TruyenHHH.com

[Truyện Việt] Nón lá Ba Tri

Tám.

HienLe202

Nói chuyện thì dông dài, mọi việc lại diễn ra nhanh chóng. Trung Chính trở về Nam Thành trước, để lại Bùi Việt hai ngày sau sẽ được Trần Văn Thức đưa vào cung. Người trong hoàng cung đưa đến bao nhiêu lụa là gấm vóc, đặc biệt còn có một bộ áo dài gấm đỏ cho ngày tiến cung. Lưu Dực và mấy ông quan ở Vĩnh Long cũng tặng cho nhà bà Năm Hời bao nhiêu quà quý, cốt là để giữ mặt mũi cho bên dâu và cả tỉnh của họ đồng thời mong mỏi Bùi Việt sẽ được cất nhắc. Có nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng Bùi Việt sẽ làm nên chuyện vì đã có không ít cô cậu tiến cung mà không thăng tiến được, nhưng số đông vẫn thấy chuyện ông hoàng đặt nhiều tâm tư thế này là kỳ tích hiếm có.

Đám quan lại có toan tính của riêng mình, duy chỉ nhân vật chính là không mảy may lo âu về danh phận cũng như tương lai của mình, chỉ mải đắm chìm trong hạnh phúc của tình yêu đang mùa chín rộ. Chuyện duy nhất khiến Bùi Việt buồn lòng là mình không theo gánh Minh Tâm đi hát được nữa. Sự nghiệp của nó đang trên đà tiến triển, tuổi trẻ phía trước còn dài cũng là một lợi thế, nay phải từ bỏ niềm đam mê thì đúng là một vết cứa trong lòng.

Đêm trước ngày tiến cung, Bùi Việt ngồi gảy đờn cò trên chiếu ở hiên ngoài, ngâm nga mấy câu vọng cổ, vừa đàn hát vừa nhìn bàn thờ ông Tú Hòe. Di ảnh của tía do một ông họa sư có tiếng trong vùng vẽ lại, không biết vì vẽ có thần hay vì mắt tía tự nhiên đã buồn như thế.

Bà Năm Hời bước ra từ gian sau, tay mang theo một đĩa mứt dừa.

– Mứt má mới làm xong mấy bữa trước đó, con ăn thử nếu thấy thích thì má gói cho đem theo.

– Dạ.

Bùi Việt luôn thích mứt dừa mẹ làm, dừa non trắng mềm khi sên lại không quá nhiều đường, tôn vị ngọt béo tự nhiên của cơm dừa lên hẳn.

– Con có muốn đem đờn vào cung không?

– Dạ có chứ má. Dù không còn được đi diễn với gánh mình thì lâu lâu cũng phải đờn ca cho vui thú. Ông hoàng nói thích nghe con hát.

– Vậy để má lấy cho con cái hộp đựng đờn.

Nói rồi, bà mở cửa tủ thờ lấy ra một chiếc hộp dài hình chữ nhật bằng gỗ lim nâu sậm, bên trong hộp có đệm vải nhung đỏ thắm, trông đẹp đẽ hơn hẳn những chiếc hộp đàn mà gánh Minh Tâm thường dùng khi đi lưu diễn.

– Hộp này hồi xưa tía con hay dùng. Ổng từ Thừa Thiên mà mê đờn ca tài tử, gảy đờn cò giỏi hơn mấy người trong này luôn.

– Tía đúng là đa tài.

– Ừ...đa tài bạc mệnh. Lúc yếu người, ổng nói chỉ ước mạnh khỏe hoài đặng soạn vở mới cho má hát. Ổng nói người xứ mình không cần mượn tuồng hát bội hay hí kịch phương Bắc nữa. Người Nam rồi sẽ có tiếng nói của người Nam.

Nhìn mẹ mình mân mê hộp đàn, Bùi Việt cầm tay bà rồi nói.

– Con không theo má đi hát được nữa, con xin lỗi má.

Mỉm cười rồi vuốt tóc con trai, bà Năm Hời đáp lời.

– Khờ quá, má đâu có trách con. Má sẽ luyện con Út được mà. Gánh Minh Tâm không dễ dàng xuống dốc vậy đâu.

– Con tin vào khả năng của má và mọi người. Chỉ là...có gì đó trong con vẫn muốn níu kéo nghiệp cải lương. Con còn muốn theo gánh mình ra Thừa Thiên quê tía rồi Bắc tiến nữa.

– Má biết con đam mê. Hồi con còn nhỏ, thấy con mê hát má vừa mừng vừa sợ.

Nằm lên đùi mẹ, Bùi Việt hỏi.

– Sao má sợ?

Người đàn bà cất giọng khe khẽ nhưng vẫn vang rõ, chứng tỏ kỹ thuật nói và hát trên sân khấu đã ngấm vào máu sau bao năm khổ luyện, dù không còn là nàng Thụy Khuê năm nào thì giọng nói vẫn thanh sảng như xưa.

– Nghiệp diễn nhiều cực khổ, dù may mắn được tổ đãi thì cũng không khá giả, được nhiều nhất có chăng là tình thương của bà con đi nghe hát. Cho nên hồi đó má tính hướng cho con làm bầu, đặng không thì làm vựa dừa.

– Con thấy đi hát đâu khổ bằng người ta đi làm ruộng. Với lại, máu nhà mình đam mê văn nghệ, trồng dừa bán chắc không được lâu dài.

– Thì đó. Nhưng mà lần đầu tiên con lên sân khấu, cất tiếng hát hay được nhiều người yêu mến, má mừng lắm. Má không còn sợ nữa, ước cho con giữ được giọng để hát hoài, nối nghiệp má và tía rồi rèn cho con Út luôn.

Giữ lấy tay mẹ nhỏ hơn trong tay mình, Bùi Việt cất tiếng.

– Chuyện con với Út Nga không thành, mà con cũng không lấy vợ, ngược lại còn đi làm vợ người ta. Nhưng mà má đừng lo nghen má.

– Sao nói không lo là không lo cho được...

Xoa đầu con trai, bà Năm Hời thì thầm.

– Có bà mẹ nào không lo khi con trai mình đi làm lẽ. Nói gì thì nói, chính thứ phân biệt rõ ràng, con lại ở trong cung có nhiều giai bậc, khó tránh đụng chạm hay gièm pha.

– Con biết cư xử thế nào cho phải mà.

– Mình biết cũng không có nghĩa là người ta biết. Người ta trên đời đối xử với nhau nhiều khi bạc lắm, trong cung lại càng thiếu ân tình chân thật. Ngay bây giờ đây, con được ông hoàng yêu thương và ban cho nhiều ân điển, nhưng con phải nhớ tình nghĩa vợ chồng khó giữ. Nếu đã làm vợ của bậc đế vương thì phải biết nhẫn nhịn, biết quan tâm chăm sóc, biết san sẻ tâm tình, nhiều khi còn phải biết buông bỏ đúng lúc. Đừng nói là chín bỏ làm mười, nếu mà năm sáu cũng phải bỏ làm mười. Má nói không phải để làm con nặng lòng, nhưng tất cả mọi lời con nói, mọi việc con làm từ bây giờ đều không chỉ ảnh hưởng mình con nữa. Xấu tốt gì cũng sẽ hệ lụy đến nhà mình, gánh mình, thậm chí là tỉnh mình.

– Dạ...con hiểu.

Bùi Việt không muốn nghĩ sâu xa thêm, bởi chuyện gì đến rồi sẽ đến, không phải tính trước đã là hay. Ngẩng đầu lên nhìn mẹ, cậu trai lại mè nheo.

– Má hát con nghe đi má. Hồi nhỏ má dạy con hát mà sau này con không nghe má hát nữa.

– Sao tự nhiên đòi má hát?

– Mai con đi rồi, gặp má còn khó, nói gì nghe má hát.

– Vậy con thích nghe má hát điệu gì?

– Hồi xưa má học bài vọng cổ đầu tiên là bài nào.

– Ngày xưa...để má coi. Hồi nhỏ má nhớ nhất là đợt học đàn dây Bắc, học xàng xê liu cống, bài "Dạ cổ hoài lang."

– Vậy má hát đi.

– Đợi tí má kêu con Út. Út ơi Út, ra đây má biểu!

Bùi Việt còn ngẩn ngơ chưa hiểu chuyện gì thì từ nhà sau, Út Nga đã bẽn lẽn đi ra. Bà Năm Hời vỗ tay lên chỗ trống trên chiếu rồi nói với con gái.

– Lại đây ngồi với má. Việt, con ngồi dậy cho em nó có chỗ.

– Dạ.

Út Nga ngoan ngoãn ngồi xuống, lấm lét nhìn mẹ rồi nhìn sang anh trai.

– Má gọi con ra có gì không má?

– Hát má nghe. Dạ cổ hoài lang. Hát chung với má.

– Sao tự nhiên hát giờ này?

– Không hát giờ này thì còn hát giờ nào nữa. Việt, con gảy đờn cho nó vô nhạc. Ba má con mình hát. Út vô trước.

– Dạ.

Mỉm cười trấn an cô em gái lúc này đã bắt đầu hiểu ra chuyện, Bùi Việt bắt đầu lần tay lên dây đàn. Tiếng đàn não nùng vang lên, Út Nga cũng cất cao giọng hát, thanh cao và còn chút trẻ con nhưng vẫn sâu lắng vô cùng.

từ là từ phu tướng
bảo kiếm sắc phán lên đàng
vào ra luống trông tin nhạn
năm canh mơ màng
em luống trông tin chàng
ôi gan vàng quặn đau í a

Nghe con gái hát tròn rõ hơn hẳn năm ngoái, bà Năm Hời gật đầu hài lòng rồi ra hiệu cho con gái hát tiếp.

đường dầu sa ong bướm
xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
còn đêm luống trông tin bạn
ngày mỏi mòn như đá vọng phu
vọng phu vọng luống trông tin chàng
lòng xin chớ phụ phàng

Hát bài vọng phu, đôi mắt Út Nga lấp lánh nước từ bao giờ. Biết con gái hát tiếp sẽ khóc, bà Năm Hời nối vào đoạn sau.

chàng là chàng có hay
đêm thiếp nằm luống những sầu tây
biết bao thuở đó đây sum vầy
duyên sắt cầm đừng lợt phai í a

Cả Bùi Việt cùng Út Nga đều im lặng khi nghe mẹ mình hát như rút hết ruột gan. Nỗi đau đến quặn thắt lòng dạ thì có nhiều người hát rất mùi, nhưng hai chữ í a vô cùng đắt giá phía sau không ai cấn lên giọng gió ngọt ơ như cô Năm. Tiếng hát cô đào ngày xưa từng làm bao nhiêu người rơi nước mắt vì đầy đủ kỹ thuật và tình cảm. Ngân dài vừa đủ, lơi chữ đúng lúc, và trên hết là chất giọng truyền cảm có sẵn, chưa cần hát mà khi lấy hơi đã thấy chất chứa bao nhiêu tâm tình rồi.

Bùi Việt mải đàn mà không hát, chỉ chăm chú nhìn mẹ và em gái mình hòa giọng. Cả nhà đã hát cùng nhau trong nhiều buổi tập, nhưng chưa lúc nào ba mẹ con cùng diễn với nhau, mà lại diễn không có khán giả, không cần trang phục, không cần dựng cảnh, chỉ đơn thuần là tiếng đàn tiếng hát hòa quyện với nhau. Chưa bao giờ cậu trai thấy vừa tự hào, vừa gần gũi, vừa yêu thương, vừa nhớ nhung khi ngày mai đây họ sẽ phải chia đôi nẻo đường.

Đây là gia đình mình.

Bà Năm Hời và con gái nhìn về phía người đàn. Lúc này, Bùi Việt mới cùng mẹ và em gái hát đoạn cuối cùng.

nguyện, là nguyện cho chàng
đặng chữ an – bình an
mau trở lại gia đàng
cho én nhạn hiệp đôi í a

Bài hát là khúc ca của đôi lứa yêu nhau, nhưng khi tiếng hát của ba người quyện chặt vào nhau đến nỗi không ai ngân thừa thiếu dù chỉ nửa giây, lời nguyện ước bình an lại trở thành nỗi niềm chung của tất cả những ai phải nói lời từ biệt.

Bùi Việt vươn tay quẹt nước mắt trên mặt em gái, Út Nga mới giật mình rồi chạy ù vào buồng trong, bắt đầu nức nở ra tiếng. Dù bà Năm Hời hay bất kỳ ai có khuyên răn bao nhiêu lần, tình cảm đầu đời sẽ mãi mãi là vết cứa sâu sắc trong lòng một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, đặc biệt là cô đào dễ khóc cười như Út Nga. Dù chọn bình thản đối mặt, cố tình dửng dưng, hay khóc cạn nước mắt thì vẫn không thể nào làm vơi bớt đi tình yêu non nớt nhưng mạnh mẽ như cỏ mọc sau mưa. Thang thuốc hay nhất là thời gian, khi tia nắng mùa hè những năm sau này làm khô đi dòng nước mắt ngây dại năm nào.

– Má biết nó sẽ khóc mà sao vẫn gọi nó ra?

– Vì nó phải đối mặt. Nếu như nó quay lưng đi không đối mặt thì sợ là ngày mai nó không chịu nổi, có khi cả đời này cũng chịu không nổi.

Bùi Việt không hỏi gì nữa, chỉ lẳng lặng đi cất đàn, trước khi vào buồng còn nắm lấy vai mẹ mình xoa nhẹ.

Ngồi một mình nhìn ra khoảnh sân trước nhà bị bóng tối bao trùm, bà Năm Hời mới thấy mắt mình ướt.

Hát chung với con mấy câu vọng cổ này không chỉ là cho Út Nga đâu, mà còn cho má nữa. Má cũng phải đối mặt đêm nay, chứ ngày mai má và em chịu không nổi thì khóc trước mặt quan lớn mất. Con lấy vợ thì còn ở với má, chứ lấy chồng là theo người ta rồi. Chín tháng mang nặng, mười sáu năm trời ôm trong tay, bây giờ người ta đến cắt đi khúc ruột, ai mà chịu cho nổi.

Má chịu không nổi.

Nước mắt rơi xuống vạt áo bà ba, bà lấy tay áo au mặt, tự hỏi lần cuối cùng mình khóc là khi nào. Là lần tía thằng Việt mất, hay lần nhìn thấy con Út đỏ hỏn cù bất cù bơ giữa chợ đời. Nhưng mà mình không được khóc, ít nhất là không khóc trước mặt nó, đặng nó đi còn thấy nhẹ lòng.

Quẹt nước mắt xong xuôi, bà Năm Hời thắp nén nhang cho ông Tú Hòe.

– Ông trên trời phù hộ cho con trai mình nghen ông. Cầu cho nó mạnh khỏe, bình an, không cần thành phi thành tần quyền cao chức trọng, chỉ cần tình nghĩa của bậc đế vương được lâu dài bền vững, cho nó ở trong cung có một chốn yên thân.

Rồi bà bước vào buồng trong, thấy Út Nga nằm sấp trên giường, một góc gối còn vệt ẩm mờ mờ.

– Con gái con đứa, thiệt tình...

Thở dài, bà đắp chăn cho con rồi thổi tắt ngọn đèn dầu.

Sáng hôm sau, lúc ông Tham tri Trần Văn Thức đưa đoàn người ngựa long trọng đến đón dâu thì mẹ con Bùi Việt ở trong nhà đã chuẩn bị sẵn sàng. Bà Năm Hời gọi con dậy từ sớm, tắm rửa sạch sẽ, chải đầu vấn tóc, lại dùng chút hương liệu quý mà ông Lưu Dực tặng hôm trước. Người trong hoàng cung đã sớm đưa đến một chiếc áo dài gấm đỏ và khăn đóng cùng màu. Áo đỏ Bùi Việt đã thấy qua nhiều, nhưng chất liệu sang trọng và sắc đỏ sậm nền nã của chiếc áo dài mà ông hoàng tặng khác hẳn bình thường.

Vì là con trai không cần son phấn nên Bùi Việt chuẩn bị xong rất nhanh. Lúc mặc áo quần xong xuôi, cậu trai bước ra thì thấy mẹ và em gái đã đợi sẵn. Út Nga lúng túng trong bộ áo dài màu vàng nó mới mặc lần đầu, còn bà Năm Hời thì vận một bộ áo dài xanh nhạt, trông trẻ đẹp hơn hẳn bình thường.

Thấy đứa con trai cao dong dỏng, dáng người và gương mặt đẹp đẽ hút lòng người, bà Năm Hời nén lại nỗi buồn mà mỉm cười.

– Đẹp rồi. Để má đi báo ông lớn.

Trần Văn Thức đợi sẵn bên ngoài, thấy Bùi Việt tươi đẹp bước ra thì vui mừng không thôi. Lần này hẳn là tìm được đúng người, sắc vóc cậu ta hơn hẳn những người con trai mà ông hoàng từng qua lại lúc trước. Bọn người không danh phận đó dù sao cũng đã bị đuổi khỏi cung rồi, con đường thăng tiến của cậu kép họ Bùi sẽ dễ dàng hơn.

Lễ nghi trà nước xong xuôi, lúc đoàn người chuẩn bị lên đường đã là gần trưa. Trần Văn Thức ra ngoài xe ngựa chờ sẵn, bọn lính cũng khuân mấy rương đồ của Bùi Việt ra ngoài. Chỉ còn lại gia đình ba người, Bùi Việt nắm tay mẹ và em gái rồi nói.

– Má với Út ở lại mạnh khỏe nghen. Con sẽ xin chỉ của ông hoàng cho mọi người vào thăm sớm.

– Chuyện đó đừng vội. Ở trong cung con phải chịu khó học lễ nghi trước, đừng để mình chưa hiểu chuyện mà đã vòi vĩnh này kia. Má với em từ từ vào thăm con cũng không sao.

– Dạ.

Một khoảng trống im lặng tưởng như kéo dài ra vô tận, tay họ vẫn nắm chặt nhau. Bất thình lình, Út Nga lao tới ôm anh trai chặt cứng suốt mấy giây.

– Anh Việt...đi mạnh khỏe.

Rồi không đợi Bùi Việt trả lời, con bé nhanh chóng dọn trà nước vào nhà trong. Bà Năm Hời khẽ lắc đầu rồi cầm tay con trai dặn dò thêm.

– Con đừng lo cho Út với má. Má ở nhà tự lo được hết mọi chuyện, có con vào cung thì sau này nhà mình cũng được quan lớn trong tỉnh đối đãi tử tế. Trước tiên, con phải nghĩ đến mình, nhanh chóng làm quen chuyện trong cung. Phép tắc không bao giờ được quên, chuyện đi chào đức bà và các phi tần vô cùng quan trọng. Con ở trong cung thỉ phải biết kính trọng các bề trên, đừng bao giờ ỷ lại vào tình thương của ông hoàng mà kiêu căng hống hách.

– Dạ, con biết.

– Thôi, má không giữ con nữa kẻo ông lớn trách tội. Đi đi con.

– Dạ.

Hai bàn tay nắm chặt không dễ rời nhau. Dùng dằng mấy giây, Bùi Việt mới mạnh dạn xoay lưng đi thẳng, bất ngờ thấy bàn tay mình lạnh toát. Khi nhìn thấy mẹ nhỏ dần qua tấm rèm cửa, sự hụt hẫng dâng lên ngập tràn cổ họng khiến cậu trai mười sáu tuổi lần đầu xa nhà thấy vừa chua vừa đắng.

Khi hàng dừa trước nhà đã bé dần, Bùi Việt thả rèm cửa xuống.

Lòng nặng như chì, cơ thể lại mệt vì sáng nay dậy sớm, nó thấy mắt mình nặng dần.

Đến lúc Bùi Việt mở mắt ra thì nắng bên ngoài rèm đã nhạt màu dù trời còn sáng. Nó tỉnh dậy vì xe ngựa đã dừng, bên ngoài lại có tiếng gõ cửa và giọng nói của một tên lính.

– Cậu Việt có muốn ra ngoài ăn uống gì không ạ?

– Đã đến rồi sao?

– Thưa chưa đến, chúng ta dừng lại nghỉ ngơi dọc đường rồi sẽ đi tiếp.

– Vậy để tôi ra ngoài.

Lấy ra gương nhỏ mang theo trong mình, Bùi Việt săm soi kỹ càng thì thấy đầu tóc mình vẫn còn gọn gàng. Do mang khăn đóng và khi ngủ có gối cố định được bố trí sẵn trong xe, Bùi Việt chỉ cần chỉnh trang lại một chút là xong.

Bùi Việt vén màn bước ra ngoài thì thấy xe ngựa dừng trước một hàng nước trên con đường ngoại ô vắng vẻ, trông xa lạ khác hẳn nơi mình ở. Trần Văn Thức tiến lại mời nước, Bùi Việt cung kính đưa hai tay nhận.

– Tạ ơn ông lớn.

– Cậu sau này không còn là dân thường, gọi ông là được rồi. Thanh nam dù là chức thấp nhất ở hậu cung thì vẫn là danh phận chính thức mà hoàng đế công nhận, cậu không cần phải khép nép quá mức. Dĩ nhiên, người trong hậu cung vẫn cần nể mặt quan lại hòng giữ gìn mặt mũi cho ông hoàng.

– Cảm ơn ông đã nhắc nhở.

Nói rồi, Bùi Việt một tay cầm chén nước uống cạn, một giọt nước còn chảy xuống cằm. Trần Văn Thức thấy thế thì cười nhẹ. Con người này có cố gắng giữ gìn phép tắc vì được mẹ mình chỉ dạy, nhưng bản chất của tầng lớp bình dân vẫn không thể nào nho nhã như các cậu công tử ở Nam Thành được.

Nhưng điều này không quá quan trọng, các cậu công tử kia chẳng phải đã khiến ông hoàng chán chê rồi sao?

– Cậu Việt vào trong ăn gì lót dạ đã. Phải một canh nữa chúng ta mới đến nơi, rồi vào cung lại phải làm giấy tờ, e rằng tối nay cậu sẽ phải ăn muộn.

– Không vấn đề gì. Tôi không muốn làm mọi người trễ giờ.

– Chúng ta cứ ăn uống rồi nói chuyện, chắc chắn sẽ kịp trước khi hoàng thành đóng cổng. Đã có ta canh chừng thời gian, cậu không cần lo lắng. Huống chi tối nay cậu cũng chưa vào hầu ông hoàng đâu.

– Vậy được.

Bà cụ hàng nước dọn ra mấy ấm trà, sau đó còn mang ra mẹt bún, rau sống, ít thịt luộc, và đặc biệt là một bát con đựng loại mắm lạ màu nâu đỏ. Ông Thức sành sõi bày thức ăn trước mặt Bùi Việt rồi bảo.

– Đây là mắm tôm chà, đặc sản Gò Công tiến vua mấy đời nay. Ngày xưa có bà phi người Gò Công vào cung, nhớ món ăn này đến nỗi xin vua cho mang vào, không ngờ vua dùng rồi lại thích. Trong hoàng cung hiện tại có đức bà Linh Nhân rất thích món này. Chốc nữa ăn xong, ta cho người gói một hũ, ngày mai cậu đi chào đức bà nhớ biếu tặng.

– Ông nghĩ thấu đáo quá. Tôi không biết đức bà thích gì, chỉ gói theo cây lược quý mà ông Lưu Dực tặng.

– Ông Cai bạ ắt là có đồ quý, nhưng quý đến đâu cũng không bằng đồ dùng trong hoàng cung. Đức bà được tặng bao nhiêu kỳ trân dị thảo, vàng bạc châu báu. Cậu tặng quà phải chứng tỏ được chân tình, sau này không biết gì cứ hỏi ta. Thôi ta ăn đi.

– Vâng.

Hai người ăn trong im lặng, Bùi Việt đôi khi lén nhìn gương mặt ông quan kia, thấy ông ta chỉ hơn ông hoàng vài tuổi là cùng. Thế nhưng, vẻ sõi đời khiến người đàn ông này trông già dặn hơn bình thường. Chỉ có điều, Bùi Việt thấy ông ta có tâm tính phức tạp, nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao ông ta tận tình giúp mình lấy lòng hoàng đế và thái hậu.

Mắm ngon nhưng cay, Bùi Việt ăn xong uống một hơi hết cả chén nước, Trần Văn Thức liền nhắc.

– Ông hoàng thích sự tự nhiên của cậu, nhưng đức bà và các phi tần chưa chắc sẽ thích. Nếu ăn với họ thì cậu nhớ giữ lễ.

– Tôi...hiểu.

Ngượng ngùng cúi đầu, Bùi Việt mân mê áo dài một hồi rồi cũng đánh dạn hỏi.

– Tôi hỏi câu này, hy vọng ông không phiền.

– Cậu cứ hỏi.

– Vì sao ông lại giúp đỡ tôi?

Nhìn Bùi Việt rồi đánh giá một lúc, Trần Văn Thức uống thêm ngụm nước.

– Cậu là kép hát, nhà mẹ đẻ không có danh phận như các cô cậu khác trong cung, thế cô sẽ cần người chỉ dạy nâng đỡ trong cung.

– Thứ cho tôi nói thẳng. Phàm là người dưng nước lã, không ai giúp người khác mà không mong phần lợi về mình. Tôi có thể giúp gì cho ông sao?

Thấy người con trai trẻ tuổi trước mặt nhìn thẳng vào mắt mình, ông Tham tri cười nhẹ.

– Ăn ngay nói thẳng thế này sẽ không có lợi cho cậu về sau đâu.

– Tôi biết người quyền thế thường thích nói vòng vo, nhưng đây không phải là hoàng cung. Ông trả lời tôi cũng không thiệt gì ai. Ông là ân nhân, tôi sẽ không bao giờ dùng những lời nói hôm nay chống đối ông về sau.

Hiểu Bùi Việt nói lời này là thật tâm, Trần Văn Thức thấy cậu trai trước mặt quả nhiên thú vị. Nhếch mép, ông Tham tri cất lời.

– Vậy không giấu gì cậu. Ta tiến cử cậu hòng lấy lòng ông hoàng cho đường thăng quan tiến chức mai sau, đồng thời muốn cậu giúp ta kiềm hãm sự thăng tiến của một người trong hậu cung.

– Tôi có khả năng đó sao?

– Ta tin là cậu có.

– Ông muốn dùng tôi đấu với ai?

– Diệu phi Trần Thị Diệu.

– Diệu phi họ Trần, tức là...

Uống cạn chén trà, Trần Văn Thức nhìn gương mặt đầy nghi hoặc của Bùi Việt mà mỉm cười.

– Là em gái ta.

Dư vị của trà đắng nghét trong miệng, Bùi Việt phải lấy nước uống thêm.

Cùng là loại đàn ông quý tộc có phong thái tự tin đàn áp người thường, Trần Văn Thức lại khiến Bùi Việt cảm thấy khó chịu hơn hẳn hoàng đế Nguyễn Trung Chính. Không giải thích gì thêm, ông Tham tri vỗ vai cậu thanh nam trên đường đi ra khỏi quán.

– Muộn rồi, đi tiếp thôi.

Cả một quãng đường còn lại, Bùi Việt nhìn gian xe ngựa tù túng mà thấy ngộp thở.

Tiếng lính gác cổng thành cuối cùng cũng vang lên, Bùi Việt nhắm mắt.

Mở mắt ra, cuộc đời đã sang trang khác, không thể quay đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com