TruyenHHH.com

Moskva

Nếu thực sự có cái thứ tạp nham mang tên du hành thời gian, thì có khi tôi sẽ dùng nó để quay ngược trở về cái hôm điếu thuốc lá đầu tiên được châm lửa lên, nhằm dập tắt nó đi và quạt cho thằng ôn con Fred một trận về tương lai của chính nó phía trước. Chính xác là vào thứ sáu, tuần thứ ba của tháng hai năm 1993.

Quả thực, tôi không phải là một tay nhớ cừ khôi. Tiêu biểu như mỗi lần tôi gặp Mary, ả bảo ả để tóc xoăn suốt sáu năm trời, nhưng cứ hễ khi nào có dịp gặp nhau là y như rằng tôi lại hỏi mới đổi kiểu tóc hay sao? Vả lại, tôi càng không phải là một thằng nhóc thích đánh dấu các mốc sự kiện nổi bật ở đời, rồi đem đi khoe tùm lum với bàn dân thiên hạ để cố chứng tỏ mình là người lớn. Tầm phào. Nếu không tính đến việc nó không biết, thì có thằng đầu đất nào không nhớ nổi sinh nhật của chính nó cơ chứ? Mà thực ra, từ cái sinh nhật lần mười bốn trở đi, tôi cóc thèm để tâm đến hai cái chữ "sinh nhật" nữa. Thú thực, tôi ghét sinh nhật lắm. Thật kì lạ khi suốt cả thảy ba trăm sáu tư ngày, họ cóc thèm ngó ngàng đến tôi, vậy mà cứ đến cái ngày sinh nhật, họ lại chúc mừng ríu rít, ra cái vẻ như là thân là quen lắm ấy! Nhắc mới nhớ, cái bà dì Catherine, năm tôi lên bảy, bà bảo tôi nào là thằng Fred chó chết đầu đất, bởi mày đã được mẹ nuông chiều quá mức nên chẳng làm được gì ra hồn, vậy mà đến cái ngày sinh nhật, con mẹ ấy lại tơn tởn cái mồm, khen lấy khen để rằng thằng cún yêu bé bỏng đẹp trai của dì chóng lớn nhé. Mắc dịch. Thế cho nên có khướt tôi mới mời bà đến dự lễ sinh nhật năm kế. Tự nhiên không phải tốn một khoản tiền để mua quà tặng thằng chó con này, dì Catherine chó mẹ chẳng sướng ra trò. Dẫu tôi biết tấm lòng là chính, nhưng kể ra tặng tôi con gấu mất một tay và đứt một bên mắt của em Thomas - con bà, rồi nhét tạm vào túi đựng rác thì quả thực là khiếm nhã hết sức. Bà quái thật!

Dẫu sao chúng cũng quả là những kỉ niệm hay ho mà tôi khó lòng nào quên được. Nhưng tôi cóc có để tâm cho lắm. Kỉ niệm cũng chỉ là kỉ niệm. Nếu có cơ hội quay lại, tôi sẽ vẫn không mời bà đến dự tiệc sinh nhật của tôi. Tôi không muốn nhận nốt phần tay và mắt còn lại của con gấu tội nghiệp kia. Nhớ không nhầm, tôi còn tổ chức cả đám tang cho nó. Không hẳn là một cái đám tang to, chỉ có Bob, Dave - hai thằng bạn chí cốt của tôi và dăm ba con gấu khác. Và bởi cái tính bất cẩn, tôi đã làm mất xác gấu con ngay sau khi cái đám tang chết dẫm đó được tiến hành. Nó đã bị con Lucky - con chó labrador bất hạnh nhất trần đời của ông-già-già-gần-nhà-tôi, tha mẹ đi mất và vứt tại xó xỉnh nào đó. Hai ngày sau, tôi phát hiện ra rằng nó không vứt, mà con chó bất hạnh đấy lại ăn hết mớ bông tùm lum trong ruột con gấu. Hoá ra do thằng già khốn cả. Hắn có tiền, rất nhiều, đủ để chơi những con điếm ngon nghẻ nhứt thời đấy, ăn những món cao sang và uống rượu vang đỏ nhưng lại bỏ đói con cún tội nghiệp đó. Chính tôi đã phải rời cái quận chết bằm này, chạy bộ hơn bốn dặm liền để đưa nó đến bác sĩ thú y, bởi lão già cứ dửng dưng trước tình trạng nó liên tục đi ngoài ra bông và cứ ăn xong lại trớ. Rất may sau khi nhập viện, nó vẫn ổn, còn bây giờ có lẽ nó đã giống tôi. Ông bác sĩ kia cũng tốt đáo để. Sau khi nghe tôi kể lể về cuộc đời đau khổ của con Lucky, ông chỉ cười và khen tôi rằng cháu có một trái tim nhân hậu, chỉ có điều dám chắc bây giờ ông sẽ phải nghĩ lại. Ông không lấy của tôi một xu. Ông còn chẩn đoán Lucky bị suy dinh dưỡng và nhiễm trùng. Nó đã bị đánh đập, rất dã man. Vẫn còn vài mảnh thuỷ tinh nhỏ đến từ những chai rượu vương vãi trên lông nó. Không còn cách nào khác, tôi bèn đồng ý để cho ông giữ con cún ở lại viện, dẫu cho tôi còn chẳng phải chủ nó mà có quyền quyết định. Hai tuần trôi qua, thằng cha già kia còn chẳng màng bận tâm đến con labrador ấy, có khi lão còn chẳng nhớ nổi nhà mình nuôi chó. Nghe đâu, con cún đã được nhận nuôi bởi một người đàn ông trung niên mất vợ và hai đứa con nhỏ trong một vụ tai nạn thảm khốc. Vụ đấy xôm ra phết, nhưng có điều, tôi chẳng thể lôi một kí ức đau buồn như vậy ra để khoe cho bàn dân thiên hạ được. Nôm na mà nói, họ vốn là một gia đình bình thường, hạnh phúc và chẳng có gì đáng để phàn nàn. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi họ bị một tên tài xế nát rượu tông thẳng vào đuôi xe trên đường cao tốc. Họ đang trên đường trở về nhà sau một chuyến đi nghỉ mát. Hơn cả ác mộng. Cả ba mẹ con ngồi tại hàng ghế đằng sau đều không qua khỏi, duy chỉ có người đàn trung niên kia may mắn sống sót vì ngồi hàng trên lái xe. Kỳ thực cũng chẳng phải là may mắn. Vợ con ông mất đi và ông còn sống. Họ chết trong một ngày, còn ông, ông phải chết trong mỗi ngày. Ông sẽ mãi ám ảnh về vụ tai nạn ngày hôm ấy cho đến suốt phần đời còn lại. Thế nhưng, ông đã tìm thấy một kẻ bất hạnh ngang mình. Một chú chó phải sống cuộc đời của một người nô lệ. Bất hạnh với bất hạnh lại tạo nên niềm vui và hạnh phúc. Nỗi buồn tuy không bao giờ hết, nhưng chí ít cả hai sẽ giúp nhau vơi bớt đi phần nào.

Kỳ thực, tôi rất muốn đến thăm nó lần cuối trước khi nó về với người chủ mới, nhưng tâm hồn rong ruổi và luôn tìm kiếm những thú vui tao nhã cùng những đứa bạn trạc tuổi vào một buổi chiều tà của một đứa trẻ lên bảy lại không cho phép điều ấy. Tôi vốn định quạt cho nó một trận. Sở dĩ, tôi tổ chức đám tang cốt là để linh hồn con gấu kia có thể ra đi thanh thản. Hồi bé mà, tôi có biết đếch gì đâu. Lúc ấy, tôi có thể an nhàn sửa lại mà không sợ nó đau. Tôi đã có sẵn kim chỉ, bông và một ít vải thừa xin từ chị Julia. Tôi định vá lại chân và mắt con gấu, sau đó đem trả lại em Thomas. Nhưng thôi, chắc thằng nhóc chẳng cần nữa. Dì Catherine vốn rất chiều thằng nhỏ nên dì sẽ không bao giờ dám làm gì phật ý nó. Một khi con gấu được đem tặng tôi tức có nghĩa là thằng nhóc đã chơi đi chơi lại đến chán và coi nó như món đồ thừa. Dễ thế lắm. Vả lại, chẳng có lí do gì khiến tôi có thể tiếp tục nạt con cún như vậy. Chẳng được gì, chỉ tổ tốn thời gian và nước bọt. Tôi luôn nghĩ là động vật hiểu tôi lắm, cho đến khi tôi mém chết vì cố bắt chuyện với một con chó xù to bỏ bố hồi nhỏ. Tôi chỉ nhớ mang máng rằng mình đã vạch và nhét cả bàn tay vào miệng nó, cốt là để cho nó cái kẹo, trong khi nó đang ngủ. Bạn biết rồi mà: cơn giận của một người bị quấy nhiễu khi đang ngủ ngon giấc thì quả thực khó lường.

Tiếng kêu hoang dại của lũ chuột đói ăn dưới cống đã kéo tôi về với thực tại. Tôi luôn thế, luôn đắm chìm vào những kí ức trong quá khứ. Quên chẳng nói, tại cái khu này, người cũng đói ăn chứ đừng nói đến là chuột. Cũng phải nhờ ơn chúng, bởi tôi gần như quên béng mất cái việc rằng mình đã chết. Nếu biết trước cái chết thanh thản vậy, tôi đã tự nguyện ra đi từ sớm. Mà có lẽ, bây giờ đi cũng chưa muộn. Lũ chuột đang náo loạn hơn. Cũng như tôi, khi đói, chúng sẽ ăn bất cứ cái gì cho bằng thoả cơn no, và dám chắc rằng bộ xác gày gò ốm yếu của một người đàn ông ba tư tuổi kia cũng chẳng phải ngoại lệ. Quả thực, tôi không dám xem, cũng chẳng buồn xem. Bởi nó kinh bỏ mẹ.

Phòng khi bạn có thắc mắc đây là đâu, thì tôi xin trả lời là tây Biryulyovo, một quận nhỏ tại Moskva - thủ đô của Nga. Tôi biết, giới thiệu Moskva ở Nga cũng bằng thừa, còn cốt vẫn là để nói về Biryulyovo thổ tả. Cái quận này thú vị lắm. Khi nào rảnh, tôi kể. Nhưng vẫn phải nói qua loa một chút về con người. Chủ yếu ở đây toàn dân nhập cư cả, còn dân bản địa thì khan hiếm hơn chút đỉnh. Mà cũng chẳng phải nhập cư xịn, toàn dân lao động bất hợp pháp trốn sang đây. Bạn cũng biết rõ rồi đấy: nhập cư kèm với lao động bất hợp pháp thì không đi đôi với chữ "giàu". Dân ở đây khổ lắm, cơ mà láo ra trò! Chắc họ khổ quá nên láo. Tôi thì khác, láo quá nên khổ. Tôi cứ tưởng đều là dân nhập cư cả thì phải yêu thương hay đùm bọc và biết giúp đỡ nhau lắm, ngờ đâu suốt ngày đánh nhau với chẳng bạo loạn. Nói là vậy, nhưng vẫn có vài thằng đỉnh lắm: tháo vát, nhanh nhẹn, tốt tính,... nói chung được việc. Có điều, vào cái khu này ở thì sớm hay muộn cũng bèn tha hoá như nhau cả. Mong sao họ sớm cuốn xéo khỏi đây và tìm được một công việc ổn định hơn. Ngắn gọn, tôi không thích dân nhập cư! Mà tôi chẳng phải dân nhập cư đâu, con lai. Mẹ tôi người Nga, còn thằng cha chó đẻ thì người Mỹ. Mẹ kiếp nhà lão.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com