Phan Tich Trang Giang
Những dòng sông hiền hòa, thơ mộng hay hùng vĩ, mênh mang, chắt chiu phù sa nuôi bến bờ xứ sở. Những dòng sông tắm mát, vỗ về, an ủi, nâng đỡ tâm hồn bằng cái bao dung mở lòng ngọt ngào của nước. Và rồi, sông nuôi nấng tâm hồn thi sĩ. Sông dạo những bản tình ca êm đềm, những khúc nhạc mạnh mẽ kiêu hùng. Biết ơn những dòng sông để từ đó Trương Hán Siêu viết "Bạch đằng giang phú", để Văn Cao làm "Trường ca sông Lô", để nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tha thiết "Chảy đi, sông ơi!" Và để một chiều thu đã xa, Huy Cận đạp xe đến bờ nam bến Chèm, ngắm nhìn dòng sông miên man nước chảy mà thấy "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" và rồi vẽ nên một bức tranh quấn quyện, hài hòa giữa phong vị cổ điển và hiện đại của "Tràng giang". Từ đó [...]
Còn nhớ, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét thế này: "Đời chúng ta nằm trong một vòng chữ tôi, mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, càng đi sâu ta càng lạnh, ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu". Nếu Xuân Diệu gắn liền với đắm say với thiết tha, rạo rực thì nhà thơ Huy Cận lại gắn liền với nỗi sầu vạn kỷ mênh mang, đa sầu, đa cảm. Bài thơ "Tràng giang" là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và tình thơ Huy Cận được sáng tác vào một buổi chiều mùa thu năm 1939. Ở đó ta thấy một bức tranh thiên nhiên mênh mông vương màu buồn thương, hiu quạnh của một cái tôi mang nỗi sầu vạn kỉ.
Trước hết, không gian "Tràng giang" thuộc về mênh mông vô biên. Ngay cái tên bài thơ đã như một cửa ngõ mở vào vô biên bởi "Tràng giang" gợi ra hình tượng một con sông chảy mênh mang giữa trời đất. Và câu đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài", tuy vẫn còn nằm ngoài văn bản, nhưng nó đã như một bức rèm hé mở mang ta vào với vô tận, mà người đọc cần vén lên; hoặc như một hành lang mở thông vào vô biên, mà người đọc cần dấn bước.
Dẫu sao, những hình ảnh sống động của một thế giới có thể cảm nhận hoàn toàn trực quan chỉ thực sự mở ra với những câu đầu:
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song"
Có lẽ cái chất thơ của sông nước đã nhập vào những câu thế này để phô bày vẻ đẹp của nó. Câu thứ nhất tả sóng, câu thứ hai tả những dòng trôi, những luồng nước trên mặt sông. Nếu câu thứ nhất gợi được những vòng sóng đang loang ra, lan xa, gối lên nhau, xô đuổi nhau đến tận chân trời, thì câu thứ hai lại vẽ ra những luồng nước cứ song song, rong ruổi mãi về cuối trời. Không gian vừa mở ra bề rộng, vừa vươn theo chiều dài. Đúng là nó có thấp thoáng âm hưởng hai câu thơ cũng tả sông nước trong bài "Đăng cao" nổi tiếng của Đỗ Phủ:
"Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cồn cồn lai."
(Ngàn cây bát ngát, lá rụng xào xạc
Dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi.)
Cũng dùng những từ láy nguyên để gợi tả, trong khi tác giả "Đăng cao" đặt ở giữa câu, thì tác giả "Tràng giang" lại đẩy xuống cuối câu. Nhờ thế hai từ láy nguyên "điệp điệp" và "song song" tạo ra được dư ba. Nghĩa là lời thơ đã ngừng mà ý hướng và âm hưởng vẫn còn vang vọng như dội mã vào vô biên. Trước không gian mênh mông, vô tận của sóng nước, Huy Cận như thả hồn mình nơi ấy, để rồi từng con sóng cũng biết "buồn điệp điệp" - một nỗi buồn không mãnh liệt trào dâng mà u sầu miên man không sao ngừng được. Giữa một dòng sông lớn mang trong lòng một nỗi buồn lớn thấp thoáng hơi ấm của con người khi xuất hiện hình bóng của "thuyền" nhưng lạ thay con thuyền ấy lại "xuôi mái" chảy theo dòng nước mênh mông vô định, không người chèo lái, không bến bờ trở về. Văn học xưa nay ta vẫn hay thấy cặp hình ảnh thuyền và nước, chúng gắn bó chặt chẽ với nhau.
Ấy thế mà giờ đây, trong hồn thơ Huy Cận - một tạng thơ ảo não, sầu muộn thì thuyền và nước lại xa cách, biệt li:
"Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"
Thuyền và nước những tưởng là hai hình ảnh song song đồng hành với nhau, đến đây lại cách xa, buồn tủi. Hình ảnh đối ngẫu "thuyền về nước lại" gợi sự chia lìa xót xa, thuyền một hướng, nước một hướng, sầu thương vô cùng. Thuyền lênh đênh trôi mãi đi xa để lại dòng nước lặng lẽ ở lại, heo hắt, cô quạnh. Thuyền và nước ở đây không còn là sự vật vô tri vô giác của thiên nhiên mà đã được nhân hóa lên như một con người. Trước sự chia li, cách biệt chúng cũng có cảm xúc như con người: "sầu trăm ngả". Nỗi sầu không ngả một bên mà ngả trăm đường, lan tỏa, tràn lan như bao trùm cả khoảng không. Sự trái ngược đó nhìn có vẻ phi lí nhưng ta cũng thấy rõ sự logic trong câu thơ của tác giả, nó thể hiện được cảm xúc chủ đạo của bài thơ, sự chia li, xa cách trước thời thế của cuộc đời, dạt dào trôi nổi trong trạng thái bị động và nỗi buồn trong cái tôi của Huy Cận. Để rồi một hình ảnh thật lạ, thật đặc biệt bước vào thi ca như để phá vỡ mọi quy phạm của văn học trung đại:
"Củi một cành khô lạc mấy dòng"
Từ một cành cây xanh tươi nơi núi rừng đầu nguồn đến một cành củi khô bập bềnh trôi nổi dưới dòng, ta biết thân phận cỏ cây ấy đã qua nhiều thương đau. Điều đó khiến ta liên tưởng đến những phận người bé nhỏ, nổi trôi, bị dập vùi trước bể dâu cuộc đời. Trong câu thơ này, Huy Cận đã sử dụng biện pháp đối lập triệt để. Bên này là "củi một cành khô" còn bên kia là "lạc mấy dòng" như để tô đậm thêm sự mênh mông vô tận của không gian sông nước song cũng khiến người đọc không khỏi bận lòng trước một cành củi bị dập vùi. Dẫu nhấn mạnh điều gì thì ta cũng không thể phủ nhận nỗi buồn, sự cô đơn, chơi vơi, lạc lõng của thi nhân giữa dòng đời vô chung vô thủy, trước thời đại xô bồ, hỗn loạn. Tâm trạng ấy không chỉ có ở Huy Cận mà ta còn gặp trong một hồn thơ tha thiết, khát yêu của Xuân Diệu:
"Tôi là con nai nhỏ bị chiều giăng lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối".
Suốt dọc bài thơ, Huy Cận còn dày công khắc họa vẻ mênh mông vô biên của không gian bằng biết bao chi tiết giàu tính nghệ thuật khác.Vừa dùng cái lớn lao để gợi sự mênh mông, vừa dùng cái hữu hạn để gợi sự vô cùng. Ấy là hàng trăm ngả sông, bao cồn đất:
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu"
Khung cảnh bến bờ hoang vắng trong một buổi chiều mùa thu buông xuống chỉ thấy lơ thơ vài cây cỏ mọc lổm nhổm trên những cồn cát nhỏ chạy giữa dòng sông gợi một thiên nhiên bao la chìm trong sự cô đơn, hoang vu, lạnh lẽo. Nếu ở khổ thơ đầu ta chỉ thấy được hình ảnh con thuyền lênh đênh một mình với nỗi buồn "điệp điệp" thì ở khổ thơ thứ hai ta lại được nhìn thấy những cồn cát nhỏ bé, trôi nổi lênh đênh trên mặt nước sóng vỗ đang dần bị sức mạnh của gió cuốn trôi. Hình ảnh đó làm ta liên tưởng đến số phận con người trong xã hội cũ lúc bấy giờ. Tất cả đều là bị động, số phận của con người giờ đây đã bị an bài, sắp đặt. Hình ảnh cồn nhỏ và những ngọn gió đìu hiu, lạnh lẽo trong một không gian rộng lớn khiến người đọc không khỏi bồi hồi, xao xuyến, đồng cảm với cảm xúc của nhà thơ.
Khát thèm âm thanh của cuộc sống người, thi sĩ lắng nghe, không dám mơ đến thứ âm thanh náo động vui tươi, chỉ mong gặp thứ âm thanh xoàng xĩnh nhất, buồn chán nhất của cuộc sống người:
"Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều"
Huy Cận mượn thi pháp văn trung đại thật khéo, ấy là lối lấy động tả tĩnh, lấy âm thanh để gợi mở một không gian vô cùng tĩnh tại. "Đâu" mang ý nghĩa thứ nhất là không tồn tại. Giữa cả một khung cảnh với thiên nhiên rộng lớn, vắng vẻ nhưng không nghe thấy bất kì một tiếng động nào từ phiên chợ tạo nên một khoảng không gian buồn hiu, quạnh vắng. Hay cũng có ý kiến cho rằng "đâu" được hiểu với nghĩa đâu đó vẫn có tiếng chợ lao xao, rì rào của phiên chợ tàn. Dù theo nghĩa nào thì nó cũng nhằm nói đến cuộc sống tân rã, một đằng thì đã vắng bóng, một đằng thì đang vắng bóng mà thôi.
Một bức tranh thiên nhiên hiu quạnh, vắng lặng, thiếu vắng sự sống con người là thế! Nhưng có lẽ bức tranh vô biên của "Tràng giang" đạt đến tận cùng là ở hai câu này:
"Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu."
Câu trên là sự vô biên được mở về chiều cao. Câu dưới là sự vô biên cả bề rộng và chiều dài. Có một khoảng không gian đang giãn nở ra trong cụm từ: "Nắng xuống, trời lên". Hai động từ ngược hướng lên và xuống đem lại một cảm giác chuyển động rất rõ rệt. Nắng xuống đến đâu, trời lên đến đó. Và nó được hoàn tất bởi cụm từ "sâu chót vót". Có cái gì như phi lí! Có lẽ không chịu được vẻ phi lí mà có nhiều người đã cố tình in và viết thành "sầu chót vót" để dễ dàng hình dung hơn. Tiếc rằng, chính "sâu" mới là sự xuất thần của hồn thơ. Đây không phải là sự lạ hóa ngôn từ. Nếu có, thì trước hết là sự lạ hóa trong cách nhìn, trong cảm giác. Ánh mắt tác giả không dừng lại ở đỉnh trời một cách thường tình để nhận biết về chiều cao, mà nó như xuyên vào đáy vũ trụ để cảm nhận về chiều sâu. Song, dẫu sao, đây vẫn vẫn là chiều sâu của một cái nhìn ngước lên. Cho nên, mới là "sâu chót vót". Chót vót vốn là một từ láy độc quyền của chiều cao, bỗng phát huy một hiệu quả không ngờ. Nó còn gợi sắc thái chưa hoàn tất. Dường như cái nhìn của thi sĩ vươn tới đâu thì trời sẽ sâu tới đó, mỗi lúc một chót vót hơn. Vừa tương xứng vừa hô ứng với câu trên, câu thứ hai mở ra bát ngát, tít tắp. Câu thơ được viết giản dị, không chữ nào lạ, ngỡ như chỉ là sự sắp xếp các chiều kích của tràng giang, thế thôi! Vậy mà thấy động. Các trạng thái tĩnh, các tính từ dường như "cựa quậy" đòi động từ hóa. Trong áp lực của cái nhìn xa hút, có cảm giác "sông dài" (ra) trời rộng (thêm). "Sông dài trời rộng" bao nhiêu, to lớn bao nhiêu thì sự sống của con người càng nhỏ bé bấy nhiêu. Sở dĩ tác giả sử dụng "cô liêu" để làm nổi bật cảnh vật không có sự xuất hiện bóng dáng của con người, con người chỉ là một phần nhỏ trong không gian, một hình thể nhỏ bé trong vũ trụ khổng lồ với nỗi buồn hiu quạnh.
Bài thơ "Tràng Giang" đã vẽ trước mắt ta những một bức tranh hùng vĩ, với cách nhìn độc đáo vừa gần vừa xa, vừa cao vừa sâu, nhưng bao trùm không gian ấy là một nỗi buồn. Đó không chỉ là nỗi buồn cô đơn lẻ loi của chính tác giả mà còn là nỗi buồn của một thế hệ khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan. Bức tranh mà Huy Cận tạo nên với những hình ảnh gần gũi như sông nước bến thuyền vừa mang một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Điều đó đã tô đậm thêm sự độc đáo trong thơ của Huy Cận. Với hình ảnh thơ giàu sức gợi, mang đậm phong vị Đường thi, với những hình ảnh cổ điển tiêu biểu. Nghệ thuật tả cảnh, đảo ngữ, phủ định lặp lại, lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình gây ấn tượng trong lòng độc giả.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com