TruyenHHH.com

Tác phẩm Nakajima Atsushi

Kẻ đạt đạo (Meijinden)

asagiri1


Nguyên tác: Nakajima Atsushi

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Dẫn nhập

Thoạt nhìn, ta có thể ngờ rằng Meijinden là một tác phẩm của người Tàu nhưng sự thực thì nó đã được viết bởi Nakajima Atsushi, một nhà văn Nhật. Thế nhưng khi dựa vào sở học cổ văn của Nakajima Atsushi và mấy từ khóa "xạ chi xạ" hay "bất xạ chi xạ" để tìm tòi, ta bắt buộc lội ngược lên đầu nguồn văn chương Trung Quốc. Việc tìm kiếm tuy không phải dễ nhưng rốt cuộc, nhờ duyên may khi dịch cuốn Zen and Japanese Culture (Thiền và văn hóa Nhật Bản) của Suzuki Daisetsu, người dịch được biết một cách gián tiếp là Nakajima Atsushi đã lấy cảm hứng sáng tác từ một thiên trong sách Trang Tử nhan đề Thuật bắn cung (chương 21: Điền Tử Phương) với nội dung như sau:

"Liệt tử trổ tài bắn cung cho Bất Hôn Vô Nhân xem. Kéo cánh cung căng hết cỡ và với một bát nước đặt trên khuỷu tay, ông bắt đầu bắn. Khi mũi tên trước nhất vừa bay ra thì mũi thứ hai đã nằm trên dây cung và mũi thứ ba đi tiếp theo. Cùng lúc, ông đứng bất động như pho tượng...."

"Họ leo lên đỉnh núi. Bất Hôn Vô Nhân bảo: "Nghệ thuật bắn của ông khá đấy nhưng ông không bắn bằng cái không-bắn (bất xạ chi xạ). Hai ta hãy thử lên núi cao và từ trên bờ vực nhìn xuống vực sâu nghìn trượng rồi ông thử bắn xem!". Lên được núi cao, họ đứng trên một mỏm đá nhìn xuống vực thẳm sâu nghìn trượng. Bất Hôn Vô Nhân bước thụt lùi , chỉ để một phần ba bàn chân bám vào mỏm đá. Xong ông gọi Liệt tử tiến lên đằng trước. Liệt tử ngã xuống đất , người vã mồ hôi từ đầu đến gót".

"Bất Hôn Vô Nhân mới nói: "Bậc chân nhân nhìn lên trời xanh hay dòm xuống suối vàng, đi cùng khắp tám phương trời mà tinh thần vẫn không hề thay đổi. Ông chưa chi đã nao núng, hai mắt hoa lên. Như thế thì mong gì bắn trúng đích?"

(trích Thiền và văn hóa Nhật Bản)

***

Thành Hàm Đan nước Triệu có một gã đàn ông tên gọi Kỷ Xương vốn lập chí trở thành tay bắn cung đệ nhất thiên hạ. Người mà Kỷ nghĩ rằng mình phải chọn làm thầy thật không thể ai khác ngoài Phi Vệ, một đại cao thủ đương thời trong ngành cung tiễn. Đó là tay thiện xạ, đứng cách trăm bước vẫn có thể bắn xuyên qua lá liễu và trăm lần như một [1]. Kỷ Xương bèn lặn lội đến chỗ Phi Vệ để xin nhập môn.

Phi Vệ ra lệnh cho anh học trò mới này trước tiên phải học cách không nhắm mắt. Kỷ Xương về nhà, chui xuống gầm giường cửi của vợ, từ đó lật người nằm ngửa ra và nhìn lên .Anh dán mắt nhìn trừng trừng vào cai bàn đạp (maneki) [2] đang lên xuống tới lui vun vút để luyện sao cho đôi mi không bao giờ được nhắm. Vợ anh không hiểu mô tê ất giáp nên lấy làm sửng sốt.Trước tiên, nàng cả thẹn vì chồng cứ nhìn mình chòng chọc từ một tư thế quái gở và dưới một góc độ cũng quái gở không kém.Thấy người vợ không bằng lòng, Kỷ Xương bèn quát mắng và bắt nàng cứ phải tiếp tục dệt. Ngày qua tháng lại, Kỷ Xương vẫn nằm dưới đất trong cái tư thế kỳ khôi, bền lòng tập dượt cách nhìn không chớp mắt. Được hai năm sau, cho dù bàn đạp đưa lên xuống nhanh vùn vụt đến cọ sém lông mi, tuyệt nhiên mắt anh vẫn không hề khép lại một lần nào. Rốt cuộc anh mới chịu chui ra ngoài khung cửi. Đến cỡ này thì cho dù có ai lấy một mũi nhọn đâm thẳng vào mắt, anh cũng không thèm nháy.Cho dù có một tia lửa bắn vào hay một bụi tro bày vào mắt, anh cũng không hề nháy. Bắp thịt trên riềm mi của anh giờ đây hầu như đã quên mất cơ nằng phản ứng. Ban đêm, giữa giấc ngủ say, đôi mắt của Kỷ Xương vẫn mở trừng trừng. Kịp khi một con nhện nhỏ tới giăng tơ ở giữa hai riềm mi anh để làm tổ thì anh mới bắt đầu cảm thấy có tự tín để báo cáo cho thầy.

Nghe tin đó, thầy Phi Vệ bèn nói: "Chỉ biết không nhắm mắt thôi thì vẫn chưa đủ để học nghề bắn. Bây giờ đến giai đoạn học nhìn. Khi biết nhìn một cách thuần thục thì nhìn bất cứ vật nhỏ nào cũng đều thấy lớn, vật li ti cũng trở nên rõ ràng. Được như thế rồi, lúc đó hãy quay lại báo ta hay.

Kỷ Xương lại về nhà, bắt một con rận (shirami) [3] từ đường khâu của áo lót rồi lấy sợi tóc của mình mà cột nó vào. Thế rồi anh treo ở cửa sổ và tập trung nhìn nó suốt ngày.Hết ngày này qua ngày khác, sinh hoạt của anh là trân trân nhìn con vật treo trên thành cửa sổ. Dĩ nhiên ban đầu nó chỉ là một con rận không hơn không kém. Qua đến hai ba hôm sau, nó cũng chỉ là một con rận. Thế nhưng từ hôm thứ mười trở đi, không hiểu tại sao Kỷ Xương có cảm tưởng là nó lớn hơn chút xíu. Đến tháng thư ba thì anh thấy nó giống như một con nhộng. Phong cảnh bên ngoài cánh cửa sổ nơi anh treo con rận cũng dần dần biến đổi. Ánh sáng tươi thắm của mùa xuân đã trở thành cái nắng nỏ khốc liệt của mùa hạ, vừa mới nghĩ rằng đang có đàn chim nhạn (kari, ngỗng trời) bay qua trên bầu trời thu cao và trong vắt thì chưa gì đã thấy có những trận mưa lẫn vào với tuyết (mizore) rơi từ khung trời xám để đem giá lạnh về. Thế mà Kỷ Xương vẫn bền lòng tiếp tục nhìn vào con côn trùng nhỏ bé lắm chân, thích cắn và gây ngứa ngáy này. Sau khi đã thay đổi vài chục con như vậy và theo dòng thời gian, ít nhất ba năm trời đã trôi qua. Một hôm, bất đồ Kỷ Xương nhận ra rằng, trong mắt anh, con rận anh treo giờ đã to ra bằng một con ngựa. "Đã đến lúc!" Kỷ Xương vỗ vào đùi và phóng ra ngoài. Anh nghi ngờ đôi mắt mình. Người trên đường giờ đây đều cao như ngọn tháp, ngựa to bằng hòn núi, còn lợn thì ngang một quả đồi và gà qué lớn như lầu thành. Kỷ Xương tung tăng chân sáo trở về nhà, một lần nữa đứng trước mặt con rận treo bên cửa sổ, lấy cung Yên giác (làm bằng sừng thú nước Yên) và mũi tên Sóc bồng (cỏ bồng phương Bắc) [4] ra mà bắn thì những mũi tên của anh đã trúng phóc và xuyên qua quả tim của con vật bé nhỏ. Lạ nữa là lúc đó, sợi tóc treo nó không hề đứt đoạn.

Kỷ Xương vội vàng đi đến chỗ thầy để báo tin. Phi Vệ vui mừng khen ngợi: "Ngươi khá lắm đấy!". Thế rồi ông đem hết những bí quyết trong thuật bắn cung - không chừa một thứ nào - để truyền lại cho người học trò. Sau 10 hôm đã truyền xong cho Kỷ Xương tất cả những bí quyết thâm sâu của nghề xạ tiễn, ông mới thử để cho Kỷ Xương bắn một lá liễu đặt cách anh một trăm bước. Kết quả là trăm phát đều trúng cả trăm. Hai mươi hôm sau, ông cho đặt lên khuỷu tay phải của anh một cốc nước đầy và khi kéo cung cứng thì cũng như lần trước, anh vẫn không bắn lệch chỗ nhắm một lần nào, chẳng những thế, nước trong cốc cũng không hề sóng sánh. Một tháng sau, ông cho Kỷ Xương thử phép "tốc xạ" (bắn nhanh liên tiếp) với 100 mũi tên. Khi mũi tên thứ nhất vừa trúng đích thì mũi thứ hai bay đuổi theo không sai phạm chút nào và đã chẻ đuôi mũi tên trước ra làm đôi.Thế rồi mũi tên thứ ba tiếp đó cũng bay đến và cắm khít vào giữa mũi thứ hai. Cứ như vậy mà hết mũi này đến mũi khác cứ nối liền nhau vừa khi mũi sau cám phập vào đuôi mũi trước. Do đó, không có một mũi tên nào rơi xuống đất cả. Trong nháy mắt, 100 mũi tên đều đã được bắn đi và dính lền với nhau như chỉ có một mũi duy nhất kéo dài từ đích nhắm ra đằng trước thành một vạch dài. Đứng bên cạnh nhìn cảnh đó, sư phụ Phi Vệ bất giác thốt ra một tiếng "Giỏi!" (Yoshi!)."

Hai tháng sau, Kỷ Xương lại trở về nhà và lúc đó xảy ra một cuộc cãi vã giữa anh và vợ. Kỷ muốn hù dọa nàng bèn tra tên Ki Vệ vào cung Ô Hiệu [5], dương ra hết cỡ và bắn. Mũi tên đi ngang mi mắt cắt đứt mất ba sợi lông mi của nàng rồi bay mất hút. Thế mà người bị bắn vẫn không hề hay biết, nàng cũng không nháy mắt mà cứ tiếp tục thóa mạ chồng. Câu chuyện trên đây cho thấy là về tốc độ và sự chính xác, tài bắn cung của Kỷ Xương đã tới chỗ cực kỳ tinh diệu nên đạt được một kết quả như thế.

Lúc đó, Kỷ Xương không còn gì để học từ Phi Vệ nữa. Một hôm, bất chợt trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ thâm hiểm.

Một mình nghĩ đi nghĩ lại, bây giờ nói về thuật bắn cung, mình chỉ còn độc mỗi một địch thủ, đó là thầy Phi Vệ chứ không ai khác. Để trở thành đệ nhất cao thủ trong võ lâm, nhất định là mình phải loại trừ ông ta. Trong khi đang chờ cơ hội, một hôm trên cánh đồng mỗi ngày anh thường qua lại, bỗng tình cờ thấy Phi Vệ từ phía đối diện bước tới. Kỷ Xương nhanh chóng quyết định. Anh rút tên ra và đặt lên ngắm bắn, chẳng ngờ Phi Vệ cũng linh cảm được điều đó bèn trương cung ra ứng phó. Khi hai người cùng bắn thì hai mũi gặp nhau giữa đường bay và cùng rơi xuống đất. Sở dĩ khi hai mũi tên đều rơi xuống đất, chúng không hề làm bốc lên một hạt bụi có lẽ vì kỹ thuật của hai người đều đã đến chỗ thần sầu. Đến khi túi tên của Phi Vệ đã cạn sạch thì phía Kỷ Xương hãy còn được một mũi. Lợi dụng cơ hội này, anh ta bèn nhanh nhẹn lắp tên vào và bắn đi nhưng Phi Vệ lập tức bẻ ngay một cành cây gai (no-ibara) bên đồng, chìa đầu nhọn ra và quật một cái vụt làm rơi mất mũi tên đang phóng tới. Biết rằng tham vọng đặt không đúng chỗ của mình đã thất bại, lòng Kỷ Xương bỗng bừng dậy một tình cảm xấu hổ, một tình cảm mà nếu kế hoạch của anh thành công, nhất định sẽ không bao giờ có. Còn về phía Phi Vệ thì ngoài cái yên tâm vì đã thoát hiểm là một sự thỏa mãn đối với tay nghề. Cả hai đã giúp ông quên bẵng đi lòng oán ghét về hành động của kẻ phản bội. Khi hai người đi xáp lại gần nhau, họ đã ôm choàng lấy nhau ngay giữa cánh đồng. Một đỗi lâu, họ đã nhỏ những giọt nước mắt đẹp đẽ của tình thầy trò. (Không nên nhìn sự kiện này với con mắt của một người suy nghĩ theo quan niệm đạo đức đời nay vì nó sẽ không thích hợp đâu). Xưa kia có việc Tề Hoàn Công, một người thích ăn ngon khi muốn đi tìm hương vị của một món mình chưa từng được nếm, người đầu bếp trong cung là Dịch Nha đã đề nghị nhà vua hãy thử thịt đứa con trai mình mà ông sẽ nấu nướng hầu vua. Tần Thỉ Hoàng, lúc còn là một thiếu niên 16 tuổi, ngay cái đêm cha mình vừa mất, đã ba lần cưỡng bức ái thiếp của vua cha. Nói thế để cho thấy luân lý đạo đức của thời đại ấy đại loại là như vậy cả.

Tuy quàng vai nhau và nước mắt rưng rưng nhưng khi nghĩ đến âm mưu đen tối khác mà đứa học trò có thể đang nuôi trong đầu, Phi Vệ lấy làm hoảng sợ, bèn nghĩ đến phương kế là tạo cho Kỷ Xương một mục tiêu khác để anh ta rời bỏ những ý định đang có. .Ông bèn hướng về đứa học trò nguy hiểm này và nói: "Những gì ta biết, ta đã truyền hết cho ngươi rồi. Nếu như ngươi còn mong mỏi đi đến chỗ uẩn áo sâu xa hơn của cung thuật thì hãy về phía Tây mà tìm đến rặng núi Đại Hành, sau đó leo lên tận đỉnh Hoắc Sơn. Trên đỉnh ấy nhất định ngươi sẽ gặp một vị lão sư tên gọi Cam Dăng. Cụ là một bậc đại sư tài quán cổ kim trong lãnh vực này. So với cung thuật của cụ thì tài bắn của bọn ta chỉ là trò trẻ. Giờ phút này, người xứng đáng làm thầy của ngươi phải là cụ Cam Dăng chứ không ai khác.

Kỷ Xương lập tức lên đường về phía Tây. Phi Vệ bảo rằng: "Đứng trước cung thuật của người đó thì tài bắn của chúng ta chỉ là trò trẻ" nhưng câu nói ấy đã chạm đến lòng tự ái của anh. Nếu như câu nói đó phản ánh một sự thật thì ước vọng trở thành đệ nhất cao thủ trong thiên hạ của anh hãy còn là một câu chuyện xa vời. Anh nghĩ muốn xem tài nghệ của mình có đúng là trò trẻ hay không thì phải gặp con người ấy mà so tài cao thấp thì mới biết được chứ. Lòng nôn nả với ý tưởng ganh đua, anh chỉ mong sao cho chóng đến nơi. Gan bàn chân đã xước hết và ống chân cũng đầy thương tích, anh còn phải leo qua những bìa đá hiểm nghèo và đi dọc theo đường sạn đạo chênh vênh. Mãi đến một tháng sau anh mới đến được đỉnh ngọn núi vốn là đích nhắm.

Người đang chờ đón một Kỷ Xương hăm hở muốn so tài là ông lão có đôi mắt hiền như mắt cừu và thân hình vô cùng mảnh khảnh, gió thổi cũng ngã. Tuổi của cụ ta chắc đã hơn trăm. Có lẽ vì cái lưng quá còng, mỗi lần bước đi là chòm râu bạc lại quét lê dưới đất.

Sợ người đối thoại lãng tai, Kỷ Xương phải nói thật to để xưng danh tánh và bày tỏ mục đích của cuộc viếng thăm. Sau khi cho biết mình muốn ông đánh giá tài nghệ cho, Kỷ Xương chẳng đợi người trước mặt trả lời, đã nhanh nhẹn rút cây cung "Dương cán ma cân" đeo trên lưng ra. Thế rồi, anh lắp một chùm tên Thạch kiệt [6] nhắm một đàn chim di vừa vặn bay ngang bầu trời vào lúc đó. Khi giây cung bật thì đã thấy thân hình năm con chim lớn xé gió rồi rơi ngay xuống đất.

Ông lão mỉm cười và phát biểu một cách điềm nhiên:

-Bắn được như hảo hán là đã ngang ngửa với đám thường nhân! Thế nhưng, đó chẳng qua là cái tài "xạ chi xạ" (bắn bằng bắn).Ta xem chừng anh bạn còn chưa biết đến cách "bất xạ chi xạ" (bắn không cần bắn)!

Thấy Kỷ Xương đứng ngậm câm như đang nuốt giận, lão ẩn giả bèn dẫn đường cho anh đến một chỗ vách đá dựng đứng (tuyệt bích) cách nơi đó chỉ có hai trăm bước. Đúng như người ta thường gọi, đó là một vách đá "bích lập thiên nhận" (tấm vách dựng đứng cao hàng nghìn thước) [7] trông chẳng khác nào một tấm bình phong. Từ trên mà thử liếc nhìn thì dòng khe ngọn suối ở dưới đáy vực sâu đó chỉ hẹp và nhỏ như những sợi chỉ, quang cảnh ấy dễ làm cho chóng mặt. Trong khoảng không gian ở lưng chừng bức vách ấy có một phiến đá chông chênh chìa ra bên ngoài. Cụ già bèn đi thẳng ra ngoài đó rồi quay lại nói với Kỷ Xương:

-Sao? Anh bạn có thể nào đứng ở chỗ này mà thi triển công phu như hồi nãy thêm một lần nữa cho lão xem không?

Đến nước này, Kỷ Xương không thể không làm theo. Anh bèn đi ra phía phiến đá và đứng thế vào chỗ của ông cụ. Tuy nhiên, khi anh vừa dẫm lên phiến đá thì thấy nó khẽ lung lay. Anh bèn vận sức, tập trung tinh thần và lắp tên vào thì vừa lúc đó, ở một góc của phiến đá, có một hòn đá nhỏ tách ra và lăn long lóc. Khi đưa mắt nhìn theo hòn đá ấy xem nó rơi đi đâu, Kỷ Xương bất chợt sợ hãi nằm phủ phục lên trên phiến đá. Hai chân anh run lẩy bẩy, mồ hôi đẫm từ đầu tới gót.

Ông lão bèn cả cười và chìa cánh tay ra kéo anh bước khỏi nơi nguy hiểm đó. Ông tự mình đi ra đứng vào chỗ đó thay cho Kỷ Xương và nói:"Thôi, giờ thì anh bạn ghé mắt xem cách lão bắn nhé!". Tuy mặt còn xanh như chàm và trống ngực đập liên hồi nhưng Kỷ Xương ráng lấy lại bình tĩnh và hỏi: "Thế còn cung? Cung của cụ đâu nào?" bởi vì lúc đó ông lão chỉ có hai tay không. Ông lão lại cười: "Cung ư? Nếu phải dùng cung thỉ bạn hãy còn ở trong vòng "xạ chi xạ". Với "bất xạ chi xạ", cả đến những thứ như cung Ô tất và tên Túc thận [8] , ta đều không phải dùng tới.

Vừa vặn ngay trên đầu họ và cao vút trong bầu trời, một con diều hâu nhẹ nhàng bay lượn như đang muốn vẽ một vòng tròn. Cam Dăng đứng nhìn cái bóng nhỏ như hạt vừng của con chim một lúc lâu rồi với cái cung vô hình và mũi tên cũng vô hình nốt, tay dương cung ra như một vầng trăng rằm và phóng vút mũi tên đó lên. Thì xem kìa! Con diều không còn thấy đập cánh một tị nào nữa mà rơi từ trên không xuống đất như hòn đá.

Kỷ Xương há hốc nhìn. Trong lòng, anh có cảm tưởng đây là lần đầu tiên mình đã được ghé mắt nhìn vào chỗ sâu xa uyên áo nhất của nghệ thuật bắn cung.

Trong vòng 9 năm trời, Kỷ Xương đã ở lại để học hỏi lão cao thủ. Lúc ấy, việc anh đã có cơ hội tu luyện và thu thập những kinh nghiệm gì thì không ai đoán ra được.

Thời gian 9 năm trôi qua, lúc anh hạ sơn, người quen biết Kỷ Xương thấy mặt mày anh đã thay đổi đến mức họ không sao nhìn ra. Cái vẻ hiếu thắng và thần thái nhanh nhẹn của ngày xưa đã mất đi đâu cả. Anh không biểu lộ một trạng thái tâm hồn nào, dung mạo giờ đã thành ra đần độn, khờ khạo như ông phỗng (tượng gỗ). Khi có dịp đến thăm ân sư Phi Vệ mà mình lâu ngày không gặp thì người thầy cũ khi vừa thoáng nhìn anh đã phải thốt ra một lời cảm thán: "Giờ đây ta mới có thể xem ngươi là một tay cao thủ trong thiên hạ! Tài cán như bọn ta không thể nào chạm được gót chân ngươi!".. .

Thủ đô Hàm Đan chào đón ngày về của Kỷ Xương như đón tay cao thủ đệ nhất thiên hạ. Dĩ nhiên trong lòng ai nấy đều dậy lên niềm mong ước được anh biểu diễn trước mắt họ để thấy những tuyệt kỹ của cung thuật. Thế nhưng Kỷ Xương hoàn toàn không có ý hướng đáp lại nguyện vọng thiết tha của họ. Chẳng những thế, anh còn không muốn cầm lại cây cung. Cây cung "Dương cán ma cân" mà ngày xưa lúc lên núi tu học, anh vẫn mang theo người, giờ hình như không biết đã bị anh vứt đi đâu. Để trả lời cho một người đưa ra câu hỏi ấy, Kỷ Xương uể oải trả lời: "Chí vi bất vi, chí ngôn khứ ngôn, chí xạ bất xạ" (Muốn làm cho đến nơi thì không làm gì sất, muốn nói cho cạn thì đừng nói gì cả, muốn bắn thật trúng thì đừng có bắn). "À! Té ra là thế! Những tay danh sĩ ở kinh đô Hàm Đan vốn nói ít hiểu nhiều nên đã đồng ý ngay với Kỷ Xương. Người được gọi là cao thủ dù không cầm lấy một cây cung trong tay giờ đây là niềm tự hào của họ. Kỷ Xương càng xa lánh cây cung bao nhiêu thì lời tung hô xem anh là nhà vô địch càng ầm ĩ bấy nhiêu

Không biết bao nhiêu lời đồn đại đã truyền từ miệng người này sang miệng người khác. Chẳng hạn chuyện một đêm lúc trời đã quá canh ba, trên nóc nhà của Kỷ Xương bỗng nghe có tiếng người đang bật giây cung. Như thể họ muốn cho rằng đối với một bậc cao thủ thì trong khi người đó ngủ, vị thần cung đạo ẩn trong người kẻ ấy sẽ xuất hồn đi tiểu trừ yêu quái cho ông ta được an giấc trọn đêm. Có anh lái buôn láng giềng của Kỷ Xương quả quyết rằng có đêm mình đã nhìn thấy trên không trung nơi nóc nhà Kỷ Xương, cái bóng ông ta đang ngồi trên mây, còn tay thì nắm cây cung - một cảnh hiếm thấy - và so tài cao thấp với các tay thiện xạ đời xưa như Hậu Nghệ và Dưỡng Do Cơ. Lúc đó, đằng sau đuôi những mũi tên các vị ấy phóng ra đều có những vệt xanh làm sáng lòa cả bầu trời đêm và chúng chỉ biến mất trong khoảng các chòm sao Tham Túc (Orion) và Thiên Lang (Sirius) [9]. Lại có một tay ăn trộm đã thú thực rằng một hôm hắn định lẻn vào nhà Kỷ Xương thì khi chân định leo lên bờ tường bỗng cảm thấy từ trong ngôi nhà im ắng đó có một luồng sát khí bay ra nện trúng đầu làm mình văng ra ngoài. Từ đó những kẻ nào có tà tâm đều phải đánh một đường vòng cách xa ngôi nhà đó trong một chu vi mười chô (109m x 10) ở bốn phía, còn như lũ chim di tinh khôn thì hầu như chúng không còn dám bay ngang qua bầu trời trên nóc nhà ông ta nữa.

Trong khi danh tiếng dậy ngất mây xanh như thế, cao thủ Kỷ Xương ngày càng già đi. Lòng ông đã sớm xa lạ với cung thuật nhưng từ đây, càng ngày càng rơi vào một cõi khô khan đạm bạc hư vô tĩnh mịch. Bộ mặt đã biến thành tượng gỗ giờ đây không còn biểu lộ được một tình cảm nào, nói năng thì cũng ít khi mở lời, rốt cuộc không ai còn nhận biết là ông còn hít, thở hay không nữa. "Tôi hết biết phân biệt giữa mình và người, giữa phải và trái. Giờ thì mắt cũng như tai, tai cũng như mũi và mũi cũng như miệng". Đó là những lời cảm hoài của tay cao thủ trong những ngày cuối của cuộc đời.

Từ ngày chia tay lão sư Cam Dăng đến nay, tính ra đã hơn 40 năm. Kỷ Xương lặng lẽ từ giã cõi đời này và ra đi như một làn khói nhẹ. Trong khoảng 40 năm trời ấy, không một lần nào ông hở môi bàn chuyện cung tên. Mở miệng để nói còn chưa làm thì có lý nào ông lại có một hoạt động can dự đến hai thứ đó. Dĩ nhiên, với tư cách của một người viết truyện ngụ ngôn, tác giả cũng muốn tạo cho ông cơ hội làm nên một công trạng hiển hách nào đó trước khi chia tay. Kể ra thứ công trạng khiến cho một cao thủ được xứng danh là cao thủ cũng có khá nhiều, nhưng mặt khác, tác giả sẽ rất khổ tâm nếu phải viết sai lạc đi những điều đã thấy chép trong sách cổ. Trên thực tế thì từ khi về già, Kỷ Xương đã trở thành một kẻ vô vi mà câu chuyện kỳ dị sau đây có thể đem trưng ra làm bằng chứng:

Hình như sự việc đã xảy ra vào khoảng một hai năm trước khi ông qua đời. Một hôm ông lão Kỷ Xương được mời đến chơi nhà một người quen thì thấy trong ngôi nhà ấy có một món đồ. Rõ ràng ông thấy quen quen như đã được nhìn nó ở đâu rồi thế nhưng không tài nào nhớ được cái tên.Ông cũng không nhớ nó dùng vào việc gì. Chủ nhà tưởng là khách muốn nói đùa nên nhe răng cười làm như không chú ý. Trái lại, ông lão Kỷ Xương vẫn nghiêm trang hỏi tiếp. Dù vậy, người trước mặt vẫn nở một nụ cười mơ hồ như thể chưa nắm được bản ý của khách. Đến khi Kỷ Xương nghiêm sắc mặt, hỏi ba lần cùng một câu thì lần đầu tiên, chủ nhà mới lộ vẻ kinh ngạc. Ông ta nhìn chầm chập vào mặt khách. Ông không còn dám cho là vị khách nói đùa, cũng không nghĩ rằng ông ấy đã mất trí, rồi sau khi xác nhận được tai mình đã không nghe lầm, ông cảm thấy có một tình cảm hoang mang gần như sợ hãi, bèn lắp ba lắp bắp:

-Ôi chao, phu tử? Một nhà thiện xạ cổ kim vô song như phu tử mà lại quên món đồ có tên là cây cung hay sao? Mà này! Không những tên của cây cung mà cả cách dùng nó nữa! ..

Từ đó trong một thời gian dài, ở kinh đô Hàm Đan, đã xảy ra chuyện các nhà họa sĩ giấu tiệt bút vẽ, nhạc công chặt dây đàn sắt, những người thợ mộc coi việc mình từng sử dụng thước đo (kiku) như một điều nhục nhã..

Dịch ngày 22/08/2020

Tư liệu tham khảo:

Nagashima Atsushi, Tuyển tập Lý Lăng, Sơn Nguyệt Ký vv..., bản bỏ túi thông dụng.do nhà xuất bản Kadokawa xuất bản, sơ bản tháng 9/1968, ấn bản tái bản lần thứ 62 năm 2011. Nguyên tác Nhật ngữ.

Nagajima Atsushi, Meijinden, Đại cao thủ do Nguyễn Đình Đăng dịch sang Việt ngữ, đồng thời phân tích, so sánh các bản dịch đi trước. Trang mạng Talawas blog 2009. Bản ngoại văn tham chiếu.

[1] -

[2] - Thiết tưởng con thoi thì mới hợp lý và ăn khớp với văn mạch.

[3] - Shirami có thể hiểu là chấy (chí) hay rận nhưng nếu bắt ra từ áo xống thì có nhiều khả năng là rận hơn.

[4] - Nước Yên ở địa phận tỉnh Hà Bắc, là một trong thất hùng thời Chiến Quốc, nơi có những chiến sĩ dung mãnh (chẳng hạn Trương Phi thời Tam Quốc). Yên giác, Sóc bồng ý nói loại cung tên chất lượng tốt.

[5] - Ki và Vệ là hai vùng có giống trúc tốt để làm tên. Ô Hiệu là tiếng khóc than (ngày nay Ô phải viết với bộ khẩu) của bầy tôi vua Hoàng Đế. Tương truyền họ ôm cung và gào khóc khi vua Hoàng Đế cưỡi rồng thăng thiên và bỏ họ lại cõi trần.Ô là tiếng khóc, hiệu là gào.

[6] - Theo nguyên ngữ thì Dương cán là "cánh cung bằng gỗ dương liễu", Ma cân là dây cung tết bằng cỏ gai. Thạch kiệt có lẽ là mũi tên có đầu đạn bằng đá chăng?

[7] - Thiên nhận hay thiên tầm ý nói rất sâu.

[8] - Ô tất là cung sơn màu đen. Tên Túc thận là một trong những loại tên mà người dân tộc thiểu số mang tặng vua Vũ khi ông dẹp được Trụ vương. Túc thận có nghĩa là nghiêm túc và thận trọng.


[9] - Orion có thể dịch là sao Lạp Hộ (Người đi săn, The Hunter) hay Mục Dương (Người chăn cừu). Còn sao Sirius là Thiên Lang hay Lang tinh, Đại khuyển tinh. Ý nói một nơi rất xa xôi trên cánh đồng trời, nơi có người dắt cho đi săn.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com