TruyenHHH.com

Nguyen Chau Luat Gio Danh Do Dua

"Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột"

Tôi là vú tư, hay kiếp này người ta gọi tôi là như thế.

Khoảnh khắc đốt một nén nhang, cử hành nghi thức mở Quỷ Môn Quan, toàn bộ ký ức kiếp trước của tôi mới ùa về.

À há, tôi nhớ lại rồi, nhớ rất rõ là đằng khác. Kiếp trước tôi là một con chim bìm bịp đây mà.

Cuộc sống của loài bìm bịp tính ra cũng an nhàn lắm. Tổ của tôi nằm gần bãi lau, bãi sậy, cuộc sống của tôi là một vòng tuần hoàn. Chiều thì cất tiếng gọi con nước, dựa vào thủy triều miệt mài kiếm ăn. Mắt tôi đỏ au, mỏ tôi sắc bén, lũ rắn trong vùng nhìn thấy tôi cứ phải sợ hệt như người đi đêm gặp ma.

Rồi một ngày nọ, đang trong lúc kiếm ăn thì tôi sập bẫy. Tôi cật lực vùng vẫy, giương cánh, cất cái tiếng kêu vừa to vừa thảm khốc đặc trưng. Kẹt trong bẫy chung với tôi có con chim le le, mà phải mãi đến lúc kiệt sức vì giãy giụa thì tôi mới để ý đến nó. Thoạt nhìn trông nó giống con vịt giời, mỏ dài, khi cất tiếng thì hơi khò khè.

Ngay lúc này thì tôi nhận ra cái bẫy được nâng lên cao. Trong cái bóng tối mịt mù của buổi đêm đồng quê, tôi lờ mờ nhận ra đó là anh bắt ếch sống ở cái cù lao tách biệt với xóm làng, mà từ nhà anh muốn vào thôn phải đi qua cái cầu khỉ cheo leo.

Phen này thì tôi đi thật rồi làng xóm ơi, có phải anh sắp đem chúng tôi đi làm thịt không?

Chúng tôi lại thảm thiết kêu gào van xin, đương nhiên, một con bìm bịp và một con le le há chi mà có khả năng nói cho con người nghe hiểu được. Chỉ thấy anh bắt ếch lắc đầu cười trông có vẻ bó tay, rồi anh mở bẫy thả chúng tôi đi.

"Đi đi, lần sau cẩn thận, đừng có vì tranh miếng ăn mà để sập bẫy nữa."

Nụ cười như ánh sao giữa cái đêm dài gió rét của anh khắc ghi vào trong tâm tôi mãi.

Để rồi từ đấy, cuộc sống vốn dĩ nhàn cư của bìm bịp tôi lại có thêm một chút đặc sắc mới. Ngoài kết thân được với người bạn mới là le le, tôi còn không hay bản thân đã chú ý đến anh bắt ếch tốt bụng kia từ bao giờ.

Mỗi tờ mờ sáng sau khi tôi đã hoàn tất công cuộc kiếm ăn, cũng là lúc anh bắt ếch quay trở về nhà sau một đêm lao động, tôi lại bay đến cái nhà lá xập xệ trên con cù lao nhỏ của anh. Nói là biết, nhà anh nghèo lắm, có những ngày đi về tay trắng thì anh phải đi đào khoai đào sắn, có bữa còn ăn cả rau dại, củ chuối, vỏ cây,...

Cuộc sống khắc khoải gian truân, vậy mà đôi mắt anh vẫn trong và sáng quá. Môi cười của anh thiện lương như đóa hoa trà.

Mãi đến sau này tôi mới nhận ra, đó là do anh không hề cô đơn.

Bên đầu kia cù lao cũng là một căn nhà lá nhỏ tồi tàn một chín một mười với nhà anh bắt ếch. Chủ nhân của nó là anh bán dầu. Qua một vài buổi sáng nghe anh bắt ếch tâm sự - đương nhiên, vẫn là anh nói còn tôi thì chỉ có thể lắng nghe - tôi biết được hai anh thân thiết với nhau, thân, thân lắm, thân còn hơn keo sơn cột kèo.

"Bìm bịp ơi, mày biết không, anh ấy tốt lắm. Ngày anh hay tin má tao mất, tao đến một xu làm ma chay cho má cũng không có, thế là anh ấy không ngần ngại bán sạch đồ trong nhà giúp đỡ tao lo đám cho chu toàn. Thế mà mãi sau này tao mới biết."

Tốt cho anh, tốt cho anh. Hóa ra trên đời cũng có người dịu dàng với anh tôi đến thế.

"Ngày má tao mất, tao suy sụp dữ lắm, cảm giác như cả ông trời cũng chẳng hề mảy may tới cuộc sống như con nhãi nhép của tao. Thế mà anh ấy vẫn luôn bên tao, mày nói xem, anh ấy ngốc hén. Ai đời lại đi lo cho người khác hơn cả cái thân mình như ãnh không cơ chứ."

Rồi anh lại cười xòa, "Mà cũng chẳng ai như tao, sáng nào cũng ngồi đây ba hoa với bìm bịp nhà mày. Thậm chí mày còn chẳng hiểu tao nói gì. Nhưng cảm ơn mày lắm, bìm bịp ơi, vì đến bên bầu bạn với tao mỗi ngày."

Có lẽ anh cũng chẳng ngờ, từng câu từng chữ anh nói ra tôi đều hiểu trọn vẹn. Chỉ là tôi không có cách nào đáp lại anh cho được, ngoài việc cất cái tiếng kêu ai oán đặc trưng.

Bẵng đi một thời gian, vào buổi đêm nọ, khi tôi cùng le le kiếm ăn thì đã phát hiện ra một âm mưu động trời.

Theo như lịch của loài người thì hôm ấy nhằm vào tháng bảy, màn đêm đen kìn kịt không một mảnh sao, cái cầu khỉ bắt ngang không biết khi nào thì có người trượt chân rớt xuống.

"Tao thằng này, mày thằng kia, làm cho lẹ lẹ, chứ lạnh quá, lạnh quá."

"Kéo cho khéo, kéo cho nhanh, cửa mả mở được bảy ngày, lỡ dịp thì xác rữa hồn thiu chờ trăm năm nữa. Thế mạng tao, thế mạng mày, canh năm hoàng đạo."

Tôi và le le nấp sau bụi lau, nghe được toàn bộ kế hoạch của hai con ma da dưới nước. Chúng nó toan tính vào lúc trời tờ mờ sáng, khi anh bắt ếch đi về còn anh bán dầu bắt đầu ra chợ bán mà kéo chân hai anh để thế mạng cho chúng nó. Cái ngữ như ma da thì không thể lộng hành vào ban ngày, vì chúng sợ sáng. Tôi và le le thảo luận với nhau, rồi chúng tôi cùng đi vào giấc mộng của anh bắt ếch để báo tin cho ân nhân.

Quả nhiên, sáng hôm sau anh tỉnh dậy, người anh vã hết mồ hôi, thần sắc anh hoảng hốt như vừa ngao du xuống âm tào một chuyến. Anh dáo dác nhìn quanh phòng, thấy tôi và le le vẫn đang đậu bậu cửa sổ mà chạy ngay tới, hôn lên chỏm đầu chúng tôi, nói: "Cảm ơn, cảm ơn chúng mày. Sống chết có số, phú quý tại trời, nhưng chính con người cũng có thể thay đổi vận mệnh của mình. Có chúng mày báo tin, chúng tao nhất định sẽ vượt qua kiếp họa này."

Thế nhưng, có vẻ với một người cứng vía và không tin vào những điều tâm linh như anh bán dầu thì lời cảnh báo này dường như quá là hoang đường. Nghe anh bắt ếch thuật lại, anh bán dầu chỉ phủi tay, rồi anh vuốt vuốt mái tóc đẫm mồ hôi của anh bắt ếch mà an ủi, "Chỉ là một cơn ác mộng thôi mà. Không có thật đâu, em đừng nghĩ ngợi nhiều, hén."

Ân nhân chúng tôi trời sinh thông minh, biết không thể khuyên nhủ thông thường nên anh chuyển sang bày kế. Ngày thì anh viện cớ cúng má anh để mời anh bán dầu qua nhà, ngày thì anh nói muốn sang nhà anh bán dầu để cảm tạ ơn giúp đỡ. Gần một tuần liền, cả hai cùng nhau ăn uống, anh bắt ếch lại chuốc cho anh bán dầu uống rượu say khướt, sáng hôm sau không tài nào dậy đi bán nổi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ còn một đêm nữa là hết thời hạn bảy ngày mở cửa mả. Cứ ngỡ là hai anh sẽ yên ổn vượt qua cơn đại nạn, ngờ đâu ngay vào đúng đêm cuối cùng, mọi thứ bỗng chốc tan thành tro thành bụi.

Đêm thứ bảy, anh bắt ếch uống rượu nhiều đến lạ thường. Người muốn tỉnh thì uống trà, kẻ có tâm tình thì tìm đến rượu. Nhìn anh ngập ngừng rồi lại nốc cạn từng chum từng chum, lòng anh đang có nỗi tơ vương nhỉ, anh ơi?

Cả tôi, bìm bịp lẫn chính anh bắt ếch cũng không ngờ tới rằng hôm ấy anh quá chén, lăn ra ngủ gục xuống bàn. Anh bán dầu cười dịu dàng, đặt lên trán anh một nụ hôn, giúp anh nằm lại đàng hoàng trên cái chiếu cói rách nát. Bình minh hẵng còn chưa lên, có lẽ anh bán dầu cảm thấy mình đã mấy ngày bỏ bê công việc nên về nhà lấy dầu rồi đem ra chợ bán.

Kết cục đau buồn sau đó, tôi và le le cũng không muốn nhắc tới. Anh bán dầu bị con ma da kéo chân đuối nước, hồn anh cũng thành ma da, đời đời kiếp kiếp kẹt lại dưới đáy sông lạnh lẽo.

"Chú bán dầu, qua cầu mà té
Chú bán ếch, ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Còn bìm bịp thổi tò tí te tò te"

Tôi cùng le le khô khốc cất cái giọng như trống đánh kèn vang, hòa thành một bài đưa tang tiễn biệt một người sẽ không bao giờ quay lại.

Những ngày sau đó, như là bị đánh cắp mất một nửa linh hồn, anh bắt ếch tươi sáng năm xưa giờ đây chỉ còn vất vưởng lay lắt như một cái xác. Anh tìm đến rượu, thứ chất lỏng lên men đốt cháy ruột gan loài người họa chăng đôi chút làm anh quên sầu. Những ngày hết tiền mua rượu thì anh tỉnh, mà tỉnh thì anh lại khóc. Di ảnh người đi rồi vẫn lặng yên ở đấy, người bị bỏ lại gục ngã tan hoang.

Tôi thương anh lắm, nhưng tôi cũng chỉ là một con bìm bịp. Nếu có kiếp sau, xin ông trời cho tôi được làm người, để tôi còn có sức bảo vệ hai anh tôi được không?

Không lâu sau, vào một đêm sấm chớp bão bùng, anh tôi vẫn ôm khư khư vò rượu. Nhưng đêm nay, anh không uống nữa.

"Bìm bịp, mày biết không, đêm hôm đó... tao đã dự tính bày tỏ lòng mình cho anh ấy."

Tay anh mân mê khuôn mặt của người trên di ảnh, gượng cười để che giấu đi nỗi nghẹn ngào.

"Nhưng tao đã phân vân. Tao phân vân vì chính tình cảm của mình, rằng tao thương anh hay chỉ là sự mang ơn, ngưỡng mộ. Cứ thế, lòng tao rối như tơ vò, cứ ngỡ có rượu vào sẽ làm tao có dũng khí đối diện với lòng mình, vậy mà lại thành con dao giết chết anh ấy. Để rồi bây giờ tao nhận ra, thiếu anh, tao như con sông không nước, con suối không nguồn, giờ đây chẳng còn cách nào gượng tiếp được nữa."

Rồi anh vỡ òa, gục ngã.

"Nếu như tao đủ dũng cảm bày tỏ, có phải lúc này anh ấy vẫn sẽ còn sống, vẫn sẽ còn bên cạnh tao không?"

Nhưng cuộc đời thì vốn không có "nếu như".

Đêm tàn, sáng đến, anh lìa trần.

Rượu tàn phá cơ thể anh, tâm bệnh làm anh mất hết ý chí chống đỡ.

Tôi ngước lên nhìn bầu trời sau giông, có lẽ một đời bìm bịp đến đây là đủ. Tôi quyên sinh. Chí ít, đoạn đường xuống âm tào tôi còn có thể tiễn anh một chuyến.

Đường Hoàng Tuyền tràn ngập những đóa hoa nở đỏ rực như một vũ điệu lửa, không có lá, cũng không có rễ. Màu đỏ tượng trưng cho hỉ, nhưng ít ai biết, màu đỏ còn đại diện cho sự tiếc nuối không cách nào vãn hồi.

Đi theo dòng người đã khuất, lũ súc sinh dẫn đường cho chúng tôi đến tòa phủ của Thập Điện Diêm Vương. Tại đây, người tu thành chánh quả được thông môn đến cõi A Tu La, kẻ có tội sẽ trực tiếp bị đưa xuống cõi súc sinh, kẻ khi sống làm việc tà ác thì bị đầu thai thành gia cầm thú vật, những người còn lại thì theo vận mệnh an bài mà lắc hũ gieo quẻ cho vận mệnh kiếp sau.

Anh bắt ếch lắc hũ thẻ, quẻ rơi ra.

"Vinh hoa phú quý, trọn đời nhung lụa, an lạc đến già."

Diêm Vương nhàn nhạt phán: "Cầu Nại Hà tầng trên cùng." Con quỷ tay sai lom khom bưng đến cho anh chén cháo lú. Toàn bộ giống loài trước khi đầu thai đều phải ăn một loại cháo gọi là cháo lú, cốt để quên hết những ký ức tiền kiếp, sẵn sàng cho một cuộc trùng sinh.

Anh nhận lấy chén cháo, đang lúc đưa lên miệng thì anh giật mình như được thanh tỉnh, vội để chén cháo lú sang một bên mà quỳ xuống.

"Thưa Diêm Vương, đời con mang ân một người, mà nay ân nhân con do bị ma da hãm hại nên đã kẹt dưới đáy nước sâu, biến thành ma da, cô độc lạnh lẽo. Con cầu xin Diêm Vương cho con và anh được đổi quẻ mệnh, để con thế chỗ anh, còn anh được đầu thai làm người."

Diêm Vương uy nghiêm vuốt bộ râu dài, ngài trầm ngâm, qua một lúc thì đáp: "Phê chuẩn."

Rồi ngài quay qua con quỷ tay sai, "Cầu Nại Hà, đáy sông Vong Xuyên."

Con quỷ lại khom lưng, bước xuống dẫn đường cho anh. Ngay lúc đấy, chất giọng trầm ồ của Diêm Vương lại vang lên.

"Khoan đã."

Ngài ngạc nhiên đứng hẳn lên, giọng ngài đã cao hơn hẳn một quãng.

"Dây tơ hồng của ngươi tại sao lại chưa đứt?"

Tôi ở hàng chờ lượt cũng ngoái đầu nhìn ra, đúng thật, dây tơ hồng được buộc với ngón tay áp út của anh vẫn kéo thành một đường chỉ thẳng tít tắp đến tận phía Vong Xuyên.

Khi con người chết đi, dây tơ hồng cũng sẽ theo đó mà đứt mất. Nếu con người được đầu thai, ông Tơ bà Nguyệt mới se một sợi khác cho họ.

Trường hợp của anh tôi lần đầu biết đến, mà có lẽ chính Diêm Vương cũng rất lâu rồi mới gặp lại.

Ngài mở sổ sinh tử, rồi thở dài một quãng. "Ân nhân của ngươi... lại chính là đầu còn lại của tơ hồng sao?"

Diêm Vương nhăn trán, đôi mày rậm của ngài díu lại thật gần. Đoạn, ngài lại phán.

"Trời đất cũng không muốn chia rẽ hai ngươi, nên ta cũng không làm khó. Ta sẽ cho cả ngươi đầu thai thay vì thế chỗ cho hắn, nhưng quẻ mệnh ngươi nhận được sẽ chỉ có thể là quẻ hung."

Ngài cầm lên một hũ quẻ khác được phết một lớp sơn đen láy, tự mình bốc lên một quẻ.

"Sinh ra cơ cực, nghèo đói kham khổ, đoản mệnh đuối nước."

Quẻ hung được gieo, từng chữ đều khốn khó đến não lòng. Nhưng anh tôi vẫn cười lên mừng rỡ, liên tục dập đầu lạy Diêm Vương.

"Đội ơn ngài, đội ơn ngài nhiều lắm."

Anh húp hết chén cháo lú, trước khi rời đi, tôi nghe anh lầm bầm một tiếng nhỏ, rất nhỏ.

"Trả nợ cho anh."

Cùng một nụ cười hạnh phúc.

Nói về tôi, Diêm Vương phán tôi có ân có báo, kiếp này được đầu thai làm người. Quẻ được gieo ra: "Quận chúa kinh thành, quyền quý cao sang, hưởng lạc thái bình." Thế nhưng tôi cũng dập đầu lạy Diêm Vương, cầu ngài giúp tôi bỏ quẻ cát này để đổi quẻ, vì ân kiếp này tôi chưa đáp hết. Ngài lắc đầu nói loài phàm các ngươi thật khó hiểu, nhưng cũng đổi qua cho tôi một quẻ được đầu thai gần thời với hai anh.

Chén cháo lú đến tay, tôi một hơi húp cạn. Song, ra đến cầu Nại Hà, tôi nhân lúc con quỷ sai không để ý mà móc họng ói ra. Cháo nuốt vào không ói ra được hết, tôi chỉ có thể giữ lại được một chút ký ức của kiếp bìm bịp mà thôi.

Sau khi đầu thai, kiếp này tôi dựa vào chút hồi ức còn sót lại của kiếp trước mà theo thầy học làm bùa chú, mở con mắt âm dương. Tôi nhìn được rằng anh bán dầu tương lai sẽ được hạ sinh trong phủ của ông phú hộ Châu, nên đã nhanh trí tiếp cận với vị hôn thê của ông mà xin làm hầu cận. Người ta gọi tôi là dì tư, sau khi cậu được sinh ra thì đổi thành vú tư.

Ký ức tiền kiếp lúc nhớ lúc quên. Lúc nào nhớ, tôi vẫn cẩn thận làm bùa bình an cho cậu, tuy quẻ của cậu tốt nhưng nỗi ám ảnh kiếp trước vẫn dai dẳng theo đuổi.

Rồi đến một ngày nọ, tôi nhận ra, thầy đồng năm nào là do ông Tơ biến thành, phán cậu hai nhà ông Châu có đại hạn, phải cưới con trai sinh năm Quý Mùi để giải vía.

Vài năm sau, lại có lúc tôi nhìn được, trong lúc ông hai trăn trở không biết kiếm con trai sinh năm Quý Mùi ở chốn nào, thì bà Nguyệt hóa phép vào giấc mơ của ông, gieo vào tâm trí ông khuôn mặt và cái tên của thằng con trai thím Năm bán ốc ngoài chợ thôn.

Lúc ấy tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, kìa, chính là anh bắt ếch của tôi, ân nhân của tôi!

Là ông Tơ bà Nguyệt cũng đang tác thành cho hai cậu sao?

Ngày anh bắt ếch, à không, kiếp này anh là cậu Gia Nguyên, được gả về, tôi tỉ mỉ thêu một chiếc bùa túi gấm, lòng thầm cầu mong là có thể giúp cậu nghịch mệnh khỏi quẻ năm xưa.

Lòng người có tâm, sức người có hạn. Đêm rằm tháng bảy, tôi nằm mơ thấy con ma da biến hình thành cậu hai Kha Vũ, dẫn dụ cậu Gia Nguyên đến cái cầu khỉ cheo leo bắt ngang con rạch nước nhỏ. Nó là con ma da còn sót lại chưa được chuyển kiếp năm xưa, vì vẫn ôm chấp niệm kéo chân hai cậu thế chỗ nên nó vẫn đợi suốt cả trăm năm. Ma pháp tu luyện của nó mạnh hơn xưa, nó hô phép để cái bùa tôi chuẩn bị cho cậu rơi mất.

Tôi bừng tỉnh khỏi giấc mơ, chạy ra ngoài sân, thấy chiếc túi gấm chỏng chơ trên đất, tôi biết giấc mộng của tôi là sự thật. Là vậy, có lẽ là vậy, kiếp này tôi có cố gắng đến mấy cũng không thể bảo vệ cậu tôi, không thể giúp cậu chống lại ý trời.

Song, nước đi duy nhất tôi không ngờ đến lại chính là cậu hai Kha Vũ.

Cậu mở cửa phòng thờ khẩn khoản nhìn tôi bằng con mắt đỏ hoen, kiên định nhờ tôi giúp cậu xuống âm gian một chuyến. Trái tim tôi lay lên khe khẽ, một nửa là tôi lo lắng cho cậu, một nửa là ôm ấp hy vọng. Cậu chấp nhận tin vào những chuyện trước giờ cậu không tin, như thể đang muốn thông báo cho cả thiên hạ biết rằng vận mệnh con người là nằm trong tay chúng ta, dù có phải lao đầu xuống địa ngục cũng không được nản lòng.

Một nén nhang đã cháy hết, mưa đã nhẹ đi, gió cũng không còn gào thét như trước. Hai cậu nhà tôi thành công trở về.

Tôi chỉ kịp thở phào một cái, nói rằng sẽ đi báo tin cho ông hai bà hai mà lẳng lặng lui ra ngoài. Vừa ra khỏi phòng, đôi mắt khô khan mấy chục năm trời của tôi lại nhòe đi, ướt đẫm. Tôi khóc. Những nếp nhăn của độ tuổi trung niên cứ thế đè lên nhau, tôi tỉ mẩn dùng chiếc khăn rằn lau đi bờ mi, nhưng lau mãi lau mãi mà vẫn chẳng khô được.

Đợi hết một kiếp, tôi cũng chờ được ngày hai cậu về với nhau rồi.

---

Hai tháng sau, trời trở thu.

Tôi nghe cái Bánh nói hôm nay hai cậu lên chùa cầu bình an. Tiết trời đầu thu se se lạnh, bóng đã ngả xế chiều mà mãi vẫn chưa thấy dáng hai cậu về.

Tôi và bà hai cùng ngồi têm trầu, nghe bà tấm tắc khen dâu nhà bà giờ têm trầu đẹp lắm, têm còn đẹp hơn cả bà. Ông hai vẫn phì phèo cái điếu thuốc lào, cười ha hả.

Cái Bánh và cu Khoai hớt hải chạy từ đầu ngõ chạy vô, đôi mắt chúng rực rỡ như những vì sao sáng. "Ông hai ơi! Bà hai ơi!"

Ông hai thì thấp giọng ừ hứ hỏi chuyện gì, bà hai thì chẳng dễ tính như ông, bà nạt nhẹ tụi nó: "Lũ ranh con, bà già rồi, mày muốn bà hết hồn mà chầu trời sớm đấy phỏng?"

Cái Bánh là một con bé dẻo miệng, nó chạy lại ôm tay bà hai, cất cái tông giọng ngọt xớt: "Bà lại cứ thế! Bà của con trẻ đẹp như gái đôi mươi, chầu trời là chầu trời thế nào!"

Bà hai phì cười, cốc yêu vào cái trán nó. "Sao, chuyện chi?"

Thằng Khoai lúc này cũng thưa chuyện, "Thưa ông, thưa bà, cậu hai với cậu Nguyên về rồi. Nhưng bữa nay có bất ngờ lớn lắm."

Lúc này thì hai cậu cũng vừa về tới. Lấp ló phía sau là cái đầu tròn lẳng nho nhỏ, bàn tay nhỏ nhắn níu lấy gấu quần cậu Nguyên.

"Thưa tía, thưa má, con với em Nguyên mới về." Cậu hai thưa. "Con xin phép thưa với tía má, bé đây chúng con nhận nuôi từ trên chùa, tên Luật, Châu Luật. Luật, chào ông bà, vú tư với anh Khoai chị Bánh đi con."

Thằng bé có vẻ còn rụt rè, nhưng vẫn lễ phép khoanh tay cúi đầu, ngọng nghịu: "Luật chào ông bà, chào vú tư, chào anh Khoai chị Bánh."

Ông hai lẫn bà hai không giấu được sự yêu thích hết nấc. Ông vời "Nào, lại ông xem" thì bị bà nạt "Lại với bà trước, bà ôm cháu bà một miếng coi nào."

Cái Bánh với cu Khoai cũng hớt hải chạy đi kiếm đồ chơi cho thằng bé. Mùa thu năm nay, cả phủ chúng tôi ngập ắp tiếng cười.

Có một bí mật nhỏ chỉ mình tôi mới biết.

À há, bé Luật đây là le le bạn tôi đây mà.

"Chúc cho tất cả những người có tình trong thiên hạ
Đến cuối cùng cũng có thể về được với nhau"

-----

Vốn dĩ mình tính đăng Ngoại truyện này vào lễ Thất tịch cơ, nhưng lại cảm thấy phần này có một chút buồn nên đã dời qua hôm nay, cốt vì cũng muốn mọi người hưởng trọn một Thất Tịch vui vẻ đã.

Hôm trước có một bạn thắc mắc với mình về chi tiết tại sao Nguyên lại mộng du ra cây cầu khỉ, thì trong Ngoại truyện này mình đã giải đáp tất cả. Với mình, Việt Nam mình đã từ thời ông cha lưu truyền đến nay rất nhiều quan niệm và đức tính tốt, một trong đó là lòng biết ơn cũng như đức tính có ơn phải trả. Hì hì, lồng vào fic thì nghe triết lý quá, nhưng mình vẫn muốn làm thế, vì mình tin con người chỉ cần làm việc thiện lương thì sẽ gặp được quý nhân phù trợ, còn kẻ gieo nghiệp ác thì sẽ bị vận nghiệp chướng vào người. Quả táo nhãn lồng, luật hoa quả không chừa một ai 😈

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com