối ảnh của kiếp đời Mỹ, ngọn lửa nhen nhóm niềm tin, thổi bùng lên lòng căm thù.
     • Khi ngọn lửa bùng sáng lên thì cũng là lúc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: "Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống 2 hõm má đã xám đen lại". Đó là dấu hiệu của cái chết đã xuất hiện trên khuôn mặt của người nô lệ thì trái tim của Mị mới bừng tỉnh, lòng thương trong Mị mới trỗi dậy. Chính dòng nước mắt lấp lánh ấy đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị, bây giờ Mị mới cảm thấy được nỗi khổ, nỗi cùng quẫn của mọi kiếp người. 

Giọt nước mắt của A Phủ làm Mị nhớ lại giọt nước mắt của mình ngày trước. Đây là giọt nước mắt của tình yêu thương đồng loại, giọt nước mắt của lòng hận thù làm tràn li nước của lòng thương người trong Mị. Từ thương mình đến thương người, Mị thấy A Phủ sao giống hoàn cảnh của mình ngày trước, mình đã là ma nhà nó không lí gì A Phủ phải chết. Mị đang chất vấn với thực tại bạo tàn và bất công. Khi người đàn bà vốn cam chịu mà ném vào bóng tối 1 câu như thế là khởi đầu cho 1 sự nổi loạn.

     • Chính tình thương đã biến Mị từ 1 con người cam chịu thành 1 kẻ liều lĩnh, từ 1 người đàn bà nô lệ thành 1 người đàn bà nổi loạn.

- Diễn biến tâm lí và hành động 
Tô Hoài từng nói: Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc. Chú trọng đến tính hiện thực, sự thực ở đời, nên trong mỗi tác phẩm của Tô Hoài, luôn cố gắng phơi bày những điều có thực, những sự thực dù đau thương, tàn khốc, nhưng nếu nó khiến người đọc trở nên tốt đẹp hơn thì đó là việc cần phải làm. 

Trong truyện ngắn "vợ chồng A Phủ" viết năm 1952 trong chuyến thăm Tây Bắc của mình, ông đã cho ra đời đứa con tinh thần đầy xuất sắc. Nói đúng, và rất hay về những hiện thực của người nông dân vùng Tây Bắc lúc bấy giờ phải gánh chịu, và đặc biệt là số phận của người phụ nữ, được Tô Hoài thể hiện qua nhân vật Mị, một cô gái để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng người đọc.

 Trong khi đi sâu vào hiện thực, Tô Hoài đã phát hiện ra con đường tất yếu mà nhân vật của ông sẽ đi tới. Sự đè nén, áp bức, sự thống khổ của bọn thống trị đã dẫn đến sự vùng vẫy, chống trả của con người bị dồn vào con đường chết. 

+ Mị nổi loạn, quyết định cởi trói cho A Phủ nhưng Mị chợt chùng lại, Mị giằng xé dữ dội giữa mạng sống của mình và người cùng cảnh ngộ. Có thể cứu được A Phủ nhưng Mị lại phải chết thay cho A Phủ trên cái cọc ấy. Bây giờ Mị lại trở về thực tại với lòng tự thương mình nên đã tự cứu mình.
+ Mị rón rén cắt dây trói cho A Phủ, Mị lại sợ chết, nỗi sợ chết ấy lại là tiếng nói hồn nhiên của 1 lòng ham sống, 1 niềm thiết tha với cuộc sống. Cắt dây trói xong thì Mị "Đứng lặng trong bóng tối" - đó là 1 khoảng lặng chứa đầy giông bão tâm sự, khi tình thương người được giải thoát thì lòng thương mình lại trỗi dậy.
+ Câu nói của Mị "A Phủ cho tôi đi. Ở đây thì chết mất". Đây là tiếng nói của 1 con người sau bao nhiêu năm câm nín, đã biến thành công cụ lao động biết nói nhưng không dám nói thì bây giờ đây là tiếng nói của niềm khao khát sống, khao khát tự do đến mãnh liệt. Tiếng gọi tự do đang vẫy gọi họ ở phía trước, nơi họ đến là Phiềng Sa-vùng đất mới, vùng đất hứa còn Hồng Ngài phải chăng chỉ còn là những ngày buồn đau, tủi nhục. 

→ Hành động Mị cắt dây trói cho A Phủ chứng tỏ sự nổi loạn, là vẻ đẹp sức sống tiềm tàng của Mị, là sức mạnh của cô gái Mèo dám đương đầu với lũ ác ôn, chúa đất. Dù nó mang tính chất tự phát nhưng đó là dấu hiệu dự báo cho những người nô lệ đang bừng tỉnh và đi theo tiếng gọi của Cách mạng. Có ai ngờ rằng, Mị cắt dây trói A Phủ là vô tình cắt đi sợi dây vô hình, oan nghiệt trói buộc cuộc đời mình. Mị đã làm 1 việc động trời nhưng đó là tất yếu. 

→ Khi miêu tả quá trình thức tỉnh và nổi loạn của nhân vật Mị thì Tô Hoài đã phát hiện ra 1 quy luật tâm lí: Những con người bị áp bức, đau khổ đến tận cùng thì họ sẽ tự giải thoát cho chính mình. Cái quy luật ấy đã được chứng minh qua các nhân vật: Chị Dậu, Chí Phèo, anh Pha... trong văn học Việt Nam hiện đại trước cách mạng tháng Tám. Mị đã đến với ánh sáng, với cách mạng chứ không phải như cái bóng tối bao trùm lên cả cuộc đời chị Dậu. Đây là đoạn văn tuyệt bút của Tô Hoài, cảm hứng nhân đạo ở đây đẹp hơn bao giờ hết. Ở đây ngòi bút "Biện chứng tâm hồn" được bộc lộ sức mạnh của nó: "Cái tài nhờ cái tâm mà cháy lên, cái tâm nhờ cái tài mà tỏa sáng". (Raxun-Gamzato). 





2. Nhân vật A Phủ 

Nếu như Mị mang vẻ đẹp đặc trưng của người thiếu nữ vùng sơn cước thì A Phủ cũng là chàng trai mang vẻ đẹp điển hình của núi rừng Tây Bắc. Cùng với vẻ đẹp về thể chất là 1 tâm hồn mạnh mẽ, yêu tự do, yêu sự sống. Chính cuộc sống đơn độc từ nhỏ đã hun đúc cho chàng trai tính tình gan góc, dũng cảm, ương bướng. 

a. Lai lịch, xuất thân 

- A Phủ là một đứa trẻ sinh ra trong nghèo khổ, đau đớn hơn lại mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một trận dịch đậu mùa. Anh là người duy nhất trong gia đình sống sót qua nạn dịch. Chính vì thế mà cả năm tháng tuổi thơ của anh phải sống kiếp nô lệ đọa đày khi bị người làng bắt trói rồi đem bán cho người Thái ở dưới cánh đồng. Thế nhưng, không chịu khuất phục số phận, A Phủ đã liều lĩnh bỏ trốn lên Hồng Ngài, làm thuê làm mướn đủ nghề từ mùa này sang mùa khác để kiếm sống nuôi thân. Bản lĩnh gan góc, sức sống tiềm tàng đã được trui rèn trong những năm tháng cơ cực ấy và đó cũng chính là một trong những điều tạo nên sự bứt phá về sau trong cuộc đời A Phủ. 

- Nhưng tiếc thay, A Phủ lại là người không cha không mẹ, không nhà cửa, không ruộng nương và vì tập tục cưới vợ của người Mèo phải có trăm đồng bạc trắng cho nên việc lấy vợ với anh là chuyện quá xa xôi. Một chàng trai khỏe mạnh và cá tính như anh đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc vậy mà cuối cùng vẫn phải một mình cô độc như thế. 

- Từ khi trưởng thành, A Phủ càng chứng tỏ con người gan góc, không chịu khuất phục, luôn có ý chí vượt lên số phận cay đắng để vươn đến những điều tốt đẹp nhất của mình. Chàng "biết đúc lưỡi cày", "đi săn bò tót rất bạo". Chẳng những lao động giỏi mà A Phủ còn có sức khỏe hơn người: "A Phủ chạy nhanh như ngựa", "Công việc làm hay đi săn, cái gì cũng làm phăng phăng". Chính nghị lực sống và sức khỏe của anh đã khiến cho nhiều cô gái và người làng yêu mến. 

b. A Phủ hiện thân cho những đau khổ của người dân mền núi 

- Khi bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, A Phủ đã bị bọn người nhà thống lý đánh đập hết sức dã man, tàn bạo từ trưa cho đến đêm muộn. "Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu". Thế nhưng bọn người nhà thống lý "Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút". 

- Cuối cùng kết thúc phiên xử kiện tàn độc, A Phủ đã bị thống lý Pá Tra buộc làm nô lệ không công suốt đời cho nhà hắn để trừ nợ. Đó là kiếp người sống mà bị khinh rẻ, bị ngược đãi và phải đảm đương cả những công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhất như "săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò bãi, nương rừng". 

- Là con nợ, là nô lệ cho nên tính mạng của A Phủ sống hay chết là nằm trong bàn tay thống lý Pá Tra. Do đó, chỉ vì để hổ vồ mất bò, A Phủ lại bị đánh, bị trói vào cọc "bằng dây sậy quấn từ chân lên vai". Rất có thể A Phủ sẽ phải chết "chết đau, chết đói, chết rét"- những cảnh tương tự mà Mị từng chứng kiến trong nhà thống lý Pá Tra - để thế mạng cho con bò đã bị hổ ăn thịt. 

c. A Phủ hiện thân cho sức mạnh phản kháng 

- A Phủ còn là một con người có đời sống phóng khoáng, yêu đời và chính nghĩa, bởi vì thế nên khi có chuyện bất bình, dù biết phần thiệt sẽ thuộc về mình và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng A Phủ vẫn quyết làm điều đó. Ta thấy ở đây A Phủ là một con người liều lĩnh và chí khí bằng hành động đánh A Sử và bị phạt vạ, đánh đập. 

- Mặc dù bị đánh đập và rất đau đớn nhưng A Phủ không hề khóc lóc van xin mà trái lại "A Phủ quỳ, chịu đòn, chỉ im như tượng đá". Sự im lặng chịu đựng của anh đã cho thấy bản lĩnh gan dạ, không bao giờ chịu khuất phục dù trước mình là ai và sự bất lực, căm phẫn đến tột độ vì không thể làm gì được. 

- Tuy vậy, với bản lĩnh gan góc, không chịu khuất phục sẵn có, A Phủ nhất định không chịu chết chôn chân ở cái cộc gỗ ấy mà anh luôn tìm cách tự giải thoát: "Đêm đến, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai đầu dây, nhích dần dây trói một bên tay". Nhưng chưa kịp dứt ra thì trời vừa sáng, Pá Tra lại tròng thêm vào cổ A Phủ một vòng dây trói nữa. "A Phủ không cúi, không còn lắc được nữa" đành chịu "đứng nhắm mắt, cho tới đêm khuya". Và dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen của anh chính là những giọt nước mắt của sự cay đắng, sự cô độc, bất lực và tuyệt vọng. Cũng chính vì trông thấy những giọt nước mắt đau đớn và tuyệt vọng ấy mà Mị đã bùng lên ngọn lửa đấu tranh, quyết định cởi trói cho A Phủ và cho chính mình. 

- Hai người dìu nhau trốn khỏi Hồng Ngài, tới khu du kích ở Phiềng Sa, gặp cán bộ A Châu. Từ đây A Phủ và My lần lượt trở thành chiến sĩ du kích, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh để giải phóng hoàn toàn cuộc đời mình, giải phóng bản làng quê hương. Hình ảnh A Phủ cùng Mị trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra, giác ngộ được chân lý cách mạng là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho khả năng cách mạng lớn lao của người dân miền núi Tây Bắc. 

- Cùng với Mị, cuộc đời và tính cách của A Phủ có ý nghĩa tiêu biểu cho số phận và phẩm chất của người dân vùng cao Tây Bắc. Từ trong tăm tối của đau khổ, tủi nhục, bằng sức mạnh của chính mình họ đã vươn tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do, ánh sáng của Cách mạng. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo mới mẻ và sâu sắc của tác phẩm giàu chất thơ này. 

3. Giá trị hiện thực của "Vợ chồng A Phủ" 

- Tác phẩm phản ánh bộ mặt của giai cấp thống trị với những tập tục lạc hậu, bạo tàn:
+ Cha con nhà thống lí đại diện cho sức mạnh "thần quyền và cường quyền" của giai cấp thống trị.
+ Duy trì tập tục cúng trình ma, bóc lột, đánh đập Mị và A Phủ. 

- Phản ánh đời sống của người dân miền núi Tây Bắc:
+ Phản ánh cuộc sống đau đớn, tủi nhục, nô lệ của người dân miền núi Tây Bắc lúc bấy giờ (Mị và A Phủ).
+ Phản ánh sự vùng lên đấu tranh tự giải thoát cho chính mình để đến với Cách mạng của người dân miền núi (Mị và A Phủ). 

→ Tác phẩm tố cáo tội ác của bạn thực dân phong kiến và cường hào chúa đất. Phản ánh cuộc sống đau khổ của người dân miền núi và sức mạnh vùng lên giải phóng và đến với Cách mạng của họ. Tác phẩm góp phần "khai sơn phá thạch" 1 mảnh đất hoang vu, xa xôi, đặc biệt là mang đến 1 cái nhìn nhân đạo, có chiều sâu về cuộc sống con người. 

4. Giá trị nhân đạo "Vợ chồng A Phủ" 

- Tác phẩm là tiếng nói đồng cảm, sẻ chia trước những nỗi khổ và đồng tình trước những khát vọng của con người:
+ Đồng cảm
+ Đồng tình tri "Vợ chồng A Phủ" là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tộ ác của bọn giai cấp thống trị
- Khẳng định, đề cao, ca ngợi sức sống tiềm tàng, sức mạnh vùng lên giải phóng của những con người bị áp bức, đau khổ.

- Khẳng định con đường vùng lên đấu tranh của những con người bị áp bức, đau khổ dù tự phát nhưng họ cũng đã giải phóng và giải thoát cho chính mình và đến với cách mạng. (So sánh với chị Dậu và Chí Phèo). 

4. Thành công về nghệ thuật 

- Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, chọn lọc và sáng tạo, hấp dẫn lôi cuốn người đọc. 

- Lối văn giàu tính tạo hình, thấm đẫm chất thơ, trữ tình. 

- Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật 

- Thể hiện sự am hiểu sâu sắc phong tục tập quán miền núi Tây Bắc của nhà văn. 

5. Ý nghĩa văn bản 

- Tác phẩm đặt ra vấn đề số phận con người-những con người dưới đáy xã hội - những con người bị tước đoạt hết tài sản, bị bóc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm. Giải quyết vấn đề số phận con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới. 

- Tác phẩm góp phần "khai sơn phá thạch" 1 mảnh đất hoang vu, xa xôi, đặc biệt là mang đến 1 cái nhìn nhân đạo, có chiều sâu về cuộc sống con người


Khi đi vào thể hiện cảnh ngộ bất hạnh cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ, tác phẩm văn học có điều kiện để đạt tới chiều sâu nhân đạo, để khơi gợi niềm đồng cảm thiết tha ở bạn đọc. Với nhân vật Mị, Tô Hoài đã làm được điều ấy. Vợ chồng A Phủ đã xây dựng thành công một hình tượng người phụ nữ Tây Bắc với vẻ đẹp phong phú, đa dạng. Một cô Mị xinh đẹp, hồn nhiên là thế mà có những lần tìm đến cái chết để tự giải thoát. Một cô Mị dằn lòng chấp nhận kiếp sống nô lệ, tưởng chừng chai lì, mê mụ đi trong cái khổ mà vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Cô Mị ấy đã vùng lên cắt đứt sợi dây trói của cường quyền, thần quyền để đi tới tự do. Thành công của hình tượng này chứng tỏ sự am hiểu, niềm đồng cảm sâu sắc của Tô Hoài đối với người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc, chứng tỏ khả năng nắm bắt và diễn tả tài tình quá trình tâm lí phức tạp, tinh tế của cây bút văn xuôi vào loại hàng đầu trong văn học Việt Nam hiện đại.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com