TruyenHHH.com

Fiction Neu Ngay Mai Khong Bao Gio Den

Tôi đã sống một cuộc đời vô vị. Nhưng Chúa với tình yêu to lớn ngài dành cho những đứa con của mình, không nỡ để tôi chết đi trong nỗi buồn chán, đã tặng cho tôi một món quà vào năm tôi hai mươi hai.

Đó là một ngày mùa hè oi bức, với đủ thứ mệt mỏi chán chường, tôi về nhà với tâm trạng không mấy vui vẻ. Khi tôi còn đang bận càu nhàu về cái thời tiết khó chịu và đống tài liệu cần xem qua thì một bóng người lướt ngang tầm mắt tôi. Người đó dừng ngay trước cổng vào phòng trọ của tôi, ánh mắt dán chặt trên cánh cửa nhưng lại không có ý định vào trong. Tôi biết người này! Shou! Em là người gốc châu Á. Tóc đen, khuôn mặt nhỏ, mũi cũng nhỏ, môi mỏng, lông mày cũng mỏng, mắt đen một mí xếch lên. Từng bộ phận riêng biệt thì không có gì được gọi là đẹp nhưng tổng hòa lại trên gương mặt của em thì lại xinh đẹp lạ thường. Là cái từ "xinh đẹp" mà thường được dùng để miêu tả những đứa con gái ấy. Để nói rõ hơn, đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp em. Tôi đã chạm mặt em nhiều lần, có lần nhớ, có lần không, nhưng khi chúng tôi chuyện trò cùng nhau dưới lớp chăn ấm, tay tôi vuốt ve trên làn da em tái nhợt, em kể cho tôi từng lần, từng lần em và tôi bước qua nhau.

Tôi gặp Shou lần đầu là ở trong một con hẻm nhỏ, ẩm ướt và bẩn thỉu. Em khi đó là một thằng nhóc gầy gò, mặt thì cúi gằm xuống, ngồi tựa lưng vào tường, quần áo xộc xệch. Nhơ nhuốc hệt như con chuột hèn hạ bốc mùi hôi thối chỉ có thể trốn chui trốn lủi trong hốc tường. Tôi chỉ dành cho em một cái liếc mắt, và cứ thế lướt qua mà chẳng buồn bận tâm suy nghĩ điều gì.

Rồi, vào một ngày thứ bảy bình thường, tôi với nỗi buồn chán xâm chiếm hết suy nghĩ đã đến một quán bar để tìm kiếm niềm vui. Tiếng nhạc xập xình, những ả đàn bà gợi cảm, những gã đàn ông hứng tình, con người bước vào đây đều trở thành thú vật, la hét hò reo ầm ĩ. Dường như tôi là kẻ duy nhất giữ cho mình tỉnh táo giữa đám đông hỗn loạn này. Tôi gọi cho mình một ly cocktail và hỏi tên bartender ở đó rằng liệu tôi có thể làm gì để hết buồn chán đây. Ngài có muốn được phục vụ không? Anh ta hỏi. Tôi hiểu chính xác "phục vụ" anh ta nhắc đến là gì. Tôi không định đến đây để tìm bạn tình, đúng hơn là chưa bao giờ có ý định làm như thế, nhưng cái buồn chán ngu ngốc ấy đã dụ dỗ tôi, rằng tôi nên thử một lần. Và tôi gật đầu. Anh ta dẫn tôi đi trên dãy hành lang dài, ánh đèn vàng mờ ảo chẳng thể soi đến cuối con đường nên tôi không biết mình đang đi đâu. Rồi chúng tôi dừng trước một căn phòng. Cánh cửa bằng gỗ lim, sơn bóng, bên trên là tấm bảng ghi số phòng A015. Anh ta bảo tôi vào trong đấy và chờ, sẽ có người đến giúp tôi không còn buồn chán nữa. Căn phòng tối tăm chỉ có ánh sáng từ cây nến thơm nên tôi cũng chẳng thấy rõ thứ gì. Ngả lưng lên chiếc giường ở đó. Êm thật đấy. Tôi nghĩ thầm. Chẳng mấy chốc tiếng gõ cửa vang lên, "Vào đi." Tôi nói. Một đứa trẻ bước vào, có vẻ cao ngang ngực tôi, tóc đen ngắn, mặc sơmi, và quần Âu. "Cậu bao nhiêu tuổi rồi?" Tôi nhìn chằm chằm vào nó. Cái mờ ảo của ánh nến làm tôi chẳng thể nào thấy rõ khuôn mặt nó, nhưng giọng nói của nó khiến tôi không bao giờ quên được. Cái chất giọng trong, không quá trầm, như nốt sol trên phím đàn. "Hai mươi bảy", nó trả lời gỏn lọn. Tôi có chút ngạc nhiên, nó lớn hơn tôi năm tuổi nhưng dáng người trông chỉ độ mười bảy, mười tám. Tôi gọi nó lại gần, hỏi tên. "Shou". Nghĩa là gì vậy? Không biết. Cậu có cha mẹ không? Không có. Cậu mới làm việc ở đây ngày đầu tiên à? Ừm. Tôi cũng là lần đầu tiên đấy. Tôi là Theodore. Tôi đặt Shou ngồi gọn trong lòng mình. Tay mân mê tay của nó. Bàn tay nhỏ, mềm mại như chưa từng trải qua bất kì một khó khăn gì trong đời. Nhưng tôi biết sự thật không như thế. Chỉ bằng cái ánh nhìn dè dặt nó trao cho tôi, tôi cũng biết bây giờ tôi không thể nào vượt qua lớp phòng ngự mà nó đã xây lên. Tôi nâng cằm Shou hướng về phía mình, cúi đầu sát lại gần nó để quan sát rõ hơn. Nhìn vào đôi mắt xếch kiêu kì của nó- đôi mắt đó đen hoắm, sâu thẳm như muốn nhấn chìm tất cả vào bóng đêm vô tận và nỗi cô độc không thể nào thoát ra khiến tôi cảm tưởng rằng mình đang đi lạc trên một mảnh đất phủ sương mờ. Thật xinh đẹp! Tôi tự hỏi liệu nó có buồn chán như tôi? Liệu khi nhìn tôi bằng đôi mắt sắc như dao đó, nó thấy được gì? Tôi cầm lấy bàn tay nhỏ đặt lên trái tim của mình. Là khát khao, là ham muốn sở hữu, như ngọn lửa cháy bừng trong màn đêm. Cảm giác ấy khiến tôi nhộn nhạo, râm ran. Tôi chạm vào má Shou, vuốt ve nó, luồn tay qua sau đầu, nắm lấy tóc nó rồi đè xuống. Ngực rồi bụng, rồi tới đùi, tôi đẩy nó vào ngọn lửa đang cháy rực trong tôi. Bàn tay mềm mại của nó bấu vào vai tôi như là một điểm tựa. Chúng tôi quấn chặt lấy nhau, tôi ước rằng ngày mai không bao giờ đến.

Và đó là lần thứ hai tôi gặp Shou.

Buổi sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy ở con hẻm ngay bên cạnh quán bar ấy. Có vẻ tôi đã ngủ quên và bị quẳng ra đây như bịch rác. Con hẻm tối tăm, ẩm ướt, tiếng nước chảy dưới cống và mùi hôi thối đặc trưng. Họ đối xử với khách hàng như vậy đấy, nhưng tôi không thấy bực mình. Hơn cả cái cảm xúc tiêu cực ấy, tôi nhớ về Shou. Nhớ cách cậu ta phát ra những tiếng rên rỉ nóng rực, hay cơ thể nhỏ bé vặn vẹo dưới thân tôi, và cả đôi mắt không có gì ngoài nỗi cô độc. Tôi nhìn thấy mình trong đôi mắt ấy, một tôi đang cố gắng vùng vẫy và kêu gào, một tôi đã cầu xin được giúp đỡ. Nhưng suốt khoảng thời gian tối tăm mờ mịt, chẳng có một ai bên tôi. Và bây giờ Shou cũng vậy.

Tôi đứng dậy, phủi sơ quần áo, rồi đi về nhà. Cảm giác muốn được thả mình trong bồn tắm mát lạnh, rửa trôi đi những thứ dơ bẩn trên người, và cả trong tâm trí kéo đôi chân tôi nhanh bước.

Sau lần đó, tôi lại trở về nhịp sống thường ngày. Buổi sáng đi học, chiều học thêm ngoại ngữ, tối làm ngoài giờ kiếm chút tiền tiêu vặt. Cứ lặp đi lặp lại như thế, tẻ nhạt và buồn chán. Đôi lúc tôi nghĩ về đứa trẻ tôi gặp trong con hẻm nhỏ, và về Shou, tôi đã không ngờ rằng Shou chính là đứa trẻ ấy. Khi cậu ta bảo đã từng gặp tôi, tôi có chút bất ngờ, bởi tôi chắc chắn rằng mình chưa bao giờ gặp một ai có đôi mắt đẹp như vậy. Cậu ấy chỉ cười nhẹ nhàng, nói rằng lần gặp đầu tiên chỉ có cậu ấy nhìn tôi. Còn tôi thì như bao người khác chẳng bận tâm gì mà đi qua cậu. Nhưng làm sao cậu nhớ ra tôi vậy? "Mùi của đồng loại", Shou đáp như thế khi theo tôi vào căn phòng trọ của mình. Chúng tôi cứ vậy mà tiến lại gần nhau, tay tôi đặt trên hông cậu, còn tay cậu thì vòng qua cổ tôi. Da thịt nóng hổi, hơi thở vội vàng, và đôi mắt đẹp đến si mê. Chính khoảnh khắc tôi để bóng đen u tối đẹp đẽ trong đôi mắt Shou ôm lấy mình, tôi đã biết tôi không còn đường lui.

"Cậu sống ở gần đây à?" Tôi hỏi Shou khi cậu ấy và tôi cùng ngồi gọn trong bồn tắm, lưng cậu ấy chạm vào ngực tôi, bày tay cậu nắn bóp bàn tay tôi. Shou lơ đãng, cứ nhìn vào khoảng không vô định.

"Không. Tôi. Nơi ở mới."

"Khu vườn màu đỏ."

"Những bông hoa rướm máu. Hoa hồng trắng. Bầu trời cao trong xanh. Nắng vàng nhảy múa. Và rồi đi lạc."

"Mái nhà với những viên gạch đỏ. Bức tường cũ tróc sơn. Và Theodore trước cửa."

Shou nói từng câu gãy khúc. Những thứ chẳng liên quan tới nhau. Tôi nghĩ mình hiểu cậu ấy đang nói gì. Tôi cúi đầu xuống, tựa cằm lên vai Shou, hôn lên bờ vai nhỏ của cậu. Shou thở nhẹ như không khiến tôi ngỡ cậu sẽ biến mất bất kì lúc nào. Tôi không thích những thứ mỏng manh như làn sương mờ, nhưng tôi khao khát Shou dù cậu mỏng manh hơn cả thế. Tôi từng hoài mơ về những ngày cuối tuần cậu ngồi gọn trong lòng tôi mà ngủ, còn tôi sẽ chăm chú vào cuốn giáo trình nhàm chán, chốc chốc lại cúi người thơm lên má cậu nhẹ nhàng khiến hàng mi cậu khẽ lay. Hương tóc Shou hòa vào gió, quyến luyến cánh mũi tôi, và tôi sẽ không thể nào ngừng yêu thương cậu.

"Cậu đến sống cùng tôi nhé?" Tôi ngỏ lời nhưng Shou không đáp lại.

Chúng tôi rơi vào im lặng. Tôi không thấy khó chịu, ngược lại sự im lặng giữa chúng tôi làm tôi cảm nhận Shou rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi giúp cậu lau người, sấy tóc và mặc quần áo. Chúng tôi cùng lăn lộn trong lớp chăn ấm, cùng xem một bộ phim tình cảm tẻ ngắt. Rồi, tôi bảo Shou kể cho tôi nghe về cuộc đời cậu. Shou mắt vẫn dán chặt vào màn hình ti vi đang chiếu bộ phim nhàm chán, trầm ngâm một lúc mới bắt đầu. Rằng:

"Cha mẹ là người Nhật. Nhập cư trái phép. 3 tuổi. Họ gọi tôi, "Shou". Khu tị nạn của dân nhập cư. Cha, bệnh. Dịch hạch. Bị xua đuổi. Không có thuốc. Chết. Mẹ ăn trộm thức ăn. Bị đánh. Nhiều máu. Chết. Bà lão, bánh mì, súp, quần áo. Cho tôi. Bà lão tốt bụng. Bà chết. Tuổi già. Tôi. Ăn trộm. Bánh mì cứng ngắt. Bị đánh. Móc túi. Cờ bạc. Bán thân. Có tiền. Không chết. Lại bị đánh. Quán bar. Phục vụ. Gặp Theodore. Làm tình. Thích."

"Shou chỉ thích làm tình với tôi à?" Tôi hỏi Shou, nửa đùa nửa thật. Cậu ấy ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt lặng thinh không một gợn cảm xúc khiến tôi không thể hiểu được cậu ấy đang nghĩ gì.

Shou cứ nhìn tôi như thế mà không nói một lời. Hai chúng tôi lại im lặng coi phim. Yên bình đến lạ. Điều đó khiến tôi mơ về một giấc mộng đẹp đẽ. Có tôi, có Shou, có chúng tôi.

Và mãi đến lúc rời đi cậu ấy mới nói, rằng: "Cả hai chúng ta đều khát khao có một cuộc sống bình thường."

Rồi Shou biến mất khỏi cuộc đời tôi vào mùa hè năm tôi hai mươi hai một cách nhẹ nhàng như thế. Tôi choàng tỉnh dậy và nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp.

Tôi chưa bao giờ tiếc nuối phải rời xa em ấy. Với tôi, Shou là một nốt lặng tròn trên khuôn nhạc vội vã. Em ấy là điểm dừng, là khoảng thinh lặng, riêng biệt và duy nhất. Chúa đã đem Shou đến bên tôi và Ngài đưa em ấy đi như một lẽ hiển nhiên vậy. Tôi chấp nhận điều đó bởi tôi đã thôi là một đứa trẻ ích kỉ chỉ muốn dành phần hơn cho mình.

Để nói về sự trưởng thành của bản thân thì việc thoát ra khỏi ngôi nhà nơi có người cha nghiện bài bạc và người mẹ vô tâm đã giúp tôi nhận ra khá nhiều điều. Thứ nhất là mẹ tôi không phải kẻ duy nhất đối xử lạnh nhạt với những người thân thiết ở kề bên. Thứ hai, cha tôi không phải gã nghiện bài bạc thảm hại nhất trên đời. Có lẽ cha mẹ tôi không thật sự đối xử tồi tệ với tôi. Chỉ là họ đang dạy tôi rằng ở bên ngoài kia cũng tồn tại đầy rẫy những người sẵn sàng đối xử tệ bạc với tôi như cách họ đang làm. Việc của tôi chính là học thích nghi với nó. Tôi đã lớn lên trong ngôi nhà nhỏ nhưng lại lạnh lẽo và cô đơn như thế. Cha mẹ tôi không yêu nhau và họ cũng không yêu tôi. Tôi chưa từng biết được "yêu" là gì. Những tiếp xúc với con người tôi học được từ cha mẹ chỉ có làm tình và bạo lực.

Vì nhà tôi không khá giả, tiền được cha dâng cho mấy tên côn đồ trong mấy con hẻm nhỏ bốc mùi tệ nạn, còn mẹ thì đốt chúng nuôi những gã trai bao nên tôi chưa bao giờ được đi học. Gia đình tôi thường gặp rắc rối với những nhân viên công tác xã hội về nhiều vấn đề, một trong số đó là việc tôi không được đến trường. Trong trí óc của một đứa trẻ ngu dốt và khờ dại, được nuôi lớn bởi đòn roi và sự lạnh nhạt, tôi chưa bao giờ biết trường học là gì, cũng chưa bao giờ thắc mắc về nó. Nhưng rồi một ngày, khi cha tôi bị những gã đòi nợ thuê đánh đến chết vì ông ta chẳng còn một xu dính túi mà lại làm loạn chỗ làm ăn của chúng thì mẹ tôi ngay lập tức xách vali đi để lại tôi non nớt trong căn nhà tồi tàn, ọp ẹp. Tôi lúc ấy sáu tuổi, không thể nói rõ, và cũng chẳng biết tên của mình, ngồi trong góc nhà chờ đợi được ném cho miếng bánh mì khô cứng ngắc. Tôi đã học được rằng nếu không thể tự mình làm gì thì hãy ngoan ngoãn chờ đợi sự ban ơn của người khác. Nhưng ngày hôm ấy dù tôi chờ đến đói rã và ngất đi, mẹ cũng không trở về và "ban ơn" cho tôi.

Sau đó tôi được các nhân viên công tác xã hội đưa đến trại trẻ mồ côi. Vì đã sáu tuổi nhưng chưa thể nói sõi nên tôi bị bắt nạt khá nhiều, nhưng chiêu trò của bọn con nít có là gì so với những trận đòn của cha. Tôi cứ thế lặng lẽ sống qua ngày, ít nhất thì ở đây tôi được cho ăn ngày ba bữa, được mặc quần áo tuy cũ nhưng đủ để giữ ấm vào những mùa đông giá rét và tôi được học chữ. Tôi còn có thể đòi hỏi gì hơn từ những người xa lạ đang cố gắng cho tôi một chốn dung thân đây? Tôi cũng không biết dành tặng họ thứ gì ngoài sự biết ơn sâu sắc. Đó là cách mà tôi học hỏi về thế giới con người. Tôi biết được rằng họ chẳng cho không tôi thứ gì, chỉ là họ lấy đi những thứ thuộc về tôi mà tôi không hay.

Đến khi tôi lên tám, một cặp vợ chồng già nhận nuôi tôi. Ông bà Vallahal tuy đã lớn tuổi nhưng đáp ứng đủ điều kiện về kinh tế cũng như đạo đức, vừa vặn nhận nuôi một đứa trẻ như tôi. Ông Vallahal có những nét nghiêm khắc trên gương mặt đầy những nếp nhăn, tuy ông đã già nhưng vẫn đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Cảm giác như một người lính khắc khổ. Còn bà Vallahal thì nhu mì và ấm áp. Bà ôm tôi, khen tôi đáng yêu, giống hệt ông khi bé, bà nhìn những bức tranh tôi vẽ, những bài văn tôi viết rồi tấm tắc khen ngợi sự tài giỏi, thông minh của tôi. Bà bảo chẳng thể đợi nổi cho đến khi tôi về ở với ông bà trong một ngôi nhà. Khi ngày đó đến, tôi tạm biệt các sơ, và những đứa trẻ luôn bắt nạt mình, nắm tay ông bà Vallahal đến ngôi nhà mới. Nhà của ông bà Vallahal không to, không nhỏ, tôi có hẳn một căn phòng riêng để ngủ. Trong căn phòng ngoài giường và bàn học thì không có gì cả. Ông bà bảo tôi nếu cần gì thì cứ nói, ông bà sẽ mua tất cả cho tôi. Với những bài học vỡ lòng về cho và nhận, tôi biết rằng mình cũng phải cho ông bà một thứ gì đó xứng đáng với những gì tôi nhận được nhưng lúc đó tôi nghĩ mãi mà chẳng biết phải cho đi thứ gì.

Năm tôi lên mười, tôi đã được đến trường học như bao người bạn đồng trang lứa, ở trường tôi học được nhiều thứ hơn về thế giới này. Tôi biết rằng có sự phân biệt giữa những đứa trẻ xinh đẹp và những đứa trẻ xấu xí, những đứa trẻ giàu có và những đứa trẻ nghèo. Sự phân biệt đối xử, những bất công mà tầng lớp thấp hơn phải gánh chịu đã thấm sâu vào xương máu tôi từ rất lâu rồi. Nhưng ở đây, tôi không phải đứa trẻ xấu xí, tôi cũng không phải đứa trẻ nghèo. Tôi là đứa trẻ không cha không mẹ. Tôi khác biệt. Nếu sự khinh thường, ghét bỏ của bọn trẻ con lộ rõ ra bên ngoài và chẳng đáng là gì thì sự coi khinh của những người lớn ẩn sâu dưới lớp da người đầy ấm áp khiến tôi nghĩ về tình yêu và sự bao bọc, thứ mà cả tuổi thơ tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Tôi dễ dàng nhận ra ngay dối trá trên khuôn miệng cười của giáo viên, nhưng nó cũng chẳng hề gì bởi bây giờ tôi có ông bà ở bên. Tôi đã học được rằng khi chúng ta có một điểm tựa, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn gấp ngàn lần.

Rồi năm tháng trôi qua, tôi ngày càng lớn còn ông bà Vallahal mỗi lúc một già đi. Họ yếu ớt và cần được tôi chăm sóc. Ông Vallahal vẫn mang gương mặt nghiêm nghị đến xa cách nhưng vì đã quen với nó, tôi không thấy ông khó gần. Bà Vallahal thì yếu đi rất nhiều, mắt bà cũng kém, cả ngày chẳng làm gì chỉ mãi ngắm nhìn khu vườn nhỏ phía sau nhà. Một hôm tôi nghe bà gọi: "Thereode". Tôi không biết Thereode là ai. Không phải là ông cũng không phải là tôi. Đó có thể là ai được nhỉ? Tôi không biết và cũng chẳng mấy quan tâm. Nhưng dần dần tần suất bà gọi cái tên ấy ngày một nhiều. "Thereode", "Thereode", "Ôi cháu yêu của bà, cháu đã lớn ngần này rồi sao." Bà vuốt ve mái tóc tôi và mỉm cười hạnh phúc. "Bà ơi, cháu là Theodore, là bà đã đặt cho cháu cái tên ấy mà. Bà lại quên sao?" Tôi hỏi, bà chỉ cười xòa, "Ừ, cháu là Theodore. Là Theodore nhỉ?" Vào những năm tôi mười ba tuổi ấy, tôi học được cách chăm sóc người khác, sự nhẫn nại đã được rèn luyện từ thuở bé khiến tôi không phát cáu lên mỗi lần ông bà nhớ nhớ quên quên. Và tôi cũng nhận thức được rằng đây chính là thứ mà tôi phải cho đi khi nhận được sự chăm sóc của ông bà lúc còn bé.

Cuối năm tôi mười ba tuổi, bà mất. Đó là một đêm mùa đông lạnh ngắt, tôi hôn chúc ngủ ngon và thổi nến cho bà. Bà lại gọi tôi là Thereode nhưng bà nhớ lại ngay, rồi ngại ngùng nói lời xin lỗi. Tôi bảo rằng không sao đâu, nhưng người đó là ai vậy ạ? Bà chẳng nói gì và chìm vào giấc ngủ say. Tôi không biết rằng đó là nụ hôn chúc ngủ ngon cuối cùng mà tôi dành cho bà. Tang lễ của bà có rất nhiều người tham dự. Bởi sự dịu dàng và ấm áp bà vẫn luôn trao cho mọi người, mọi người cũng yêu quý bà như thế. Rồi ông Vallahal cũng theo bà chẳng bao lâu sau. Tôi chăm lo cho mọi thứ một cách chu toàn dù chỉ mới bước sang tuổi mười bốn. Tang lễ của ông cũng được tôi chăm chút cẩn thận, chỉ khác là chẳng có ai ngoài tôi tham dự. Cho và nhận, cân bằng hoàn hảo trên thế gian này, tâm trí tôi thấm nhuần cái tư tưởng ấy. Sau tang lễ, tôi dọn dẹp lại căn nhà. Tôi tìm ra được một bức ảnh trong phòng của ông bà. Bức ảnh của một cậu trai chỉ tầm tám tuổi với đôi mắt xanh lấp lánh như loại đá quý đắt tiền và mái tóc vàng mềm mại như nắng mai, ôm trái bóng đứng giữa sân vườn. Nếu chỉ lướt qua thôi tôi đã ngỡ đây là ảnh chụp mình khi bé. Nhưng cậu bé ấy đang cười, còn tôi thì chưa bao giờ cười tươi như thế. Mặt sau ảnh có dòng chữ "Thereode, 06.10.xx". Tôi hiểu ra rồi. Cho và nhận. Tôi chẳng cần làm gì cả cũng đã cho ông bà Vallahal đủ những gì ông bà cần. Ông bà không cần tôi ngoan ngoãn vâng lời, không cần tôi chăm sóc, không cần bất kì thứ gì từ tôi. Trừ khuôn mặt này. Nếu tôi không có khuôn mặt giống Thereode như đúc thì tôi cũng không được nhận những thứ tôi đã nhận từ ông bà. Thereode, Theodore. Cho và nhận, cân bằng hoàn hảo trên thế gian này.

Tôi lại quay trở về trại trẻ mồ côi ấy, các sơ chào đón tôi với khuôn mặt niềm nở, "Ôi con đã lớn nhường này rồi sao", họ tấm tắc khen ngợi tôi về những gì tôi có được, từ vẻ bề ngoài cho đến cách hành xử và học thức. Bảy năm ở cùng với ông bà Vallahal đã dạy tôi rất nhiều điều, từ cách đối nhân xử thế, cách để khiến người khác hài lòng, cách để bỏ ngoài tai những lời lẽ cay nghiệt. Tôi không có tài năng gì hơn ngoài sự nhẫn nại và nó đã được trui rèn từ khi tôi còn đỏ hỏn đến tận bây giờ. Tôi vẫn dùng tên Theodore Freud Vallahal, cái tên mà bà đã đặt cho tôi bởi ngoài nó ra tôi chưa từng có một cái tên nào cả. Cha mẹ gọi tôi là thằng rác rưởi, thằng ngu dốt, thứ thừa thải, những đứa trẻ khác thì gọi là thằng mồ côi, còn các sơ vẫn quen gọi tôi là 47685, số hiệu của tôi khi bước vào trại trẻ.

Bởi tôi đã mười bốn, các bậc phụ huynh thường không chọn những đứa trẻ đã lớn, họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ khó uốn nắn răn dạy hơn nên tôi cứ ở lại trại mồ côi, tiếp tục việc đi học ở trường nhờ có được học bổng và trợ cấp chính phủ. Cứ bình thường như thế tốt nghiệp phổ thông rồi đăng kí học đại học. Khi vừa tròn mười tám tuổi và được làm căn cước công dân, tôi ra riêng, dùng số tiền tiết kiệm ông bà Vallahal để lại cho tôi mà tìm một phòng trọ giá rẻ. Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên buổi sáng đến trường, chiều học ngoại ngữ và tối đi làm thêm. Có lẽ bởi vẻ bề ngoài và khéo ăn khéo nói, tôi khá được lòng mọi người. Tôi hòa nhập với xã hội như hạt cát hòa vào sa mạc. Sống bình thường qua ngày, thu nhập ổn định, có học thức và được an toàn. Tôi không còn khác biệt nữa. Tôi sống như bao con người đang đổ xô bên ngoài khung cửa sổ. Thật bình thường. Thật nhàm chán.

Đó là cách mà một đứa trẻ chui rúc trong bóng tối, thèm khát dù chỉ một tia nắng từ thế giới bên ngoài như tôi trưởng thành. Cả thời thơ ấu của tôi giống như một đêm dài đằng đẵng. Tôi thao thức, mắt mở to, thao láo nhìn vào những con quỷ khoác miếng da người, ác độc nhe nanh vuốt. Chúng đâm tôi bằng thứ vũ khí hung trong lửa đỏ, chúng cào cấu tôi bằng bàn tay với móng vuốt sắc lẹm. Chúng đứng nhìn tôi, nhìn tôi, nhìn tôi. Không làm gì cả. Chúng mặc tôi vật lộn với cơn đau trên da thịt. Chúng phấn khích khi trái tim tôi rỉ máu còn tâm trí tôi chìm sâu trong sợ hãi cùng nỗi hoang mang. Tôi khẩn cầu ngày mai mau đến. Nhưng tôi chẳng thể ngủ ngon bởi những cơn ác mộng kéo dài.

Tôi so với những người bình thường khác thiếu thốn đủ điều, nhưng tôi vẫn ổn. Hoặc chí ít, tôi cố tỏ ra là mình ổn. Tôi vẫn sống được qua ngày, tập hài lòng với những gì mình đang có. Trong tâm trí tôi chưa bao giờ có một ý niệm, một khát khao được như người khác, tôi chỉ cần cái bụng không đói, cổ họng không khát khô là đã quá đủ rồi.

Tạm gác những câu chuyện buồn từ quá khứ, tôi nhận ra một vài điều. Rằng Shou đang cố gắng chạy trốn khỏi tôi. Em sợ tình cảm của tôi không thật. Như cách tôi sợ rằng em chỉ là ảo tưởng của riêng tôi. Cả hai chúng ta đều khát khao có một cuộc sống bình thường ư? Phải rồi, tôi là Theodore Freud Vallahal, sinh viên năm cuối của một trường Đại Học, buổi sáng đi học, chiều học thêm ngoại ngữ, tối làm ngoài giờ kiếm chút tiền tiêu vặt. Cứ lặp đi lặp lại như thế, tẻ nhạt và buồn chán. Cuộc sống của tôi, của một người bình thường lẽ ra phải là như thế. Vậy mà tôi lại gặp Shou. Tôi không tiếc nuối vì phải rời xa em. Em đến bất ngờ, và đi cũng vội vã. Em cho tôi những gì tôi cần, và tôi cũng cho em những điều tương tự. Bất kì định luật nào mà tôi từng học đều đúng với tôi bây giờ. Nên nó hẳn là điều hiển nhiên. Nên tôi không tiếc nuối.

Tôi vắt tay lên trán, thở dài. Hơi thở kéo theo tất cả những suy tư của tôi trút ra ngoài nhưng chúng lại ngay lập tức mon men bò lại vào tâm trí tôi. Tôi không biết mình đang nghĩ về điều gì. Có lẽ là về tôi, có lẽ là về em, có lẽ là về chúng ta nữa. Tôi không biết mình đang muốn làm gì. Có lẽ tôi muốn chăm sóc em, có lẽ tôi muốn làm người yêu em, có lẽ tôi chỉ muốn em. Nhìn qua chỗ nằm cạnh bên do Shou bỏ trống, em chỉ vừa mới rời đi, drap giường vẫn còn ấm nóng, cơ thể em vẫn in hằn trên lớp chăn mỏng. Đầu óc tôi rối như tơ vò. Nhưng lại không có gì cụ thể hiện ra. Trống rỗng mà lại rối rắm vô cùng.

Tôi không tiếc nuối vì rời xa em. Tôi đã cho rằng mình nghĩ như thế.

Sau ngày hôm đó, tôi lại chậm rãi quay về cuộc sống hằng ngày mà tôi đã quen. Tôi không nghĩ về Shou nhiều nữa. Vì tôi không có thời gian để dành cho điều đó. Buổi sáng đi học, chiều học thêm ngoại ngữ, tối làm ngoài giờ kiếm chút tiền tiêu vặt. Cứ lặp đi lặp lại như thế, tẻ nhạt và buồn chán. Dẫu vậy đôi lúc, em vẫn vô tình xuất hiện trong tầm mắt tôi, khi nhìn lại thì chẳng còn em ở đó.

Tôi không tìm Shou, dù tôi biết nơi em làm việc. Tôi cho rằng nếu Chúa muốn tôi và em ở cạnh nhau thì bằng một cách diệu kì nào đó, chúng tôi sẽ ở cạnh nhau. Mặt khác, tôi khinh khi chính mình bởi đã lấy Chúa ra làm tấm bia cho sự hèn nhát của tôi. Tôi tự cho mình cái quyền quyết định mọi sự vì Shou trông mới yếu ớt và mảnh khảnh làm sao, như thể nếu không có bờ vai của một người đàn ông làm điểm tựa thì em chẳng thể làm gì. Tôi tự hỏi tôi lấy đâu ra cái tự tin rằng mình có thể dẫn dắt và bảo bọc em. Vì tôi cũng là trẻ mồ côi? Vì tôi cũng từng bị bạo hành? Và bây giờ tôi có một cuộc sống ổn định, nên tôi được thay em quyết định cuộc đời em ư? Tôi lấy đâu ra cái quyền đó? Tôi nghĩ rằng mình hiểu Shou. Tôi nghĩ rằng trên thế giới này có chúng tôi và phần còn lại của thế giới. Nhưng tôi chẳng biết gì về em ngoài những câu chuyện rời rạc em kể. Vài ba câu chuyện nhỏ, vài lần tan vào nhau, những nụ cười nhàn nhạt thoáng qua, đôi mắt đen sâu hoắm.

Tôi biết gì về em?

Thế giới này không phải là chúng tôi và phần còn lại của thế giới mà là em, tôi và những người khác. Tôi chẳng màng đến những con người hòa vào nhau trên phố, tôi chỉ muốn em.

Yêu?

Tôi không dám chắc. Tôi chưa bao giờ yêu, cũng chưa bao giờ được yêu cả. Tôi chỉ biết được nó là ấm áp, là dịu dàng, là tất cả những gì mà tôi còn thơ bé mong mỏi từng ngày.

Khi nghĩ về Shou, lồng ngực tôi thắt lại, căng tức, nơi ruột gan tôi cứ cồn cào, bứt rứt, tôi chẳng thể hình dung ra bất kì ý niệm nào ngoại trừ em. Tôi thấy đau và khó chịu trong nguời. Liệu đó có phải là yêu không?

Và còn "cuộc sống bình thường" mà em từng nói, đó là gì? Là giống như những con người đổ xô xuống phố? Là có học thức, có công việc, và có gia đình? Hay là yêu, rồi cưới một cô gái và sinh những đứa con? Dù có là như thế nào đi chăng nữa thì cả em và tôi cũng chẳng bao giờ có thể trở thành bất kì ai trong số họ. Chúng ta sẽ mãi là những kẻ ngoài rìa xã hội, những đứa trẻ bị bỏ rơi, và là những người khác biệt. Em và tôi, tôi và em. Chúng ta cùng những người khác tạo thành thế giới. Chúng ta không thể có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Chúng ta chỉ có thể sống cuộc đời của chính chúng ta. Có hèn mọn, có rẻ mạt thì cũng là ta. Tôi nghĩ vậy, những vẫn chẳng thể hiểu được điều em muốn nói.

Mà nghĩ mãi cũng chẳng được gì, tôi sốc lại tinh thần, chạy vội từ trung tâm ngoại ngữ đến quán bar nơi em làm. Hoàng hôn đổ bóng dưới chân tôi, mặt trời đỏ hồng nóng rực, mây xô vào nhau, tan ra như rán gà nồng đậm. Con phố tấp nập, người người xe xe rộn ràng, inh ỏi. Những tiếng chuyện trò, tiếng nhạc du dương từ những quán cà phê, tiếng chuông ra vào của những cửa hàng tiện lợi. Đẹp đẽ, ồn ào và chân thực đến thế nhưng tôi chẳng cảm nhận được gì. Hơi thở vội vàng, tim tôi đập nhanh theo từng bước chạy, mắt tôi mờ đi, tôi nghĩ rằng chỉ gần gặp được Shou thì tôi có chết cũng yên lòng. Cảm xúc đổ đầy trong tôi khiến tôi như bùng nổ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được bản thân mình rõ ràng đến thế. Tôi chẳng nghĩ gì ngoài tìm được em.

Đến nơi, tôi dừng chân lại. Bắp chân tôi mỏi rã rời, đến hô hấp cũng trở nên khó khăn. Mồ hôi đổ trên trán, lấm tấm trên lưng tôi, tóc tai bết lại, quần áo xộc xệch nhưng tôi không bận tâm đến nó mà cứ vậy tiến lại gần cánh cửa.

Chỉ mới sáu giờ chiều, mặt trời còn chưa tắt, phố vẫn chưa lên đèn và quán bar cũng chưa mở. Tôi ngồi gục xuống con hẻm cạnh bên, thở dốc. Tôi gặp Shou lần đầu là ở đây, lần thứ hai thì bị đá ra đây, và bây giờ, tôi cũng đến nơi này để tìm em. Con hẻm nhỏ, ẩm ướt và bốc mùi hôi thối, chẳng giống bộ phim lãng mạn chúng tôi cùng coi. Nhưng tôi không nghĩ nhiều, điều quan trọng lúc này là làm sao để tìm được em.

"Theodore?"

Thanh âm không trầm, không bổng, như nốt sol trên phím đàn kéo tôi dậy. Tôi ngẩng đầu, mắt tôi chưa kịp quen với ánh sáng, mờ ảo nhận ra dáng người quen thuộc.

"Shou! Đến ở cùng tôi, nhé?"

"Hả?"

"Sau ngày hôm ấy, tôi quay về cuộc sống thường ngày. Tôi đi học, học thêm, đi làm. Tôi bận bịu suốt cả ngày dài. Tôi không nghĩ đến em. Nhưng cũng không quên em được. Tôi nghĩ về những gì em nói. Về ngôi nhà mái đỏ, một bức tường tróc sơn, một vườn hoa hồng trắng. Về cuộc sống bình thường. Về tôi, về em. Tôi không biết cuộc sống bình thường mà em nói là gì. Tôi không hiểu. Nhưng tôi đã nghĩ mình muốn em."

"Shou ơi, đến ở cùng tôi nhé? Có được không?"

Shou lặng im. Hoàng hôn đỏ rực rỡ. Bóng tôi quấn lấy bóng em dù giữa tôi và em là khoảng cách ba bước chân giữa hai người xa lạ. Tôi chờ đợi một cái gật đầu, hoặc không. Như thế nào cũng được cả. Bởi những gì tôi làm được tôi đều đã làm cả rồi. Quyền quyết định là thuộc về em. Tôi nghĩ rằng vào giây phút tôi tỏ hết lòng mình cho em thì tôi đã hoàn tất mục tiêu cuộc sống của mình, bởi tôi chưa từng mong cầu điều gì nhiều như thế cả. Thời thơ ấu của tôi ấy, như đêm đen dài đằng đẵng và tôi chỉ ước rằng ngày mai mau đến để mặt trời xóa tan bóng tối trong tôi, xua đi những cơn mơ về quỷ da người. Tôi không muốn dừng lại ở ngày hôm nay vì tôi sợ rằng mình chẳng còn sống nổi nữa. Tôi vật vờ từng ngày từng ngày, giữ một niềm tin rằng ngày mai sẽ khá hơn. Tôi không biết dựa vào đâu mà mình lại có niềm tin đó nữa, chỉ là tôi khi ấy, chẳng thể làm gì ngoài hi vọng. Còn ngay lúc này đây, tôi mong rằng ngày mai không bao giờ đến. Xin hãy giam tôi tại khoảnh khắc này, khi em nhìn tôi chăm chú, đôi mắt đen dao động, cái vẻ trầm ngâm cũng đáng yêu đến lạ. Tôi chỉ muốn thời gian dừng lại khi tôi và em chưa xa nhau. "Hay là em đừng trả lời vội tôi vẫn-" Tôi còn chưa dứt câu thì em đã cất tiếng:

"Ừ."

Tai tôi lùng bùng, từng tế bào não tôi vận hành hết công suất cũng không thể nào hiểu được điều em đang nói. Phổi tôi hô hấp vội vàng hơn, tim như muốn nhảy cả ra ngoài.

"-muốn làm bạn với em...Hả?" Tôi hỏi lại, mặt nghệt ra, tôi chẳng biết tôi trông thế nào nhưng nếu giống một tên ngốc thì tôi đã là một tên ngốc ngay khi chạy từ trung tâm ngoại ngữ đến đây rồi.

"Ở cùng Theodore."

Em điềm đạm trả lời. Nhẹ tênh như lẽ hiển nhiên vậy. Tôi bước thêm ba bước tiến lại gần em, chân tôi đi còn chẳng vững, nhướn người ôm lấy em vào lòng.

Tôi đã sống một cuộc đời vô vị như một con chuột chỉ biết rúc trong xó nhà, nhón người nhìn qua khung cửa sổ và khát khao trở thành một ai đó. Tôi muốn có một cái tên, tôi muốn được công nhận, tôi muốn có một cuộc sống bình thường. Tôi không thể hiểu bình thường là như thế nào. Nhưng tôi không muốn làm con của một người cha nghiện bài bạc hay một người mẹ ngoại tình. Như thế liệu có phải bình thường không? Rồi tôi lại nghĩ, nếu tôi không phải đứa trẻ sinh ra trong ngôi nhà nhỏ và lạnh lẽo ấy thì tôi cũng không trở thành tôi bây giờ. Tôi không thể biết liệu cuộc sống mình có tốt hơn không. Nhưng tôi thích tôi của hiện tại.

Tôi hài lòng với việc mình yêu Shou.

"Tôi yêu em."


fin.

7/10/2021

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com