TruyenHHH.com

Mot Chut Van Ve

Qua đoạn trích "Trong lòng mẹ", em hãy làm sáng tỏ nhận định sau: "Đằng sau những dòng chữ, những câu văn là những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại" (Thạch Lam)
                        Bài làm
Mẹ không cho con được cả bầu trời xanh
Nhưng sẽ mang ngọt lành ươm mầm tưới nước
Đường con đi và đôi chân con bước
Dẫu có gập ghềnh, được - mất mẹ kề bên.
                                (Dạ Quỳnh)
Tình yêu của mẹ dành cho con là vô tận như đại dương mênh mông sâu thẳm ngoài kia, là tia sáng đẹp đẽ đến chói mắt ẩn sau những áng mây đen xám xịt, là vì sao sáng rực trên khoảng trời xa xăm. Mẹ cho con một tâm hồn mạnh mẽ để bước ra đường đời. Dẫu có thất bại hay thành công vẫn tiếp tục bước lên. Dẫu có gian nan và khuất khúc mẹ vẫn ở cạnh bên. Tình yêu ấy thiêng liêng và quý giá hơn hết thảy mọi điều. Nó ấm áp mà rạo rực. Bởi vậy mà "tình mẫu tử" đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho bao nhà văn, nhà thơ lúc nào không hay. Ta bắt gặp tác phẩm "Nếu mẹ là" của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bà đã từng khẳng định: "Nếu mẹ bỗng chảy thành dòng sông/ Thì con ơi, con hãy là ánh sáng... Nếu mẹ bỗng hoá thành cánh buồm/ Thì con ơi, con hãy là ngọn gió". Dòng sông và ánh sáng, cánh buồm và ngọn gió, những cặp hình ảnh so sánh ấy là thứ ngôn ngữ vô tận vô cùng để khẳng định rằng không gì có thể chia cắt sợi dây tình cảm của mẹ dành cho con. Cho dù có những lúc mẹ không được ở bên con, nhưng mẹ vẫn luôn soi chiếu cho bóng hình con được toả sáng trên bước đường đời, vẫy gọi con đến với những chân trời bình yên, thơ mộng. Nói đến "tình mẫu tử" ta không thể không kể đến nhà văn Nguyên Hồng. "Những ngày thơ ấu" là tập hồi kí tự truyện về tuổi thơ đầy đắng cay của chính ông. Chân thực và sâu sắc là những giá trị đã thấm sâu trong văn chương của Nguyên Hồng. Đến với tác phẩm "Trong lòng mẹ", ta rơi lệ, xót thương cho tình yêu thiết tha của bé Hồng và người mẹ của em. Tình yêu ấy lẽ ra phải được trân trọng nhưng cuối cùng lại bị chà đạp không thương tiếc. Thả hồn mình lặn sâu trong tình mẫu tử thiêng liêng ta càng thấm thía hơn câu nói của nhà văn Thạch Lam: "Đằng sau những dòng chữ, những câu văn là những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại"
  Trong "Nhật kí Nguyễn Văn Thạc" có đoạn: "Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời". Dường như hiểu được điều ấy, Nguyên Hồng đã mang theo tất cả những đắng cay, những hạnh phúc của đời mình gieo vào từng câu chữ, từng trang viết. Gieo vào tác phẩm "những rung động cực điểm" của cậu bé Hồng trong sáng. Đó là những cung bậc cảm xúc đau đớn, căm hận, xót xa, sung sướng và niềm hạnh phúc vô bến vờ được bộc lộ một cách chân thực, sâu sắc nhất. Và "những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại" chính là thứ cảm xúc yêu thương, hờn tủi, niềm hạnh phúc dâng trào, chúng đều xuất phát từ một trái tim ấm nồng tình thương mẹ của bé Hồng, một cậu bé ngây thơ, non nớt nhưng lại hiểu chuyện vô cùng.
   Khi thưởng thức, ngụp lặn thật sâu tác phẩm, ta như bị xát muối vào lòng, ta đồng cảm, rơi những giọt lệ bi thương thay cho cuộc đời nghiệt ngã của một tâm hồn thơ dại. Bề ngoài nhìn vào, ta ngỡ như chốn mà Hồng đang sinh sống là mái ấm an toàn, là chỗ dựa bình yên ngập tràn hạnh phúc và tình yêu thì hoá ra đều là chốn reo rắc niềm đau của những lời miệt thị, ruồng rẫy. Em sinh ra trong một gia đình khá giả, đủ đầy tiện nghi nhưng cái thật sự em cần là sự ấm áp của một gia đình thực thụ. Sinh ra, thật không may mắn khi em không được hưởng tình yêu của người cha, của người mẹ. Cũng chỉ bởi cha và mẹ em buộc phải kết hôn trong sự sắp đặt sẵn của gia đình hai bên. Một cuộc kết hôn đầy sự gượng ép. Dẫu cho ở cạnh nhau một khoảng thời gian dài nhưng hai trái tim ấy vẫn không thể cho đối phương lay động chút ít. Hoàn cảnh đã lắm phũ phàng giờ đây lại đau khổ và thêm xa cách hơn. Cha em nghiện ngập bên bàn thuốc phiện rồi mất sớm. Cùng túng quá, mẹ đàng phải ly hương, bỏ lại đứa con thơ bơ vơ một mình trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của họ hàng để đi "tha hương cầu thực". Bị bỏ lại chốn quê hương thân thuộc đầy rẫy những tâm địa độc ác, em luôn là đối tượng để những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến tâm hồn, chúng rẻ rúng, chửi rủa mẹ em không thương tiếc. Nhét vào đầu một tâm hồn thuần khiết những bùn lầy tanh tưởi mà chúng tạo ra. Chúng là "những con quỷ" có tấm lòng mục rữa và tồi tàn. Và trong số "những con quỷ", bà cô ruột thịt của em chính là "con quỷ" tàn ác nhất, xảo quyệt nhất.
  Những cảm xúc căm hận, phẫn uất xen lẫn những yêu thương, xót xa đã nảy nở trong em khi nói chuyện với người cô độc địa của mình. Nhớ mẹ, em nhớ mẹ vô cùng, muốn chạy thật nhanh đến nơi xa xăm có dáng hình của mẹ. Nhưng một đứa trẻ trong tay không có gì như em sao có thể đến nơi ấy được cơ chứ? Như tìm được cơ hội của mình bà cô liền gọi em đến bên "cười hỏi":"Hồng!Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?" Trái tim em, tâm hồn em, da thịt em từ lâu đã trở lên úa tàn và khô khốc khi thiếu vắng tình thương ấp ủ của mẹ, đương nhiên em "toan trả lời có". Nhưng em nhận ra "những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô", em "cúi đầu không đáp". Vì em biết, người cô ấy chỉ muốn gieo rắc vào tâm trí em "những hoài nghi" để em vì thế mà "khinh miệt" và "ruồng rẫy" người mẹ thân thương của mình. Ôi, "nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tanh bẩn xâm phạm đến" tình thương em dành cho mẹ dường như bất tận và lớn lao, chỉ một câu nói mỏng manh của người khác sao có thể phá vỡ đi tình thương thiêng liêng đong đầy trong em. Em cười đáp lại người cô:" Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về". Lời nói đầy tinh tế và thông minh của Hồng, tất cả đều khởi nguồn từ một tình yêu ấm áp vẫn luôn tồn tại trong em, một tình yêu cao đẹp.
    Dẫu cho đã chối từ và tin tưởng rằng mẹ sẽ về vào một ngày nào đó không xa nhưng người cô vẫn bám theo dai dẳng, hỏi em bằng giọng ngọt ngào: "Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!". Đôi mắt cô cứ "long lanh" nhìn em "chằm chặp" như thể đang mong đợi gương mặt đau khổ của em. Em "cúi đầu xuống đất", lòng "thắt lại, khóe mắt đã cay cay". Người cô như hả hê, vẫn bám theo dai dẳng muốn kéo đứa cháu đáng thương lún sâu vào một trò chơi tàn nhẫn được dàn tính sẵn. Vẫn cười và nói: " mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ may may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ". Từng câu chữ người cô nhả ra như hàng vạn dao găm cào rách tim em. Hai tiếng "em bé" cứ ngân dài như thể là chiếc búa đao đang phá vỡ chiếc bình chứa đựng những cảm xúc khổ đau, tức tưởi mà em nén vào. Và chiếc búa ấy đã thành công phá vỡ đi chiếc bình. Cảm xúc trào ra, chúng dâng lên làm hàng lệ em "ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cầm và ở cổ", em "cười dài trong tiếng khóc". Giọt nước mắt hoà cùng nỗi đớn đau thống khổ. Em đau đớn, đau nơi trái tim, đớn nơi tâm hồn, đau đớn từng ngóch ngách khắp cơ thể. Tim em rạn nứt. Ôi! Thống khổ biết bao, cay đắng biết bao! Nhưng bà ta đâu nào buông tha cho em, thừa cơ kể cho đứa trẻ ấy nghe về tình hình hình của mẹ nó, " ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc". Tim em vỡ nát. "Cổ họng tôi đã nhận ứ khóc không ra tiếng". Lời nói lạnh lùng mà cũng đau đớn của bà ta như con dao đã làm tim em rỉ máu, chạm tới nơi dễ tổn thương mà hành hạ, đâm nát tâm hồn cũng chỉ vì em quá đỗi thương, xót xa mẹ. Tình thương và niềm tin yêu mẹ trào dâng với bao xúc cảm thơ ngây bồng bột về người mẹ tội nghiệp: "Tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tồi để sinh nở một cách giấu giếm, trốn tránh như một kẻ giết người". Em căm giận, căm giận biết bao những cổ tục đã đày đoạ đấng sinh thành của mình, nén nỗi căm tức ấy giờ đây trào ra lớn như giông tố càn quét mọi thứ: " Giá những cổ tục đã đầy đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẫu gỗ tôi quyết vô lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi". Nhà văn sử dụng hàng loạt các động từ nào là "vồ", nào là "cắn", là "nhai", là "nghiến" với sắc thái biểu cảm ngày càng tăng, ta cảm nhận lời văn dường như bùng nổ, tuôn trào nỗi phẫn uất, căm tức sao những thành kiến vô hình đã chà đạp mẹ của bé Hồng. Qua đó, ta càng nhìn thấy được tình yêu của Hồng dàng cho người mẹ thân thương mãnh liệt, to lớn đến chừng nào. "Phong kiến" chính là hai từ gợi lên sự đáng thương của người phụ nữ xưa khi phải nhẫn nhục sống dưới sự áp đặt của xã hội. Con đò không có tay chèo, nương theo dòng chảy ngày mùa nước trôi. Lênh đênh trôi như số phận bạc bẽo của người phụ nữ nghèo mạt trong xã hội phong kiến mục nát. Hồng nhan mà bạc phận:
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
Qua câu chuyện của đời mình, Nguyên Hồng đã mang đến cho độc giả muôn phần nỗi bất hạnh, bi thương và cũng mang đến những giá trị xã hội, nhân đạo tốt đẹp, ông dứt khoát bênh vực người phụ nữ đã chịu đau chịu khổ vì những thành kiến bất nhân, thối nát tình người. 
   Trong trái tim đong đầy tình yêu thương và niềm tin của đứa con dành cho mẹ, vẫn luôn có một nỗi khát khao, khắc khoải, ngóng trông mẹ trở về:"Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về". Em gói gém lại những cảm xúc ấy vào trong vì tin tưởng rằng mẹ sẽ về, dù không biết bản thân phải chờ đợi đến bao giờ. Một năm hay một tháng hay ngay bây giờ? Em đâu có biết, em chờ, chờ mãi trong nỗi nhớ. "Nhưng đến ngày giỗ đầu thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về" ngày ấy cũng đã đến, mẹ em thật sự đã trở về, nỗi nhớ nhung, hy vọng ấy đã biến thành hiện thực. Những bồi hồi, những rung động về mẹ đã bừng lên tột cùng qua ngòi bút sắc sảo mà tinh tế của nhà văn. Em bối rối, thấp thỏm nơi trái tim khi thoáng thấy người đàn bà trên xe kéo giống mẹ, em chạy theo gọi: "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!...". Tiếng gọi đó là bao nhiêu tình cảm yêu thương mẹ mà em đã đè nén suốt bao lâu nay. Nó chất chứa trong em thành từng mảng, từng khối giờ đây đã vỡ oà. Ấy là tình yêu mẹ, là niềm khát khao cháy bỏng, ngóng trông mẹ mà em đã kìn nén. Em cảm thấy dường như nó quá đột ngột, quá bất ngờ mà trong đầu hiện ra những suy nghĩ: nếu người ngồi trên xe kéo không phải là mẹ thì em sẽ đớn đau biết chừng nào chẳng khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc. Sự so sánh đã giúp độc giả cảm nhận được nỗi đau khổ thống thiết như đang đi đến cái chết của bé hồng. Nhà văn lấy sự tuyệt vọng của người bộ hành, với đôi mắt mệt mỏi gần như rạn nứt với nỗi khát khao mãnh liệt được gặp mẹ đến cháy bỏng. Còn dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm giữa sa mạc khô cằn là người mẹ thân yêu. Để khẳng định rằng mẹ là dòng nước thanh mát, là ánh nắng vỗ ấm tâm hồn úa tàn, là ngọn lửa sưởi ấm con tim giá lạnh, mẹ làm dịu đi nỗi đau khổ trong con trước sự khắc nghiệt của đời. Tiếp đó, em đuổi theo mẹ đến nỗi thở hồng hộc trán đẫm mồ hôi", em trèo lên xe ngồi cạnh mẹ "ríu cả chân lại - ấy là tình thương yêu, nỗi chờ mong khắc khoải mãnh liệt được gặp mẹ trong lòng đứa con xa mẹ lâu ngày. Được ngắm nhìn khuôn mặt thân thương của người mình đã xa cách bao năm, em đã oà lên khóc nức nở. Trước đây tiếng khóc trong cuộc đối thoại với bà cô là giọt nước mắt đau khổ, tức tưởi thì giờ đây tiếng khóc "oà ra" nhưng là giọt nước mắt giải toả nỗi buồn, của niềm hạnh phúc vui sướng. Được ở trong lòng ấm nồng của người mẹ, em thấy mẹ vô cùng xinh đẹp " Khuôn mặt xinh xắn...gò má". Em cũng cảm nhận được cả hơi thở, hơi quần áo của mẹ phải ra thơm tho lạ thường. Những cảm giác mơn man đã bao lâu mất đi giờ đây lại ùa về trong em. Em đón lấy như căng mọi giác quan để cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng ấy. "Phải bé lại", em bồng bềnh, ngụp lặn trong tình mẫu tử êm dịu, sung sướng đến đê mê khi tận hưởng tình mẹ. Em quên hết cả những đắng cay, tuổi cực trong những ngày tháng sống xa mẹ, quên cả những lời nói cay độc của bà cô. Mẹ rực rỡ như ngàn sao, thắp sáng con tim nhuốm đầy đau khổ, cằn cỗi của em và kết thúc ngày dài đầy những nỗi tuyệt vọng. Giờ đây trong em chỉ còn những niềm hạnh phúc sung sướng đến tột độ để ôm trọn lấy tình yêu thương của người mẹ. Từ những rung động xuất phát từ trái tim của đứa con, Nguyên Hồng đã hoạ lên tác phẩm một bức tranh tình mẫu lãng mạn và đầm ấm: những ánh sáng rạng rỡ tràn ngập, sắc màu tươi tắn, làn hương thoang thoảng thơm dịu, cùng với những xúc cảm ấm nồng tình mẹ bức tranh ấy càng cháy rực hơn bao giờ hết. Tình mẫu tử ấy dù vượt qua bao sóng gió, giông tố nhưng vẫn không một chút lung lay mà còn lớn lao hơn:
"Dù thế gian nhuộm xám
Chẳng vùi nổi tình mẹ
Ngọn lửa tình vẫn cháy
Phủi hết màu xám tro"
Nguyễn Thanh Tú đã từng nói "Một tác phẩm được ví như dây bóng đèn điện thì những chi tiết hay như những sợi dây tóc phát sáng". Và "những rung động cực điểm của một linh hồn thơ dại" chính là dây tóc phát sáng ấy. Bởi ấy là những "rung động" về một thời ấu thơ thiếu vắng tình mẹ, "rung động" ấy đã phơi bày ra hiện thực khổ đau chà đạp người phụ nữ trong xã hội mục rữa. Đồng thời cũng mang đến cho người đọc sự cảm thương sâu sắc và khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. :" Thần linh không có mặt ở mọi nơi nên ngài đã tạo ra mẹ".
                 Ninh Hiệp, ngày 10/7/2023
                               Ánh Ngọc
.
.
.
.
.
.
.
.
- tớ làm bài này từ năm học lớp 8 á nhưng bây giờ mới đăng tại lười quá
- Bạn nào thi HSG Văn có thể tham khảo đề ha
- Ê mà có ai stan NCT khum ạaaa💚💚💚💚

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com