Tro Ve An Lac Tim Co Nhan
- Con cái lớn rồi, tụi nó có chính kiến riêng. Năm xưa, anh tự ý tổ chức đám cưới, Bách Gia giận là phải. Thôi thì bậc làm cha không chấp con trẻ, em nghĩ anh nên xuống nước xin lỗi con một câu.Ông Tuỳ khuyên nhủ. Ông Hợp vẫn cương quyết cho rằng bản thân mình luôn đúng nên cau có hỏi:- Chú bị điên à? Người làm sai không xin lỗi thì thôi, anh có tội gì mà phải hạ mình?- Với người lạ, dẫu anh làm căng thế nào, em cũng chẳng quan tâm. Nhưng với con trai ruột của mình mà anh còn chấp nhặt, hại cha con nhiều năm xa cách, liệu có đáng không? - Đáng hay không chẳng đến lượt chú lên tiếng. Chuyện nhà anh, anh tự biết cách xử lý.- Anh đừng nói phũ phàng như vậy. Chúng ta là anh em sinh đôi, chuyện nhà anh cũng là chuyện nhà em, anh buồn thì em xót.- Anh buồn hồi nào? Anh thèm vào mà buồn! Nhà không có mấy kẻ láo nháo, anh lại vui quá!Ông Tuỳ lắc đầu thở dài. Ông Hợp nốc cạn chén rượu rồi hạ lệnh:- Từ ngày mai trở đi, tiệm vải Ly Hợp sẽ giao cho con Mẻ quản lý.Ngọc Bội uất điên, nhưng trước mặt bao nhiêu quan khách, nàng không dám thể hiện thái độ gì. Sáng hôm sau, con Mẻ chỉ ghé qua tiệm vải một canh giờ, Gia Bảo đã khó chịu hờn dỗi:- Chả ai thương Gia Bảo nữa!Con Mẻ xót Gia Bảo lắm. Gia Bảo khóc, nó cũng chảy nước mắt. Nó xin xỏ phú ông:- Hay là ông cho phép con sống như trước, ban ngày ở bên Gia Bảo, ban đêm thêu thùa?Phú ông bực bội quát:- Con nít bám bu quá đã là không tốt rồi, đằng này, Gia Bảo cứ bám mãi một con hầu, quả thực chẳng ra làm sao cả. Mày có thù hằn gì với ông không mà mày cứ chiều hư cháu ông mãi thế?- Bẩm ông, con không dám chiều hư Gia Bảo đâu ạ... con chỉ là... ruột gan cứ bứt rứt không yên...- Chuyện gì cũng vậy, bước khởi đầu thường nhiều khó khăn, nhưng cứ rèn luyện tính kiên trì, kết hợp với ý chí mạnh mẽ thì dần dà khắc ổn.Nghe lời phú ông, con Mẻ cố tỏ ra cứng rắn. Được cái Gia Bảo hiểu chuyện, bé thích nghi nhanh như lúc cai sữa, chỉ quấy khóc độ chục ngày thôi. Biết rõ không thể dựa dẫm mãi vào con Mẻ, Gia Bảo bắt đầu mở lòng với những người xung quanh. Con Mẻ bớt lo lắng hẳn đi. Gia Lạc tâm sự với nó:- Con cái dẫu sao cũng không thể ở mãi trong vòng tay của thầy bu được. Chúng lớn lên từng giờ, rồi đến một ngày nào đó, chúng sẽ có khoảng trời của riêng mình, thi thoảng sắp xếp được thời gian về thăm nhà vài ba bữa đã là quý lắm rồi.- Dạ, em hiểu mà cô. Em biết cuộc sống là vậy, chẳng có gì vẹn toàn cả, được cái này thì mất cái kia. Chỉ là... có người bu nào muốn xa con đâu cô?Khóe mi Gia Lạc ươn ướt, bà ngập ngừng một lúc rồi mới dám đề nghị:- Sắp tới, cô có việc riêng, phải tới Sơn Tây, chẳng biết đến khi nào mới quay lại Sơn Nam. Hy vọng em cho phép cô gặp Gia Bảo một lần. Nhưng mà... em có thể nào... đừng nói chuyện này với phú ông... được không?Con Mẻ vô tư dắt Gia Bảo tới gặp Gia Lạc. Bà mê Gia Bảo vô cùng, cứ ngắm thằng nhỏ suốt thôi. Bà tặng Gia Bảo một viên ngọc phỉ thúy cỡ lớn rồi ghé tai bé thủ thỉ:- Bà thương con!Do con Mẻ từng dặn Gia Bảo rằng bé phải trân quý những người thương mình nên thằng nhỏ dẻo miệng bảo:- Con cũng thương bà!Gia Lạc khóc rưng rức. Bà có lỗi với Gia Bảo và cha của bé. Tuy nhiên, bà cảm thấy bản thân mình không có tư cách để xin lỗi. Bách Gia được như ngày hôm nay là nhờ ơn Lưu Ly dày công nuôi dạy. Bách Gia là con của Lưu Ly. Gia Bảo là cháu nội của Lưu Ly. Gia Lạc đã ích kỷ lựa chọn con đường riêng, hiển nhiên không dám vô liêm sỉ xen vào chuyện của người khác.- Từ lâu, cô đã nghe nói Gia Bảo rất đáng yêu. Nay có duyên được gặp bé một lần, cô thực sự rất mãn nguyện. Cô cảm ơn em nhiều. Thôi, muộn rồi, em đưa Gia Bảo về sớm còn tắm rửa, cơm nước.- Dạ, em cũng cảm ơn cô vì thời gian qua cô đã tận tình dìu dắt em. Em chúc cô thượng lộ bình an.Chia tay Gia Lạc, con Mẻ buồn rơi nước mắt. Cũng may ở bên nó còn có Gia Bảo nhí nhảnh đáng yêu, bé ghé tai nó thì thầm:- Gia Bảo thương bu nhất trên đời!Con Mẻ thủ thỉ hỏi:- Thương thật không hay chỉ nịnh người ta?Gia Bảo khẳng định đầy ngọt ngào:- Thương thật đó! Thương nhiều lắm luôn!- Mai mốt lớn lên rồi ngao du đây đó, mải vui chỗ nọ chỗ kia, chắc gì đã thèm nhớ bà bu?- Có mà bà bu ứ thèm nhớ Gia Bảo á. Gia Bảo bây giờ xếp sau tiệm vải Ly Hợp rồi.- Đâu có, Gia Bảo lúc nào chả xếp thứ nhất. Bà bu phấn đấu cũng chỉ vì Gia Bảo thôi mà.Con Mẻ chưa thạo việc, cộng thêm tính tình hào phóng, hay bán chịu cho khách nên trong nửa đầu năm Nhâm Thìn, tháng nào tiệm vải cũng bị lỗ mấy chục quan tiền. Ngọc Bội hả hê lắm. Tiếc rằng, niềm vui chẳng kéo dài mãi, bởi vì cuối tháng Bảy, nàng lén xem sổ thu chi của tiệm vải, tự dưng thấy tòi đâu ra hai ngàn quan tiền lãi. Nàng điên tiết tra khảo con Bỉ:- Mày vẫn làm như mợ dặn chứ?- Bẩm mợ, con nào dám chểnh mảng. Con thường xuyên cho người đến tiệm vải Ly Hợp mua chịu rồi dặn tụi nó một đi không trở lại.- Tụi nó là những ai?- Chính là mấy thằng thanh niên sức dài vai rộng nhưng lười làm, suốt ngày ngồi đầu đường xó chợ ăn xin đó mợ. Bọn này cùn lắm, chị Mẻ còn lâu mới đòi nợ được.- Vậy lãi từ đâu mà ra?- Hay là có khách chịu chi hả mợ?- Đấy là ném tiền qua cửa sổ chứ đâu phải là chịu chi? Liệu có nhầm lẫn gì không nhỉ? Mày hay nói chuyện với con Mẻ, có phát hiện ra điểm bất thường không?Con Bỉ giả bộ đăm chiêu suy nghĩ rồi làm ra vẻ băn khoăn trình bày:- Con cũng không rõ nữa... nhưng mà con từng nghe lỏm được con Ngao bảo tháng này công việc buôn bán của tiệm vải khá khẩm hơn một chút... chắc phải lãi tầm hai mươi quan tiền.- Vậy chắc chắn là con Mẻ bị ngu rồi. Eo ôi! Có hai mươi quan tiền mà nó viết nhầm thành hai ngàn quan tiền thế này thì chết à? Khiếp! Sợ thế!Ngọc Bội hiển nhiên không thể bỏ qua cơ hội vàng, nàng vội vã đi tìm phú ông tố cáo con Mẻ:- Bẩm thầy, con vừa phát hiện ra sổ thu chi của tiệm vải có điểm bất hợp lý.Ông Hợp hỏi Ngọc Bội:- Tiệm vải không thuộc quyền quản lý của mợ, sao mợ lại xem được sổ thu chi? Đừng nói với tôi là mợ lại làm quá bổn phận của mình nhé!- Bẩm thầy, con đâu muốn làm quá bổn phận của mình. Cơ mà... tiệm vải thua lỗ nhiều tháng... con thực sự không an tâm.- Con Mẻ chưa có nhiều kinh nghiệm buôn bán, tiệm vải làm sao mà có lãi ngay được?- Con hiểu thưa thầy, nhưng muốn tiến bộ thì phải biết mình sai ở đâu để sửa chứ.- Rốt cuộc là sai chỗ nào?- Dạ, hình như nó viết nhầm tiền lãi thầy ạ... tháng Bảy tiệm vải lãi tận hai ngàn quan tiền.Lãi hai ngàn quan tiền thì cũng hơi lố thật, ông Hợp cho người lôi con Mẻ lên đại sảnh chỉ trích:- Gớm thôi cái con này! Tiền chứ có phải lá mít đâu mà mày ghi thế nào cũng được? Ông tin tưởng giao hẳn tiệm vải Ly Hợp cho mày quản lý, thật không ngờ mày ngu đến mức không tính nổi tiền lãi. Mày làm ông quá thất vọng!Con Mẻ nhỏ nhẹ giải thích:- Bẩm ông, con tuy còn nhiều thiếu sót nhưng lỗ lãi là chuyện hệ trọng trong buôn bán, con không dám ghi nhầm dù chỉ là một đồng. Tháng này, tiệm vải quả thực lãi hai ngàn quan tiền. Thằng Vạm quét xong cái sân liền hớt hải chạy đến chỗ phú ông bẩm báo:- Tiền lãi chị Mẻ đưa, con đã cẩn thận xếp vào tủ cho ông rồi. Ông Hợp bán tín bán nghi đi vào trong phòng mở cửa tủ ra kiểm tra, trông thấy tiền quả thực nhiều như lá mít thì cười không khép được miệng. Ông sung sướng xông ra ngoài khen ngợi:- Con này nom xấu xấu bẩn bẩn mà giỏi gớm!Thấy Văn Gia vừa hay cũng ghé qua phủ Ly Hợp, con Mẻ vui vẻ bảo:- Chuyện này... thực ra... phải cảm ơn cậu Văn Gia, ông ạ.- Ý mày là sao?- Bẩm ông, con ngu si bán chịu cho bọn lừa đảo. Tụi nó cứ trốn nợ hoài, may mắn có cậu Văn Gia ra mặt xử lý giúp con. Chính cậu ấy đã bắt mấy đứa thanh niên đem số vải đã mua chịu trong suốt nửa năm liền lên kinh thành bán. - Giá vải trên kinh thành vốn đã cao rồi, chưa kể những tấm vải có hình thêu của nghệ nhân nổi danh khắp trấn Sơn Nam còn đang được săn lùng ráo riết. Phen này khéo tụi nó lãi to.- Thưa ông, đúng là lãi rất nhiều, nhưng cậu Văn Gia dọa tụi nó nếu không biết điều thì sẽ no đòn nên tụi nó chỉ dám giữ lại một phần mười số tiền lãi thôi, chín phần còn lại, tụi nó đưa cho con. Lần đầu tiên trong đời kiếm được nhiều tiền, tụi nó phấn khích đề nghị hợp tác lâu dài với con.Văn Gia bực bội bổ sung:- Một lũ cặn bã dám mở mồm ra mặc cả rằng bắt đầu từ tháng sau, con Mẻ phải chia cho chúng một nửa số tiền lãi.Con Mẻ dịu dàng phân tích:- Tụi nó mất công đem vải lên kinh thành bán, đường xá xa xôi trắc trở, kể cũng vất vả.- Vất cái gì mà vất? Một lũ thanh niên vô tích sự, tối ngày chỉ biết ngồi ăn xin ở đầu đường xó chợ, có việc làm để nuôi sống bản thân là may mắn lắm rồi, quyền hành gì mà đòi hỏi? Không nói nhiều, chia chín một, làm thì làm, không làm thì cút!Ông Hợp khó chịu lườm Văn Gia, cái thằng này xấu cả người lẫn nết, cách ăn nói của nó thật chẳng ra làm sao cả, xách dép cho con trai ông. Ông thở dài dạy bảo:- Chuyện buôn bán phải tính đường dài, đừng ép người quá đáng. Nếu lợi lộc thu về không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra thì tụi nó dễ nản.Ông quay sang dặn con Mẻ:- Phía chúng ta cũng đừng nên nhường nhịn quá, kẻo kẻ gian được nước lấn tới. Dứt lời, ông cho gọi đám thanh niên tới phủ Ly Hợp, nghiêm giọng bảo:- Về lãi, ông chỉ có thể chia cho tụi mày một phần ba. Trong vòng một năm, đứa nào bán được nhiều vải nhất, ông sẽ đích thân đi hỏi vợ cho đứa đó.Con Mẻ cứ tưởng đám thanh niên sẽ ngúng nguẩy chê bai, ai ngờ, tụi nó đồng ý ngay lập tức. Hóa ra, tụi nó chỉ bắt nạt con Mẻ thôi, chứ ở trước mặt phú ông, tụi nó ngoan như cún. Mấy đứa lang thang chẳng có gia đình, được phụ thân của Thượng thư đích thân đi hỏi vợ cho thì vinh dự quá còn gì? Tụi nó vui đáo để, chẳng bù cho mợ Bội mặt buồn thiu. Mợ bị phú ông chửi như hát hay:- Tôi đã dặn mợ bao nhiêu lần rồi, phận làm dâu, tuyệt đối không được phép vượt quyền. Lén xem sổ thu chi đã là quá láo rồi, lại còn thêm cả cái thói bộp chộp, chưa đâu vào đâu đã bày đặt mách lẻo, thật quá mất thể diện! Rảnh thì tập trung chăm chút Gia Bảo đi! Cái loại bu chó gì mà không dám tắm cho con vì sợ bẩn? Tôi sống đến ngần này tuổi đầu, chưa từng thấy có bà bu nào ngại cả chơi với con. Bu để trang trí hay để làm cảnh, hả? Cứ mở miệng ra là kêu bận, bận cái nỗi gì? Bận gây chia rẽ à? Việc của mình thì không làm cho tốt, chõ cái mõm thối vào việc của người khác rồi có sang lên được không? Tưởng mợ lớn thanh cao thế nào? Hóa ra lại đi sân si với một con ở, nhục nhã không để đâu cho hết!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com