Tham Tu Sai Gon Mini An
Những ngày cuối tháng 11 thế này thời tiết trở lạnh khá nhanh. Người Sài Gòn gọi đó là mùa cuối năm thay vì mùa sang đông như những nơi khác. Mùa cuối năm là thời điểm bận rộn của đa số mọi người. Có rất nhiều việc phải hoàn thành mặc dù thời gian của năm chẳng còn là bao. Trong khi nhiều người cố gắng tăng năng suất làm việc lên gấp mấy lần, một số khác lại chọn cách đẩy việc của mình cho người khác. Chọn cách nào cũng được, chung quy thì mọi người đều muốn hoàn thành tất cả công việc còn dang dở, muốn có thời gian để về nhà sớm hơn một tí mỗi chiều, muốn được tận hưởng một ngày chủ nhật thư thái không màng thế sự. Đó là một mong muốn chính đáng mà phải không?Vào một ngày cuối tuần của mùa cuối năm thế này, Thiên Nhẫn muốn đón ngày mới thật trễ, ít nhất phải sau 9 giờ sáng khi mà cái lạnh của đêm thứ bảy đã hoàn toàn biến mất khỏi những đầu ngón chân. Cậu sẽ nằm tận hưởng những tia nắng ấm áp len lỏi qua lỗ thông gió thật lâu rồi mới từ từ bước khỏi giường để vệ sinh cá nhân. Sau khi đã hoàn toàn tỉnh táo, Thiên Nhẫn sẽ bước đến bàn ăn để dùng bữa sáng. Trên bàn là phần ăn dành cho 2 người từ một nhà hàng danh tiếng nào đấy mà Thiên Nhẫn vẫn chưa nghĩ ra, tuy nhiên điều đó không thật sự quan trọng. Điều quan trọng là trong phần điểm tâm sáng nay nhất định phải có món bánh mứt dứa và nước hoa quả. Thiên Nhẫn sẽ từ tốn dùng một mình trong khi TV đang phát chương trình hoà nhạc thính phòng yêu thích. Sau bữa sáng muộn, Thiên Nhẫn sẽ dành thời gian cho việc đọc sách trong vườn kính trồng đầy các chậu hoa phong lan nhiều màu sắc. Bên ngoài, thi thoảng cậu nghe thấy có tiếng chim nhỏ ríu rít xen lẫn với giọng hát ngọt ngào của một ai đó. Những âm thanh êm ái cùng với hương thơm dịu nhẹ từ những chậu lan, loài hoa mà cậu yêu thích, sẽ đưa Thiên Nhẫn vào giấc ngủ an lành đến tận khi trời chập tối. Sau giấc ngủ dài, cơn đói kéo đến sẽ khiến Thiên Nhẫn muốn dùng ngay bữa tối. Bữa tối hôm nay đã được một người tốt bụng nào đấy chuẩn bị sẳn. Bàn ăn được bày trí lãng mạn theo phong cách cổ điển của Châu Âu với nến, hoa và khăn trải bàn màu be. Thiên Nhẫn một mình tận hưởng món pate gan ngỗng ăn kèm với nước sốt thịt hầm bằng bộ đĩa sứ sang trọng. Sau cùng, giấc ngủ ấm áp trên chiếc giường to lớn với bộ nệm gối dày và êm ái sẽ khép lại một ngày cuối tuần hoàn hảo của Thiên Nhẫn.Hoặc không cần cầu kì như thế.Chỉ cần có một ngày chủ nhật thật yên tĩnh, không khách hàng, có cơm hộp mang tận văn phòng là được.Tuy nhiên có lẽ những đòi hỏi tầm thường như thế phải gác lại đến tuần tiếp theo, bởi sáng nay Thiên Nhẫn phải tiếp một vị khách từ sự giới thiệu của người bạn thân Hữu Minh. Tức là không tiện từ chối được.- Chào em, chị là Hoa, chị của Minh. Minh có điện báo trước với em chưa?Người phụ nữ độ chừng hơn 30 tuổi, có ngoại hình đơn điệu, cứng nhắc với tóc buộc đuôi ngựa, áo quần kaki công sở đồng màu xanh xám tự giới thiệu về mình khi còn đứng bên ngoài cửa chính văn phòng thám tử Thiên Nhẫn. Đến lúc đã được mời vào ngồi đối diện với người chủ nhà tại bàn trà nhỏ, cô này bắt đầu nói một mạch.- Minh có giới thiệu với chị về em. Minh nói là em rất thông minh và tốt bụng. Còn nói 2 đứa là bạn làm chung từ hồi mới tốt nghiệp cấp 3. Minh có kể cho chị nghe về vụ án chỗ em với Minh làm, một vụ khó như vậy ngay cả cảnh sát cũng bị đánh lừa mà em có thể phá được dễ dàng. Minh nó khen em quá chừng. Cho nên Minh chỉ chị tìm đến em. Chị muốn nhờ em một việc nhỏ thôi. Chỉ là một việc rất nhỏ thôi sẽ không mất nhiều thời gian của em đâu. Minh cũng có nói là em cũng không bận gì...Hiểu được lý do của màn đặt vấn đề dài dòng, Thiên Nhẫn nhanh chóng ngắt lời.- Chị yên tâm, Hữu Minh đã báo trước với em rồi, em không lấy thù lao tư vấn đâu.Như được mở cờ trong bụng, người phụ nữ bấy giờ mới bắt đầu giảm tốc độ nói.- Vậy Minh có nói với em về việc chị muốn nhờ em chưa? Có cần chị kể lại cho em không?- À, Hữu Minh có nói với em qua điện thoại là có một học sinh nào đó đã gửi phong bì cho chị vào hôm 20 tháng 11 và chị muốn biết đó là ai. Nhưng chi tiết sự việc thì Hữu Minh bảo là chị sẽ gặp trực tiếp để kể em nghe.- Đúng rồi! Cho nên hôm nay chị mới đến gặp em nè. - Thể hiện sự phấn khởi hơi cường điệu, người khách nữ tự giới thiệu về bản thân thêm một lần nữa. - Chị là giáo viên dạy môn toán của trường tiểu học Trần Hưng Đạo ở phường 8, quận 4. Cách đây 2 ngày, là bữa 20 tháng 11 đó, chị có nhận được một phong bì của một học sinh trong trường. Nhưng chị không biết là của em học sinh nào gửi, cho nên chị muốn nhờ em tìm hiểu giúp chị em học sinh đó là ai.- Sao chị lại không biết ai là người gửi phong bì cho mình? Vậy chị nhận cái phong bì đó từ ai? - Thiên Nhẫn thắc mắc.- Vì hôm đó chị nhận được rất nhiều phong bì từ học sinh của mình. Phong bì thì nhận được là chị đều bỏ vào túi xách, đến khi về nhà mới mở ra xem.- Học sinh bây giờ không tặng quà cho thầy cô nữa sao? Có thể cứ thế mà tặng phong bì sao?- Vì trường chị không cho phụ huynh vào dự lễ, cho nên phong bì chỉ có thể do học sinh tặng cho các giáo viên thôi. Bây giờ các phụ huynh đều tặng phong bì cho giáo viên thay vì quà như ngày xưa em à. Như vậy vừa nhanh gọn mà giáo viên cũng thích hơn.Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, mọi người đều trở nên thực tế hơn. Kem đánh răng và bánh xà phòng bên trong những tờ giấy kiếng lấp lánh đã chỉ còn là những kí ức của thế hệ giáo viên, học sinh những năm 90. Có phải vì vạn vật đều mỏng dần theo thời gian không? Nên những hộp quà đã đến lúc bị thay thế bởi những chiếc phong bì?Hiện thực trần trụi quả thực khó mà chấp nhận, nhất là đối với một người có lối sống hoài cổ như Thiên Nhẫn.- Vậy là do nhận được quá nhiều phong bì vô danh cho nên chị không nhớ rõ phong bì nào là của người nào tặng mình? - Thiên Nhẫn hỏi tiếp.- Không phải, tất cả các phong bì chị nhận được đều có để tên của học sinh bên ngoài. - Người khách nữ trả lời.- Vậy tại sao chị lại không biết phong bì mình nhận được là của ai?- Tại vì tuy có để tên của học sinh đó nhưng lại để không đầy đủ. Mà chị lại nhận được mấy cái đề tên không đầy đủ như vậy lận nên chị không biết đó là phong bì của em nào.- Em hiểu rồi! - Thiên Nhẫn gật gù.Thiên Nhẫn rốt cuộc đã bắt kịp vấn đề. Mỗi khi phải nói chuyện về các chủ đề như công nghệ thông tin, nghệ thuật giải trí, xu hướng trào lưu... bao gồm những thứ thuộc về giới trẻ và phong cách sống hiện đại, Thiên Nhẫn đều tỏ ra rất "chậm tiêu". Chính người cộng sự thân thiết Kỳ Nhân cũng từng thắc mắc "Không hiểu Thiên Nhẫn là người thuộc thời đại nào?".- Chị thử nhớ kĩ lại xem, ví dụ như kiểu dáng phong bì có khiến chị ấn tượng hay gợi nhớ về người tặng không?- Không có luôn em ơi! Kiểu dáng của mấy cái phong bì đó cũng không có gì đặc biệt, đều khá giống nhau, là kiểu bì thư thông thường.- Mà chị nhận được bao nhiêu chiếc phong bì trùng tên như thế?- Có 3 cái em.- Cũng không nhiều, sao chị không gặp trực tiếp các học sinh hoặc phụ huynh của những chiếc phong bì đó để xác minh? Như vậy chẳng phải nhanh hơn là nhờ em sao?Mặc dù Thiên Nhẫn liên tục đưa ra những câu hỏi, nhưng thật chất tất cả đều là các giải pháp giúp giải quyết vấn đề của nữ khách hàng.- Ai mà làm vậy hả em! Phụ huynh các em ấy lại nghĩ mình chê "ít", rồi đi nói lung tung thì mang tiếng lắm.Tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp nào đúng ý của người khách nữ.- Nếu không phải chê "ít" thì vì sao chị lại cần biết phong bì nào là của người nào?Vừa dứt câu hỏi, Thiên Nhẫn đã nhìn thấy người khách hàng ngồi đối diện mình hít một hơi sâu, nét mặt lộ rõ vẻ khó chịu. Thiên Nhẫn nhận ra đó là sự chuẩn bị của một tràn "liên thanh" từ người phụ nữ.- Ôi sao em lại nói về chị như vậy? Em nghĩ chị là người tham lam như vậy sao? Sao em có thể nghĩ về một giáo viên như vậy chứ? Cái chuyện phong bì là tấm lòng của phụ huynh dành cho chị. Điều đó là hoàn toàn tự nguyện. Tự các phụ huynh muốn tặng thôi chứ có phải chị đòi hỏi đâu? Chị không bao giờ "đì" học sinh chỉ vì không được tặng phong bì. Chị cũng chẳng thiên vị em nào cho dù được nhận phong bì hậu hĩnh. Chị cần biết cái phong bì đó là của ai vì chị muốn trả lại phong bì cho người đó. Nhưng mà chị không muốn trả nhầm người. Chỉ đơn giản như vậy chứ không hề vì lý do không tốt nào khác.- Sao? Chị muốn trả lại phong bì sao? - Thiên Nhẫn cảm thấy thật khó tin trước những điều mà người nữ khách hàng vừa nói. - Thật lạ? Nếu vậy sao ngay từ đầu chị đừng nhận đi? Sao phải nhận rồi đem đi trả?Hành động và lời nói của người nữ khách hàng này thật bất nhất. Không hiểu có phải vì bên trong có nội tình hay vốn dĩ phụ nữ đều khó hiểu như vậy?- Em hiểu sai ý chị rồi. Không phải là chị muốn trả lại tất cả phong bì đã nhận. Chị chỉ muốn trả lại cái phong bì của em học sinh đó thôi.Hỏi trực tiếp động cơ của khách hàng là một trong những điều cấm kị của nghề thám tử. Nếu muốn biết hãy bí mật điều tra hoặc tìm cách gợi ý để khách hàng tự nói. Cho nên thay vì hỏi "Vì sao chỉ trả lại mỗi cái phong bì đó? Chị có lý do đặc biệt nào sao?" Thiên Nhẫn chọn cách nói hơi lệch trọng tâm.- Chắc hẳn là chị có lý do riêng không tiện nói khi muốn trả lại chiếc phong bì đó.Người khách nữ bỗng nở một nụ cười hơi gượng gạo, bàn tay thô kệch với lấy chén trà vừa rót vẫn còn nóng hổi lên đưa ngang cằm, miệng tuy muốn khẽ thổi ra cơn gió e lệ nhưng âm thanh Thiên Nhẫn nghe được chẳng thanh lịch tí nào. Cộng với ánh mắt lờ đờ nhìn về xa xăm, người phụ nữ trông đã kì lạ nay còn kì cục hơn. Nhưng điều đó không quan trọng, thứ Thiên Nhẫn thật sự quan tâm lúc này là lý do mà cô ấy sắp nói ra.- Cũng không phải điều gì bí mật cả. Chị muốn trả lại cái phong bì đó vì tiền trong phong bì đó không phải là của phụ huynh em học sinh đó mà là của em đó. Chị không bao giờ lấy tiền của con nít cả.Ra là vậy! Quả nhiên chiếc phong bì bí ẩn kia có ẩn chứa một nội tình thú vị.- Làm sao chị biết tiền trong chiếc phong bì đó là của học sinh mà không phải của phụ huynh? - Thiên Nhẫn hỏi tiếp.- Dễ lắm em! Vì trong phong bì chỉ có 40 ngàn.- Tức là chị chê "ít"?- Đã nói không phải chuyện ít nhiều mà! - Người khách nữ lườm chàng trai trẻ.Đúng như Kỳ Nhân từng nhận xét, Thiên Nhẫn quả thực là kiểu người rất biết cách chọc người khác nổi khùng.- Nếu thế chị trả lại làm gì? Dù sao đó cũng là tấm lòng của em học sinh đó mà.Lắc nhẹ chén trà trong tay nhưng chưa vội uống, người khách nữ nói.- Không được em! Dù ít hay nhiều thì đó cũng là tiền của học sinh. Chị có phương châm sống riêng, không lấy tiền của con nít bao giờ, đặc biệt là học sinh của mình. Hơn nữa chị phải trả lại và nhắc nhở em ấy không nên mạo danh phụ huynh như vậy!"Phụ nữ khó hiểu thật!" - Thiên Nhẫn nghĩ thầm trong bụng.- Nhưng nếu chỉ dựa vào số tiền trong phong bì để cho rằng tiền đó là của học sinh chứ không phải của phụ huynh, liệu chị có quá phỏng đoán không? Có thể có trường hợp phụ huynh của em ấy chỉ bỏ bấy nhiêu đó tiền không?- Không có đâu em! Chị làm giáo viên hơn 10 năm rồi chưa từng có phụ huynh nào tặng chị phong bì 40 ngàn cả. Không tặng thì thôi chứ đã tặng thì ít nhất cũng phải 100.- Vậy có trường hợp phụ huynh của em ấy đưa tiền để em ấy tự bỏ nhưng em ấy đã "ăn bớt" một tí không? Nếu là thế thì đó vẫn là tiền của phụ huynh thôi, chị vẫn có thể nhận tiền của người lớn mà.- Nếu thế thì cũng cần phải làm rõ để nhắc nhở em ấy. Còn nhỏ mà gian lận như vậy là không tốt. - Người khách nữ nốc cạn chén trà đã nguội trên tay.Gật đầu tỏ ý tán thành trước nguyện vọng chính đáng của người khách nữ. "Thì ra không phải là phụ nữ khó hiểu, chỉ là do mình không suy nghĩ theo cách mà họ đang suy nghĩ." Thiên Nhẫn nghĩ thầm trong khi châm chén trà mới cho người khách hàng.- Chị có đem theo chiếc phong bì đó không? Và 2 chiếc phong bì cùng tên nữa?- Có em! Chị bỏ trong túi xách nè.Từ trong chiếc túi xách đặt cạnh bên, người khách nữ lấy ra 3 chiếc bì thư đã bị xé phần đầu đặt ngay ngắn lên bàn.- Đây chắc hẳn là chiếc phong bì đó? - Thiên Nhẫn cầm 1 chiếc phong bì trong số đó lên, quay mặt trước về phía người phụ nữ xác nhận.- Đúng rồi em! Sao em biết vậy?- Cũng không khó để nhận ra, mặc dù bên ngoài cả 3 chiếc phong bì đều ghi cùng một nội dung "Phụ huynh cháu Tuấn" nhưng chỉ có 1 chiếc có nét chữ do con nít viết, lại còn viết sai chính tả nữa. Mà chẳng phải trong 3 chiếc phong bì để trên bàn chỉ có mỗi cái này là vẫn còn tiền bên trong sao? - Thiên Nhẫn liếc nhìn chiếc phong bì có dòng chữ "phụ hunh cháu tuấn" mà cậu đang cầm lần nữa, trước khi đặt nó về lại vị trí cũ trên bàn.- Đúng rồi em! Là 40 ngàn đó đó. Em quả là thông minh đúng như Minh đã kể! - Người khách nữ tán dương.- Lúc nhìn phong bì chị không để ý dòng chữ sao? Cho nên chị mới nhận nó?- Đúng rồi em! Sáng hôm đó học sinh liên tục tặng phong bì cho chị. Vừa nhận là chị cất ngay có kịp nhìn xem chữ bên ngoài là gì đâu. Vả lại trước giờ chị chưa bao giờ gặp phải trường hợp này. - Người khách nữ phân trần cho nguồn gốc của sợi dây rắc rối mà cô ta đang tự buộc vào mình.- Vậy sao lúc về nhà chị lại mở phong bì làm gì? Nếu đã muốn trả lại thì không nên mở ra mới phải.- Chị theo thói quen mở phong bì rồi mới xem tên và ghi vào sổ. Làm như vậy cho nhanh. Khi mở ra và thấy chỉ có 40 ngàn chị khá bất ngờ, nhìn kĩ bên ngoài phong bì thấy nét chữ của con nít thì chị càng chắc chắn những suy nghĩ của mình về việc tiền trong phong bì đó là của học sinh chứ không phải phụ huynh. Nhưng mà chị lại không biết là của em học sinh nào. Chị đem chuyện này kể với Minh thì nó mới giới thiệu chị đến tìm em nè.- Chị vẫn tin rằng tiền trong phong bì đó là của em học sinh ấy chứ không phải như giả thuyết "ăn bớt" mà em nói nhỉ?- Thì cũng có khả năng "ăn bớt" như em nói. Tuy nhiên chị vẫn hy vọng học sinh của mình không xấu như vậy.- Nếu không phải "ăn bớt" thì theo chị vì sao em học sinh ấy phải mạo danh phụ huynh để tặng phong bì cho chị?- Chị nghĩ là do tâm lý ghen tị của con nít thôi. Nếu thấy các bạn khác đều tặng phong bì cho cô mà bản thân em ấy không có để tặng cô thì em ấy sẽ cảm thấy "có lỗi" với cô hoặc là tủi thân do thua kém bạn bè. Cho nên em ấy mới lấy tiền của mình rồi tự mạo danh phụ huynh để tặng.- Nhưng tiền ở đâu để em ấy bỏ vào phong bì?- Chị nghĩ là tiền tiêu vặt hôm đó.- Học sinh tiểu học mà tiêu vặt mỗi ngày 40 ngàn? Vậy gia đình em học sinh đó chắc cũng khá giả lắm? Vậy thì sao em ấy không xin phụ huynh phong bì cho chị mà phải tự làm như vậy?- Có thể là tuỳ mỗi phụ huynh thôi em. Không phải ai giàu có cũng "thoải mái" với giáo viên. Có người còn cho rằng tặng phong bì là "hối lộ" giáo viên ấy chứ. Hoặc có khi họ nghĩ không cần thiết vì chị chỉ là giáo viên bộ môn.- Nhưng môn toán là một môn rất quan trọng đối với học sinh tiểu học mà?- Chị chỉ nói vậy thôi, chứ hầu như chẳng có phụ huynh nào xem thường giáo viên toán tiểu học cả. Nhiều phụ huynh còn đối xử rất tốt với cả các thầy cô dạy mỹ thuật, thể dục. Thậm chí là bác bảo vệ của trường nữa kìa.- Một năm chỉ có một ngày nhà giáo, em không nghĩ là có người giàu nào mà lại khắt khe chút ít tiền với giáo viên của con mình. Hơn nữa như chị nói, con nít có tính ghen tị rất cao, chắc chắn em học sinh đó nhất định sẽ đòi phụ huynh của mình quà cho cô giáo. Không thể nào có chuyện phụ huynh của em ấy không có phong bì tặng chị được. Trừ khi...Ngập ngừng trong giây lát để tạo không khí hồi hợp, Thiên Nhẫn nói tiếp.- Trừ khi em ấy vốn đã được phụ huynh của mình đưa phong bì tặng chị nhưng vì lý do nào đó chiếc phong bì đó bị mất, cho nên em ấy mới "chữa cháy" bằng cách lấy tiền tiêu vặt của mình để thay cho số tiền bị mất. Có lẽ em ấy không ý thức được giá trị số tiền của bản thân, con nít thường hay nghĩ nhiều tờ là nhiều tiền. Cho nên em ấy đã bỏ 4 tờ 10 ngàn tiền tiêu vặt của mình vào phong bì.- Đúng vậy! Chị cũng nghĩ như vậy đó! Em thật thông minh.Dù sao cũng chỉ là nói ra những điều mà nữ khách hàng đã biết, đối với Thiên Nhẫn lời khen ngợi như thế thật hơi quá đà.- Chị cho em biết thêm thông tin về những em học sinh đó đi! Em chỉ mới biết 3 em ấy đều cùng tên là Tuấn.- À, về 3 em ấy thì một em thì là học sinh lớp do chị làm chủ nhiệm, một em thì học lớp chị dạy bộ môn, một em là thuộc nhóm ăn do chị phụ trách. - Người khách nữ đáp lại yêu cầu của Thiên Nhẫn.- Chị phụ trách cả việc cho ăn sao?- Đúng rồi em! Trường tiểu học mà, học sinh sẽ ăn và ngủ trưa tại trường. Các giáo viên nếu muốn kiếm thêm sẽ đăng kí nhận trông coi việc ăn trưa của một nhóm học sinh. Do tốc độ ăn của các em không giống nhau nên không thể chia nhóm theo lớp được mà các nhóm này sẽ được chia số học sinh làm sao để đảm bảo một cô phụ trách có thể cho các em ăn hết suất ăn trong giờ ăn trưa. Mỗi giáo viên thường sẽ đảm nhiệm khoản 20 em, trong một nhóm thường chỉ có khoản 5 em ăn chậm thôi.- Vậy em Tuấn đó có phải thuộc nhóm ăn chậm không?- Không phải em, em ấy ăn khá nhanh. Chị không khi nào phải nhắc nhở em ấy về việc ăn chậm hay bỏ sót đồ ăn cả.- Hay do em ấy canh lúc chị mải chăm cho nhóm ăn chậm đã đổ hết thức ăn sang cho các bạn khác?- Không đâu, em ấy ham ăn lắm, lúc nào cũng xin cô múc cho nhiều hơn. Làm sao có chuyện đổ thức ăn cho bạn khác được. Mà chuyện đó có liên quan gì đến việc biết được ai là chủ của chiếc phong bì sao?- Em hỏi để biết có phải vì hay bị chị la do ăn chậm nên em ấy mới phải "mua chuộc" chị không thôi?- Em nghĩ vậy sao? Nếu là vì sợ chị la thì cả 3 em đó lúc trước đều hay bị chị la lắm, nhưng bây giờ thì ít rồi! Cái em trong nhóm ăn chị quản lý thì rất hay đổi chỗ ngồi. Em ấy không thích ngồi gần các bạn khác mà chỉ thích ngồi một mình ở đầu dãy bàn. Chị nghĩ chắc do không quen với các bạn khác lớp, lại hay bị các bạn chọc là mập hoặc có thể do không muốn bị các bạn khác giành ăn. Chị lo đút cơm cho nhóm ăn chậm nên chỉ la rầy em ấy mấy bữa đầu sau đó cũng mặc kệ em ấy thích ngồi đâu thì ngồi. Còn cái em mà chị dạy bộ môn thì lại thường xuyên viết tay trái. Chị cũng la và có phản ánh với giáo viên chủ nhiệm của em ấy nhưng em ấy vẫn chưa sửa được. Trong giờ học chị mà không để ý là em ấy viết tay trái ngay. Môn toán lớp 2 cũng không viết nhiều chữ lắm nên la mãi chị cũng chán, sau này mỗi khi thấy em ấy viết tay trái chị chỉ kêu tên để em ấy tự đổi lại tay thôi chứ không la nữa. Còn em mà chị chủ nhiệm thì lại có tật xấu là ở dơ. Cái em này thì chuyên hỉ mũi rồi trét lên tường. Chị phát hiện la cho thì hôm sau không trét mũi lên tường nữa mà trét hết lên quần áo. Chị nói với phụ huynh thì phụ huynh sắm cho em ấy cái khăn để lau tay. Nhưng hôm nào mà quên là em ấy lại trét lên đồ ngay. Chị chán cũng chả la nữa. - Người khách nữ kể lể.- Ngoài các đặc điểm đó chị còn biết thêm thông tin gì để phân biệt 3 em ấy với nhau không? - Thiên Nhẫn hỏi tiếp.- Ý của em là thông tin kiểu gì? Chị chỉ biết tên, lớp, ngoại hình của 3 em ấy thôi. Phụ huynh thì chị chỉ mới gặp mỗi mẹ của cái em lớp chị chủ nhiệm.- Chị kể hết em nghe xem!- Em mà học lớp chị chủ nhiệm thì tên là Lâm Anh Tuấn, lớp 2E, khá cao so với các bạn cùng lớp, mặt cũng sáng sủa, mắt một mí nhìn hơi giống trẻ em Trung Quốc. Mẹ của em ấy thì là một phụ nữ khá xinh đẹp, cao tầm khoảng 1m65. Trong sổ liên lạc ghi tên mẹ của em ấy là Nhi hay gì đó chị cũng không nhớ rõ, nghề nghiệp là nội trợ. Ba em ấy hình như tên Lâm Anh Tú, làm nghề kinh doanh. Chị chỉ vừa chủ nhiệm lớp em ấy từ đầu năm nên cũng chưa tìm hiểu kĩ.- Vậy còn 2 em kia?- 2 em kia thì một em tên là Huỳnh Phùng Thanh Tuấn, lớp 2A, da hơi đen, lại khá nhỏ con so với các bạn cùng lớp. Em này là cái em học lớp chị dạy bộ môn. Còn cái em mà thuộc nhóm ăn chị phụ trách thì chị chỉ biết tên em ấy là Đức Tuấn, học lớp của cô An tức là lớp 2B, người mập mạp lắm, mặt mũi thì không có điểm gì đặc biệt.- Chị còn biết thêm thông tin gì khác không? Chỉ có bấy nhiêu đấy thật không dễ để suy ra được ai là người gửi chiếc phong bì này...Vừa nói đến "chiếc phong bì" ánh mắt của Thiên Nhẫn liền đảo ngay đến chỗ 3 chiếc bì thư đặt trên bàn. Bỗng phát hiện ra gì đó, khiến Thiên Nhẫn phải thốt lên một tiếng "Ơ?" cộc lốc.- Gì thế em? - Người khách nữ cũng ngạc nhiên trước hành động của Thiên Nhẫn.- Chị nhìn xem! - Thiên Nhẫn chỉ vào dòng chữ "phụ hunh cháu tuấn" trên chiếc phong bì bí ẩn. - Chỗ chữ phụ huynh bị viết sai này bị lem mực nè! Chị có nhận ra loại mực này không?- Đây là mực tím thông thường thôi. - Người khách nữ trả lời thắc mắc của Thiên Nhẫn bằng vẻ mặt tỉnh queo.- Có phải là loại mực trong lọ dùng cho bút máy không?- Đúng rồi em! Hầu hết học sinh tiểu học đều dùng loại bút máy bơm mực, tuy nhiên cũng có những em khác dùng loại bút kim vì tiện dụng hơn và ít bị day mực ra áo quần.- Chị có biết trong số 3 em ấy có ai có bút kim không?- Em đang nghĩ đến việc loại trừ những em sử dụng bút kim sao? Nhưng mà chị không rõ là em nào có bút kim cả. Mà có thể cả 3 em ấy đều có dùng bút kim cả đấy, nhưng trong giờ học của chị thì chị đều bắt tất cả học sinh phải dùng bút máy. Viết chữ bằng bút máy có nét thanh nét đậm trông sẽ đẹp hơn.Dừng một chút để nhìn vẻ mặt nghiêm trọng khi tập trung suy nghĩ của Thiên Nhẫn, người khách nữ bỗng cảm thấy có chút áy náy khi đã làm phiền bạn của em mình vì một việc chả đâu vào đâu. Dù sao cũng đã lỡ nhờ cậy rồi, người khách nữ cảm thấy bản thân cũng cần phải có trách nhiệm giúp đỡ cậu thám tử trẻ nhanh chóng giải quyết vụ án tưởng chừng "dễ ẹc" này.- Em còn muốn biết thêm thông tin gì nữa không? Nếu cần chị có thể về lấy sổ liên lạc của em Tuấn lớp chị cho em xem.Từ khoé môi Thiên Nhẫn nở ra nụ cười quen thuộc, cậu đưa tay vuốt mái tóc dài vàng óng đang sụ xuống ngược lên. Mỗi lần Thiên Nhẫn làm động tác ấy, tức là cậu đã giải ra bí ẩn của vụ án. Bây giờ là lúc cậu hồi đáp lại người khách hàng câu trả lời quan trọng mà cô ấy mong chờ. Tất nhiên là câu trả lời về chủ nhân của chiếc phong bì bí ẩn chứ không phải câu hỏi "Em còn muốn biết thêm thông tin gì nữa không?".- Không cần đâu chị, có lẽ em đã biết em học sinh mà chị đang muốn tìm là ai rồi. Nhưng để chắc chắn chị hãy xác minh cho em một chuyện đã!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com