TruyenHHH.com

Tien Tay Cuu Ban Cung Lop Toi Nhat Duoc Nguoi Yeu

Ngày bé, tôi thường thơ thẩn ngước lên ngắm bầu trời. Tôi thích cái màu xanh ấy, cái màu xanh khiến tâm trạng tôi dường như tĩnh lặng hơn, yên bình hơn, đúng với cái tên mà mẹ đặt cho tôi – Bình An. Bà chỉ mong tôi lớn lên khỏe mạnh, bình an và nuôi dạy tôi đúng với tiêu chí ấy. Tuy nhiên, tâm hồn tôi lại không được như thế. Tôi luôn hiếu kỳ với mọi thứ, không quá thích chơi với đám trẻ cùng xóm. Một đám trẻ nít (đừng đánh giá tôi quá nhiều, lúc ấy tôi cũng chỉ là một đứa trẻ tự cao tự đại, tự nhận mình cao hơn một bậc so với người đồng lứa) không thể đọc hết một cuốn sách tranh, huống chi là một cuốn sách chỉ toàn chữ. Bộ não nhỏ bé của tôi luôn quay cuồng với đủ loại câu hỏi khác nhau mà tôi khó có thể giải đáp. Những khi ấy, tôi lại hỏi mẹ.Nếu mẹ tôi không biết, tôi sẽ hỏi bố. Tuy nhiên, bố chỉ cảm thấy phiền với những câu hỏi nhăng nhít của tôi và quát tôi ra chỗ khác chơi. Nghĩ tới đây, có lẽ lúc ấy đã bắt đầu có những dấu hiệu cho sự xuất hiện của con người vô cảm như tôi hiện tại.

Xe bus kêu một tiếng "két" to rồi dừng ở trạm. Chú lơ xe hét lên thật to, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi: "Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo! Ai học Trần Hưng Đạo thì xuống xe nhanh lên!" Dòng người xen kẽ đỏ trắng lũ lượt chen nhau bước xuống. Nam sinh mặc quần tây caro đỏ được là phẳng phiu, kèm theo chiếc áo sơ mi ngăn nắp với chiếc cà vạt mini thắt ngay ngắn dưới cổ áo. Nữ sinh cũng không khác gì mấy, chẳng qua quần tây được thay bằng váy đến đầu gối với họa tiết tương tự quần tây nam sinh. Nhìn quanh quất trong xe, tôi tự hỏi cái trường này đào tạo vẹt à? Lòe loẹt thật sự! Tại sao không dùng một màu đỏ sậm hơn mà lại dùng màu đỏ tươi nhỉ? Nhân tiện thì tôi cũng là một con vẹt trong số đó đây. Rất may mắn là nữ sinh có thể thoải mái mặc đồ nam sinh nên tôi đã chọn như thế. Tôi không quan tâm việc người khác ăn mặc ra sao, nhưng vải tiếp xúc với cả cơ thể đem tới cho tôi cảm giác an toàn và thoải mái hơn.

Vệt màu đỏ liên tục lướt qua trước mặt, cảm giác như có thứ gì đó đang muốn chui lên tàn sát não tôi. Một khung cảnh quen thuộc muốn diễn lại trong đầu tôi, như thể nhắc tôi không nên quên. Tôi lập tức đưa mắt sang ghế bên cạnh. Tôi thấy một đôi nam nữ trường khác đang tán tỉnh nhau:

"Bé ơi, anh bận học nên không thể nhắn tin cho em được, em hiểu cho anh chút nhé. Anh cố gắng vì tương lai hai đứa mình đó, bé yêu."

Nữ sinh đỏ mặt lí nhí bảo: "Dạ, em biết mà. Anh cố lên nhé!"

Ôi bạn ơi, sao lại đưa tương lai của mình vào tay người khác thế kia? Tôi thật sự không biết nói gì với tình cảnh này. Để tránh bọn họ phát hiện ra tôi đang nhìn, tôi từ từ quay mặt nhìn về phía sau xe, làm như vừa rồi mình chỉ vô tình nhìn lướt qua. Có vẻ như đây là người cuối cùng học Trần Hưng Đạo xuống xe rồi. Tôi cũng đeo balo của mình và đi hàng sau cùng, hòa vào dòng người họp thành từng nhóm, cười đùa rôm rả bước vào cổng trường. Tôi bước đi chậm rãi và giữ khoảng cách nhất định với người xung quanh, đề phòng có ai đó đùa quá lố ngã xuống vô tình đụng phải tôi.

Đồng phục lòe loẹt là thế, trường vẫn tôn thờ quy tắc "lao động là vàng". Tuy có thuê lao công nhưng sân trường vẫn do học sinh quét dọn. Có sân đầy người, có sân vắng người. Thật bất hạnh, đã 6 giờ 30 phút – tức là chỉ còn 15 phút nữa sẽ đánh trống vào tiết sinh hoạt, nhưng anh bạn kia vẫn đứng quét cái sân đầy lá rụng một mình. Chắc cả tổ đi trễ rồi. Biết làm sao đây, xã hội này đầy rẫy những loại người vô trách nhiệm như thế. Tôi cứ tưởng tình trạng này sẽ đỡ hơn khi vào trường chuyên của tỉnh, nhưng mà có vẻ là không.

Đã hai tuần sau khai giảng, nhưng tôi vẫn chưa nhớ được sơ đồ trường. Biết làm sao được, tôi có hay ra ngoài lớp đi lại đâu. Bước trên con đường quen thuộc, tôi lia mắt quan sát xung quanh – một thói quen có từ bé của tôi, quan sát mọi thứ dù là những gì quen thuộc. Đã vào giữa mùa thu, lá vàng rụng đầy cả đường, hàng cây râm bóng mát nay đã trơ trụi chỉ còn cành. Bây giờ mà có một ngọn gió thổi tới, thì người nên khóc là tôi chứ không phải cái cây kia. Lớp nào phụ trách khu vực này mà để lá chất đống thế này? Tôi ngước mặt lên nhìn số phòng. Hai con số trắng trên nền bảng xanh làm nổi lên nội dung bảng muốn truyền tải. Ồ, tương phản màu tốt, tôi nghĩ.

Là phòng học của lớp tôi. Hôm naylà ngày tổ 2 trực nhật. Tôi có thể nói gì đây, lớp phó lao động là cu li của lớp trong những lúc như thế này. Bất đắc dĩ làm sao, tôi lại là lớp phó lao động. Tôi nhớ là tôi chưa từng cười anh bạn phải quét sân một mình kia. Không cười người hôm trước, sao hôm sau người lại cười tôi? Chuyện đã như thế này, tôi chỉ đành nhanh bước chân hơn, tới chỗ ngồi của mình cất cặp và tiến tới tủ đựng đồ vệ sinh để lấy bộ dụng cụ cần thiết: một tay chổi xương, một tay ki hốt rác nhựa. Tôi nhanh chóng bước ra sân làm phần việc của mình. Có vẻ như cô chủ nhiệm đã tới rồi. Cô nhận ra tôi đang phải gánh phần việc này một lần nữa vì có tổ đi trễ, cô hơi nhíu mày rồi đi vào lớp. Một lát không lâu sau thì 3-4 người nữa thuộc tổ khác cũng cầm dụng cụ ra quét chung với tôi. Mặt ai cũng nhăn nhó hết sức:

"Cái đ*t mợ, tao chưa có chép xong bài."

Nam sinh đeo kính bên cạnh vỗ cái bốp vào lưng anh bạn vừa phàn nàn:

"Suỵt, nói bé thôi. Mày ăn gan hùm mật gấu hả, cô còn ở bên trong kìa."

"À ừ, tao cảm ơn. Tao quen mồm," nam sinh mà tôi không nhớ tên lén lút ngó về cửa lớp rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô không nghe được. Thật sự thì nếu cộng thêm cả tuần trước khai giảng là 3 tuần rồi, tôi chẳng nhớ được mặt ai cũng như tên ai trong lớp. Chuyện này không phải vấn đề gì lớn. Tôi chưa bao giờ chủ động kêu ai. Mỗi khi có người bắt chuyện, tôi chỉ cần căn cứ vào thái độ và xưng hô của từng người để tiếp xúc tương ứng với những gì họ biểu hiện ra cho tôi thấy. Nam sinh đeo kính hỏi tôi:

"An này, bà lần nào cũng phải làm thay cho cái tổ lười biếng này mà chẳng bao giờ thấy bà than thở nhỉ?"

Tôi hoạt động cơ mặt, cười mỉm trả lời: "Không có gì. Dù sao người làm giúp cũng được cộng điểm thi đua, người không làm cũng bị phạt mà."

Anh bạn còn lại cũng chêm vào:"Bà tốt tính ghê á!"

Tôi tiếp tục mỉm cười không nói gì, thầm đưa tay nhanh hơn. Hai nam sinh kia thấy tôi nghiêm túc như thế cũng lo cúi đầu quét lá. Đúng là một lời nhận xét kỳ lạ. Tôi không cảm thấy bản thân mình tốt hay xấu. Mọi hành động tôi làm trong đời mình là vì tránh sự phiền phức không cần thiết. Thả lỏng cơ mặt về sự xa cách như bình thường, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Hai người còn lại ra cùng lúc với hai bạn nam kia là nữ, và chọn quét chỗ khá xa nơi này nên họ không lại chào hỏi tôi. Cũng có khả năng là họ cố tình làm như thế, cơ mà tôi không quan tâm lắm. Chúng tôi quét sân xong vừa kịp lúc trống đánh. Bây giờ đã là năm 2024 rồi, khoa học đã phát triển rực rỡ và đương nhiên đất nước nơi tôi sinh sống cũng theo kịp bước tiến của thế giới. Tuy nhiên trường tôi tôn trọng các giá trị truyền thống nên đã giữ lại chiếc trống da trâu kia, nghe bảo là cái trống đó tuổi đời còn già hơn lũ học sinh chúng tôi, chẳng có gì lạ cả, ở đây cao lắm là 17 mà tôi cũng chỉ mới tồn tại được trên đời này 16 năm nên một cái trống 30 năm tuổi đương nhiên sẽ già đời hơn rồi.

Năm người chúng tôi lần lượt cầm dụng cụ đem cất, rửa tay và ngồi vào chỗ ổn định bắt đầu buổi sinh hoạt đầu giờ. Lúc này 4 người tổ 2 mới thong dong bước vào cửa lớp. Nam sinh đầu tiên bước vào nhuộm cái đầu đỏ chói không khác gì cái bộ đồng phục cậu ta đang mặc trên người, trên tai có bao nhiêu chỗ để xỏ lỗ thì cậu ta xỏ cho bằng hết, khuyên tai vàng lóe mù cả mắt xếp từng hàng quanh vành tai. Tôi chỉ liếc nhanh qua cậu ta rồi nhìn vào phía sau. Ba người đằng sau có vẻ khiêm tốn hơn vì không có khuyên nhưng cũng nhuộm lần lượt tím, xanh, vàng. Cái thẩm mỹ quái gì đây, phong cách mới hả? Cả bốn cậu chàng xếp hàng ngang xin phép cô vào lớp, cô không tỏ vẻ gì nhiều chỉ gật đầu bảo bốn người nhanh vào chỗ ngồi. Tôi biết là trường không cấm nhuộm tóc, trang điểm hay đeo trang sức, nhưng mà mặc đồng phục với cái đầu lòe loẹt không kém,rồi còn hay đi chung với nhau thì đúng là tổ hợp kỳ lạ. Bộ 4 nam sinh đó định làm biệt đội cầu vòng à?

Tiết sinh hoạt nhanh chóng trôi, gần đến giờ kết thúc thì chiếc cửa lớp khẽ mở, mọi người cùng hướng mắt đến nữ sinh lạ mặt ngoài lớp. Cô chủ nhiệm không bất ngờ lắm, giọng nói nhẹ nhàng nhưng có phần nghiêm nghị:

" Em vào đi. Các em, hôm nay lớp chúng ta có một học sinh mới chuyển đến. Em ấy tên là Nguyễn Trần Ngọc Diệp, từ nay sẽ học chung với chúng ta."

Diệp bước vào trong lớp, đứng trên bục giảng, nở một nụ cười rực rỡ như ánh mặt trời. Đúng, không hiểu sao bạn nữ mới đến này cười tươi thật, tôi không tự chủ được nhìn kỹ hơn một tí. Tóc bạn ấy dài đến lưng, nhẹ xõa sau vai, chiếc mái dài được vén gọn ra sau tai nhưng vẫn còn một vài lọn hơi ngắn bướng bỉnh rũ ở trước trán. Đôi mắt to tròn màu nâu đậm, đậm đến mức nhìn không kỹ sẽ tưởng là một màu thuần đen. Lông mi dài cong vút trên đôi mắt hai mí, khi cười đôi mắt đó híp lại, đây là một người có đôi mắt biết cười.

"Tớ là Nguyễn Trần Ngọc Diệp, Ngọc Diệp trong kim chi ngọc diệp, mọi người có thể gọi tớ là Diệp, rất mong được sự giúp đỡ của mọi người từ nay về sau," cô gái nhẹ nhàng nói, giọng chậm rãi và ấm áp, khiến tinh thần người đối diện cảm thấy thoải mái. Giọng của Diệp vừa dứt, tôi sựt tỉnh, nhận ra mình nhìn người ta hơi lâu nên tôi đưa mắt về lại cô chủ nhiệm.

Cả lớp thì thầm bàn tán, dường nhưrất hoan nghênh một nữ sinh xinh đẹp gia nhập tập thể. Cô giáo mỉm cười rồi tiếp lời:

"Ngọc Diệp vừa chuyển từ trường khác đến, các em hãy giúp đỡ bạn ấy hòa nhập nhé."

Cô giáo đảo mắt quanh lớp, ánhnhìn dừng lại ở một góc bàn trống phía sau cùng. "Diệp, em có thể ngồi ở bàn trống phía sau An, bạn ấy là lớp phó lao động của lớp mình. An, em nhớ giúp đỡ Ngọc Diệp trong những ngày đầu nhé."

Tôi đứng lên khẽ vâng. Ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt Ngọc Diệp trong giây lát, đủ để thấy vẻ tò mò trong đôi mắt ấy. Cô gái ấy mỉm cười bước về phía bàn trống sau tôi, lúc tới gần bàn tôi thì dừng lại một chút rồi khẽ vẫy tay:

"Chào bạn An, sau này giúp đỡ mình nhiều hơn nhé."

Tôi chỉ gật đầu, không nói gì, ra hiệu bạn ấy nhanh tới chỗ ngồi. Diệp gật đầu đáp lại rồi nhanh chóng xếp cặp sách lấy sách vở ra bắt đầu tiết học đầu tiên trong ngày. Tôi ngồi thẳng lại, mắt hướng về phía bảng nhưng không khỏi nghĩ về cô bạn mới. Có điều gì đó khiến tôi tò mò về Ngọc Diệp, một cảm giác lạ mà tôi chưa từng có với bất kỳ ai trong lớp này. Nhưng rồi tôi lại nhanh chóng gạt đi suy nghĩ ấy, tập trung vào những lời cô giáo đang giảng.

Tiết học trôi qua chậm rãi, tôi có cảm giác thời gian như đang dần kéo dài ra. Cảm nhận được tầm mắt phía sau đang quan sát. Tôi chỉ thở dài trong lòng, tự nhủ rằng chắc tôi đang tự tưởng tượng ra, quay lại tập trung vào bài giảng trên bảng và ghi chú vào vở.

Giờ ra chơi đến, tôi đoán là chỗ của mình sẽ hơi ồn ào nên tôi lập tức đứng dậy đi ra khỏi lớp. Đúng như tôi đoán, một đám đông tụ tập nơi Diệp ngồi. Tôi không nghe rõ bọn họ nói về cái gì, mà chắc lại là hoàn cảnh gia đình, lí do chuyển tới đây, sở thích gì đó. Trong lúc đóng cửa, tôi vô tình chạm mắt với Diệp, đôi mắt ấy cong lại, cô ấy đang cười với tôi, theo phép lịch sự cơ bản tôi cũng mỉm cười lại rồi nhanh chóng đóng cửa lại. Tôi cảm thấy như Diệp nhìn thấu được tôi, ánh mắt của cậu ta như xoáy sâu vào đằng sau nụ cười giả tạo của tôi. Ngửa mặt lên trời nhìn những đám mây trôi hờ hững trên cao kia, tôi lấy lại bình tĩnh. Bầu trời vẫn như lúc bé, vẫn trong xanh đem tới cho người ta cảm giác bình yên, nhưng tôi của ngày bé đã không còn.

Cuối giờ, khi cả lớp ồn ào chuẩn bị ra về, Diệp nhanh chóng thu dọn sách vở rồi đứng bên cạnh bàn tôi, có vài người định mời cậu ta cùng về nhà tuy nhiên Diệp lắc đầu:

"Hôm nay tớ hứa với An cùng về rồi, để hôm khác nhé?"

Những người đó tươi cười nói không sao rồi nhanh chóng biến mất sau cửa lớp. Tôi  vừa chậm rãi cất đồ đạc vào vừa hỏi: "Hình như cậu chưa từng nói với tớ như thế mà nhỉ?"

"Có mà, câu vừa rồi cũng tính nha." Diệp cười cười nói.

Tôi không nói gì, chỉ chậm rãi xách balo lên, mỉm cười rồi gật đầu đồng ý. Diệp vui vẻ đi song song với tôi bước ra cửa lớp.

Vừa đi Diệp vừa hỏi chuyện tôi: "Tên đầy đủ của cậu là gì thế? Lúc nãy tớ chỉ nghe cô bảo cậu tên An thôi."

Tới chuyên mục hỏi chuyện làm quen rồi hả, tôi thầm nghĩ, nhưng vẫn mỉm cười đáp: "Tớ tên Nguyễn Bình An."

Diệp cong mắt cười, lại nữa rồi, sao cái bạn này cười lắm thế, bộ hít khí cười 24/24 à, "Chắc bố mẹ cậu thương cậu lắm nhỉ, mong con bình an cả đời, hì hì."

Dù dưới đáy lòng đang khó chịu chết được, tôi vẫn quen cửa quen nẻo cười nhẹ rồi trả lời gọn: "Ừm."

Diệp hỏi tôi: "Cậu có đi xe bus không? Tớ đi xe bus đến trạm Ngọc Hồi."

Tôi giả cười áy náy nói: "Tiếc quá tớ đi bộ về, chúng ta tách ra ở cổng trường nhé."

Diệp gật đầu, vẫn cười tươi như thế. Bước ra cổng trường, với Diệp vẫy tay chào nhau, tôi đi về hướng ngược lại, đợi khuất sau một ngôi nhà, tôi mới quay lại nhìn xem Diệp đã lên xe đi chưa. Đợi chiếc xe chở Diệp đã đi khuất, tôi mới thong thả bước lại trạm chờ chuyến sau. Chúng tôi chỉ hai là đường thẳng không giao nhau, tốt hơn là không nên làm thân. Nhưng tôi đâu biết, từ hôm nay, cuộc sống của tôi sẽ có thêm một sự hiện diện mới, một bóng hình có thể sẽ ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn tôi tưởng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com