TruyenHHH.com

THỰC TOÀN THỰC MỸ

78. BÁNH Ú NGŨ SẮC

bacom2

78. BÁNH Ú NGŨ SẮC

Sau khi hoàn thành xong một loạt công việc bận rộn đã là cuối tháng tư, Tết Đoan Ngọ sắp đến.

Đối với ngành dịch vụ ăn uống, mỗi dịp lễ tết đều là cơ hội kinh doanh, mà Tết Đoan Ngọ là một trong ba lễ hội truyền thống lớn, đã mang lại những hiệu ứng đặc biệt lấp lánh ánh vàng trong mắt Sư Nhạn Hành.

Tất cả đều là tiền!

Ở thời hiện đại, ấn tượng của hầu hết mọi người về Tết Đoan Ngọ có thể chỉ bao gồm việc ăn bánh ú, đua thuyền rồng và cắm ngải cứu. Ấy nhưng ở thời cổ đại lại có khá nhiều hoạt động phong phú như ăn bánh Ngũ Độc, đeo trang sức hình Ngũ Độc, uống rượu hùng hoàng, v.v.

Biểu tượng của Ngũ Độc là năm con vật: rắn, rết, cóc, bò cạp và thằn lằn. Thậm chí còn có những khuôn bánh và con dấu hình Ngũ Độc được bày bán trên vỉa hè.

Sư Nhạn Hành mua mấy bộ, quyết định gói rất nhiều bánh ú và nướng bánh Ngũ độc để bán.

Nàng thường làm bánh ú với năm loại nhân: Đậu đỏ, đậu xanh, táo tàu, hạt sen và khoai môn.

Nhân hạt sen dùng hạt sen khô ngâm nở nấu chín, nghiền nát rồi sên với đường và mỡ heo đến khi nhuyễn mịn. Cách làm này không khác gì làm nhân bằng các loại đậu hoặc táo tàu.

Tuy nhiên, nhân khoai môn có một chút đặc biệt hơn.

“Khoai môn” thường dùng là khoai Lệ Phổ vùng Quảng Tây, mà huyện Ngũ Công của triều Đại Lộc nằm ở phía Bắc, là khu thành thị điển hình của phương bắc.

Đại Lộc thật ra có một nơi giống như Quảng Tây, ngặt nỗi nơi đó cách huyện Ngũ Công cả ngàn dặm, phong tục ăn uống rất khác nhau và hiếm khi giao tiếp với nhau.

Nói tóm lại, không thể tìm được khoai môn Lệ Phổ ở huyện Ngũ Công!

Nhưng trước đó không nhớ ra thì thôi, một khi vừa nhớ tới khoai môn là Sư Nhạn Hành càng nghĩ càng thèm, bánh kem khoai môn, bánh nướng khoai môn, thậm chí là sữa chua vị khoai môn đều ăn ngon hết biết!

Đúng lúc Trịnh Bình An tới tiệm, nàng hỏi anh ta có biết củ khoai môn to đùng này không?

Nguồn gốc của khoai môn Lệ Phổ không phải là Quảng Tây, mà vì nơi đó khiến nó nổi tiếng nên được gọi theo.

Hiện giờ người ta chỉ biết củ này gọi là khoai cao, sinh sản nhiều ở vùng duyên hải phương Nam, đặc biệt ở Phúc Kiến và Quảng Tây.

Xác nhận khoai cao là thứ Sư Nhạn Hành muốn tìm, Trịnh Bình An nhìn nàng với ánh mắt phức tạp: "Cái đó dùng để làm gì? Đâu thể ăn!”

Khoai sọ nhỏ của miền Bắc ngon hơn nhiều, luộc lên cho ra vị mềm dẻo hơi ngọt, tương đối mịn.

Nhưng củ khoai này. . . còn to hơn quả cầu, hàm lượng tinh bột cực cao, cứng còng không cắt nổi, mọi người chẳng thèm mất công đụng vào cho nên ai cũng chê.

Sư Nhạn Hành thầm nghĩ, đó là lỗi của khoai môn sao?

Không, rõ ràng là lỗi của các vị!

Khoai môn Lệ Phổ mà hầm thịt ăn ngon đỉnh nóc!

Thậm chí còn ngon hơn cả thịt!

Nhưng củ khoai khô cũng cứng thiệt. . .

Thấy Sư Nhạn Hành không giống đang đùa, Trịnh Bình An nói: “Trước kia ta đã từng thấy nó ở Lịch Châu, nếu ngươi thật muốn, ta sẽ bảo người làm trong nhà hỏi xem.”

Trịnh gia có mối buôn bán ở châu thành nên nhân viên thường xuyên qua lại giữa châu huyện, nhân tiện mang về chút đồ cũng không thành vấn đề.

Sư Nhạn Hành vui mừng khôn xiết: “Đa tạ đa tạ! Nếu không tìm thấy cũng chẳng sao, nhưng nếu tìm được thì tôi sẽ nấu mẻ đầu tiên đưa đến Trịnh gia!”

Giả sử không đúng là khoai môn thì đổi thành nhân mè đen cũng ngon.

Quả là Nhị thiếu gia nói được làm được, ba ngày sau đích thân khuân đến một sọt lớn, chừng mười mấy củ.

“Thứ này ăn ngon thật à?” Anh ta vẫn còn thắc mắc.

Sư Nhạn Hành định trả tiền, Trịnh Bình An gạt đi.

“Không bao nhiêu đâu. Người làm kể, chủ tiệm nghe nói hắn muốn mua, vồ vập nghênh đón như khách hàng coi tiền như rác. . .”

Chủ tiệm là người Quảng Tây, thời trẻ theo đoàn xe tới phương bắc làm ăn, cưới nữ tử địa phương nên định cư ở nơi đó luôn.

Sau này vì nhớ hương vị quê nhà nên mở một quán ăn nhỏ bán nhiều món đặc trưng của quê quán, khổ nỗi người Lịch Châu ăn không quen, kinh doanh ảm đạm nên buộc phải đổi sang món ăn bản địa.

Thế là cả một xe lớn khoai cao được vận chuyển ngàn dặm xa xôi tới Lịch Châu cứ chất đống trong kho hàng, rất giống đầu người chết không nhắm mắt.

Trịnh Bình An cười bảo: “Ngươi xem có phải thứ đó hay không? Nếu dùng được thì cứ đến chỗ ông ta mà mua, phỏng chừng ông ta vui đến mức nằm ngủ cũng cười khà khà.”

Sư Nhạn Hành cười: “Nhị thúc ăn thử là biết.”

Rồi nàng vào trong xách ra một làn tre, bên trong đặt khoảng hai mươi chiếc bánh ú chỉ nhỏ bằng nắm tay trẻ sơ sinh, buộc bằng những sợi dây đủ màu sắc, trong thật xinh xẻo đáng yêu.

“Tôi định làm bánh ú ngũ sắc đón Tết Đoan Ngọ, còn chưa chính thức ra mắt công chúng. Đây là mẻ đầu tiên, Nhị thúc lấy về cho mọi người ăn thử.”

Nàng chỉ vào bánh ú bên trong liệt kê hương vị: “Dây đen là gạo lứt đen, dây đỏ là táo tàu, dây tím là chà là, dây đủ sắc là bát bảo, còn dây nâu là thịt sườn, dây nâu và vàng xoắn nhau là thịt sườn và lòng đỏ trứng. . .”

Nói là ngũ sắc nhưng không chỉ ngừng lại ở con số năm!

Trịnh Bình An nghiêm túc lắng nghe rồi nghiêm túc quên mất, chứng minh một cách sinh động câu nói "Nghe tai này ra tai kia".

Quá nhiều loại, ai mà nhớ nổi?!

“Bánh ú nhân thịt?!”

Người địa phương xưa nay đều ăn bánh ú ngọt, còn bánh ú nhân thịt. . . ăn ngon không nhỉ?

Trịnh Nhị thiếu gia nhíu mày, chìm vào nỗi hoài nghi thật sâu.

Ấy nhưng phàm là những gì cô cháu gái này làm ra thì sao mà khó ăn được nhỉ?

Vì thế anh ta xách làn tre về nhà.

Lúc này là giờ học của hai đứa nhỏ và Ngư Trận, Liễu Phân đứng dưới bóng cây cho cá ăn, thấy chồng xách vào chiếc làn tre khá xinh đẹp, mỉm cười ra đón.

“Chiếc làn này xinh nhể, ở đâu thế?”

Nói xong giơ tay muốn xách.

Trịnh Bình An nổi ý xấu, không nhắc nhở gì. Kết quả Liễu Phân mới đỡ được cái làn là tay nặng trĩu, suýt ngã.

Trò đùa dai thực hiện được, Trịnh Bình An cười to, khom lưng xách lên cái làn, vừa đứng thẳng đã bị Liễu Phân đấm vài cái, cười mắng: “Chàng làm ta hết hồn!”

Trịnh Bình An cười hì hì dỗ vài câu, sau đó cùng vợ ngắm nghía chiếc làn tre.

Đẹp thật đấy!

Sư Nhạn Hành đặc biệt tìm thợ chuyên về đan tre, làm thành hình dạng thỏi bạc có quai xách. Mỗi khớp nối đều được đánh bóng rất mịn màng trơn láng, không có chút xíu dằm tre nào.

Ăn bánh ú xong giữ lại để chưng cũng đẹp, hoặc cắm ít hoa tươi làm thành lẵng hoa sẽ rất sang trọng và dễ thương.

Bởi vì thủ công phức tạp, huyện Ngũ Công lại không sản xuất cây tre, giá chào hàng là tám văn tiền một cái.

Nhưng nàng cần một trăm năm chục cái, điều này trực tiếp hỗ trợ cho việc kinh doanh của cửa hàng tre trong nửa tháng. Sau khi trả giá qua lại một  hồi, cuối cùng thỏa thuận được mức giá mười ba văn hai cái.

Phí tổn làm giỏ tre không thấp, đương nhiên không phải mỗi khách đều có: một phần dùng làm quà tặng, một phần dành cho các khách quen thường tới ủng hộ, hoặc là dùng cho khách hàng sộp mua một lần hai mươi cái bánh ú trở lên.

Tới buổi trưa, Hữu Thọ, Hữu Phúc và Ngư Trận nắm tay nhau đi học về, sớm có người hầu chuẩn bị sẵn sữa chua mát lạnh.

Thời tiết vốn đã nóng lên rồi, giữa trưa lại nắng như đổ lửa, mỗi khi đi ra ngoài một chút là mồ hôi đầm đìa.

Bọn nhóc còn nhỏ không nên dùng băng, chỉ ngâm trong nước giếng để mát hơn thôi.

Phía trên rót nước mật mơ vàng óng ánh, chua ngọt ngon miệng, một người một chén nhỏ ăn giải nhiệt.

BàTrịnh kêu đám nhỏ lại gần vuốt ve một hồi, hỏi hôm nay học được gì, rồi hỏi người hầu đã đưa quà cho tiên sinh chưa.

Tiến độ của ba đứa nhỏ không đồng nhất, tuy rất ngoan ngoãn học tập nhưng vẫn khiến tiên sinh nhọc tâm không ít.

“Đã tặng quà rồi ạ, còn thêm bánh ú của phòng bếp lớn, mỗi loại một cái gộp lại thành hộp bát bảo, cùng nhau đưa qua ạ.

Ngoài ra còn có túi thơm Ngũ Độc và viên bạc hình Ngũ Độc trong tiệm đưa tới, cũng lấy ra một bộ tặng kèm.”

Dạy học ở gia đình giàu có, ngoại trừ quà nhập học và y phục bốn mùa theo thỏa thuận, các loại quà trong dịp lễ tết đều là tặng thêm, phụ thuộc vào gia chủ có rộng rãi hay không.

Bà Trịnh gật đầu, nghe Hữu Phúc hỏi liền: “Bánh ú? Bánh ú gì ạ?”

Mọi người cười ồ: “Con bé này, cứ nghe đến ăn uống là không một chữ nào thoát khỏi tai nó!”

Hữu Phúc không cho rằng đấy là điều xấu hổ, nhất định hỏi cho ra nhẽ.

Bà Trịnh nói: “Sư tỷ tỷ mới gói bánh ú cho Tết Đoan Ngọ, lập tức kêu Nhị thúc con mang về cho chúng ta nếm thử.”

Tỷ tỷ!

Ngư Trận lập tức dỏng tai nghe, mắt sáng long lanh.

Ngư Trận tới đây học ké, tuy nói Trịnh gia lo liệu hết thảy nhưng đó là ý tốt của họ, trên thực tế thầy giáo phải dạy thêm một học sinh tiểu học, nhà mình đâu thể cứ làm lơ không đóng góp gì?

Vậy nào khác gì tới cửa tống tiền?

Sư Nhạn Hành bàn bạc với Giang Hồi, ngày đầu tiên nhập học mang tặng thầy giáo một hộp lớn đồ ăn vặt, bên trong nhét đầy thịt heo khô, bánh tart trứng và những sản phẩm đặc trưng của Sư Gia Hảo Vị, thêm vào còn có miếng bánh kem nhân mứt trái cây, một thẻ giảm giá 20% của Sư Gia Hảo Vị có giá trị trọn đời.

Từ khi khai trương đến nay, Sư Gia Hảo Vị phát ra bốn thẻ giảm giá, Bùi Viễn Sơn một thẻ, Trịnh Bình An một thẻ, Điền Khoảnh một thẻ, Tôn gia một thẻ.

Đây là thẻ thứ năm.

Trong số đó, thẻ của Bùi Viễn Sơn chưa bao giờ dùng, bởi vì Sư Nhạn Hành luôn mang đồ ăn tới, không cần trả tiền.

Điền Khoảnh cũng không cần dùng thẻ, anh ta không thiếu tiền, không nghèo đến mức phải nhổ lông dê của tiểu sư muội, mỗi lần ăn đều trả tiền đầy đủ.

Sư Nhạn Hành rất tán thưởng thói quen này của sư huynh.

Trịnh Bình An cũng không cần dùng thẻ này cho bản thân, nhưng có mấy đồng liêu mượn vài lần tới đãi khách, cảm thấy rất đáng nể.

Tôn gia cũng chưa bao giờ xài, quá nghèo.

Chỉ có vị tiên sinh này thi thoảng ghé qua, mua ít món kho như cổ vịt cánh vịt linh tinh về nhắm rượu, có vẻ rất thích thú.

Trịnh gia quây quần dùng cơm trưa, quả nhiên thấy giữa bàn là một mâm lớn chừng hai mươi cái bánh ú nhỏ.

Bà Trịnh cười: “Trông xinh nhể, có thể nếm nhiều hơn một cái!”

Người vùng này thích cái gì cũng lớn, mang ý nghĩa nhiều phúc nhiều thọ.

Cho nên bánh ú cũng lớn.

Một cái bánh ú nặng trĩu, nấu chín xong phải đến nửa cân, còn rất dền, phần đông chỉ ăn một cái là no.

Trịnh Nghĩa hỏi có những vị gì, Trịnh Bình An gãi đầu, vô cùng thành thật thú nhận: “Nhiều quá nên con quên tuốt rồi ạ!”

Sao mà vô dụng thế?

Trịnh Nghĩa hừ một tiếng, dẫn đầu tùy ý gắp một cái, ngắm nghía, ừm, cột bằng dây màu nâu.

Thân hình ông cao lớn nên bàn tay cũng to, vì thế trông chiếc bánh ú trong tay ông càng nhỏ xinh hơn.

Bóc ra lớp lá, mùi gạo mỡ thơm dìu dịu xông vào mũi; bóc hết lớp lá, mùi thơm càng nồng nàn hơn.

Cắn một miếng, ủa, ủa?

Bánh mặn!

Thời trẻ Trịnh Nghĩa từng xuống miền Nam buôn bán, cũng từng ăn bánh ú mặn nhân thịt. Hiện giờ suốt mấy chục năm không nếm lại nên ông quên khuấy đi mất, thình lình cắn một miếng mang đến cho ông nhiều hoài niệm.

Bánh ú nhỏ, có vẻ nhiều nhân, cắn một miếng đã lờ mờ nhìn thấy, cắn miếng nữa trúng ngay phần thịt sườn.

Sợ mẻ răng nên xương đã được rút ra, nhưng thịt sườn có mùi vị độc đáo, Trịnh Nghĩa lập tức nếm ra.

Thịt sườn được ướp thấm mềm rục thơm ngon,  trong quá trình nấu chín, nước thịt và mỡ tứa ra hòa quyện trọn vẹn với lớp gạo bên ngoài, giống như. . . cơm hầm với sườn.

Trịnh Nghĩa bị chính sự so sánh của mình chọc cười, hứng thú quay sang hỏi vợ: “Bà ăn nhân gì thế?”

Bà Trịnh cười tủm tỉm cho ông chồng xem miếng bánh ú đã ăn một nửa, bên trong rõ ràng là đậu đỏ tán nhuyễn.

Đậu tán nhuyễn xào với mỡ heo, thơm ngọt lạ thường.

Sức ăn của bọn trẻ có hạn, dẫu chiếc bánh ú nhỏ xinh nhưng đối với bọn trẻ, ăn hết một cái vẫn quá no. Bà Trịnh bèn kêu người cắt làm hai để ba đứa nhỏ chia nhau.

“Ngư Tử, bánh của ta có lòng đỏ trứng!” Hữu Phúc ngạc nhiên hô lên, “Mằn mặn, nham nhám! Chia cho muội một nửa muốn không?”

Ngư Trận gật đầu, ngoan ngoãn nói cảm ơn, cũng chia cho Hữu Phúc một nửa cái bánh của mình.

Lòng đỏ trứng ăn ngon, bé thích nhất ăn lòng đỏ trứng. Mấy hôm trước chị mới vừa ngâm một vò hột vịt muối, nói là đợi một thời gian sẽ làm bánh nướng trứng chảy.

Ngư Trận không biết bánh nướng trứng chảy là gì, nướng lòng đỏ trứng cho chảy luôn à?

Nhưng món gì chị làm đều ngon!

Hữu Phúc cúi đầu nhìn, hừm, gạo lứt đen à, không thích.

Mắt cô bé láo liên, chạm vào Hữu Thọ: “Ca, cho ca ăn này!”

Hữu Thọ: “. . . Ta muốn thịt!”

Ai thích ăn cái này! Mi không thích ăn bèn thảy cho ta?

Ta đâu phải Vượng Tài!

Không thể đẩy mạnh tiêu thụ, Hữu Phúc thở dài, với tay đưa qua cho cha.

Trịnh Như Ý: “. . .”

Con cái đúng là của nợ!

Anh nếm thử nửa cái bánh ú gạo lứt đen mà con gái đẩy cho, ủa, ủa?

Hóa ra rất ngon!

Giữa một đám bánh ú mặn ngọt đủ màu sắc, bánh ú gạo lứt đen biểu hiện sự thuần khiết và dẻo thơm của lương thực nguyên chất!

Tôi là chính tôi, với một phong cách riêng!

“Đại ca tìm gì thế?”

Trịnh Bình An mới vừa ăn nửa cái bánh nhân chà là của Liễu Phân dư lại, ngẩng lên thấy ông anh đang hí hửng tìm kiếm gì đó.

“Tìm gạo lứt đen!”

Trịnh Như Ý vui vẻ đáp.

Trịnh Bình An vô cùng khó hiểu, đang ăn bánh mà, vì sao muốn ăn cơm?

Là nhân thịt không ngon hay nhân táo không ngọt?

Hộp quà bánh ú Đoan Ngọ và bánh nướng Ngũ Độc đều sẽ bán theo cách đặt trước, cũng có thể mua lẻ trong cùng ngày nhưng số lượng hữu hạn, Sư Gia Hảo Vị không cam đoan khi nào bán hết.

Tin tức này vừa được tung ra, hầu hết nhóm khách quen luôn tin tưởng Sư Gia Hảo Vị đều đồng ý đặt trước.

Dù sao cũng phải mua, chi bằng đặt trước cho bảo đảm.

Đa số khách lạ và những khách trong túi không rủng rỉnh đều chọn cách chờ xem.

Cứ từ từ chờ phản hồi xem sao, nếu lỡ ta chỉ thích một loại thì sao?

Trịnh Bình An là người đầu tiên tới đặt hàng: Trịnh Nghĩa muốn ba mươi hộp bánh ú, giao hàng trước Tết Đoan Ngọ một ngày.

Để lại mấy hộp cho nhà ăn, số còn lại đều làm quà tặng.

“Cha ta nghe nói còn có bánh nướng Ngũ Độc, cũng muốn ba mươi hộp. Hãy đóng gói đẹp đẽ một chút, bọc trong bao vải đỏ như của hộp bánh kem là tốt nhất.”

Hiện giờ, bao vải đỏ bọc bánh kem nghiễm nhiên đã thành một đại điện thương hiệu của Sư Gia Hảo Vị. Hầu hết người ăn xong bánh kem đều không vứt đi bao vải, chuyên dùng để đựng đồ, thỉnh thoảng tụ hội cho người khác nhìn thấy cũng nở mày nở mặt.

Mấy lượng bạc một cái bánh kem bơ, đâu phải nhà ai cũng có thể ăn, hừm!

Sư Nhạn Hành thấy vậy trong lòng được an ủi.

Chà, đây đâu khác gì túi LV đựng đồ ăn của thời hiện đại!

Sau khi nhận được đơn đặt hàng lớn từ Trịnh gia, tiếp theo là những khách hàng quen từng đặt bánh kem bơ, ai cũng muốn tám hộp mười hộp, cơ bản đều dùng làm quà tặng.

Khi Giang Hồi làm thống kê, cảm giác choáng váng não sưng to.

Điệu này có lẽ phải tạm mướn thêm người gói bánh ú và ấn khuôn bánh nướng suốt đêm mới kịp!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com