Nang Hanh Ban Moi
- Không trêu em, nên đừng xị mặt nữa, được chưa?Gió thổi tán loạn, mái tóc đen của anh Phong xoắn nhẹ và bay phất phơ, vô tình che đi một phần gương mặt, nhưng giọng nói trầm ấm lại truyền qua tai tôi nghe rõ mồn một. - Sao anh lại ở đây? - Sao anh lại không được ở đây? - Ý là sao anh cứ xuất hiện một cách bất ngờ trong cuộc sống của em thế? Anh theo dõi em à? Lời nói trong lúc tâm trí không ổn định quá nguy hiểm. Lời tôi vừa mới thốt ra, tôi còn không hiểu. - Chứ không phải lị theo dõi hai đứa ngộ hả? Bảo Thiên tài lanh cắt ngang, cơ mà câu hỏi của cậu ta đặt ra chí mạng thật, tôi vội xua tay, chối đây đẩy: - Vô tình thôi. - Thì anh cũng vô tình gặp em mà. Càng ngày, tôi càng thấy anh Phong có dấu hiệu lạ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh hay ngành học cụ thể của anh.Tí tách, tí tách...Trong khi đầu óc tôi mải miên nghi ngờ cái người trước mặt, những đám mây trắng trôi lững lỡ đã chuyển sang màu đen kịt và rũ vài giọt nước mắt xuống nền đất ẩm thấp. Một lúc sau, trời òa khóc to hơn. Đây là thời điểm thích hợp để tẩu thoát. - Em đi trước ạ. Tôi đưa tay lên chắn nước mưa rơi xuống đỉnh đầu, và không để ba người kia trả lời, tôi đã xoay lưng chạy ngược về trạm xe buýt gần trường. Chắc hôm nay, ông trời tủi thân chuyện gì đó lắm, nên mới khóc bất chợt và ào ạt như vậy. Cũng bởi tiếng khóc của ông trời quá to, và nước mắt thì quá nhiều, tôi chạy không kịp, đành trú dưới mái hiên của một tiệm bún. - Dạ cô ơi, ngoài trời đang mưa lớn, cô cho cháu đứng nhờ một xíu được không ạ?- Cứ tự nhiên cháu gái. - Bác gái đang dọn dẹp chỗ ăn của khách dở dang thì bỗng nhiên ngẩng lên nhìn tôi, giọng nói sang sảng mang nét hiếu khách vang lên. - Hay là cháu đứng sát vào trong để khỏi dính mưa nè. - Cháu cảm ơn, nhưng mà cháu đứng ở đây được rồi ạ. Tôi cúi đầu cảm ơn như một thói quen. Cô cười với tôi một cái, vài đốm nâu sẫm trên gò má cô cũng nhăn lại theo nụ cười hiền hậu. Người ta hay bảo đồi mồi là dấu ấn mà thời gian để lại trên gương mặt phụ nữ. Có lẽ là thế thật. Sao tự nhiên nhìn cô bán bún, tôi bỗng thấy nhớ mẹ nhỉ? Chắc do đầu tháng này, mẹ chưa đưa tiền tiêu vặt cho tôi. Vừa ngắm mưa bay lất phất, tôi vừa phủi nước bám trên vai áo. Chiếc ô sử dụng thường ngày không thể bung được, nó hư đúng lúc Sài Gòn bước vào mùa ông trời hay khóc. Từ nhỏ tới lớn, mẹ luôn cấm tuyệt tôi chơi cái trò "ấu trĩ" mang tên dầm mưa. Thế nên, dù giá nào thì hôm nay tôi nhất định phải thử mới được. - Con nít con nôi, dầm mưa là không được đâu. Không giống các bộ truyện cổ tích từ thời xa xưa, nhân vật hoàng tử xuất hiện một cách thần kỳ khi công chúa gặp hiểm nguy. Anh Phong lại y đúc phù thủy ác độc, tự nhiên bay ra từ tận đẩu tận đâu và la tôi dưới cơn mưa phùn đầu hạ, ngay khi tôi vừa mới thò chân trái ra ngoài. - Gì vậy trời? Lúc em muốn gặp thì không thấy anh, lúc em không muốn nữa thì nhìn đâu cũng thấy anh. - Anh sẽ xuất hiện bất cứ khi nào em định làm chuyện xấu, nên em cẩn thận vào. Hình như kiếp trước tôi mắc nợ anh Phong khủng khiếp lắm, thành ra kiếp này mới khốn đốn thế này. - Xì, anh có chuyện gì mà ra đây vậy? Thèm ăn bún ạ? - Tôi dòm điệu bộ thiếu đứng đắn của ai đó. Chắc ánh mắt xét nét của tôi đã lọt vào tầm mắt của anh. Anh Phong phì cười, hỏi như không: - Thế có muốn ăn bún chung với anh không? - Anh bao thì em ăn ạ. Anh có lòng thì tôi cũng có dạ. Chúng tôi xơi ngon lành hai bát bún mọc nóng hôi hổi giữa cơn mưa lần thứ ba trong ngày. - Hai đứa ăn ngon không?- Dạ ngon. Hai đứa chúng tôi đồng thanh đáp. Đĩa rau trụng cô chủ quán vừa mang đến bị kéo xê dịch về phía tôi. Anh Phong chợt hóa thành người con trai tinh tế, gắp rất nhiều rau vào bát tôi, sau đó anh híp mắt cười, dặn dò:- Ăn rau nhiều giúp đi ngoài dễ hơn đó em. Tôi: "???"Liệu rằng anh ấy thích biển không nhỉ? Sao lúc nào cũng thích đem chuyện cũ ra khơi? - Anh ghét em à? Nói những lời làm người ta tổn thương thật chứ. - Anh ghét em hồi nào, sợ chăm cái của nợ như em còn không đủ. - Bớ làng nước ơi, ở đây có kẻ thích đi gieo tương tư cho gái nhà lành. Thấy tôi dẩu miệng, giả vờ gào mồm bêu rếu anh trước bàn dân thiên hạ, anh Phong chỉ nhoẻn miệng cười. Lúc nào cũng thế. Hễ tôi làm gì đó quái đản, anh sẽ cười. Và...Nắng lại chui tọt vào đôi mắt đen láy ấy. Đó là cái màu trong vắt của nắng tươi sau đợt mưa lùn phùn. - Muốn đưa cho em áo mưa để em khỏi lội nước đi học về. Câu nói không hề có chủ ngữ, vị ngữ đàng hoàng, lại còn nhẹ bẫng như tờ giấy trắng đáp cánh xuống mặt đất, thế mà nó hại tôi đứng choáng váng gần năm phút đồng hồ.Lúc tôi bận ngơ ngác, anh đã thanh toán tiền ăn xong, và kịp dúi vào tay tôi chiếc áo mưa giấy. - Nói ba mẹ đến đón em, hoặc bắt xe về nhà. Đừng để dính mưa nữa, cẩn thận lăn ra ốm, biến thành bé mèo nhỏ mít ướt giờ.- Anh khoan đi đã. Tôi nắm lấy cánh tay áo của anh Phong, cau mày khó hiểu. - Em nghĩ mãi chẳng ra. - Hả?- Nghĩ mãi cái chuyện... Tại sao anh đối xử dịu dàng với em? Vì anh thích em ư? Rõ ràng không phải. Anh đã nói anh không muốn có tình cảm với con nít học cấp ba. Vì anh là người tử tế à? Cũng không phải. Cái kiểu tử tế gì kì vậy! Hễ nhìn thấy em, anh lại cười nhẹ nhàng như giấu nắng trong mắt ấy. Nắng chưa lên được bao lâu, mây trắng lại buồn thiu. Gió bịn rịn, lùa qua kẽ tóc cả anh và tôi. Có lẽ trời sắp mưa nữa rồi. Tôi tức quá! Tôi ghét cái cách mình biện minh tới, biện minh lui cho cảm xúc của bản thân và hành động không giải thích được của anh Phong. Tôi ghét luôn việc mình phải cố gắng tránh xa một người mà mình còn không biết rốt cuộc mối quan hệ của cả hai là gì. - Em tức giận vì anh mang áo mưa cho em hả? Anh Phong vừa hỏi vừa chỉ vào chiếc áo mưa màu hồng phất, vẻ mặt có đôi chút lúng túng. Tôi lỡ nhìn thấy hai tai anh đang đỏ dần lên, cảm giác tội lỗi bỗng chiếm cứ trí não ngay lúc ấy. Song, sự bối rối không rõ ràng đó chỉ làm tôi dao động một xíu, sau đó tôi kiên định bảo với anh:- Dạ không, em không tức giận với anh. Em chỉ tò mò thôi. Sao anh lại đối xử dịu dàng với em hơn mức bình thường ạ? Còn nữa, sao anh luôn cười tít mắt khi gặp em? - Anh tưởng em biết rõ lý do vì sao anh lại đối xử với em như thế. - Em hiểu gì chết liền ấy. Anh Phong vuốt cằm, chầm chậm nói: - Đúng như lời Phương Anh nói...- Anh định kêu não em nhỏ nữa, phải không ạ? Tôi chống nạnh, vừa chán đời, vừa chẳng buồn hỏi thêm. Nếu tôi đoán không lầm thì anh Phong sẽ bảo "Em nên nghĩ nhiều hơn cho ra dáng học sinh 17 tuổi đi". Thế nên, tốt nhất là không thắc mắc và suy nghĩ linh tinh nữa. - Thôi, anh đừng trả lời ạ. Anh ỷ mình lớn hơn em tận mấy tuổi nên chắc chắn không thèm giải thích đâu, đảm bảo anh lại bắt em suy nghĩ nhiều vào cho mà xem. Anh Phong giương mắt nhìn tôi. Biểu cảm trên gương mặt anh, tôi vẫn không nhìn thấu được. Nhưng tôi suy nghĩ kĩ rồi, bất kể cho đó là cảm xúc gì, tôi đều mặc kệ. - Một khi đã nhận áo mưa anh cho thì em sẽ không bao giờ trả lại. Nói trước để mai mốt anh khỏi đòi. - Em nghĩ anh bủn xỉn lắm, nên mới đòi lại áo mưa từ con bé cấp ba như em sao? Anh Phong nghiêng đầu hỏi, tôi không thèm trả lời. Anh nợ tôi hai câu hỏi, còn tôi nợ anh một câu. Biết tới đấy là được rồi. ***"Tuổi 17 ư? Có lẽ chúng ta sẽ mộng mơ về tương lai, nhưng biết đâu chúng ta lại sợ hãi vì hai chữ mông lung. Nếu ta không thành công như ước mơ ta hằng mong chờ thì sao? Nếu ta không kiềm chế được cảm xúc khi đối mặt với thất bại thì sao? Không thành công thì thôi, mình làm cái khác.Không kiềm chế được cảm xúc thì mình khóc. Miễn sao chúng ta đừng buông tay, đừng để ước mơ, thanh xuân và chính bản thân ta vụt mất theo bão, theo gió. Hãy nhớ rằng ta mới 17, ta được sai, và ta còn cơ hội sửa sai.Xin cảm ơn quý thầy cô và các bạn học sinh đã lắng nghe vol 77 "Tuổi 17 của chúng ta", được phát hành bởi đài phát thanh Nắng, trực thuộc trường trung học phổ thông..."Âm thanh rè rè, lúc trầm trầm, lúc đứt quãng đang được bật ở mọi phía. Tôi chống cằm, đứng trên ban công, mải nghĩ về những thứ đã qua, cộng thêm bài phát thanh phát ra từ chiếc loa cũ kĩ. - Chị Nghi, chị thấy giọng em hay không? Mai Khanh bước ra khỏi phòng đoàn, con bé háo hức vụt chạy qua hành lang phủ đầy nắng mơ. Mỗi lần cái Khanh cười, tôi đều không thấy mắt nó đâu, mà chỉ thấy vầng trăng khuyết bất ngờ xuất hiện khi nắng và gió của buổi sớm vẫn còn lưu lại trên nhánh hoa phượng đỏ rực. - Giọng mày thì hay, nhưng mà loa trường thì tệ hết sức tệ. Bộ nó gỉ sét ba đời rồi hả? Chị nhớ hồi năm lớp 10, chất lượng loa cũng tệ y vậy. - Chị Nghi biết không? Dạo này, nhà trường đầu tư cho học sinh học nhiều hơn, nào là mời giáo viên nước ngoài, nào là cải cách phương pháp học để theo kịp chương trình mới. Vậy nên, mấy câu lạc bộ trường mình chuẩn bị giải thể tới nơi. Chị thông cảm cho chiếc loa tội nghiệp đó đi ạ. - Ừ nhỉ? Tao quên đám lớp 10 năm nay học chương trình mới. Tôi tặc lưỡi, rồi lại chống cằm dõi mắt ngắm mấy chiếc lá hoen vàng, cảm tưởng chỉ cần một đợt gió nữa, những chiếc lá yếu ớt ấy sẽ bay lao xao xuống sân trường hết. - Bữa nay, trông chị thiếu yêu đời quá nhé! Chị Nghi bị gì đúng không?Cái Khanh áp tay vào trán tôi, nó cứ hành động như thể tôi bị ngốc, chứ không phải là gặp chuyện gì đấy sầu não. - Cũng bình thường, chị đang ngẫm mấy lời mày vừa đọc trước trường ấy. - Nay chị biết ngẫm luôn hả? Có giỏi quá không vậy?- Ê!- Giỡn thôi mà. Chị Nghi kể cho em nghe đi, để em biết đường đưa ra lời khuyên. Tôi chuẩn bị sẵn tư thế búng trán cái Khanh, nhưng hộp sữa đậu nành đã kịp thời cứu nó khỏi chiêu thức thần thánh của tôi. Nó lại cười, ỏn ẻn đưa cho tôi hộp sữa Fami. - Trong bài phát thanh, mày nói là cố gắng theo đuổi ước mơ, vì mình mới 17, mình được sai và được sửa sai. Nhưng nếu chị 17 tuổi, mà chị không có ước mơ thì phải làm sao? - Vậy thôi chị. Mình đi lấy chồng. Dù sao cũng phải lấy, giờ mình chọn trước, 18 tuổi lấy là vừa. Mai Khanh dám khuyên, tôi dám làm:- Có anh nào giống chú Nanami Kento không mày? Có thì chị mới lấy chồng.- Vậy chị quay lại kiếm cho ra ước mơ đi. - Đậu mọe, nhỏ này!Tôi vừa mắng xong, trống trường vào lớp cũng vang lên. Mai Khanh tí tởn về phòng học, tôi cũng thế, quay trở về lớp 11A1. Hai tiết cuối cùng là môn công nghệ.- Đọc tờ giấy cô vừa phát chưa? Nhanh chóng điền ước mơ của mấy đứa vào. Đứa nào muốn làm tổng tài, muốn thành hoa hậu, muốn giải cứu thế giới, ghi cho kĩ, nghe chưa? Cô Oanh là người dạy môn công nghệ lớp chúng tôi nguyên năm lớp 10 và lớp 11. Tôi nghe phong thanh từ lũ bạn rằng nhà cô giàu, mở Spa làm đẹp, kiếm được cả trăm triệu chỉ trong một tháng, cô đi dạy với mục đích duy nhất là nhìn đám học sinh vật lộn với tuổi mới lớn. Sở thích của cô thật thú vị! Phải chi mai mốt tôi cũng được như cô. - Sao ghi dữ vậy mày? Cho tao xem ké ước mơ của mày coi. Để tránh tình trạng FOMO, tôi chồm người muốn nhìn lén những dòng chữ nắn nót của Huyền My. Nó cứ vừa viết, vừa che giống như làm chuyện mờ ám. Việc đó càng kích thích trí tò mò của tôi hơn. *FOMO (fear of miss out): nỗi sợ bị bỏ lỡ- Vãi, mày muốn làm vợ hiền dâu thảo á? Dữ dằn ta!Tôi không dám cười cợt ước mơ về "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" của Huyền My, vì chí ít nó cũng tìm được ước mơ, còn tôi thì không. - Wow, lớp chúng ta có nhiều người có ước mơ làm bác sĩ, giáo viên, công an quá! Còn có bạn muốn làm đại gia nữa này. Cả lớp cười ồ lên mỗi khi nghe thấy cô Oanh đọc các mẩu giấy ghi ước mơ của ai đấy. - Ơ? Sao có bạn lại bỏ giấy trắng nhỉ? Người đó là tôi. Tôi không bịa ra nổi một ước mơ.Nếu tôi trở thành bác sĩ, chắc dân số Việt Nam suy giảm một nửa. Nếu tôi chọn làm giáo viên, chắc thế hệ mầm non tương lai đi tong.Còn nếu học luật, có khi người đi tù là tôi luôn. Thật tình, sao kiếm ước mơ khó thế?- Ước mơ ở đây không phải chỉ là danh vọng, tiền bạc mà bất cứ thứ gì em muốn có và muốn cố gắng vì nó. Ví dụ dễ hiểu nhé! Em thích một bạn, muốn bạn thích mình và sẵn sàng nỗ lực vì bạn. Thế thì ước mơ của em là bạn rồi đó. Cô nói hay quá, nhưng tôi không hiểu. Vài điều bâng khuâng lại bị bỏ ngỏ ở tiết học cuối cùng của môn công nghệ lớp 11. - Haiz...Tôi chầm chậm bước về chỗ trạm xe buýt thân thuộc, vừa thở dài buồn phiền. Bỗng nhiên, phía bên kia phát ra tiếng thở dài loáng thoáng của ai đó.Người ta mặc áo sơ mi, quần âu, và đang đứng suy sụp ở trạm xe buýt quen thuộc.Tôi chợt tò mò. Người ta buồn làm chi? Chắc người ta cũng như tôi. Không kiếm được ước mơ để cố gắng.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com