Nha Ao Thuat Den Va Vu An Tai Thi Tran Khong Ten
Haraguchi Kouhei cúi người xuống, bấu các đầu ngón tay vào cửa sắt cuốn. Cảm giác khi chạm vào kim loại thật lạnh, luồng không khí lọt qua khe hở bên dưới cũng lạnh. Âu cũng là lẽ đương nhiên vì bây giờ mới là đầu Tháng Ba.Haraguchi chùng cả hai chân xuống tấn, lấy hơi nhấc bổng cửa cuốn lên. Cánh cửa phát ra những tiếng cành cạch chói tai và cuộn lên đầy mạnh mẽ, nhưng kiểu gì giữa chừng nó cũng sẽ kẹt lại ở một điểm. Có lẽ là do trục giữa bị vênh. Dù sao thì nó cũng được dùng suốt hơn ba mươi năm rồi.Haraguchi gõ liên tiếp vào phía dưới, cố đẩy cánh cửa lên. Trước đây, cậu từng muốn mau chóng chuyển sang dùng cửa cuốn điện, nhưng rồi cậu đã ném cái suy nghĩ ấy vào dĩ vãng xa xôi.Có ba cửa cuốn tất cả, nhưng tạm thời Haraguchi chỉ mở cánh cửa ở giữa, cậu bước ra ngoài, nhìn ngó xung quanh. Trên con đường hai làn xe, thảng hoặc mới có đôi ba chiếc ô tô con chạy ngang qua. Đứng thêm một lúc, sau cùng Haraguchi cũng trông thấy một chiếc xe tải nhỏ xuất hiện, nhưng rõ ràng lưu lượng giao thông đã giảm hơn so với tuần trước.Trên vỉa hè hầu như cũng không có bóng người. Haraguchi chỉ thấy ở phía xa kia mấy đứa trẻ con đang đi bộ. Xem ra chúng đang trên đường tới trường. Cùng thời điểm này năm ngoái, các trường học ở Nhật Bản đều được nghỉ. Năm nay không biết chúng có được nghỉ xuân sớm hay không. Haraguchi nhớ lại mấy người bạn có con nhỏ của cậu đã bức xúc về chuyện các chính trị gia chẳng biết mô tê gì về hoàn cảnh thực tế của những gia đình mà cả bố mẹ cùng đi làm.Haraguchi nhìn đồng hồ đeo tay. Đã hơn 8 giờ sáng. Đối với một khu phố mua sắm chỉ cách nhà ga có vài phút đi bộ thì quả là thiếu nhộn nhịp. Đã thế hôm nay còn là thứ Hai. Xem ra những ngày như thế này sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa.Haraguchi nghe thấy tiếng động ở ngay bên cạnh. Nhìn sang, cậu thấy ông chủ cửa hiệu gốm sứ nhà bên đang mở cửa kính, bước ra ngoài, trên tay xách túi rác."Cháu chào chú." Haraguchi cất tiếng."À, Kou đấy hả. Chào cháu," chủ cửa hiệu gốm sứ cúi mái đầu cắt tóc ngắn. Ông ta lớn hơn Haraguchi cả chục tuổi có lẻ, phụ giúp cửa hàng từ hồi cậu còn học cấp một."Tình hình hôm nay thế nào hả chú? Có khách nào đặt hẹn đến tham quan trải nghiệm đồ gốm sứ không ạ?" Haraguchi hỏi.Chủ cửa hiệu gốm sứ tỏ vẻ không vui, đoạn lắc đầu."Làm gì có khách nào đặt hẹn. Thậm chí hai hôm thứ Bảy, Chủ nhật vừa rồi cũng chỉ có ba khách cả thảy. Chú nghĩ tuần này chắc còn ế ẩm hơn ấy chứ.""Vậy à? Nhưng cháu thấy mới chỉ có ổ dịch ở Tokyo chứ chưa lây nhiễm trong tỉnh mình đâu ạ.""Không, không. Chú nghĩ ít nữa thế nào ở đây cũng có vài ca nhiễm. Chỉ lệch vài giờ với Tokyo thôi. Trước giờ vẫn thế mà. Rồi chính quyền lại kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động du lịch, giải trí như mọi bận thôi. Lại bắt đầu chuỗi ngày cấm túc trong nhà. Đến lúc đấy, thiên hạ cũng chẳng đoái hoài đến gốm sứ gốm sủng nữa đâu.""Nếu thế thì cửa hàng cháu cũng gay go rồi đây.""Bên cháu chắc không sao đâu. Nói là hạn chế ra ngoài, nhưng có ai hạn chế uống rượu đâu. Trái lại, có khi đơn đặt hàng cá nhân còn tăng ấy chứ?""Không được thế đâu chú. Vì những người uống rượu ở nhà sẽ mua cả thùng trên mạng, loại rẻ tiền ấy ạ. Cửa hàng cháu chủ yếu cung cấp rượu quê nên đúng là chỉ bán được cho mấy quán ăn hoặc quán nhậu trong vùng thôi.""À, mấy cửa hàng ăn uống có khi cũng lại điêu đứng đấy nhỉ? Rồi còn các nhà trọ chắc cũng khó khăn đây. Hôm qua chú có nghe chuyện ở lữ quán Marumiya, thấy bảo chưa gì đã có mấy khách hủy đặt phòng rồi.""Ôi, quả nhiên là như vậy ạ.""Lần này không biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc là hai tuần tới, mà không, khéo có khi cả tháng tới đều thành công cốc mất. Gay go thật đấy," chủ cửa hiệu gốm sứ nói, đoạn xách túi rác, quay lưng bước đi.Haraguchi buông một tiếng thở dài. Hotel Marumiya là lữ quán lớn nhất vùng này. Nhìn vào lượng khách hủy đặt phòng cũng có thể đoán được đại khái tình hình giảm sút doanh thu. Không phải doanh thu của quán, mà là doanh thu của cả khu vực này.Haraguchi đi vòng ra bãi đậu xe bên cạnh cửa hàng. Chiếc xe tải cũ kỹ của cậu đang đậu ở đó. Dòng chữ Hiệu buôn Haraguchi viết ở hông xe đã bạc màu nhiều, song lúc này cậu chẳng có tâm trí đâu mà viết lại chữ mới.Sau khi đánh xe ra trước cửa tiệm, Haraguchi bắt đầu chất rượu lên xe để chuyển đến các cửa hàng. Địa điểm mà cậu chuẩn bị đến, ngoài các nhà trọ ra còn có các quán nhậu và quán ăn nữa. Mọi khi phải có đến hơn mười chỗ tất cả, nhưng hôm nay chỉ có vỏn vẹn ba chỗ. Đã thế, số lượng đặt mua của mỗi nơi đều ít, đến nỗi thùng xe cũng buồn thiu.Lúc đi quanh các cửa hàng để giao rượu, Haraguchi còn sốc hơn nữa. Ở đâu người ta cũng báo với cậu rằng từ ngày mai họ không có dự định đặt hàng nữa."Đành chịu chứ biết làm sao. Chẳng hy vọng sẽ có khách đến. Nếu chỉ bán cho dân bản địa thì nhập rượu vào chỉ tổ thừa mứa ra đấy thôi," ông chủ một quán nhậu, người không bao lâu nữa sẽ bước sang tuổi , áy náy nói. "Mà nói thẳng ra thì đây còn là chuyện tiếp tục mở cửa được đến bao giờ ấy. Tôi còn đang nói với bà nhà tôi là năm nay chắc sắp không trụ nổi nữa rồi, chỉ còn nước đóng cửa thôi."Nghĩa là 60 tuổi. Haraguchi không biết làm gì ngoài im lặng, gật đầu. Thời gian này, đi đâu cậu cũng chỉ nghe thấy cùng một chủ đề. Tuyệt nhiên không còn nghe được những chuyện như kinh tế khá khẩm.Mọi thứ đã thay đổi vào mùa đông năm 2020. Không riêng gì vùng này. Cả nước Nhật, mà không, cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Dĩ nhiên là do ảnh hưởng của chủng virus Corona mới.Nghe đâu ở các khu phố mua sắm sầm uất tại những vùng đô thị, một số lượng đáng kể cửa hàng ăn uống đã sập tiệm. Từ các cửa hiệu nổi tiếng được mệnh danh là lâu đời cho đến các câu lạc bộ cao cấp đã hoạt động liên tục suốt mười mấy năm trời ở Ginza đều lần lượt đóng cửa. Thế nhưng, chuyện tương tự cũng xảy ra ở những địa phương mà số ca mắc không lấy gì làm nhiều. Đặc biệt ở những vùng sống dựa vào khách du lịch thì thiệt hại càng lớn.Vốn dĩ dân số ở đây đã chẳng nhiều nhặn gì. Với đa phần các cửa hàng ăn uống đang kinh doanh ở vùng này, quá nửa doanh thu trông chờ vào khách vãng lai từ các vùng khác tới. Song thảm họa Corona đã khiến việc đi lại giữa các tỉnh thành bị đứt đoạn, doanh thu của tất cả các cửa hàng đều giảm sút trầm trọng. Ngay cả sau khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, tình hình vẫn chẳng thay đổi là bao.Người ta đã cho ra đời rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây nên và cũng đang tiến hành phát triển các loại vaccine hữu hiệu. Song, phải chăng dân chúng đều có chung một ấn tượng, rằng liệu có phải nhịp sống sôi động ngày nào sẽ không bao giờ quay trở lại nữa? Chí ít là ở thị trấn này, Haraguchi cảm thấy như vậy.Cũng có lúc cuộc sống thường nhật đã tiếp diễn như trước đây trong một khoảng thời gian ngắn. Chẳng hạn như tháng trước, một lượng khách du lịch đáng kể đã ghé thăm thị trấn này. Vào cuối tuần, các khách sạn, nhà trọ đều kín phòng. Gần như ngày nào Haraguchi cũng đi quanh các cửa hàng ăn uống để bổ sung rượu. Cửa hàng nào cũng náo nhiệt, từ nhân viên cho đến chủ quán, và nhất là khách hàng, ai nấy đều vui vẻ.Có điều, mọi người cũng đều chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc những ngày tháng như vậy sẽ không kéo dài lâu. Họ cũng đã quen ứng phó với mọi sự thay đổi. Giả dụ, chỉ cần Thị trưởng Tokyo tuyên bố "Xác nhận bùng phát dịch ở Tokyo," thì ngay ngày hôm sau, xe tuyên truyền lưu động của tòa thị chính sẽ chạy lòng vòng khắp thị trấn. Vừa đi họ sẽ vừa phát loa phóng thanh để kêu gọi: "Người dân vui lòng hạn chế đi lại tới Tokyo và các vùng lân cận khi không cần thiết."Đến lúc đó, tất cả sẽ chuẩn bị sẵn sàng: "Chà, lại bắt đầu rồi đây." Không chỉ số lượng người từ thị trấn này di chuyển đến Tokyo và các vùng lân cận giảm mà cả chiều người lại cũng vậy, tức là số lượng người từ Tokyo và các vùng lân cận đến thị trấn này cũng sẽ giảm. Đương nhiên, doanh thu của các cửa hàng cũng sa sút. Tình trạng tương tự đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt mấy tháng qua.Cách đây một tuần, chính quyền đã lại phát đi thông báo tương tự ở Tokyo. Họ diễn đạt theo kiểu "Có dấu hiệu bùng phát dịch", nếu đem ví với dự báo thời tiết thì nó ở mức "Kêu gọi chú ý". Song ở thời điểm hiện tại, ai cũng hiểu nhiều khả năng nó sẽ được nâng lên mức "Cảnh báo" ngay thôi.Trong số những sinh viên lên Tokyo học đại học, nhiều người đã trở về quê trước khi bước vào kỳ nghỉ xuân. Bởi nếu cứ bám trụ mãi ở Tokyo, chưa biết chừng họ có muốn cũng chẳng về được nữa.Không riêng gì sinh viên. Đây đó còn có cả những người mặc dù làm việc ở Tokyo nhưng lại dắt díu cả gia đình về quê. Một năm nay, các công ty đã đẩy mạnh chuyển hướng sang hình thức làm việc từ xa. Không cần đến công ty nữa, hẳn nhiên người ta sẽ cho rằng tốt hơn hết là trở về sống ở quê hương, nơi ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh và các quy định cũng tương đối dễ thở hơn.Giao rượu xong, Haraguchi cho xe chạy về hướng khu dân cư trước khi quay trở lại cửa tiệm. Đi chệch ra khỏi trục đường chính một chút, đường sá chỗ nào cũng chật hẹp.Trong lúc dừng chờ đèn đỏ, Haraguchi chú ý đến một tấm biển quảng cáo bị vứt ở lề đường. Trên đó có vẽ tranh minh họa và bên cạnh dòng chữ "Ngôi nhà mê cung ảo – Dự kiến mở cửa tháng 5 năm 2021" có một lỗ thủng to tướng. Haraguchi hình dung cảnh ai đó đá văng khiến nó bị thủng như vậy. Càng hy vọng bao nhiêu thì nỗi thất vọng khi bị phản bội càng ê chề bấy nhiêu.Haraguchi dừng xe trước cửa một ngôi nhà. Đối với cậu đây là một nơi rất đỗi quen thuộc. Cậu đã lui tới đây từ khi còn nhỏ nên chưa từng để ý, song khi nhìn ngắm lại một lần nữa cậu mới cảm thấy ngôi nhà đã xuống cấp khá nhiều rồi.Trước khi xuống khỏi xe tải, Haraguchi rút điện thoại di động ra, chọn tên Kamio từ danh bạ và bấm máy gọi thử. Cậu nghe chuông điện thoại đổ hai, ba tiếng song không thấy ai bắt máy.Haraguchi tắt điện thoại, nghiêng đầu khó hiểu. Vừa cất điện thoại vào túi cậu vừa mở cửa xe, bước ra ngoài.Trước cổng có treo tấm biển đề tên Kamio. Haraguchi nhấn nút điện thoại nội bộ gắn bên dưới.Song không thấy ai trả lời. Cậu bấm thêm lần nữa. Nhưng kết quả vẫn vậy.Lạ thật, Haraguchi nghĩ. Chẳng lẽ thầy ra ngoài rồi?Tuy có chút ngập ngừng song Haraguchi vẫn mở cổng, bước vào trong. Gần đến cửa nhà, mặc dù đoán có thể cửa đang khóa nhưng cậu vẫn thử xoay núm cửa.Thế rồi...Cánh cửa mở ra dễ dàng. Nó không khóa. Xem ra không phải chủ nhân của ngôi nhà đang đi vắng."Em chào thầy," Haraguchi lớn giọng chào. Song chỉ có tiếng cậu vọng lại nghe trống rỗng trên hành lang mờ tối, không một lời hồi đáp."Thầy Kamio, thầy có nhà không ạ?"Sau khi xác nhận đúng là không có ai trả lời, Haraguchi lúng túng không biết phải làm sao. Liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không nhỉ? Cậu nghĩ không chừng thầy Kamio đang bị bất tỉnh, song cậu không quyết định được là có nên vào hẳn nhà hay không. Cánh cửa trước mắt cậu đang đóng im ỉm. Cậu biết có một căn phòng rộng rãi đằng sau cánh cửa ấy.À phải rồi, Haraguchi sực nhớ ra. Ngôi nhà này có vườn sau.Cậu quay ra ngoài từ cửa chính, bước trên con hẻm men theo tường nhà. Cậu nhớ ngày xưa mình đã từng dự tiệc nướng ở vườn sau này. Bữa tiệc tập trung mấy đứa bạn đồng niên cùng sống gần đó. Hồi ấy, cậu và các bạn đã tốt nghiệp cấp hai được hơn 5 năm. Thấy cậu mang rượu ở cửa hàng đến để góp vui, mọi người liền rục rịch gom tiền trả "vì thấy áy náy." Lúc cậu định từ chối, chính thầy Kamio đã nói: "Không sao, em cứ nhận lấy đi. Nhà em là cửa hàng bán rượu mà. Cho dù có là bạn bè thân thiết đến mấy em cũng không được biếu không người ta cái cần câu cơm của mình đâu."Nghe thầy nói, Haraguchi trộm nghĩ có lẽ đúng vậy thật, vì thế cậu đành nhận tiền của mọi người. Dù đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày Haraguchi rời ghế nhà trường, con người mang tên Kamio Eiichi đó vẫn là vị ân sư soi đường chỉ lối cho cậu.Ra khỏi con hẻm là tới vườn sau. Cả cây hồng nhỏ nằm ở góc vườn lẫn những chậu cây cảnh được xếp thành hàng cạnh đó đều vẫn nguyên vẹn như xưa.Song, rõ ràng có một cái gì đất rất lạ. Có một hàng rào ngăn cách với nhà sau, trước hàng rào ấy, những thùng carton bẹp đang xếp chồng lên nhau. Nom như chúng đang giấu giếm thứ gì bên dưới. Đây không thể là tác phẩm của một giáo viên nghiêm túc và ngăn nắp như thầy Kamio Eiichi được.Haraguchi rón rén lại gần. Trong lòng cậu lẫn lộn hai dòng suy nghĩ, một bên cho rằng phải chăng cậu nên coi như chưa thấy gì và quay trở về, bên kia lại nghĩ cậu buộc phải nhìn thấy thứ đang được che giấu. Ý nghĩ thứ hai đó giống cảm giác về một sứ mệnh hơn là lòng hiếu kỳ.Haraguchi đặt tay lên chiếc thùng carton ở trên cùng. Câu vừa mới lôi chiếc thùng ấy lên thì tất cả các thùng phía dưới lần lượt trượt xuống như thể một chồng hàng vừa đổ sụp, để lộ ra thứ đang nằm ẩn giấu bên dưới.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com