TruyenHHH.com

Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách

Hai tháng cực nhọc tại công trình đường sắt

Hadu05

Chúng tôi tìm đến địa chỉ của Chon Un Hak không khó khăn lắm. Cứ ngỡ nó sẽ vui mừng khi chúng tôi đến, nào ngờ Un Hak giơ tay ra xua như muốn đuổi chúng tôi. Cậu ta nói rằng nếu ông chủ biết được sẽ la mắng, vì thế chúng tôi không được đứng gần. Un Hak hẹn gặp lại chúng tôi ở cây cầu gần đó vào khoảng 8 giờ tối, sau khi cửa hàng đóng cửa.

Tuy học cùng lớp nhưng Chon Un Hak ít hơn tôi hai tuổi, nó là người nhỏ nhất trong lớp tôi. Không biết làm thế nào mà nó ra được thành thị và làm cho cửa hàng bán đồng hồ của người Nhật. Nhìn thái độ thờ ơ của người bạn mà tin tưởng, tôi cảm thấy hơi thất vọng, nhưng dù sao nhờ nó mà tôi được thấy đô thị lần đầu tiên trong đời. Tất cả mọi thứ ở đây đều thật tuyệt vời.

Khoảng hơn 8 giờ, chúng tôi gặp Chon trên cầu. Tôi cứ tưởng ít ra nó cũng hỏi chúng tôi đã ăn tối chưa, thế thì tốt biết mấy. Nhưng Un Hak không hỏi điều đó, cũng không mời đi ăn mà rủ chúng tôi đi ngắm thành phố. Trong đôi mắt của thiếu niên nông thôn như chúng tôi, đêm nội thành Wonsan thật là lộng lẫy, tất cả mọi thứ đều vĩ đại. Tuy nhiên, cơn đói cồn cào khiến chúng tôi không thể nghĩ được điều gì khác hơn ngoài cái bụng trống rỗng của mình. Tôi băn khoăn không biết là nên rủ Un Hak đi ăn cơm, hay là nói hắn đãi một bữa.

Nhưng mãi mà người bạn chúng tôi tưởng sẽ giúp mình có cơm ăn và chỗ ngủ miễn phí chẳng tỏ vẻ gì là muốn chúng tôi dùng bữa tối cả. Có lẽ nó cubgx không đủ tiền. Tiền để dành còn lại 42 chon, chúng tôi không thể lãng phí dùng để ăn cơm vì giờ đây còn có thêm Un Hak. Còn chỗ ngủ cũng thật khó xử, Un Hak chỉ cho chúng tôi một chỗ bên cạnh nhà kho Văn phòng thuế. Chẳng hiểu sao muỗi Wonsan lại to và nhiều đến thế. Không phải tôi nói phét nhưng đúng là con muỗi ở đây to bằng con én, đâm cái vòi xuyên qua quần vải của chúng tôi mà đốt đến mệt mới thôi.

Bụng đói, muỗi đốt, ba chúng tôi vẫn nói đủ thứ chuyện. Đột nhiên, chúng tôi thấy một đứa bé đang đứng trước mặt một bà bán dưa xin tiền. Có lẽ đứa bé đã nài nỉ quá lâu khiến bà bán dưa nổi giận, thình lình bà ta đánh mạnh vào tay đứa bé, hai quả dưa rơi xuống đất, vỡ ra. Bà bán dưa vừa nổi đóa lên vừa luôn mồm chửi mắng đứa bé, nhưng nó vẫn cứ kiên trì chẳng sợ gì cả. " Đã không bán được lại còn phải cho", bà ta càu nhàu. Tôi nuốt nước bọt ừng ực. Nếu biết không phải trả tiền thì chắc là tôi đã chạy ra nhặt lấy quả dưa vỡ còn nhanh hơn cả đứa bé ăn xin kia. Việc đó xảy ra đã hơn 60 năm, vậy mà tôi vẫn nhớ như in cái bến đò đêm ấy, cảnh đêm hôm ấy và cái đói ấy.

Tôi và Ji Won đã rời khỏi nhà đi gần 24 tiếng đồng hồ mà không nghỉ. Sức lực kiệt quệ, cơ thể nặng nề và mệt lả, chúng tôi ngủ thiếp đi giữa những đàn muỗi to như én vây quanh. Đang ngủ say như chết chợt chúng tôi thấy có ai đó đá giày vào mông mình. Thì ra đó là mấy ông cảnh sát đi tuần, họ hỏi chúng tôi là ai rồi đưa đến đồn cảnh sát. Chúng tôi thành thật trả lời những câu hỏi của những viên cảnh sát, rồi tôi quay sang nói với họ rằng: " Ông ơi, ông xin việc giúp tụi cháu đi".

Không biết vì mệt mỏi do chúng tôi nài nỉ nhờ xin việc hay thấy chúng tôi chẳng có gì mà điều tra nên họ đã thả bịn tôi ra. Un Hak trở về cửa hàng còn tôi và Chu Ji Won lại thẳng hướng Chongjin đi tiếp. Đường đến Chongjin phải đi qua Munshon và Gowon. Vừa đi qua Munshon, chúng tôi thấy một nhà máy xi măng. Đó là cái nhà máy xi măng chúng tôi thấy lần đầu tiên trong đời. Ngắm nhìn xung quanh một hồi, chúng tôi đi vào bên trong.

Khi đó tại Gowon, công trình xây dựng đường xe lửa từ Bình Nhưỡng tới Gowon vừa mới khởi công nên cần rất nhiều lao động. Tôi và Ji Won bàn bạc với nhau, cả hai nhất trí sẽ ở đây làm việc rồi dành dụm tiền đi Chongjin. Xong xuôi chúng tôi tìm đến cái gọi là Hamba trong công trường. Hamba thời ấy có nghĩa là nơi người lao động có thể ăn ở tại đó, rồi cuối tháng khi nhận lương, người ta trừ tiền ăn và tiền ở trong tháng, còn lại bao nhiêu thì trả cho người lao động.

Công trường này tuyển dụng nhân công trong cả nước, vì vậy việc làm bao nhiêu cũng có. Công việc nhẹ hơn một chút thì mỗi ngày được trả 40 chon, còn lao động nặng thì mỗi ngày 45 chon. Tôi với Ji Won háo hức muốn kiếm nhiều tiền nên đã xin làm lao động nặng. Việc của chúng tôi là xúc đầy đất lên mấy cái xe goòng, đưa lên đường ray rồi đẩy tới một nơi khá xa, đổ vào những chỗ thấp. Đưa cái xe đầy đất lên đường ray không phải là việc sử dụng sức bình thường mà làm được. Nó là việc nặng nhọc nhất trong những công việc lao động nặng. Và công việc cực nhọc đến thở tóe khói ra mũi này chỉ mang đến cho chúng tôi 45 chon mỗi ngày, nhưng đó là món tiền lớn ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Mỗi ngày tôi phải tốn mất 30 chon tiền ăn và tiền nhà, tính ra chỉ còn lại 15 chon, như vậy một tháng gom được 4 won và 15 chon. Tuy nhiên có những ngày trời mưa không làm việc được nên không có tiền, trong khi vẫn phải trả tiền ăn và tiền nhà đầy đủ. Vả lại lao động nặng nhọc khiến áo và quần mau sờn rách, do đó chúng tôi chẳng bao giờ gom được số tiền như dự tính, không khéo có khi còn trở thành con nợ. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi thức dậy sớm, ăn cơm rồi đi làm tới tối mịt mới về, mỗi ngày làm cả 15, 16 tiếng đồng hồ, ăn cơm tối xong thì mệt rã rời và lao vào ngủ. Tuy nhiên tôi với Chu Ji Won vẫn làm việc chăm chỉ vì tự hào rằng  mình đang sống bằng chính sức của mình.

Bỗng một hôm gần Tết trung thu, đã hai tháng kể từ khi tôi bỏ nhà ra đi, tôi được báo là có khách đến tìm trong lúc đang làm việc, chạy ra tới nơi thì thấy cha tôi đứng đó. Mắt tôi nhòa đi. "Làm sao cha biết mà đến đây?". Lúc bấy giờ sự thắc mắc không hiểu sao cha biết tôi ở đây mà đến tìm còn lớn hơn cả nỗi thất vọng sẽ phải về nhà cũng như nỗi vui mừng được gặp cha.

Thì ra một người cùng làm việc với tôi tại công trường này trên đường về quê đã vào nhà tôi xin tiền lộ phí và nói cho cha tôi biết. Nguyên là vào những ngày không làm việc, các anh em công nhân thường ngồi quây quần kể chuyện về quê hương và gia đình mình cho mọi người cùng nghe nên ai cũng viết về nhau.

Thời ấy có tàu hỏa từ Songchon đến Gowon, nhưng cha tôi muốn tiết kiệm tiền nê  đã đi bộ ròng rã hai ngày qua 300 dặm( 1 dặm Hàn Quốc= 500 mét) để đến đây. "Con là con trưởng của dòng họ nhà ta. Dù có bao nhiêu anh em thì con trưởng cũng là trụ cột trong gia đình. Thiếu trụ cột đó thì tất cả mọi người còn lại trong nhà đều sụp đổ. Có chuyện gì đi nữa thì con cũng phải có trách nhiệm giữ gìn quê hương với tư cách là một người nông dân đúng nghĩa. Mấy đứa em con có bỏ nhà ra đi thì cha cũng không đi tìm như thế này đâu", cha nói.

Tôi xin cha cho tôi tiếp tục được ở lại Gowon nhưng cha không đồng ý. Làm gì có quy luật con nông dân thì phải trở thành người nông dân? Cái cuộc sống nông thôn đói nghèo và thiếu thốn có gì tốt mà cha tôi cứ nhất định biến tôi thành anh nông dân cơ chứ? Tại sao không bước ra thế giới mới mẻ và rộng lớn để thử thách và mạo hiểm thay vì cứ khư khư bám theo cái suy nghĩ hạn hẹp rằng nếu thoát khỏi cuộc sống nông thôn gia môn mà tổ tiên truyền lại tất sẽ bại vong?

Tôi thật bực tức trong lòng. Những đồng tiền quý giá mà tôi kiếm được tuy chẳng là bao nhưng đó là công sức do chính tôi làm ea. Nếu để cho tôi tiêls tục công việc thì tôi có đủ tự tin để khám phá cái thế giới mới mẻ và rộng lớn bao la này. Nó không ảm đạm như những ngày làm ruộng ở nhà. Tôi còn đang ấp ủ giấc mơ đi đến Chongjin nữa mà? Còn ở nhà tôi không bao giờ có thể mơ được giấc mơ về tương lai. Tuy nhiên bây giờ thì không thể nói thêm được gì, tôi và Ji Won đành phải cuốn gói theo cha đi về.

Chúng tôi cũng lại đi bộ 300 dặm mà về. Đến Anbion, cha dừng lại vườn táo người ta đang thu hoạch, mua mấy quả về biếu bà. Tôi vẫn nhớ mấy quả táo đó cũng chẳng phải là những quả táo tươi và có hình dáng đẹp đẽ gì, mà chỉ là những quả bị hư trên cây rồi tự rụng xuống, chẳng có giá trị gì.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com