TruyenHHH.com

Truong Cong An

Trời Kinh Thành trong xanh, chưa có mưa phùn, sắc trời dịu nhẹ.

Lễ bộ Thị lang Lan Giác ra khỏi phủ đệ từ cửa ngách.
Mấy ngày gần đây Lan thị lang bực bội muốn chết, kỳ thi càng đến gần thì mấy kẻ cầm thứ này đem thứ nọ đến phủ y cũng ngày càng đông, nhưng dịp này triều đình đang muốn chỉnh đốn lại tác phong của quan lại, trong sớ vạch tội của mấy vị quan liêm khiết trong Ngự Sử Đài, cuốn nào cuốn nấy cũng chễm chệ tên y.

Đương nhiên là nói y nhận hối lộ, khoa trương hơn thì bảo y luồn cúi, ăn hối lộ phá kỷ cương thành thói, chuyên lấy việc công thu lợi riêng; nếu như đảm trách kỳ thi nhất định sẽ làm mấy chuyện có lỗi này nọ với hoàng thượng và xã tắc, là gốc rễ của sự thối nát của quốc gia, đục khoét rường cột của triều đình.
Hôm nay có người bỏ bớt tên người trong nội dung chi tiết của mấy quyển tấu chương, chép thành một chồng, gửi đến Lan Giác, mặt trên cùng còn dán một tờ giấy viết bằng mực đỏ chói: "Trẫm tin Lan khanh, nhất định chọn ra nhân tài cho triều đình, xử lý tốt kỳ thi tuyển này."
Nét bút sắc gọn, nhưng vẫn còn vương vài nét trẻ con, là đích thân hoàng thượng ngự bút.
Lan Giác bê nguyên chồng giấy này chỉ cảm thấy đau cổ tay.
Cơ bản mà nói thì tội trạng trong mấy bản sớ vạch tội này y đều phạm qua hết, nhưng cụ thể mà nói thì thổi phồng quá rồi.
Nhưng phàm đã khoác lên mình áo quan, chuyện này ai lại không dính chút ít cơ chứ, cho dù là mấy kẻ được gọi là quan liêm cao ngạo khoác lác kia cũng không biết sạch sẽ được bao nhiêu.
Chỉ có điều đã cầm cái đống này rồi, thì kỳ thi lần này nhất định phải rõ ràng sạch sẽ, không thể để dính chút mùi tanh hôi nào.
Tiểu hoàng thượng còn chưa qua mười lăm tuổi, vừa mới đích thân chấp chính, bản lĩnh đã từ từ lộ ra, từ nay về sau phải càng phải đề cao cảnh giác.
Lan thị lang đem đống giấy để lên bàn, bên phải đầu cũng bắt đầu nhưng nhức.
Vàng bạc châu báu đồ chơi quý giá nườm nượp dâng lên tận mắt thế mà không được cầm.

Bỏ đi, cẩn thận chút mà lấy lòng người vậy.
Trong lòng Lan thị lang ấm ức vô cùng, y thay bộ thường phục, một mình đi ra ngoài để giải tỏa bớt sự khó chịu này.
Khi đi ra khỏi con hẻm dài, Lan Giác nhìn thấy một người đang đứng dưới gốc cây to bên đường nhìn chòng chọc vào Lan phủ.
Người đó khoảng chừng hai mươi tuổi, vóc người khá cao, gầy trơ xương, mặc một bộ trường bào cũ rách màu xám, sắc mặt vàng vọt, hai má hóp lại, lông mày nhăn nhăn, đôi mắt như chim đại bàng chết đói nhìn chòng chọc vào cổng nhà Lan đại nhân.
Lan đại nhân cảm thấy người này nhất định không phải đến để tặng quà cho y.

Y lập tức nhớ lại một lượt mấy chuyện thất đức mà mình đã làm, không nghĩ là có chuyện nào lại liên quan đến con người này.
Y lại nhớ mấy chuyện phong lưu hồi trẻ mình từng làm qua, cứ cho là y làm chuyện phong lưu đầu tiên vào năm mười sáu tuổi thì cũng không thể chui ra đứa con trai lớn thế này.
Nhưng cái bộ dáng nhìn chăm chăm vào Lan phủ của người thiếu niên kia quả thực khiến Lan đại nhân vô cùng hoảng sợ, đúng lúc đó y nhìn thấy đối diện đường có ba bốn thư sinh đi ngang qua.

Mấy người họ quay đầu nhìn người kia thì cười vài tiếng, bàn tán mấy câu nhỏ to gì đó.
Lan Giác đi qua đường, mấy tên thư sinh đó đến trước một quán trà, còn đang khách sáo nhường nhau vào trong thì Lan Giác đã tiến lên trước, chắp hai tay nói: "Các vị huynh đài đây cũng tham gia kỳ thi năm nay ư?"
Hai bên chào hỏi nhau một bận rồi cùng bước vào quán, lựa bàn ngồi xuống uống trà, bàn tán mấy chuyện về cuộc thi.

Thư sinh áo xanh lam trong đám nói: "Nghe nói năm nay cháu của Liễu lão thái phó cũng tham gia, xem ra một chỗ trong tam giáp đã có chủ rồi, chỉ còn hai chỗ để tranh thôi."
Một vị thư sinh mặc áo xanh lục nói: "Tôi tự lượng sức mình, chỉ mong có tên trong top ba mươi, dù cho đứng cuối cũng vui lòng, vị trí tam giáp đó tôi không dám mơ tưởng tới, kẻ nào đỗ cũng chẳng quan tâm."
Thư sinh áo xanh lam cười như không cười: "Chỉ tiếc là chúng ta không thể đầu thai, không mang được họ Liễu và họ Vương, cũng không có tiền tài quyền thế gì để có thể bước vào cổng phủ của Lan thị lang."

Lan Giác xuôi theo lời hắn nói: "Cái vị Lan thị lang ấy, nói không chừng cũng chẳng giàu có gì như lời đồn đâu, mới nãy tôi nhìn thấy có một anh bạn gầy gò đen đúa đứng trước cổng của phủ thị lang, nhìn tới lui cũng không giống loại có tiền có thế."
Mấy vị thư sinh đều cười phá lên, thư sinh áo xanh lam nói: "Ông anh à, người huynh nhìn thấy không phải là kẻ cao ốm mặc áo xám rách rưới, trông có vẻ quê mùa cục mịch đấy chứ?"
Lan Giác gật đầu: "Đúng rồi, đúng rồi."
Thư sinh áo xanh lam cười ha ha: "Tên đó dù có muốn vào phủ Thị lang thì sợ rằng mấy con sư tử đá cũng không cho hắn vào.

Xem ra ông anh đúng là mới tới Kinh Thành rồi, chưa nghe qua tiếng tăm của kẻ đó.

Gã tên là Trương Bình, là sĩ tử quận Tây Xuyên, nghe nói không cha không mẹ, lớn lên trong miếu Hoàng Thành, học trong một trường miễn phí do thân sĩ nông thôn quyên góp, nhưng lại có thể lọt vào danh sách những người được tiến cử vào Kinh Thành dự thi của quận Tây Xuyên.

Chỉ tiếc là do dính vào một chuyện xấu mà hủy hoại cả danh tiếng.

Buồn cười nhất ấy là gã lại mở một sạp mì trong chợ, làm mất hết mặt mũi của người đọc sách chúng ta.

Các sĩ tử trong Kinh tính cả những đồng hương của gã cũng chẳng có mấy người qua lại với gã."
Lan đại nhân lắng nghe cảnh đời hẩm hiu này, trong lòng có chút trống rỗng, lại không nhịn được mà nhớ lại những chuyện đã làm sau lưng.
Có lẽ chưa từng khiến ai phải tan nhà nát cửa... Lan đại nhân nghĩ ngợi đầy phân vân.

Thư sinh áo lam nhìn thấy y sững người, liền nói tiếp: "Ông anh cũng cảm thấy chuyện bán mì là không thể tưởng tượng nổi ư?"
Lan Giác nói: "Quả thật không nghĩ học trò sẽ làm chuyện này."
Thư sinh áo nâu tiếp lời, bởi vì tên Trương Bình này đã đi đến bước đường cùng, nghe nói gã vừa đến Kinh Thành thì thuê một gian phòng trọ tồi tàn, chủ trọ làm nghề bán mì, cảm thấy Trương Bình là kẻ thật thà chân chất nên không thu tiền trọ, còn cho gã ngày ba bữa cơm, chỉ yêu cầu gã ngồi tính sổ trong quán.

Chủ tiệm đó có một cô con gái, cũng đi ra đi vào quán với Trương Bình.

Ông chủ tiệm có ý muốn Trương Bình ở rể nhưng ai ngờ gã lại nằng nặc không chịu, còn cô gái kia suýt chút nữa là tự vẫn rồi.
Lan Giác nói: "Chuyện này ai đúng ai sai không tiện nói, tuy chủ quán có ơn với Trương Bình nhưng nếu người ta không thích con gái ông ta mà cứ ép buộc cưới cũng không được rồi."
Thư sinh áo xanh lam nói: "Ông anh thật nhân hậu, Trương Bình là chê chân của cô gái đó có tật, hắn nghĩ nếu như bản thân có ngày đỗ cao thì người vợ như vầy chẳng phải quá mất thể diện sao.

Lúc cô gái đó tự vẫn hắn cũng chẳng thèm đến thăm.

Chuyện này truyền đi khắp nơi, từ đó mọi người đều xem thường nhân cách của gã, danh tiếng của gã coi như tiêu rồi.

Còn có mấy kẻ nhiều chuyện rảnh rỗi vãi, bảo là nếu như gã đỗ cao thì sẽ bóc trần chuyện này trước mặt Hoài Vương.

Chỉ nói gã chế nhạo người thọt thì cả đời này của gã cũng đừng mong ngóc đầu lên được."
Lan Giác ngậm cười ngồi nghe, Hoài Vương vốn là hoàng thúc của đương kim hoàng thượng, trong tay nắm binh quyền to lắm, trước khi hoàng thượng tự mình chấp chính thì ông ta đã từng tạm nắm quyền.

Lúc Hoài Vương còn trẻ, cưỡi ngựa bị ngã gãy chân nên chân phải hơi thọt tí.

Giữa các sĩ tử trước giờ luôn có sự đấu đá tranh giành kịch liệt, xem ra tên Trương Bình này đụng phải cục xui to rồi, thiên hạ tính mượn chuyện này chèn ép hắn đây mà.
Trong chốc lát Lan Giác hơi do dự, nói: "Có thể Trương huynh này có nỗi khổ bất đắc dĩ nào đó, không dám vướng víu chuyện gia đình thì sao."
Mấy tên thư sinh kia đều cười: "Xem ra ông anh thích xem mấy quyển truyền kỳ đang nổi của Hồng Diệp Sinh ở Tây Sơn viết quá đi, đoán trúng thắc mắc của giang hồ rồi."
Sau khi nói lời từ biệt với mấy cậu học trò và ra khỏi trà quán, Lan Giác thong thả trở về phủ, suy nghĩ có nên sai người điều tra lai lịch của tên Trương Bình này không, nhưng cũng cảm thấy làm như vậy thì hơi đa nghi quá.
Hắn không còn đứng dưới bóng cây ngoài Lan phủ nữa, Lan Giác hướng mắt về phía cái cây, quyết định trước hết cứ đợi xem sao.
Sau khi vào phủ, Lan Giác hỏi qua loa tổng quản nội phủ dạo này có người nào đáng nghi không.

Tổng quản đáp, đều là những người đến tặng lễ vật, không có gì đáng nghi.
Nói như vậy, Lan Giác lại cảm thấy đáng nghi rồi.
Những người gác cổng ở phủ y rất cẩn thận, chỉ một con ruồi lượn lòng vòng trước cửa họ cũng nghi liệu trên chân con ruồi có tẩm độc của thích khách hay không, không có lý gì lại không chú ý đến Trương Bình.
Tổng quản lại nói: "Lúc lão gia đi ra ngoài, chúng tôi có canh chừng ở phía sau, nhìn thấy một thư sinh nghèo đứng trước cổng, cho nên đặc biệt chú ý một lúc, đoán chỉ là một thằng nghèo rớt mồng tơi không tặng nổi quà, đứng một lúc thì cũng đi mất."
Lan Giác ồ một tiếng rồi không nhắc đến chuyện này nữa.
Kỳ thi càng đến gần thì Nha Môn Ti Bộ lại càng thêm đủ thứ chuyện, trong triều liên tiếp có nhiều chuyện lớn, Hoài Vương sắp cưới vợ, sắp đến thọ thần của Thái Hậu, mấy ngày liền Lan Giác bận đến nỗi tối khuya mới về đến phủ.
Chạng vạng hôm nay y về phủ khá sớm, cởi bỏ quan phục ra rồi khoác lên mình bộ áo hơi cũ, thong thả ra khỏi phủ.
Trên đường, người đi qua đi lại phần lớn đều là áo dài khăn xếp, một cảnh tượng thường thấy lúc sắp đến gần ngày thi.

Lan Giác rẽ vào một con đường nhỏ, đến chỗ một cái lều sơ sài dựng từ bốn cây sào trúc dưới bức tường cũ, thấy khói trắng bốc lên nghi ngút từ bếp lò trong lều.
Một thiếu niên gầy gò đang mở nắp nồi, cầm muỗng to khuấy khuấy bên trong, bên ngoài bộ áo dài thô xám là cái tạp dề cũ nát, giống như cô hồn chui ra từ mấy truyện ma quỷ vậy.
Lan Giác đi đến trước lều nói: "Ông chủ, cho một tô mì.".

Người thanh niên kia nhướng mí mắt: "Chỉ có mì chay thôi."
Lan Giác liếc nhìn một lượt, thấy một cái sọt nông đặt trên bàn, bên trong rõ ràng còn bốn năm quả trứng gà.
"Cho thêm một quả trứng luộc nhé, luộc chín một chút."
Thanh niên ờ một tiếng, có vẻ không thích cho thêm trứng vào nhưng cũng chẳng muốn nhiều lời.
Cả dãy bàn thấp trống không cho thấy việc buôn bán của quán mì này không được đắt khách cho lắm.

Lan Giác chọn bừa một cái bàn ngồi xuống, trên bàn có một lọ giấm, một đĩa ớt, còn có một đĩa nhỏ đựng mấy tép tỏi ngâm đường.
Lan Giác nói: "Anh chủ là người vùng Tây Bắc à, ở đó ăn mì lúc nào cũng thêm giấm vào, ở Kinh Thành rất ít khi ăn như vậy."
Người kia ừ một tiếng, rắc bột mì lên thớt: "Người huyện Nam Trì quận Tây Xuyên."
Lan Giác cười nhẹ: "Huyện Nam Trì, chính là nơi sản xuất trà Đại Diệp ấy hả? Nghe nói trà ấy đun trong sữa bò rồi thêm ít muối vào là ngon nhất, trước đây một số người Hồ rất thích cách uống như vậy đấy."
Thanh niên kia cầm lấy cái chày cúi đầu cán bột, lạnh nhạt đáp: "Chỗ đó mùa đông rất lạnh, gió còn rắn hơn dao, uống loại trà Hồ đó có thể chống rét.

Lúc lạnh nhất, còn phải thêm vài giọt rượu vào nữa."

Lan Giác nói: "Đúng, rượu miền Tây mạnh lắm, không giống như rượu Kinh Thành chỉ được cái thơm thôi".
Người kia không tiếp lời, cứ cúi đầu cắt mì, tiếng dao chạm xuống bàn nghe lạch cạch.
Mì vừa mới được cho vào nồi thì một cậu học trò vội vã chạy ập vào quán, kêu um lên: "Trương Bình của tôi ơi, huynh vẫn còn bán mì à.

Đã nói hôm nay có chuyện hay ho muốn giới thiệu cho huynh mà, mau mau thu dọn đi, vẫn còn nửa canh giờ nữa, người ta sắp đến rồi đấy."
Trương Bình rắc rau cắt thành sợi vào trong nồi, rồi lau hai tay vào tạp dề: "Đợi bán xong tô mì này đã."
Cậu học trò kia lại kêu lên: "Đến nửa văn tiền huynh còn tiếc không nỡ bỏ à."
Trương Bình thản nhiên: "Bỏ thì lấy gì mà ăn."
Cậu bạn than thở rồi kéo một cái ghế đẩu ngồi xuống: "Vì mấy đồng bạc lẻ này mà huynh lại bỏ món tiền lớn, đó mới gọi là lợi bất cập hại đấy."
Lan Giác ngồi kế bên nhìn ngó, đợi cậu học trò kia ngồi yên xong mới bắt chuyện: "Ông anh đây là..."
Vị thư sinh kia trưng ra một bộ mặt thân thiện dễ gần, lập tức chắp tay nói: "Cảm ơn đã quan tâm, tiểu đệ Trần Trù, dám hỏi họ tên huynh đài là gì, huynh cũng đến tham dự kỳ thi năm nay à?"
Lan Giác cười: "Đúng vậy, tiểu đệ Tào Ngọc, đến từ Quận Nam, vừa mới tới Kinh Thành không bao lâu."
Kỳ thực Lan đại nhân cũng không còn trẻ nữa, nhưng do chăm sóc bản thân quá kỹ nên trong triều các đồng liêu cứ luôn khen y nhanh nhẹn như thanh niên đôi mươi, thành thử khi cùng tán chuyện với mấy cậu học trò non này, y tự xưng tiếng đệ cũng chẳng đổi tí sắc mặt nào.
Trần Trù quả nhiên không hề nghi ngờ, vui vẻ nói: "Thật là trùng hợp, không biết Tào huynh ở đâu.

Tiểu đệ và Trương huynh đây là sĩ tử của quận Tây Xuyên, sau này gặp gỡ nhau nhiều, cùng bàn luận đạo lý văn chương nha."
Lan Giác ngạc nhiên hỏi: "Hả? Ông chủ quán đây hóa ra cũng là sĩ tử à?"
Trần Trù sững lại, nhìn Trương Bình, sắc mặt lộ ra vẻ ngượng ngùng hết hồn: "À, vâng... gia cảnh Trương huynh nghèo lắm, cơ mà học vấn của huynh ấy rất cao, trong cuộc thi tuyển của quận Tây Xuyên chúng tôi huynh ấy đứng thứ ba đấy, có mấy người thường hay khinh huynh ấy, Tào huynh đừng tin nhé."
Lan Giác nói: "Sĩ nông công thương đều là nền tảng của xã tắc, vốn không có địa vị cao thấp.

Nghe nói mấy đại quan trong triều, lúc chưa giàu có đã từng bán chữ bên đường, ở trong miếu rách đình hoang.

Bán mì và bán chữ có khác biệt gì đâu cơ chứ? Có rất nhiều người viết được chữ đẹp nhưng vẫn không làm được tô mì ngon như Trương huynh đây nè."
Những lời nói này của Lan Giác phần nhiều đều là thật lòng, bởi trong số những người ngày xưa phải bán chữ bên đường kia cũng có y mà.

Lúc trẻ Lan Thị Lang phải trải qua nhiều cơ cực thành ra bản thân cũng đồng cảm với mấy thanh niên nghèo khổ này.

Đáng tiếc hiện tại nhiều người lại nói y nịnh hót, thật ra đều chỉ là hiểu lầm của thế gian thôi.
Trần Trù lại cười: "Đúng vậy đúng vậy, Tào huynh đây mới chính là hiểu biết nhất đấy, đáng tiếc là mọi người lại không thấu tình đạt lý như huynh."
Lan Giác lại nói thêm đầy vẻ biết điều: "Đến thần tiên trong miếu còn bị người mắng, nói chi là kẻ phàm tục như tôi.

Người ta nói gì cứ kệ đi, ai làm chuyện người ấy, thân ai người nấy lo."
Trần Trù xoa tay gật gật đầu: "Tào huynh nói hay lắm!", rồi gặp Trương Bình bưng tô mì nóng nghi ngút đến thì nhanh nhẹn né sang bên, "Đáng tiếc hôm nay tiểu đệ và Trương huynh có việc gấp nên không thể cùng Tào huynh nói chuyện lâu hơn.

Nếu như Tào huynh rảnh thì đến con hẻm nhỏ tên Hao Tử, tôi và Trương huynh ở cuối tiểu viện có cửa hướng về phía Bắc ấy."
Lan Giác gật đầu, cầm đũa lên nhưng bất giác không thể ăn.
Trần Trù đứng dậy, chắp tay nói: "Trương huynh, thời gian không còn sớm nữa, hay là tôi đi trước chờ huynh đến nhé, là quán trà trong ngõ hướng về Đông ấy, đã đặt phòng ở lầu hai rồi, huynh nhớ thay bộ đồ khác rồi mau đến nhé."
Trương Bình cắm cúi nhặt rau, chỉ ừ một tiếng.
Trần Trù lại áy náy nhìn Lan Giác nói: "Tào huynh, thật xin lỗi, không có ý hối thúc huynh đâu, huynh cứ từ từ ăn nhé, tôi đi trước đây.

Nếu như huynh thấy mì này ngon thì sau này nhớ đến ủng hộ Trương huynh..."
Người kia liên tục nói lời từ biệt rồi đi mất.

Lan Giác đứng lên tiễn, lúc ngồi xuống giả vờ vô ý, choang một cái, cả tô mì rơi xuống đất, nước lèo văng tứ tung, cả tô cũng vỡ thành mấy mảnh.

Quả trứng luộc dính đầy đất cát, nằm lăn trên mảnh tô vỡ.
Lan Giác than thở: "Sao tay lại trơn thế này, phí cả tô mì ngon của Trương huynh, lại còn làm vỡ tô của huynh nữa, thật là ngại quá." Y móc túi tiền ra, lấy bừa một nắm bỏ lên bàn.
Trương Bình không biểu cảm gì bước đến bàn, cụp mắt nhìn xuống đất, từ từ ngồi xuống, nhặt quả trứng lên.
Hắn cầm quả trứng bước đến thùng nước sạch, múc một gáo nước rửa thật sạch quả trứng rồi bỏ vào tô, sau đó lấy chổi hốt sạch mì và mảnh vỡ trên đất.
Đang lúc Lan Giác tính bỏ đi thì Trương Bình cầm hót rác đứng dậy, bất chợt nói: "Lan đại nhân, tô mì này không có độc đâu."
Lan Giác dừng bước, quay người lại.

Trong sắc tối, Trương Bình chống chổi đứng đó, giống như một nấm mộ giữa đồng không mông quạnh, một cây táo chua đơn độc, mang theo cảm giác mênh mông thăm thẳm, nhìn thẳng vào Lan Giác.
"Lan đại nhân, tôi đến nhà ngài không phải là do có thù với ngài.

Người nhà ngài ăn mì của tôi không trả tiền nên hôm đó tôi đến đòi thôi.".
Lan Giác đứng sững hồi lâu rồi mới mở miệng hỏi: "Sao huynh biết tôi nhìn thấy huynh?"
Trương Bình đáp: "Lan đại nhân nhìn thấy tôi thì tôi cũng nhìn thấy ngài thôi."
Lan Giác lại hỏi: "Làm sao huynh đoán ra được tôi là ai?"
Trương Bình đáp: "Gần đây Lan đại nhân bị tố cáo, không dám nhận lễ lạt nữa.

Ngài mặc thường phục từ Lan phủ đi ra, lại chẳng giống với gia đinh tổng quản."
Lan Giác đơ người một lúc, không biết sao tự nhiên lại thấy buồn cười: "Vậy ra ngày đó huynh đã đoán ra được tôi là ai, sao không nói luôn với tôi đi."
Trương Bình rủ mắt: "Thì cũng chẳng phải là chuyện gì to tát, chỉ là tí tiền lẻ, là nợ nần giữa tôi với đánh lính gác, chẳng liên quan đến Lan đại nhân.

Hơn nữa, nếu như tôi nói chuyện này với ngài, bọn họ sẽ ôm hận rồi gây chuyện với tôi, tôi chỉ buôn bán nhỏ mà thôi."
Lan Giác nhướng mày, nhất thời không biết nên nói gì.
Trương Bình đặt hót rác xuống, rồi lại đi đến bàn, nhặt ra tám đồng từ trên bàn: "Mì ba đồng, tô sáu đồng nhưng cũ rồi lấy năm đồng thôi."
Ngón tay khẳng khiu, thanh âm ngay thẳng.
Lan Giác nhìn hắn bỏ tiền vào túi áo, nói: "Lúc tôi mới đến, huynh chỉ tính bán mì chay, chính là vì nghĩ tôi sẽ không ăn mì của huynh hả?"
Trương Bình không trả lời, lấy khăn lau sạch bàn.
Lan Giác khoanh tay đứng bên cạnh, không khỏi nghĩ chuyện này thật giống như chuyện cười, nhưng lại gặp được một hậu sinh thú vị trong đám sĩ tử năm nay cũng xem như không tệ.
Mỗi một kỳ thi chính là chuyện lớn trong đời của đám đọc sách cầu công danh trong thiên hạ, và cũng chính là chuyện vui của đám quan trong triều.

Đặc biệt là những vị quan cũng dựa vào thi cử tiến thân như Lan đại nhân đây, dùng cặp mắt cú già sành sỏi quan sát những con chim ngờ nghệch liều mạng tranh nhau lao vào chốn rừng sâu, dự đoán tương lai của bọn họ cũng là một thú vui của người từng trải.
Nhiều năm như thế quan sát nhiều người như thế, Lan đại nhân đối với con mắt nhìn người của mình cũng tự tin được vài phần.
Nhìn hành vi lời nói của Trương Bình, nếu như có thể đỗ bảng vàng, bước chân vào triều, đứng trong hàng ngũ quan thanh liêm, sẽ trở thành một mầm non tươi mới tài hoa xuất chúng đấy nhé.
Y bật cười, quay người rời khỏi, trước khi đi còn bảo: "Thôi được, chuyện hiểu nhầm này đúng là do ta nhất thời lo xa.

Ngươi tên Trương Bình hả? Nếu như ngươi học hành cũng tinh tế thế này thì nói không chừng không lâu nữa ngươi có thể cùng bản quan đồng điện xưng thần đấy.

Trước mắt nếu như có dịp, ta sẽ lại đến ăn thử mì ngươi nấu."
Lúc Trương Bình xếp xong mấy cái ghế thì bóng của Lan Giác cũng đã rẽ ở góc đường, chiếc bóng dài quét qua bức tường gạch cũ kỹ rồi biến mất.
Trương Bình thu dọn lều, chất lên xe, trở về nhà.
Khi về đến nhà, hắn bán lại mấy hũ tỏi ngâm đường, rửa qua loa cái mặt, thay một bộ trường bào xem chừng là chỉn chu nhất rồi đến quán trà Cát Khánh ngoài ngõ.
Trần Trù đang đi qua lại dưới chân cầu thang trong quán trà, vừa nhìn thấy Trương Bình đã nhảy xổ lại: "Ông chủ Trương của tôi ơi, cuối cùng huynh cũng đến rồi đấy, hai ông chủ thực kia đã đến cả rồi, trà cũng chuẩn bị xong xuôi hết, nhanh lên nào!"
Hắn túm lấy áo, kéo Trương Bình lên lầu, lôi vào căn phòng nhỏ cuối tầng hai.
Trong phòng, người hầu trà đang dâng trà lên, một nam một nữ ngồi cạnh bàn, người nam chừng năm mươi mấy tuổi, tai to mặt lớn, khuôn mặt thân thiện hòa nhã.

Người phụ nữ nhìn mặt cũng chưa đến bốn mươi, gương mặt nhã nhặn, trát phấn đến trắng bệch, hai bên tai đeo đôi hoa tai bằng vàng khảm ngọc, cặp lông mày lá liễu được vẽ ngược lên trên một cách tỉ mỉ.

Trần Trù cúi người cười với hai người họ: "Kim lão gia, Kim phu nhân, thật vô cùng xin lỗi, Trương huynh nhất thời chậm trễ, đã thất lễ với hai vị rồi, tôi xin thay huynh ấy tạ lỗi với hai vị." Rồi quay mặt lại nhìn Trương Bình: "Đây là Kim lão gia, là trưởng đoàn của đoàn kịch Lai Hỉ đình đám đấy, mau chào hỏi đi."
Kim lão gia đứng dậy cười ha ha: "Không dám không dám, chỉ là người của một đoàn kịch, làm sao bằng những người đọc sách nho nhã như các cậu chứ."
Trương Bình lúc này đã biết, chuyện làm ăn tốt mà Trần Trù muốn giới thiệu với mình là gì.
Kinh thành vật giá rất cao, chi phí ăn ở thi cử cũng chót vót, những sĩ tử gia cảnh không giàu có đều tìm vài cách kiếm ít tiền trợ cấp.
Những cách này cũng phân ra vài cấp.
Cấp một, bán thơ bán phú; cấp hai, bán chữ bán tranh.

Hai cấp này đều phải tranh giành nhau, nhưng cần phải có chút danh tiếng mới làm được, làm được rồi, chút hư danh cỏn con này mà lọt vào trong triều, mấy câu thơ mấy bức tranh đó nếu như được quan lớn chú ý đến thì rất có ích cho thi cử.
Nếu không làm được hai việc trên thì chỉ còn cách thứ ba: lặng lẽ tìm vài cửa khác.

Trước kỳ thi, mấy hiệu sách trong kinh thành đều sẽ cho xuất bản rất nhiều tiểu thuyết thịnh hành, trong cái đống mờ ám đó, xuân cung sống động mới tinh, các đoàn kịch lớn trong kinh thành hàng tháng đều biểu diễn các vở kịch mới, các chị em trong Câu Lan truyền miệng hát đủ loại thơ ủy mị hữu tình thi vị.
Trương Bình biết, gần đây Trần Trù mới đảm nhiệm công việc viết kịch, lại viết một vở bi kịch, kể về một cô gái trong một ngày thu tình cờ biết yêu là gì đã bỏ trốn với một thư sinh như thế nào, song lại bị lính tóm được bắt về làm thiếp, sau khi sinh hạ hai đứa con lại gặp lại cậu học trò kia, sau đó phân vân không biết có nên bỏ con chạy trốn theo người tình hay không.
Trương Bình đã từng nói với Trần Trù, cảnh nửa đêm leo tường phải chú ý mấy cái chi tiết nhỏ ấy, dùng cách nào mới leo nhanh được.
Trương Bình rất cảm kích ý tốt muốn giúp hắn tìm công việc của Trần Trù, nhưng khi Trương Bình làm việc, trước nay đều rất thực tế.

Đối với mấy chuyện tình cảm, hắn tạm thời không muốn dính vào, không thể cứ vô căn vô cứ viết bừa bãi được, cho nên cảm thấy bản thân không hợp mấy.
Chào hỏi xong xuôi, mọi người ngồi xuống.

Kim lão gia nói thẳng vào vấn đề là gần đây đoàn kịch của ông ta muốn dựng một vở kịch mới, cần người viết kịch bản.
Kim lão gia nói: "Nhất định phải gay cấn! Không những gay cấn mà còn phải thú vị nữa!" Hai mắt sáng lên, Trương Bình đoán ra được cái thú vị mà ông ta đề cập là gì, bèn nói thẳng: "Tại hạ không..."
Trần Trù nhanh tay tinh mắt chặn hắn lại, đè lời hắn xuống: "Tôi dám dùng đầu bảo đảm Trương Bình là người thích hợp nhất với vở kịch mà Kim lão gia muốn! Huynh ấy là cao thủ về thể loại này, hồi trước có lúc tối tôi không ngủ được thế là đòi huynh ấy kể chuyện cho tôi nghe, mấy chuyện mà huynh ấy kể ấy hả, khiến tôi không dám nhắm mắt suốt ba đêm liền đấy!"
Kim lão gia vỗ đùi nói: "Quá tốt quá tốt! Trương công tử thật đúng là nhân tài khó kiếm! Tôi chính là muốn thế này đấy, phá sập sân khấu của đám Khánh Viên luôn!"
Kim phu nhân cắn hạt dưa, híp mắt nhìn Trương Bình cười: "Trương công tử, nếu như cậu có thể viết ra một vở kịch hấp dẫn hơn vở của đoàn Khánh Viên, thì cậu là tài tử có thể sánh ngang với Hồng Diệp Sinh của Tây Sơn rồi, kỳ thi này nói không chừng có thể đậu Trạng Nguyên đấy!"
Trương Bình bình thản đáp: "Mấy quyển sau tác phẩm "Biên cương khói lửa" của Tây Sơn Hồng Diệp Sinh đều là giả cả, theo tại hạ đoán, người này có lẽ đã qua đời lâu rồi."
Tây Sơn Hồng Diệp Sinh là người đương triều đầu tiên viết thể loại tiểu thuyết truyền kỳ, nghe nói những truyện ông viết đến cả Hoàng Thượng và Hoài Vương đều rất thích đọc, lúc đương kim thái hậu đọc tác phẩm thành danh của ông là "Loạn thế đạo hiệp", đến đoạn Ngụy Xương công chúa tự tử vì đạo hiệp đã từng khóc không thành tiếng.

Thân thế người này luôn không rõ ràng, nhiều năm về trước, sau khi viết xong "Biên cương khói lửa" thì đã tuyên bố treo bút, từ đó về sau quy ẩn giang hồ.
Kim lão gia nói: "Tây Sơn Hồng Diệp Sinh khẳng định đã qua đời lâu rồi, mọi người đều biết, cái đám tiểu tử của đoàn Khánh Viên ấy cũng biết, cho nên mới dám to gan hốt tiền của người đã chết, bà nó chứ, không phải là giỡn đâu!"
Đoàn Lai Hỉ và đoàn Khánh Viên là hai đoàn kịch khá nổi tiếng trong kinh thành, trước nay luôn cạnh tranh với nhau, bày đủ thủ đoạn đào bới giành giật kịch bản.
Ông chủ Kim nhận được tin đoàn Khánh Viên muốn dựng lại đoạn tình giữa đạo hiệp và công chúa trong vở "Loạn thế đạo hiệp" của Tây Sơn Hồng Diệp Sinh, nghe đâu sẽ ra mắt sớm thôi.
Đoạn tình cảm này đã khiến thái hậu phải bật khóc, đoàn Lai Hỉ cảm thấy có một nỗi đe dọa thầm lặng, cho nên mới vội vàng cần một vở kịch mới có thể lấn át đoàn Khánh Viên kia.
"Chúng tôi muốn tất thảy phải thật dữ dội, bằng không sẽ không thể đè bẹp được bọn chúng!" Ông chủ Kim nghiến răng nghiến lợi nói, "Nếu như có thể tìm thấy một đoạn dữ dội nào đó, mặc cho không ai dám sửa lại, như kịch tài tử giai nhân, hay chuyện Lễ Bộ Lan đại nhân từng làm với người vợ trước của mình, hoặc tiểu thúc và chị dâu góa chồng, ví dụ như Hoài..."
Kim phu nhân vội vàng nghiêm mặt ho mấy tiếng, át lời của Kim lão gia: "Cho nên chúng tôi đã nghĩ tới nghĩ lui, chọn lấy đoạn có sẵn này, Trương công tử cứ dựa theo viết là được.

Nhưng còn có một chuyện tôi muốn nói trước với cậu..." Nét mặt Kim phu nhân hơi khó coi, "Công tử cũng biết, danh tiếng của Tây Sơn Hồng Diệp Sinh, thế nhân tầm thường không thể so sánh, chúng tôi bất đắc dĩ..."
Trần Trù ho một tiếng: "Trương huynh, là thế này, Kim lão gia đã nói với mọi người rằng vở kịch này là do Đông Hồ Cư Sĩ viết, chính là thằng nhóc Mã Liêm, hắn cũng đã nhận tiền đồng ý rồi, huynh xem..."
Mã Liêm cũng là sĩ tử dự thi năm nay, nhân sĩ quận Thục, nhưng khó có thể dựa vào việc viết kịch mà thành danh, hôm nay đã vào hàng ngũ thơ phú rồi, gã đã từng công khai miệt thị Trương Bình không xứng là người đọc sách, cùng là sĩ tử với hạng người như Trương Bình là điều sỉ nhục to lớn đối với gã.

Trương Bình đáp một cách khô khan: "Với tôi chẳng sao cả, chỉ cần Mã huynh đồng ý..."
Kim lão gia không chờ hắn nói hết câu đã cười nói: "Trương công tử quả nhiên là người độ lượng, vậy quyết định như thế nhé! Đoạn mà chúng tôi đã chọn là nói về ma quỷ.

Thời buổi này phải đề cập đến mấy chuyện yêu ma quỷ quái mới đủ kinh dị chứ.

Bọn họ có đạo chích hào hiệp và công chúa thì chúng ta có tiểu thư và đại tiên!"
Trần Trù vỗ tay một cái đánh đét: "Thấy chưa Trương huynh, tôi đã nói là huynh được mà, chuyện ma quỷ thì huynh là nhất rồi.

Kẻ nhát gan như tôi lỡ mà viết vở kịch này, viết được đoạn đầu chắc đã tự mình dọa chết mình rồi."
Trương Bình nói: "Tôi luôn cho rằng, trên đời này vốn không có ma quỷ."
Trần Trù vội vã kéo tay áo hắn, may mà Kim lão gia và Kim phu nhân hoàn toàn không để ý, cũng có thể cảm thấy tìm một kẻ không tin vào ma quỷ mới dám cả gan viết kịch về ma quỷ nên cứ tiếp tục vui vẻ bừng bừng khí thế nói chuyện với Trương Bình thôi.
Kim phu nhân nói: "Trương công tử, mấy thứ yêu ma này thật ra vẫn có đấy, tôi kể cậu nghe chuyện này là bởi vì nó có thật.

Mười hai mươi năm trước, có một con chồn tinh say mê em họ nhà tôi..."
Mồng Một tháng Năm, Lan Giác có việc gấp muốn đến Hình Bộ tra lại hồ sơ cũ.
Y tự mình ngồi kiệu đến Hình Bộ, vừa mới vào cửa đã nhìn thấy vài sai dịch đang áp giải hai người đi về hướng khác, Lan đại nhân cảm thấy hai phạm nhân này trông quen ghê.
Một người hình như là Trương Bình, người còn lại hình như là Trần Trù...
Y bèn hỏi Lưu Điển Lại bên cạnh: "Lại có vụ gì nữa vậy?"
Lưu Điển Lại nói: "Vẫn chưa thẩm tra, cụ thể thì hạ quan cũng chẳng rõ, nghe đâu tên thư sinh họ Trương có ý muốn giết ông chủ của đoàn kịch nào đó.".
Không ngờ là chưa tới một tháng, tên Trương Bình này thực sự lại dính đến tội giết người, Lan Giác có hơi bất ngờ, tiện miệng hỏi xem rốt cuộc là mưu sát như thế nào.
Lưu điển lại cũng chẳng rõ là bao, chỉ lấp lửng nói mấy câu, kiểu như là dùng hung khí, ông chủ kia giờ đang hấp hối tựa như chỉ mành treo chuông, không biết có sống nổi hay không, nếu như mà không qua nổi thì án này thật sự là giết người rồi.
Viên quan họ Lưu vừa nói đến đó thì hai người cũng đã đi đến trước Vụ Chính Điện, Hình bộ Thị lang Vương Nghiên chào ngay ở cửa, chắp tay với Lan Giác: "Lan đại nhân, khách quý hiếm có đây.

Hôm nay có công vụ gì gấp mà phải đích thân đến đây thế này?"
Lan Giác chào lại: "Còn gì ngoài việc Lưu Tri Hội được phong thưởng nữa, Sử bộ nói án Hộ bộ trả về cho bọn họ, rồi đổ án đang điều tra của Hình bộ lên đầu bọn Lễ bộ chúng tôi.

Mặc dù đây chỉ là làm theo thông lệ thôi, nhưng nếu cứ tùy tiện cử một quan văn đến làm thì rõ ràng thật thất kính với Lưu đại nhân, cho nên tôi phải đích thân đi một chuyến, đành phiền Mặc văn huynh mở hồ sơ giúp tôi rồi."
Theo quy chế thời Ung, hễ là quan viên thăng chức phong thưởng, đều phải tra xét rõ ràng lai lịch xuất thân.

Gần đây, Trung thư xá nhân Lưu Tri Hội được phong làm Ngự sử Trung thừa, ngoài ra còn được thưởng thêm mấy thứ khác.

Văn thư phong chức và tặng thưởng trước phải được gửi đến Lễ bộ và Sử bộ, đợi tra xong hồ sơ, chắc chắn Lưu đại nhân có thân thế trong sạch, không phải kẻ phạm tội hay nịnh bợ để được vào triều, lúc đó mới chính thức ban thưởng thăng chức.
Lan Giác cảm thấy mớ quy tắc này thật thừa thãi, lần đầu tiên đạt được công danh hoặc thăng quan tấn chức thì xem xét cũng được đi, nhưng cứ mỗi lần thăng chức lại phải tra xét, cuối cùng việc này lại biến thành hình thức, mấy vị quan thăng chức nhanh như thế, Sử bộ và Lễ bộ có thể thay đổi lý lịch của họ hay sao, quá là không cần thiết.

Nhưng Lan Giác không phải là người thích ý kiến này nọ, làm tại Lễ bộ, chủ yếu là phải dĩ hòa vi quý, nếu có ý kiến miết với các gián quan thì cũng không ổn lắm, chỉ nghĩ trong lòng vậy thôi.
Vương Nghiên cười nói: "Tôi cũng nghĩ là chuyện này, nhưng đồng cấp đồng bộ muốn điều tra hồ sơ hình sự đã được phê chuẩn của Thượng thư đại nhân, tôi cũng không thể tự ý được.

Vừa vặn hôm nay Đào đại nhân của chúng tôi gặp phải một vụ án giết người, chỉ sợ ngài phải chờ ngài ấy xử xong đấy."
Đương nói thì từ bên ngoài truyền đến tiếng động ầm ầm.

Vương Nghiên nheo mắt nói: "Nhìn kìa, Thượng thư đại nhân đã thăng đường rồi.

Vụ này cần phải thẩm vấn, ở đây tôi đã pha xong trà, nếu được thì ngài tạm thời ngồi đây uống đợi nhé, tôi xin thất lễ trước, Đào đại nhân thăng đường tra xét, chúng tôi cần phải ngồi một bên lắng nghe học hỏi."
Lan Giác thầm cười trong lòng.

Hình bộ Thượng thư Đào Châu Phong là môn sinh của nhạc phụ y, là một vị thanh quan đúng nghĩa, và cũng là một người tốt hàng thật giá thật; Tính tình ôn hòa, có khí chất của người học hành, nếu như vào Hộ bộ, những nơi như Hàn Lâm Viện, với tính cách hòa nhã và trong sạch ấy, nhất định sẽ trở thành một vị quan tốt, thế nhưng người ta lại cứ làm Hình bộ Thượng thư cơ.
Nghe nói Đào đại nhân làm Hình bộ Thượng thư là di nguyện trước lúc lâm chung của Liễu Tiễn, Lan Giác nghi ngờ rằng nhạc phụ của mình trước lúc ra đi đã nói không rõ ràng, khiến cho đám môn sinh nghe "Đào Châu Phong chỉ có thể vào nhàn bộ" thành "Hình bộ" rồi.

Lúc đó tiên đế cũng đã lâm bệnh nặng, tay run một cái liền phê chuẩn luôn, thế là Đào Châu Phong liền làm Hình bộ Thượng thư luôn.
Mấy năm sau, những vụ án đẫm máu trong Hình bộ giảm đi rất nhiều, hoặc là án treo chưa quyết, hoặc là bị người của Đại Lý Tự xét xử.

Đào đại nhân vui vẻ viết vào trong tấu sớ: "Mấy ngày nay lại có một vụ án, do tranh giành buôn bán mà ra, thần mượn lời thánh nhân cùng sự phúc hậu của tiên đế và hoàng đế giáo hóa phạm nhân, phạm nhân hối hận đến rơi nước mắt, có thể thấy sự hưng thịnh của vương triều, kẻ khát máu cũng có thể giáo hóa được..."
Lúc đó hoàng thượng vẫn chưa tự mình chấp chính, Hoài Vương và Vân Đường cùng mấy đại quan phụ chính đọc xong bản tấu thì chuyển lên cho hoàng thượng, Trung thư thay hoàng thượng trả lời: "Phạm nhân là ai, xử phạt như thế nào?"
Đào đại nhân bẩm báo: "Trước khi thẩm tra phạm nhân đã nhận tội, là con út của nạn nhân, là con của tiểu thiếp nạn nhân lén lút ngoại tình sinh ra.

Thân thế không rõ ràng, tâm trí lại bị uất ức làm cho mê muội nên mới làm ra chuyện xấu xa như thế, quả thật rất tội nghiệp.

Lúc thần nhấc bút kết án tử hình, hắn đã không cầm được nước mắt khóc như mưa, nếu tâm được thánh nhân giáo hóa thì đâu đến nỗi này, tiếc thay..."
Chưa hết, bản tấu sớ được trả lời, một hàng chữ đỏ thắm rồng bay phượng múa: "Ôi, hung đồ giết cha, tội ác tày trời, không giết hắn thánh nhân cũng rơi lệ, trảm!"
Đào đại nhân kiềm nước mắt phán hung thủ tội tử hình, không lâu sau, y lại dâng tấu sớ muốn trồng hoa dựng liễu ở bên ngoài thiên lao, để các phạm nhân tội ác tày trời có thể lắng nghe tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, từ đó cảm nhận thế thái nhân tình, rồi còn cho in tập sách hướng thiện, phát cho mỗi phạm nhân một quyển, giáo hóa chúng sinh.
Hoài Vương, Vân Đường, Vương Cần, mấy vị đại quan phụ chính chịu đựng Đào Châu Phong rất lâu, nhưng không ai muốn làm trái lại di huấn của Tiên đế và Liễu lão thái phó, nên đều cắn răng chờ đợi đến khi hoàng thượng đích thân chấp chính rồi mới chỉnh đốn y sau.

Đào đại nhân dường như cũng cảm thấy điều này, khoảng thời gian sau khi hoàng thượng đích thân chấp chính thì tinh thần luôn hăng hái phấn chấn, hết mực xử án, mỗi vụ đều do y đích thân thăng đường, bảo các quan viên thuộc hạ ngồi kế bên nghe, xem xét quyết định thay y.
Vương Nghiên – quan viên thuộc hạ của Hình bộ, sau lưng gọi Đào đại nhân là "Đào thiện nhân" – lại càng nghe không ít những lời than trách của phụ thân Vương Cần đối với Đào Châu Phong, không tránh khỏi đối với y có một sự tôn trọng nhất định.
Lan Giác nói: "Lúc tôi vừa mới đến, có nhìn thấy nha sai đang áp giải hai thư sinh đi, bộ dáng rất giống sĩ tử, họ là nghi phạm của vụ án cần thẩm vấn à? Tiếc nhỉ, Hình bộ các người xử án, ta không tiện đến nghe rồi."
Vương Nghiên nhướng mày: "Nếu ngài muốn nghe thì tôi dẫn ngài đi là được, cũng chẳng phải vụ án liên quan đến triều đình, có nghe cũng chẳng hại gì.

Đào đại nhân không chấp nhất mấy chuyện này đâu.

Hơn nữa hai tên này quả thực chính là sĩ tử kỳ thi năm nay, ngài nghe cũng tốt."
Lan Giác mỉm cười nói: "Vậy thì tôi đi nghe nhé, làm quan lâu như thế này rồi mà đúng là chưa được nhìn thấy mấy cuộc thăng đường thẩm tra luôn."
Vương Nghiên dẫn y đi qua một cửa hông nhỏ đến đại đường Hình bộ, lúc này, trên công đường đã bắt đầu tra án.

Lan Giác đứng sau bình phong, chỉ nhìn thấy Đào đại nhân ngồi trước bàn, vẻ mặt đau khổ hỏi: "Hai người các ngươi là sĩ tử khoa thi năm nay, cũng là người đọc sách thánh hiền, sao lại có thể hành động hung ác đến thế?"
Trần Trù khóc lóc run rẩy tâu: "Đại nhân, học trò bị oan! Tối qua hai người bọn con ngủ ở nhà, không có đi đâu hết, càng không đến sát hại Kim lão gia!"
Đào đại nhân than thở nói: "Nếu như không phải hai người các ngươi làm, tại sao bà Kim Lý cứ một mực khẳng định là các ngươi hả?"
Trần Trù cao giọng: "Không thể cứ bà ta nói là học trò làm thì là học trò làm, xin đại nhân minh giám, quả thực không phải là chúng con đâu!"
Đào đại nhân nói: "Nghi phạm đang nói là Trần Trù phải không? Theo lời bà Kim Lý nói, đúng là không phải do hai người làm, bà ta nói là, tên Trương Bình đứng cạnh ngươi mới là chủ mưu, còn ngươi chắc hẳn là đồng phạm rồi..."
Trần Trù run giọng: "Học trò không phải là tòng phạm! Trương Bình càng không phải là chủ mưu! Hôm qua chúng tôi ở nhà ngủ, làm sao có thể chạy đến thành Tây giết Kim lão gia chứ."

Đào đại nhân lại thở dài một cái: "Ngươi nói, hai người các ngươi ở nhà ngủ, các ngươi ngủ cùng một phòng hay ngủ hai phòng khác nhau? Nếu như là cùng phòng, là ngủ cùng một giường hay hai giường? Nếu như ngủ cùng giường thì trong các ngươi ai ngủ ngoài ai ngủ trong? Ngủ say hay nông? Có thể chứng minh là khi ngươi đi ra thì hắn tỉnh, hắn đi ra thì ngươi tỉnh không?"
Trần Trù run lẩy bẩy nói: "Bẩm đại nhân, học sinh và Trương Bình một người ngủ mạn Tây, người ngủ mạn Đông, nhưng bên ngoài nhà chúng tôi có nuôi một con chó, ban đêm chỉ cần nghe tiếng bước chân là nó đã sủa rồi, tối qua nó đâu có sủa, đại nhân không tin thì có thể cho gọi hàng xóm đến để hỏi!"
Đào đại nhân im lặng giây lát, nói: "Chó sủa hay không, bổn quan tự biết tra..."
Khổng lang trung đứng kế bên len lén thì thầm vào tai Thư lệnh, Thư lệnh lại thì thầm vào tai Đào đại nhân, Đào đại nhân nói tiếp: "Cứ cho là chó không sủa đi cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Bổn quan biết, trên thế giang có một loại thuốc tên là thuốc bay hồn, còn gọi là bột mê man, trộn vào trong thịt, cho chó ăn thì nó sẽ ngủ mê, không sủa gì cả..."
Thư lệnh lại rỉ tai Đào đại nhân, Đào đại nhân lại nói: "Và loại thuốc này, trước khi chuốc ngủ chó còn có thể chuốc ngủ con người.

Có thể nói, ngươi ngủ, hắn có thể thức, ngược lại cũng vậy."
Trần Trù nhất thời hốt hoảng: "Đại nhân, chuyện gì cũng cần phải có chứng cứ, có chứng cứ gì chứng minh học trò và Trương Bình có thuốc bay hồn chứ?"
Đào đại nhân im lặng chốc lát, nói: "Các ngươi cũng không có chứng cứ để chứng minh mình không có."
Nụ cười của Lan Giác đứng sau bình phong dường như đã tắt ngấm, Thư lệnh khẽ ho một tiếng, nói chen vào: "Đại nhân, hay là cứ cho truyền bà Kim Lý vào trước?"
Đào đại nhân chậm rãi đập bàn một cái: "Truyền bà Kim Lý."
Lan Giác nhìn Trương Bình qua khe hở của bức bình phong, chỉ thấy hắn từ nãy giờ vẫn im im đứng đó, mí mắt cụp xuống, vẻ mặt vô cảm, rất hợp làm nền cho đại đường Hình bộ, Lan Giác không khỏi nghĩ trong lòng...
Rốt cuộc có phải là hắn hay không?.
Một lát sau, một người đàn bà tuổi trung tuần bước vào công đường, bà ta quỳ xuống dàn dụa nước mắt: "Cầu xin thanh thiên đại lão gia làm chủ cho, cái thằng Trương Bình này đã giết chồng con, dân phụ suýt chút nữa là thành góa phụ mất rồi hu hu hu... Đại nhân nhất định phải bắt hắn nợ máu trả bằng máu đi hu hu hu..."
Đào đại nhân nhẹ nhàng nói: "Kim Lý à, giết người không phải tội nhỏ đâu, nếu như ta xét xử nhầm, chẳng phải hai rường cột quốc gia tương lai của triều đình đây sẽ bị vặn gãy trên công đường hay sao? Chồng bà Kim Lễ Phát ban đêm bị hành hung, tại sao bà cứ khăng khăng kẻ giết người là Trương Bình thế? Có nhân chứng vật chứng gì không? Đêm hôm tối mù, nhân chứng có nhìn thấy rõ ràng không đấy?"
Bà Kim Lý khụt khịt mũi: "Bẩm ông lớn, chồng con trước giờ là người lương thiện hiền lành, chưa từng gây thù với ai, mọi người trong đoàn kịch, hàng xóm sống cạnh có thể làm chứng.

Chỉ đến mấy ngày trước, có cái thằng Trần Trù này giới thiệu Trương Bình viết một vở kịch cho đoàn chúng con, vở kịch không thể diễn được, không trả đủ tiền như đã hứa với hắn ta.

Kiểu gì hắn cũng ghim rồi, mới ra tay độc ác như thế..."
Bà Kim Lý nắm chặt khăn tay, vừa khóc vừa nói, đêm hôm trước ông Kim Lễ Phát ăn đồ bị đau bụng nên chạy miết vào nhà xí, hình như vào khoảng canh ba, Kim Lễ Phát lại đi nhà xí lần nữa, bà ta ở trong phòng nghe thấy một tiếng hét thất thanh, lúc chạy tới nơi thì nhìn thấy Kim Lễ Phát rơi tõm vào hố xí rồi, lúc vớt lên thì đã hôn mê bất tỉnh, cũng chỉ nghĩ là do ngạt thở, nhưng sau khi tắm rửa xong mới phát hiện trên ngực của ông ta có một vết thương, hình như là ở chỗ hõm vai ấy, không đến nỗi mất mạng.

Nhưng vết thương bị nhiễm trùng, lại cộng thêm mất máu, nên đến giờ vẫn còn hôn mê, đã bước nửa bước đến điện Diêm Vương rồi.
Đào đại nhân cảm thán: "Xem ra hung thủ đã mai phục trước trong nhà xí, đợi Kim Lễ Phát bước vào thì ra tay.

Ẩn nấp náu mình ở nơi hôi thối bẩn thỉu như thế, tên hung thủ này thật nhẫn nại quá đi mà."
Nha sai lại dẫn một học trò của đoàn kịch tên Tiểu Ngũ lên đối chứng, Tiểu Ngũ nói lúc đó nó đang bị sư phụ phạt buộc ngựa dưới gốc cây, sau khi nghe Kim Lễ Phát hét lên thì thoáng nhìn thấy một bóng người vụt qua, dưới ánh trăng không nhìn rõ lắm, chỉ nhớ vóc dáng cao gầy.
Đầu mục dưới sảnh đường bẩm báo, nói đã sai người kiểm tra vết thương của Kim Lễ Phát, hung khí là một con dao sắc bén dáng dài.

Bà Kim Lý nói, hiện giờ chỉ có mâu thuẫn với thư sinh Trương Bình, đám sai nha đi tra xét bên phía Trương Bình cũng phát hiện trong tiệm mì của hắn mới đổi một con dao mới, dựa theo lời nói của khách đến ăn mì thì đúng là lúc trước hắn có một con dao phay dài bén nhọn dùng để xắt rau gọt trái cây.
Đám sai nha lại đi khám xét nhà Trương Bình, phát hiện trong nhà có một cái áo lót, một cái quần cũ, bốc mùi hôi gớm lắm.
Đào đại nhân khép hờ hai mắt: "Cũng có thể nói, nghi phạm Trương Bình sau khi hành hung xong liền đem vứt hung khí và áo ngoài có dính máu đi, nhưng còn cái áo trong không dính máu, do hắn mai phục quá lâu trong nhà vệ sinh nên đã bị ám mùi rồi trở thành manh mối... Ừm, Trương Bình, nhân chứng vật chứng đều có, ngươi có gì để nói không hử?"
Trương Bình giương mắt, từ tốn nói: "Đại nhân, học sinh cho rằng, mấy cái này không thể xem là chứng cứ.

Thêm nữa, lời nói của Kim phu nhân cũng không hoàn toàn là đúng sự thật.

Không phải bọn họ không đưa đủ số tiền đã định cho tôi mà là hoàn toàn không đưa tiền.

Còn về vở kịch kia không phải là không thể diễn, mà là đoàn kịch của Kim lão gia đã diễn rồi."
Đào đại nhân híp mắt: "Nếu như lời ngươi nói, chẳng phải ngươi sẽ càng có thêm lý do chính đáng để giết Kim Lễ Phát sao?"
Trương Bình nói: "Bẩm đại nhân, trước khi vụ án xảy ra hai ngày thì con dao phay của học sinh đã mất rồi, có người có thể làm chứng."
Trần Trù kế bên gật đầu: "Đúng đúng, khách quen đến ăn mì đều biết, con dao mới là do Trương Bình nhờ tôi đến chỗ thợ rèn Hoàng mua giúp, ông ấy có thể làm chứng.

Trương Bình có bán một rổ trứng gà vịt bị thối vài quả nên đã tự mình ăn, tôi cũng ăn hai trứng, bọn Đặng, Nhạc, Tào, Cầm ở cùng viện với chúng tôi cũng có ăn, đều có thể làm chứng cả.

Trương Bình ăn xong còn bán rổ trứng đó, rồi còn có hũ tỏi ngâm đường, quần áo hôi là chuyện thường thôi... Hơn nữa, Trương Bình chưa từng đến nhà Kim lão gia, mọi người đều biết, Kim lão gia ở chung với đoàn kịch, đoàn kịch Lai Hỉ diễn tập thâu đêm suốt sáng, Trương Bình làm sao có thể dễ dàng đột nhập vào viện, sát hại Kim lão gia ở nhà xí rồi lại chuồn đi thuận lợi như thế chứ?"
Tên Tiểu Ngũ kia rống to họng nói: "Bởi vì có ngươi làm tòng phạm cho tên Trương Bình! Hồi bẩm Thượng thư đại lão gia, tên Trần Trù này thường lảng vảng đến chỗ bọn tôi, hắn còn từng thích chị Hương Hà của đoàn chúng tôi nữa, nhất định là hắn chỉ đường cho Trương Bình rồi!"
Trần Trù cũng đột ngột to tiếng: "Ngươi ngậm máu phun người nhé..."
Tiểu Ngũ gào lại: "Chính là ngươi! Chính là ngươi!" Thêm vào đó là tiếng khóc than của Bà Kim Lý, cộng thêm tiếng gầm bảo im lặng của nha sai, thành ra công đường ỏm tỏi như cái chợ.
Lan Giác đứng sau bình phong xoa xoa hai bên thái dương.
Màu vàng, trước mắt chỉ có một màu vàng...
Trong cơn hôn mê, Kim Lễ Phát vùng vẫy dữ dội.
Màu vàng dần tan đi, phảng phất ngang mũi là một mùi hương dịu nhẹ.

Mùa xuân, lúc này cả ngọn núi nở đầy hoa, hoa rừng trải đầy đất, trong làn gió thổi đến luôn quanh quẩn mãi mùi hương này.
Ông bước đi trong núi hoang, bùn sình trên mặt đất bị sương làm ẩm, mũi giày gót giày lấm đầy bùn bẩn.
Ông đi một cách vội vã, bởi vì đang gấp...
Ánh mặt trời chiếu rọi vào mắt, ông khép mắt lại, trong mơ hồ, ông nhìn thấy...
Ông ta nâng tay áo che ánh sáng đi, vì muốn nhìn rõ hơn, ông há hốc miệng...
Đó là...đó là...

Dù ông ta có muốn nói cũng không thể thốt ra nổi...
Ầm! Đào đại nhân đập bàn một cái: "Trật tự, trên công đường không được ồn ào." Y nhìn hai người thanh niên vốn tiền đồ vô hạn dưới sảnh đường, lắc đầu đầy tiếc nuối: "Bản bộ đường cũng muốn tin lời các ngươi nói, nhưng thật quá khiêng cưỡng, mấy bằng chứng lời khai này nhìn một cách đơn thuần quả thực có vẻ như không đủ, nhưng tại sao cứ một mực chỉ vào ngươi, khăng khăng ngươi và vợ chồng Kim Lễ Phát có mâu thuẫn, bản bộ đường không thể không..."
Từ bên hông, một tiểu lại vội vàng xuất hiện từ bình phong phía sau, thì thầm vào tai Khổng lang trung, lang trung họ Khổng hối hả bước lên một bước nói: "Thượng thư đại nhân xin đợi chút đã, ti chức có tình tiết mới muốn bẩm báo, ông Kim Lễ Phát kia vừa mới nói sảng trong cơn hôn mê, có thể là manh mối của vụ án này."
Đào đại nhân nói: "Ô? Ông ta nói gì?"
Sắc mặt của lang trung họ Khổng có chút kỳ quặc: "Kim Lễ Phát không ngừng lặp lại ba chữ... Hoàng Đại Tiên."
Đào đại nhân nhíu mày: "Hoàng đại tiên, là con chồn thành tinh trong truyền thuyết dân gian phải không? Con đó thì có liên quan gì đến cái vụ này?"
Dưới công đường, Trương Bình trầm giọng: "Đại nhân, Hoàng Đại Tiên và vở kịch mà ông chủ Kim muốn tôi viết có liên quan đến nhau.

Kim phu nhân nói, mười hai mươi năm trước, biểu muội của bà ta đột nhiên chết bất đắc kỳ tử, lúc đó mọi người đều cho rằng nguyên nhân cô ta chết là bởi vì bị một con chồn thành tinh hút hết hồn phách.

Kim phu nhân muốn học sinh sửa câu chuyện này thành một vở kịch, nhưng nói con chồn nghe có hơi dở nên muốn học sinh đổi thành hồ ly đấy mà.".

Đào đại nhân lặng thinh giây lát rồi tỏ vẻ đã hiểu: "Bản bộ đường hiểu rồi, có phải ngươi không chịu sửa lại theo yêu cầu của chủ rạp Kim, dẫn đến việc ông ta thậm chí trong cơn hôn mê vẫn canh cánh trong lòng? Ba chữ Hoàng Đại Tiên chính là ám chỉ ngươi hả.

Trương Bình à, xem ra tất cả bằng chứng trước mắt có được đều chống lại ngươi rồi.

Ngươi còn gì để nói không hả?"
Trương Bình lại cụp mí mắt: "Học sinh không còn gì để nói."
Kim phu nhân dập đầu bình bịch: "Xin đại nhân mau chóng kết án, giải oan cho chồng của dân phụ ạ."
Đào đại nhân vuốt râu, lắc đầu, thở dài.

Vương Nghiên cuối cùng chịu không nổi nữa đành bước lên một bước: "Đại nhân, vụ án này vẫn còn nhiều điều đáng ngờ, hay là cứ tra xét thêm một hai ngày nữa, biết đâu lại tìm được bằng chứng xác đáng hơn."
Đào đại nhân gật nhẹ đầu: "Cũng được, hôm nay tạm thời bãi đường, bà Kim Lý, bà yên tâm đi, bản bộ đường nhất định sẽ đòi lại công đạo cho bà mà."
Rồi ông sai người tạm thời nhốt Trương Bình vào trong đại lao, do chứng cứ chứng minh Trần Trù là tòng phạm không đủ nên được thả ra, bà Kim Lý khóc lóc sướt mướt ra về cùng với mấy người trong đoàn kịch.
Đào đại nhân chỉnh quần áo rời khỏi công đường, Lan Giác nhân cơ hội này nói rõ với ông lý do mình đến đây, sau khi có được sự đồng ý của Đào đại nhân liền đến kho hồ sơ xem xét.
Mặc dù chuyến đi tra xét này chỉ là hình thức nhưng cũng không thể làm qua loa được.

Khi trời vừa chập choạng tối, Lan Giác mới rời khỏi kho hồ sơ, đi báo kết quả cho Vương Nghiên.
Lan Giác ngồi cạnh bàn sách viết lại ghi chép về đợt điều tra, Vương Nghiên ngồi cạnh bên nhìn tô nước trà mà day huyệt thái dương.
Lan Giác bất giác cười nói: "Vương thị lang sao lại thở dài suốt thế?"
Vương Nghiên ỉu xìu: "Ôi dào, cùng các đồng liêu bàn về bản án trưa nay với Thượng thư đại nhân đau hết cả đầu."
Lan Giác chấm mực: "Thượng thư đại nhân dường như đã nhận định Trương Bình kia là hung thủ rồi, sao huynh lại còn đau đầu chứ?"

Vương Nghiên nói: "Vị Đào đại nhân đây của chúng tôi trước nay vô cùng cẩn thận tỉ mỉ, tiếc người hiền tài thương kẻ hèn mọn, ngài ấy cũng sợ bản thân kết án oan sai, cho nên cứ do dự mãi chẳng chốt."
Lan Giác không nói gì, hôm nay việc Đào thượng thư dừng cuộc thẩm tra vụ án đã khiến y mở rộng tầm mắt, đáng tiếc tên Trương Bình kia lại rơi vào tay ông ta, không biết có biến thành cô hồn dã quỷ xui xẻo lượn lờ nơi phố chợ hay không nữa.
Vương Nghiên nhấp một ngụm trà: "Tôi thì thấy ấy à, vụ án này kỳ quặc lắm, chưa chắc hung thủ là tên Trương Bình kia đâu."
Lan Giác vẫn không tiếp lời.

Chờ y viết xong ghi chép, nét mực khô ráo, Vương Nghiên đóng dấu rồi thu về phòng hồ sơ, đột nhiên nói: "Bội Chi, tối nay rảnh không?"
Lan Giác nói: "Về Ti bộ trả hồ sơ xong thì không còn việc gì nữa, không lẽ Mặc Văn định mời tôi đi ăn cơm chăng?"
Vương Nghiên khoanh tay cười nói: "Còn ngon hơn ăn cơm nhiều ấy chứ, xem một vở kịch mới, đi không?"
Lan Giác nói: "Vương thị lang, nếu như huynh muốn điều tra vụ án hôm nay thì tôi đi có hơi không hợp phép tắc."
Vương Nghiên nói: "Nói như thể giống như Lan thị lang huynh có nhiều phép tắc lắm vậy, yên tâm đi, tôi nhất định sẽ không khiến huynh gặp rắc rối đâu, chỉ là xin huynh giúp tôi một chuyện, vở kịch tối nay tôi mời, nhưng có thể hát trong phủ huynh không?"
Buổi tối, thủy tạ phủ Lan thị lang treo một tấm rèm, đèn đuốc sáng trưng, gió nhẹ lùa vào màn, trăng thanh gió mát, nối tiếp không khí lúc này chính là một thư sinh đang kéo một tiểu thử hát miên man trên sân khấu: "Tỷ tỷ yêu quý của ta ơi, mấy ngày hôm nay nhớ tỷ đến ruột gan rối bời, trà uống nhạt nhẽo cơm ăn vô vị, mỗi ngày lên đình các ngắm nhìn tỷ, không biết tỷ có từng nhớ ta không..."
Răng hàm phía sau của Lan Giác va lập cập, Vương Nghiên phe phẩy cái quạt nói: "Úi chao, quả nhiên là một nơi thích hợp để nghe hát."
Nữ tì khom người rót trà, ánh mắt Lan Giác quét về một nơi cách đó không xa, nhìn thấy phía sau cây cột trong hành lang thò ra một góc áo.
Lan Giác trầm giọng: "Ra đây đi."
Một dáng người bé nhỏ ngượng ngùng bước ra khỏi cây cột, cúi đầu: "Cha." Rồi hành lễ với Vương Nghiên.
Vương Nghiên cười nói: "Lâu không đến phủ chơi, lệnh lang đã cao lớn quá nhỉ.

Ta còn nhớ hình như tên là Lan Huy phải không, nào, nào, đến đây xem kịch đi."
Lan Huy vui mừng ngẩng đầu lên, nhìn thấy sắc mặt của Lan Giác lại vội cụp mi xuống.
Lan Giác từ tốn nói: "Tuổi con giờ vẫn còn nhỏ, xem mấy vở kịch yêu đương nhăng nhít này không hợp, về phòng đọc sách đi, đến giờ thì đi ngủ."
Lan Huy dạ một tiếng, hậm hực rời đi, Lan Giác lại hỏi: "Ăn cơm chưa?"

Lan Huy nhỏ giọng nói: "Con ăn rồi." Rồi lại đưa mắt nhìn Lan Giác: "Cha ơi, đại thúc thúc nói tết Đoan Ngọ sẽ dẫn con qua nhà ăn bánh chưng."
Lan Giác nói: "Vậy thì con đi đi, Đồng biểu ca của con năm nay thi cử, cha phải tránh mặt nó, không thể đi cùng con được."
Lan Huy lại dạ một tiếng, hành lễ với Lan Giác và Vương Nghiên rồi cùng tổng quản trở về phòng.
Vương Nghiên cười chế giễu: "Bội Chi, huynh dạy con cũng nghiêm khắc quá đấy, lệnh lang năm nay đã bảy tám tuổi rồi, xem kịch thì sao đâu nào.

Ba thằng ranh nhà tôi lúc biết nhận thức thì đã xem kịch cùng ông nội chúng nó rồi, có gì mà chưa xem qua chứ.

Cả ngày nhảy nhót tứ tung, xém chút nữa làm sập cả tường nhà luôn, không hề ngoan ngoãn nhã nhặn như lệnh lang đây đâu nhé"
Lan Giác nhấc tách trà gạt lá trà nổi bên trên: "Tôi trước nay không cấm nó xem kịch, nhưng phải xem mấy vở kịch lành mạnh, đoàn kịch thế này, vở kịch phóng túng thế này, chẳng lẽ huynh lại mời về phủ hát cho các lệnh lang xem sao?"
Vương Nghiên chắp tay nói: "Xem như tôi sai rồi, lần này quả thật có lỗi với Lan thị lang, nếu như vụ án này có biến chuyển, tại hạ nhất định sẽ hậu tạ nha."
Cứ nói chuyện miết, vở kịch trên sân khấu cũng đã hát xong, một người phụ việc cúi đầu chào nói: "Tiểu nhân chúc sức khỏe Lan đại nhân và vị lão gia đây, không biết vở kịch vừa nãy có vừa mắt hai vị đại lão gia không ạ.

Bẩm báo hai vị, vở tiếp theo sẽ là "Hẹn thề dưới trăng" ạ."
Lan Giác nhíu mày: "Vở kịch hồi nãy tầm thường quá, không cần hát vở tiếp theo nữa, lấy sổ ghi chép ra đây, chọn một vở khác vậy."
Người phụ việc hoảng hốt lùi xuống, một lát sau cùng với một người đàn ông trung niên đi đến.

Người đàn ông đó diễn vai tiểu sửu, mặt đã thoa phấn, xoa trát cái mũi trắng bệch, dâng lên danh sách tên các vở kịch, cẩn thận nói: "Nếu hai vị lão gia không thích Nam hí, chúng tiểu nhân sẽ diễn võ hí ạ."
Lan Giác thong thả lật mở cuốn sổ: "Ta vốn rất thích nghe Nam hí, buổi tối mà nghe võ hí thì ồn lắm.

Nhưng, đều là tài tử giai nhân, nghe phát chán rồi, có cái nào mới mẻ hơn không?"

Người đàn ông đó vội vàng gật đầu: "Có ạ, có ạ! Không biết đại nhân có thích nghe mấy kịch thần tiên yêu quái hay không? Có một vở tên là "Cổ tỉnh nương tử", là giữa thư sinh và quỷ nước, còn có một vở là "Tiên nữ oán", nói về Ngưu Lang Chức Nữ, còn một vở nữa là "Mị nương", là giữa hồ tiên..."
Lan Giác nói: "Hóa ra cũng có nữ hồ tiên à, thư sinh tình cờ gặp gỡ nữ hồ tiên, cũng hơi quen đấy, còn có cái nào mới mẻ hơn không, như tiểu thư gặp nam hồ tiên chẳng hạn..."
Thần sắc của người đàn ông sáng lên, lắp bắp nói: "Có thì cũng có một vở, nhưng..."
Lan Giác nhướng mày nói: "Hay là diễn trong phủ của ta không hợp?"
Người đàn ông vội vàng nói: "Không dám, không dám, có thể đến diễn trong phủ của Lan đại nhân là phúc phần mấy đời của đám tiểu nhân.

Chỉ là, đây là vở kịch mới, ở trên sổ vẫn chưa có viết, vừa mới diễn tập vài hôm, sợ lời mới, hát không hay, đại nhân lại trách."
Vương Nghiên ở bên nói: "Không trách, không trách, có kịch mới nghe là được rồi."
Lan Giác đóng cuốn sách lại: "Hát thử cho ta nghe đi, nếu hát sai cũng không sao."
Người đàn ông gật đầu liên tục, miệng đáp dạ vâng, rồi cùng cậu phụ việc lui xuống.
Không lâu sau, màn kịch lại mở ra, vở này tên là "Hồ lang", Vương Nghiên nói: "Hồ lang, hồ lang, vốn phải gọi là chồn chứ."
Trên sân khấu, một cô gái ăn mặc chải chuốt đang nằm trên sạp, cầm một cây quạt tròn, hát một cách yếu ớt: "Lại một năm nữa xuân lại đến, hoa xuân ý xuân nhộn nhạo hết cả vườn, mắt ta trông chờ xuân, quang ý mệt mỏi chán chường, cầm lên lăng hoa kính, người trong gương chưa từng có chút xuân sắc nơi chân mày..."
Răng của Lan Giác lại bắt đầu ê ẩm cả lên, tên Trương Bình đó vẻ ngoài ngô nghê vậy mà lại viết được một đoạn tình thiếu nữ tư xuân sống động thế này, quả nhiên là không thể trông người mà bắt hình dong.
Vị tiểu thư trong vở kịch tên là Ngọc Điệp, tâm tư mong mỏi xuân tình, khi đi chùa đốt nhang, bức tượng thần trên điện đột nhiên mở miệng nói: "Ta vốn là một tán tiên trên thiên đình, thỉnh thoảng lại hạ giới xuống chốn phàm trần, ta thấy ngươi tình cảm chân thành ý niệm kiên định nên ban cho ngươi một đoạn nhân duyên tốt, vào nửa đêm canh ba hãy ra hậu hoa viên..."
Sau khi Ngọc Điệp trở về nhà, thầm suy nghĩ trong lòng: "Một bức tượng đất vô tri vô giác, ngôn từ không lịch sự nhã nhặn, chỉ sợ trên đời này vốn không có thần tiên, có kẻ giả thần giả quỷ để lừa bịp ta."
Vương Nghiên nói: "Cô gái này đột nhiên tỉnh ngộ rồi, nhưng đã hiểu ra như vậy, làm sao có kịch xem tiếp nữa."
Lời y vừa nói xong, Ngọc Điệp trên sân khấu bỗng nhiên lại hát khác đi: "Ta nghĩ thế này, không cần thiết phải cẩn thận, thần tiên đều có tấm lòng tốt muốn phổ độ chúng sinh, có lẽ muốn điểm hóa ta, ta làm sao có thể không đi gặp lang quân như ý mà trời ban cho chứ..."
Thế là Ngọc Điệp liền đi ra hậu hoa viên, nhìn thấy một người thanh niên trẻ tuổi mang mặt nạ, cả người toát ra mùi hương kỳ lạ, tuy Ngọc Điệp không nhìn thấy mặt mũi y nhưng lại bị mùi hương này làm say mê đến mềm nhũn người, thế là ngã vào lòng y ta.
Sau một trận mây mưa, Ngọc Điệp trở về khuê phòng, rồi lại bắt đầu hát: "Khi lòng tĩnh lặng, nghĩ kỹ lại thì, không cảm thấy cả người chàng lạnh ngắt, người quỷ đến cùng vẫn không phân định được, thật giả lại chẳng phân tường, mùi hương đó tựa như mê hồn thang, khiến ta không kiềm được mà vứt bỏ sự trong sạch, rốt cuộc là ta..."
Sau tấm rèm, ló ra một cái đầu, thấp giọng nói: "Sai rồi, sai rồi..."
Lan Giác giơ tay ra hiệu dừng diễn, nói to với người trong đoàn kịch: "Sao lại sai?"
Người đàn ông có mũi trắng bệch kia ấp úng hồi lâu, lắp bắp nói: "Đại nhân, thật không dám giấu, vở kịch này về sau đã sửa lại, ông chủ kịch nói, kịch bản đầu tiên thất bại rồi, thế là lại sai người sửa, vừa nãy là hát sai lời ạ, đó là lời chưa sửa, chúng tiểu nhân thật đáng chết!"
Lan Giác nói: "Đoạn đầu tiên sau khi Ngọc Điệp đi chùa về cũng hát sai rồi, đó là lời bản cũ, đoạn tiếp theo và đoạn vừa mở màn mới là lời đã sửa, có đúng không?"
Người đàn ông mũi trắng nằm rạp xuống nói: "Vâng, vâng ạ..."

Từ sớm Lan Giác đã nhìn ra, Ngọc Điệp luôn nâng cây quạt tròn có dán lời trong tay mình lên, sợ là nhất thời dán nhầm kịch bản cũ lên mất rồi, cho nên mới hát nhầm.

Y thầm cười nói: "Được rồi, vốn là do ta ép các người diễn, cũng có chút gây khó dễ cho mọi người, có sai cũng không sao, cứ tiếp tục diễn đi."
Người đàn ông mũi trắng tạ ân rồi rời đi, Ngọc Điệp trên sân khấu đổi một cây quạt tròn khác, bắt đầu hát lại từ đầu, giai điệu vẫn là giai điệu nhưng lời đã hoàn toàn khác.
"Tâm đã tịnh, suy nghĩ kỹ, nghĩ đi nghĩ lại cũng là lang quân của ta.

Hồ lang ơi, chàng nhất định là tiên, mới có thể giam giữ trái tim của thiếp, Hồ lang ơi, thiếp ước mong sao ngày mai ngày hãy biến thành đêm, để có thể gặp lại chàng..."
Ngọc Điệp và Hồ lang bí mật ân ân ái ái nhiều ngày, nàng Ngọc Điệp đột nhiên phát hiện Hồ lang có gì đó kỳ quặc.
Lại một đêm dài, Ngọc Điệp hỏi: "Lang quân, tại sao chàng lại có đuôi?"
Hồ lang cuối cùng cũng thừa nhận rồi: "Ta không nên dối gạt nàng, kỳ thực ta là hồ ly, không phải là thần tiên."
Hồ lang nói, nó là một con hồ ly muốn tu luyện thành tiên, cảm mến dung nhạo hoa nhường nguyệt thẹn của Ngọc Điệp cho nên mới muốn cùng cô gặp gỡ mỗi đêm.

Hồ lang còn nói, trên người nó có mùi hương nồng nặc là do muốn che giấu mùi của hồ ly.
Ngọc Điệp nâng quạt tròn lên trước mắt, thấp giọng hát: "...hương mê hồn, dùng lý do này cũng được mà, nhưng tại sao, chàng cứ nhất quyết không cho thiếp nhìn thấy gương mặt thật của mình, không phải là luôn lừa dối thiếp..."
Ngọc Điệp đột ngột dừng lại, lùi nhanh về sau hai bước đến chỗ cạnh tấm màn, giả vờ trách móc rồi quay người đi, lúc Hồ lang vịn vai xoay người cô lại, cây quạt tròn có hình bướm nô đùa trên mẫu đơn đã hóa thành chuồn chuồn đậu trên hoa sen.
Lan Giác bất giác bật cười.
Ngọc Điệp thâm tình nhìn Hồ lang hát: "Chàng không nên dối gạt thiếp, cho dù chàng là hồ ly, thì tình cảm của thiếp dành cho chàng vẫn không hề đổi thay..."
Ngày thứ hai, chị gái đã xuất giá của Ngọc Điệp trở về nhà, Ngọc Điệp nói với chị, cô đem lòng yêu một vị tiên, sẽ cùng chàng rời khỏi đây, cô còn nói, chị à, nếu như em không thể chăm sóc cha mẹ đến trọn đời, thì chị thay em tạ lỗi với họ, xin đừng oán trách em.
Người chị chỉ cho rằng cô em gái đang nói mơ, mấy ngày sau, người nhà đột nhiên phát hiện không thấy Ngọc Điệp đâu nữa, chỉ để lại một lá thư, một túi hương.
Trong chốn núi rừng, Ngọc Điệp và Hồ lang ôm lấy nhau trước một rừng hoa.
Kịch diễn xong cũng đã đến canh tư, Lan Giác sai người ban thưởng hậu hĩnh cho đoàn kịch, Vương Nghiên lẩm bẩm: "Chỉ sợ vụ án này, thực sự không phải do Trương Bình gây ra."
Lan Giác không nói gì nhiều, chỉ cầm tách trà đã hơi nguội lạnh lên, nói với tổng quản: "Bảo người đứng đầu đoàn kịch đến đây, nói là ta cảm thấy vở kịch này rất hay, rất muốn xem kịch bản chưa sửa chữa của họ.".

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com