Edit Bjyx Chuyen Tinh O Lan Dao
Nghe chán những bài hát cũ một khoảng thời gian, sau đó lại tìm những bản nhạc rock yêu thích từ thuở thiếu thời của Queen, Nirvana, Led Zeppelin... nghe đi nghe lại từ sáng đến tối, cùng nhún nhảy, cùng gào thét... cứ như vậy hai ba ngày, Tiêu Chiến quyết định đi ra ngoài. Tóc anh đã lại dài thêm một chút, thật sự cần được cắt tỉa, vì thế liền tùy tiện ghé vào một tiệm cắt tóc mà anh đi ngang qua. Đó là cửa tiệm của một cặp vợ chồng già, kiểu trang trí rất cũ, một chiếc TV kiểu cũ treo trên tường đang phát những bài hát của La Đại Hữu. Hết bài này lại đến bài khác, khi phát đến bài "Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn", Tiêu Chiến bất giác ngân nga hát theo: "Gió xuân không hiểu phong tình, thổi làm lay động trái tim thiếu niên." Người thợ cắt tóc lớn tuổi lên tiếng: "Cậu còn trẻ như vậy, có biết bài hát này là từ năm nào không?" "Năm 85, năm đó cháu mới bốn tuổi ạ."Người thợ cắt tóc tiếp tục câu chuyện: "Ồ, người trẻ tuổi rất ít người biết. Vậy cậu có biết vì sao bài hát này lại được viết ra không?" "Vì nạn đói và chiến tranh ở Châu Phi, Michael Jackson đã viết 'We Are The World', còn La Đại Hữu viết 'Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn'. Mặc dù ở một số nơi trên thế giới vẫn còn chiến tranh, nhưng lúc đó cả thế giới đều cảm thấy tràn đầy hy vọng ạ." "Đúng vậy. Sau đó một số ban nhạc Rock nổi tiếng đã tổ chức một buổi biểu diễn từ thiện 'Live Aid', tất cả tiền bán vé đều được quyên góp cho người tị nạn Châu Phi. Lúc đó tôi cũng chỉ tầm tuổi cậu bây giờ, TV lại không phát sóng, chỉ có thể đọc được tin tức trên báo chí. Tôi nói cho cậu biết, mặc dù chỉ có như vậy nhưng tôi vẫn phấn khích đến nỗi cả đêm không ngủ được. Tôi còn tưởng rằng hòa bình thế giới không còn xa nữa." Tiêu Chiến cười cười, không nói tiếp. Người thợ cắt tóc lại nói, "Gần mười năm sau, năm 95, tôi mới mua được chiếc đĩa DVD của buổi biểu diễn đó. Khi đó tôi đã mở tiệm cắt tóc này, vừa mua về liền không đợi được muốn xem ngay lập tức, nhưng khách vẫn còn nên tôi chỉ đành vừa cắt tóc cho khách vừa nghe. Khi ca sĩ chính của ban nhạc Queen giơ micro lên, tôi đã phấn khích đến mức cắt cả vào tai của khách, khiến vị khách đó chảy máu." "Có điều, khi đó kỹ thuật thật sự chưa tốt..." Người thợ cắt tóc không có ý định dừng lại, nhưng suy nghĩ của Tiêu Chiến đã sớm trở về quá khứ. Năm 1995, ở tuổi mười bốn, cậu bé Tiêu Chiến đã không cần phải có ba mẹ đi cùng nữa, có thể một mình đi tàu và đi phà đến Lan Đảo nghỉ hè. Đeo trên lưng một chiếc ba lô thật lớn, bên trong chứa mấy bộ quần áo để thay đổi và một ít sách vở để ôn tập trong mùa hè mà cậu chưa từng có ý định sẽ động tới, cậu một mình đến bến tàu ở cảng Khai Nguyên. Món quà dành cho em trai được xách trên tay, là một đôi giày Nike trắng đến phát sáng. Lần này, đôi giày cậu mua tuyệt đối sẽ không bị nhỏ, cậu đã mua lớn hơn hẳn hai cỡ so với năm ngoái. Lúc cậu nhìn thấy chiếc xe moto cảnh sát cũ đến không thể cũ hơn của Trần Kiến Niên dừng ở ven đường, A Niên đang hướng về phía bờ biển hô to: "Nhất Bác, A Chiến tới rồi!" Một con cá lớn thình lình từ trong nước nhảy thẳng lên, vừa ngoi lên khỏi mặt nước, biểu hiện đầu tiên trên khuôn mặt chính là nụ cười tỏa nắng. Tiêu Chiến tự hỏi Vương Nhất Bác có phải từ khi còn ở dưới nước đã toét miệng cười rồi hay không?
Thằng nhóc kia để trần thân trên, cả người gầy như một con cá khô nhỏ, nhưng lại rất cao. Cơ thể tám tuổi của cậu đã bắt đầu có những đường nét tinh tế của một kiện tướng bơi lội. Lạch bạch lạch bạch. Con cá khô nhỏ vừa lên bờ, lập tức biến thành một con cún nhỏ với bộ lông ướt sũng, lắc lắc mái tóc ngắn cũn cỡn muốn vẩy đi nước biển đang bám trên người, mặt đất dưới chân cậu đọng một vũng nước nhỏ, rất nhanh đã bị ánh mặt trời gần đường xích đạo hong khô. "Anh ơi, anh đến trễ một ngày, tin tức nói trường học ở Đài Bắc hôm qua đã được nghỉ." Tiêu Chiến nắm lấy bàn tay nhỏ bé ướt sũng của cậu, "Hôm qua anh đi thăm ông nội." "Ông nội?" "Chính là ông nội của anh." Đôi mắt Vương Nhất Bác tròn xoe: "Vì sao ông nội không đến Lan Đảo?" Tiêu Chiến cười, "Ông nội nói lúc còn trẻ ông đã ngồi thuyền đủ rồi." Tiểu Nhất Bác rất thích người anh trai này của mình, ngồi sau xe moto của A Niên cũng nắm chặt tay anh cậu không buông. Con đường quanh đảo lúc cao lúc thấp, chiếc xe cũ nát của Trần Kiến Niên chở theo hai đứa trẻ, ba lô của Tiêu Chiến đặt trên bàn đạp, không thể không giảm tốc độ, ngược chiều gió chạy về phía ngôi nhà ngầm của bà nội Vương Nhất Bác dưới cái nắng chói chang vô cùng oi bức. Vừa về đến nhà liền được bà nội đãi kem đá bào khoai môn, mỗi người một tô, cả A Niên cũng có phần, ba cái đầu gần như muốn chôn luôn vào trong tô. Mùa hè miền nhiệt đới thực sự khắc nghiệt, may mắn thay, 'tiệm nước ngọt BoBo' có chiếc máy làm đá bào duy nhất ở Lan Đảo. Một năm nay, chính quyền xã đã dốc sức quảng bá du lịch Lan Đảo, không ít du khách từ Đài Đông đi phà Hằng Tinh Luân đến đảo chơi, công việc kinh doanh của tiệm nước ngọt BoBo cũng rất phát đạt. Sáng sớm mỗi ngày, bà nội đều phải cắt hai giỏ khoai môn mới đủ bán, vì thế, Nhất Bác bé nhỏ cũng vác một chiếc giỏ lớn, theo bà nội đến ruộng đào khoai, như vậy thì bà nội cũng sẽ đỡ phải đi thêm một chuyến. Bà nội làm lụng vất vả, lưng lại càng còng thêm, không cần phải cúi xuống cũng có thể chạm được đến những củ khoai môn chui dưới đồng ruộng. Vất vả thì vất vả, dù sao cửa hàng cũng kiếm được tiền. Mỗi tháng, khi mang những xấp tiền nhăn nhúm đem gửi vào tài khoản ngân hàng, bà đều sẽ cười thật vui vẻ và hạnh phúc, luôn miệng nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Đạt Ngộ, rằng số tiền này là để dành cho Tiểu Nhất Bác sau này đi Đài Bắc học Trung học và Đại học. "Con sẽ không đi Đài Bắc học, con muốn ở lại trên đảo cùng bà Nội, sẽ ra biển giống như ba!" Mỗi lần như vậy, bà nội đều khựng lại, cũng nhớ ba cậu thật lâu. Lan Đảo có trường Tiểu học và Trung học cơ sở, học sinh cấp ba sẽ được đưa ra khỏi đảo để tiếp tục đi học. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không có tiền để đi học, chỉ có thể ở lại đảo học cách đóng ca nô và đi biển đánh bắt cá với cha của chúng. Bà nội không nói được tiếng phổ thông, khách du lịch cũng không hiểu tiếng Đạt Ngộ cổ xưa, nhưng chỉ cần họ ăn một muỗng kem đá bào khoai môn dẻo thơm ngọt, thì mọi giao tiếp khác không còn là vấn đề nữa. Những lúc như vậy, bà chỉ cần mỉm cười và thu tiền là được. Chuyện như vậy cũng xảy ra ở cửa hàng cá chuồn của bà lão bên cạnh. Tiêu Chiến cũng không biết nói tiếng Đạt Ngộ, nhưng đây đã là mùa hè thứ tư cậu sống trong ngôi nhà ngầm của bà nội. Cậu rất thân cận với bà nội, muốn cái gì sẽ nắm lấy tay bà ra hiệu, đôi bàn tay bởi vì lam lũ mà đầy những nốt chai sần, nhưng không giống với những vết chai sần do cầm súng của ông nội. Sau khi ăn hết một tô kem đá bào nhỏ, nước quả Lâm Đầu* lại được mang ra. (*林投果 – Quả Lâm Đầu: Lâm Đầu là một loại cây phổ biến ở Lan Đảo, rễ nhánh khỏe, có tác dụng chắn gió và chắn cát rất tốt. Quả Lâm Đầu chín có màu đỏ cam, trông hơi giống quả dứa, có thể ăn sống, nấu súp hoặc ép lấy nước. Quả có vị ngọt nhẹ, thanh mát, có tác dụng giải khát.)
(Ảnh minh họa: Quả Lâm Đầu) Lâm Đầu Quả là loại trái cây đặc trưng ở Lan Đảo, ăn sống có vị hơi đắng nhưng khi nấu nước lại có vị ngọt thanh, có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nếu dùng máy tạo bọt do ba Tiêu Chiến tài trợ, đánh lên bọt khí, quả thực chính là món nước thần tiên mà A Niên cực kỳ yêu thích. Ba người giống như đang cùng tham gia một cuộc thi đấu, thi xem ai uống nhanh nhất, chỉ cần một hơi đã có thể cạn một ly. Bà nội ở bên cạnh cất giọng - nói bằng tiếng Đạt Ngộ, bảo cả ba uống chậm một chút, nhưng ai cũng làm như không hề nghe thấy. Ba cái ly nháy mắt liền thấy đáy. Một đứa trẻ tám tuổi, một thiếu niên mười bốn tuổi và một người đàn ông ba mươi lăm tuổi, ngồi thành một hàng cùng ợ hơi, còn thi xem ai ợ lớn hơn. A Niên gian xảo đương nhiên lại là người chiến thắng, người thua cuộc sẽ phải đến xin bà nội thêm một tô đá bào khoai môn khác. A Niên phải quay về đồn cảnh sát làm việc, miệng cười hắc hắc. Tô đá bào khoai môn mà người thua cuộc xin được kia, chính là thứ mà hắn muốn mang đến cho Cố An Tự. Một đoạn đường ngắn từ nhà ngầm đến trạm y tế, đầu chiếc xe moto cũ nát lại long lên, nhưng hắn cũng không hề giảm tốc độ, nếu không đá bào khoai môn sẽ tan chảy ra hết. Vương Nhất Bác lại cao hơn một chút, cao hơn so với các bạn học cùng lớp, chân cũng dài hơn chân của các bé trai cùng tuổi, nhưng anh trai vừa đến, cậu lập tức trở thành một đứa nhỏ không hơn không kém. Đôi giày năm nay anh trai mang đến rất đẹp, nhưng lại lớn hơn một cỡ so với chân của cậu, vì thế cậu vẫn không thể mang. A Niên bảo Nhất Bác phải ăn nhiều cá hơn, để lớn nhanh hơn, đến mùa đông tới cậu có thể mang vừa đôi giày này. Con đường trải nhựa bị nung chảy dưới ánh mặt trời, nóng đến mức chân không dám chạm đất, Vương Nhất Bác đành phải xỏ đôi dép lê lớn mà ba cậu để lại, chạy nhảy khắp nơi. Lúc đi vào rừng, bùn đất sau cơn mưa mềm mại lại mát mẻ, nên cậu lại bỏ dép ra, xâu lại bằng một sợi dây lấy từ lưới đánh cá, đeo trên lưng và tiếp tục chạy nhảy bằng đôi chân trần. Tiêu Chiến học theo Vương Nhất Bác, cởi giày ra đi chân không. Giày thể thao không thể treo trên lưng, cậu liền đến trạm y tế mượn đôi dép lê của A Tự xỏ qua sợi dây, đeo vào rồi liền không muốn trả lại nữa. Khi đeo đôi dép lê trên lưng, bàn chân như lún sâu xuống mặt đất, tựa như đã mọc rễ, níu bước cậu ở lại Lan Đảo.
Lặn biển là môn học bắt buộc ở Lan Đảo vào mùa hè, khi bà nội ngủ trưa, hai anh em men theo con đường nhỏ trong rừng đến cảng Khai Nguyên, dọc theo con đường có rất nhiều những cây nhãn trĩu quả, họ vừa đi vừa hái ăn, hái suốt dọc đường cho đến khi đến được bến tàu thì tay và cằm đều đã dính nhớp nháp. Vương Nhất Bác xông tới, xoay người ngã xuống biển, hơi nóng lập tức được xoa dịu. Sau đó lại nhảy lên khỏi mặt nước, nước đường trong quả nhãn dính trên người đã bị nước biển cuốn trôi hoàn toàn. Cậu lao vào bờ hét lên: "Anh ơi, nhảy xuống đây đi!" Tiêu Chiến háo hức muốn thử nhưng lại hơi sợ. Lúc này cậu vẫn còn là một con vịt khô, khi đến hồ bơi ở Đài Bắc, cậu vẫn còn phải đeo phao cứu sinh. Trải nghiệm bơi lội đầu tiên của vịt khô diễn ra ở Thái Bình Dương thật sự đáng nhớ. Khoảnh khắc chìm vào trong nước, cậu cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, cả người chìm xuống, sặc mấy ngụm nước biển vừa mặn vừa chát. Một đám trẻ con Đạt Ngộ đang lặn ngụp trong nước để giảm bớt cái nóng của mùa hè liền xúm lại nhấc Tiêu Chiến lên khỏi vùng nước sâu, vừa ngoi lên khỏi mặt nước liền thở hồng hộc. Em trai vừa sợ vừa buồn cười, thì ra thật sự có người trời sinh không biết bơi. Cậu túm lấy anh trai mình chạy khỏi cảng Khai Nguyên, chạy đến một con suối mát lạnh bên trong dãy đá ngầm, nước biển bám trên bắp chân bốc hơi thành những tinh thể muối trắng muốt, bị cuốn trôi trong làn nước dịu mát. Ở nơi này, cậu dạy anh trai cách nín thở và lấy hơi, dòng suối mát lạnh là nước ngọt chảy ra từ lòng đất, lúc khát liền có thể vốc vài ngụm cho vào miệng, rất ngọt. "Bơi lội là do em trai tôi dạy, hồ bơi đầu tiên của tôi chính là Thái Bình Dương." Lúc trở về Đài Bắc, Tiêu Chiến thường xuyên khoe khoang như vậy. Trời tối, hai đứa trẻ thường xuyên chạy đến suối nước lạnh để tắm, nhưng suối lạnh cách nhà ngầm hơi xa, tắm xong về đến nhà cả người lại đầy mồ hôi, đành phải đứng dưới vòi nước ngọt tắm cho nhau, quay qua quay lại liền đánh nhau chí chóe. Bà nội thường nói, nếu cứ ngồi yên một chỗ cũng sẽ không nóng như vậy, nhưng cơ thể thiếu niên luôn có một cỗ động cơ vĩnh cửu, cho dù là mùa hè oi bức đến thế nào cũng không thể đứng yên được. Náo loạn đủ rồi, khi thủy triều lên thì nhiệt độ sẽ trở nên mát mẻ, trong tiếng sóng biển rì rào, hai cánh tay áp sát vào nhau, vô ưu vô lo chìm vào giấc mộng. Mùa hè ở Lan Đảo rất dài, thiếu niên cho rằng những tháng ngày như vậy sẽ không bao giờ kết thúc.
Trần Gia Linh gọi điện thoại cho Trần Kiến Niên, nhờ hắn dặn bà nội để mắt và đốc thúc A Chiến làm bài tập hè. Bà nội căn bản không đốc thúc được cậu, hai tên nhóc vẫn luôn lẻn ra ngoài chơi, mỗi ngày đều lang thang khắp đảo như những đứa trẻ hoang dã. Không còn cách nào khác, Trần Kiến Niên đành phải đưa A Chiến đến trạm y tế ném cho Cố An Tự quản cậu. Bác sĩ Cố cứ vậy mà tiếp quản chuyện ôn tập hè của A Chiến. Bút đã bị cắn nát hết mấy cây, Tiêu Chiến thân thì ở trạm y tế nhưng trái tim đã sớm trôi ra biển. Nhìn những đám mây và những chú chim đang bay lượn trên bầu trời cao, cậu không cách nào tập trung vào những ký hiệu toán học chết tiệt này. Vương Nhất Bác mới chỉ đang học tiểu học, vì vậy không có nhiều bài tập hè phải ôn tập, nhưng không có anh trai chơi cùng, cậu cảm thấy vô cùng nhàm chán. Thời tiết oi ả, cậu lại ăn bao nhiêu là nhãn suốt dọc đường đến cảng Khai Nguyên để lặn. Ở bến cảng, cậu đánh nhau với đám trẻ một trận, những đứa trẻ kia đứa nào cũng lớn hơn cậu, đè đầu cậu xuống cát khiến cát cào xước cả da mặt cậu. Trần Kiến Niên ở đồn cảnh sát nhận được một cuộc điện thoại, có người dân đảo nói nhìn thấy Vương Nhất Bác mặt mày xây xát, hỏi có chuyện gì cậu lại nhất định không chịu nói, vì thế liền gọi cho cảnh sát Trần. A Niên lái chiếc xe máy rách nát kia tìm cậu dọc theo con đường ven biển, không tốn bao nhiêu công sức liền đón được Vương Nhất Bác mặt mày ủ rũ mang về, bảo A Tự giúp cậu xử lý vết thương và bôi thuốc cho cậu. "Cháu không làm bài tập nữa! Nếu cháu cùng Nhất Bác đến bến cảng, những kẻ đó nhất định không dám bắt nạt em ấy. Nếu chúng dám, cháu nhất định sẽ đánh chúng một trận!" A Niên mở cuốn sách ôn tập của Tiêu Chiến ra, "Mẹ cháu đã nói phải làm bài tập, cháu phải nhanh chóng hoàn thành đi, lúc đó mới có thể bảo vệ Nhất Bác được." Nhất Bác vừa mới được xử lý xong vết thương, vẫn còn đang tức giận, vì vậy A Tự liền ngồi xổm xuống, kiên nhẫn hỏi: "Tiểu Bác, có thể nói cho chú biết, vì sao con lại đánh nhau không?" Vương Nhất Bác nghe xong, òa khóc. "Bọn chúng nói ba con chết rồi, mẹ cũng chết..." A Tự xoa xoa lên chiếc đầu tròn nho nhỏ của Nhất Bác: "Ba mẹ Tiểu Bác đều đã ra biển, linh hồn của đã về với biển cả." Cậu bé vẫn nức nở. "Nhất Bác, không phải Thầy giáo ở trường Tiểu học của con đã nói với con rằng, đối với người Đạt Ngộ chúng ta, cái chết vinh dự nhất chính là trở về với biển cả sao? Ba mẹ con đều là những người rất tuyệt vời!" A Tự bắt đầu kể lại những truyền thuyết cổ xưa của Đạt Ngộ. Trước khi có tổ tiên của người Đạt Ngộ, biển đã tồn tại ở trên đời. Con dân của biển dựa vào biển mà sống, sinh ra ở biển, chết đi cũng về với biển, như vậy linh hồn mới có thể vĩnh viễn tồn tại. Vùi thân trong biển lớn, chính là vinh dự lớn nhất của một người con của biển. Cậu bé dần ngừng khóc, A Chiến lại một lần nữa lén đóng cuốn vở bài tập lại, chăm chú lắng nghe câu chuyện của A Tự. A Niên nhìn thấy nhưng cũng không bắt cậu phải làm nữa. Có một câu nói cổ xưa ở Lan Đảo, biển là cánh đồng của người đàn ông, và cánh đồng chính là biển của người phụ nữ. Từ xa xưa, trên hòn đảo này, đàn ông ra khơi đánh cá, phụ nữ lên nương trồng khoai môn, đã trở thành truyền thống, đời sau nối tiếp đời sau. Phụ nữ ở Lan Đảo không đi biển, nhưng mẹ của Nhất Bác lại chết trên biển. A Tự nói, mẹ cậu tựa như một nàng tiên cá ở biển, sinh ra đã có kỹ năng bơi lội tuyệt hảo, lợi hại hơn hầu hết đàn ông trên đảo này. Cô ấy không thích khoai môn, chỉ thích cá chuồn, lại yêu một người đàn ông có kỹ năng đi biển tốt nhất trên đảo, chính là ba của Nhất Bác. Bọn họ là thanh mai trúc mã, hai nhà vẫn luôn đi biển cùng nhau, đến tuổi liền kết hôn, như một lẽ tất nhiên. Năm đó ở ngoài khơi có một con cá mập trắng không cẩn thận đâm vào lưới đánh cá, ông nội của Nhất Bác muốn cắt lưới thả cá mập đi nhưng lại bị cá mập trắng tấn công, mẹ vì cứu ông, cũng bị nó tấn công. Cứ như vậy, bé con chưa đầy một tuổi đã mất mẹ và ông nội. Bà nội nấu cháo cá trắng như sữa mẹ, nuôi bé con thành dáng vẻ như ngày hôm nay. Mà ba của Nhất Bác, lại không ai biết là đã gặp nạn như thế nào. Ngày hôm đó chiếc thuyền lớn của Cố gia cùng với rất nhiều thuyền nhỏ cùng nhau ra khơi, ba của Nhất Bác điều khiển một trong những chiếc thuyền nhỏ đó. Đi ra xa bờ biển, có người nghe thấy anh hô lên muốn đuổi theo một con cá gì đó, chưa kịp nghe rõ thuyền đã mất dạng. Loại chuyện này thỉnh thoảng vẫn xảy ra, ba cậu lại là một người đánh cá giỏi, theo lý mà nói, không cần phải lo lắng, cho dù có bị tụt lại phía sau, cũng sẽ tự mình theo kịp đoàn. Nhưng bọn họ chờ rồi lại chờ, các nhà liền chia nhau đi tìm mấy ngày, cũng không thấy bóng dáng. Hòn đảo là điểm dừng ngắn ngủi của cuộc đời, đại dương bao la mới chính là sự tiếp nối vĩnh hằng của cuộc sống. Các trưởng lão của bộ tộc Đạt Ngộ đều nói như vậy. Chết trên biển chính là cái chết đáng tự hào. Những gian nan trên mặt biển đã trở thành bài học bắt buộc đối với con dân của biển, là nỗi sợ hãi và nỗi buồn mà người dân Đạt Ngộ đều phải vượt qua, là một quá trình tự động siêu việt. Là hậu duệ của gia tộc lâu đời nhất và có uy tín nhất của Đạt Ngộ, Cố An Tự đã mang văn hóa của người Đạt Ngộ từng chút từng chút kể cho Tiểu Nhất Bác nghe, nhẹ nhàng xua tan nỗi buồn của cậu bé. Đứa trẻ tám tuổi còn có chút bối rối, hàng mi ướt sũng chớp chớp, nửa hiểu nửa không. Thiếu niên mười bốn tuổi lại bị chấn động, xúc động đến không nói nên lời, những giọt nước mắt còn chưa kịp chảy ra đã hóa thành chất dinh dưỡng sâu thẳm trong trái tim cậu, về dòng chảy cuộc sống màu xanh thâm thẫm này. Đây là câu chuyện mà cậu chưa từng được nghe bất kỳ giáo viên nào kể qua. "Mẹ con thật sự là người phụ nữ duy nhất của Lan Đảo không xuống ruộng sao?" Vương Nhất Bác hỏi. A Tự và A Niên cùng nhau cười lớn.
"Trước kia đúng là như vậy. Nhưng bây giờ thì không phải nữa, bây giờ còn có những người phụ nữ chẳng đi biển cũng chẳng xuống ruộng." "Người đó là ai?" Nhất Bác nghiêng đầu, không biết vì sao A Niên và A Tự lại cười thành như vậy. Anh Niên nói: "Vừa rồi ở ven đường, không phải có một người đàn ông lái xe tải hỏi con vì sao đánh nhau sao? Vợ của anh ta chính là người vừa không ra biển, vừa không xuống ruộng. Nghe nói nhà bọn họ có hàng mới về, A Tự, chúng ta có phải nên dẫn A Chiến đến góp vui không?" A Tự hiếm khi cũng lộ ra vẻ mặt tinh quái, "Vậy thì đi thôi." Lúc đến cửa hàng xe máy nhà bọn họ, A Không đang cau mày nhìn mấy cái rương lớn nằm trên thùng xe tải, chị Vỏ khoanh tay trước ngực: "Anh có thể nhờ A Niên giúp, nếu A Niên còn chưa đủ, em lại đến Cố gia gọi mấy anh em nhà họ tới giúp, làm gì mà nhăn nhăn nhó nhó thế?" A Không ngậm chiếc kính râm trong miệng: "Nhưng vừa rồi anh mới gọi A Niên đến đón thằng nhóc đang đánh nhau về, bây giờ cậu ta nhất định là đang bận rộn." Vương Nhất Bác và Tiêu Chiến biết họ, cửa hàng xe máy Vỏ Vỏ là cửa hàng duy nhất trên đảo bán xe máy, đồng thời cũng sữa chữa xe máy và xe tải. Bình thường A Không đều làm việc ở đây, nhưng có đôi khi, lúc A Không đi chở hàng, chị Vỏ cũng sẽ chui xuống dưới gầm những chiếc xe tải trong chiếc quần ống loe và chiếc áo sơ mi có miếng đệm vai thời thượng. Nghe nói bọn họ là những người giàu có nhất trên đảo, hầu hết người dân trên đảo đều ra biển hoặc làm ruộng, chuyện làm ăn buôn bán trên đảo rất lạc hậu. Mãi đến những năm gần đây mới có một vài gia đình neo đơn được hỗ trợ cấp vốn để mở một số cửa hàng, nhưng tiệm xe Vỏ Vỏ đã có lịch sử mười lăm năm, nhập và bán xe cho đội cảnh sát hoặc cho khách du lịch đến đảo thuê, không biết đã kiếm được bao nhiêu tiền. A Không thường đến Đài Bắc hoặc Cao Hùng nhập hàng, lần nào về cũng mang theo túi lớn túi nhỏ, toàn là đồ tốt. Chẳng trách chị Vỏ có bao nhiêu là quần áo thời trang, mặc mãi không hết. Nếu chị Vỏ thích quần áo thời trang, thì A Không lại yêu thích kính râm. Anh ta có rất nhiều kính râm, mỗi lần chở hàng về, vừa xuống khỏi xe tải liền nhất định phải tháo kính râm ra, gấp hai cái càng kính lại đút vào trong túi áo trước ngực, sau đó ngoác mồm ra cười, đi đến bên cạnh chị Vỏ, người cũng cao không kém gì anh ta, nhéo một cái lên bờ mông căng tròn bọc trong chiếc quần jeans bó sát của chị Vỏ. Tay của A Không rất to, vừa nhìn đã biết là bàn tay của một ngư dân đánh cá cừ khôi, nhưng anh ta không đánh bắt cá, chỉ chuyên nhéo mông chị Vỏ. Đợi khi chị Vỏ quay đầu lại, lộ ra khuôn mặt xinh đẹp kia, anh ta lại phải nắm lấy cằm chị, chu môi ra. Trời ạ, A Không thật sự rất yêu thích chị Vỏ! Mỗi lần Vương Nhất Bác và những đứa trẻ khác nhìn thấy, đều cố gắng bịt mắt lại, trong lòng ngượng ngùng thay cho họ. Sau đó lại nhịn không được, hé mắt nhìn trộm những hình ảnh không phù hợp với trẻ em kia qua kẽ ngón tay. Đáng tiếc, chỉ trêu chọc vợ mình một lát, A Không liền vội vàng rời đi.
Những công nhân khuân vác tự mình đưa đến cửa quả thật không phải là vô ích. Cuối cùng, A Không, A Niên, A Tự và cả chị Vỏ, bốn người lớn chuyển tất cả những chiếc rương lớn trên thùng xe tải vào ngôi nhà bê tông của gia đình A Không. Cấu trúc của ngôi nhà bê tông này không khác gì cửa hàng nước ngọt Bobo, nhưng rộng rãi hơn rất nhiều. Bên trong có rất nhiều thứ đồ tốt mà A Không mang từ các thành phố về. Bình thường họ đều sống ở chỗ này, nếu bão quá mạnh mới trốn đến ngôi nhà ngầm do cha mẹ để lại. Lần này A Không mua về không phải đồ nội thất bình thường, mà là một rạp hát gia đình! Ánh mắt ghen tị của A Niên và A Tự đều sắp rơi ra. Mất cả buổi chiều, mấy người mới có thể kết nối được những chiếc loa lớn nhỏ với hệ thống dây điện theo bản vẽ, cuối cùng đem treo trên tường, bật điện và liên tục thốt lên những lời cảm thán. A Không thần thần bí bí nói với chị Vỏ, vẫn còn có một món đồ khác, muốn mọi người cùng nhắm mắt lại chờ đợi. Lúc mọi người đều mở mắt ra, trên màn hình đang chiếu một dòng chữ "Live Aid" rất lớn. "A...!" Chị Vỏ phấn khích nhảy dựng lên, ôm lấy A Không. A Tự và A Niên cũng xúc động đến rơi nước mắt, A Chiến và Tiểu Nhất Bác thấy người lớn tự dưng như phát điên, chỉ biết nhìn nhau. Cả hộp DVD phát đến tận nửa đêm, buổi biểu diễn kéo dài gần tám tiếng đồng hồ, là bản nhạc Rock đầu tiên mà Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác được xem. A Tự nói, đó là buổi biểu diễn vĩ đại nhất thập niên 80, toàn bộ số tiền thu được từ bán vé đều quyên góp cho những người tị nạn Châu Phi. Vấn đề nan giải về nạn đói mà biết bao nhiêu chính trị gia không thể giải quyết được, đã được giải quyết bằng nhạc Rock. Trong ấn tượng của Tiêu Chiến, A Tự rất ít khi có nhiều biểu cảm xúc động phong phú đến như vậy khi nói chuyện. A Niên nói rằng, ngay cả chiếc áo blouse trắng cũng không thể che giấu được trái tim nhiệt huyết với nhạc rock của A Tự. Mười năm trước, anh cũng đã vô cùng phấn khích khi đọc được những tin tức về buổi biểu diễn này trên báo. Mười năm sau, sự phấn khích ấy chỉ có hơn chứ không kém. Có lẽ, bọn họ cũng nên tổ chức một ban nhạc. Chị Vỏ nghe vậy, vô cùng hưng phấn, nhảy lên đồng ý, còn túm lấy A Không bảo anh ta cùng tham gia. A Không ngại ngùng lắc lắc đầu, hoàn toàn không còn dáng vẻ cool ngầu khi tháo kính râm vào buổi trưa:"Tôi chính là đàn gảy tai trâu, nghe không hiểu âm nhạc. Năm người các cậu lập là được rồi, tôi sẽ tài trợ nhạc cụ." "Trẻ con sao có thể làm được?" Chị Vỏ bĩu môi. Nhất Bác vọt đến trước mặt chị: "Trẻ con sao lại không được? A Niên đã dạy con đánh trống rồi!" A Niên cũng nhịn không được lên tiếng: "Đúng vậy, trẻ con tại sao lại không được? A Chiến của chúng ta hát rất hay!" "Vậy cháu hát thử đi!" Chị Vỏ không tin. "A Chiến, cháu hát 'Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn' đi, lần trước chúng ta đã cùng nhau hát đó." A Tự nói. A Niên nói rằng A Tự rất giỏi trong việc lựa chọn, "Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn" cũng giống như "Live Aid", cùng là bài hát được viết vì nạn đói ở Châu Phi thập niên tám mươi. "Gió xuân không hiểu phong tình Thổi làm lay động trái tim thiếu niên Hãy để những giọt nước mắt ngày hôm qua trên má Được cơn gió ký ức hong khô."Giọng hát của Tiêu Chiến còn pha chút non nớt chưa hoàn toàn biến mất của trẻ con, nhưng đã có thể nghe ra thanh âm trong trẻo thuần khiết. Sau này khi cậu trưởng thành, nhất định sẽ đầy đặn và cao vút như một khu rừng trúc xanh mát tươi tốt. Cậu hát rất tình cảm, giống như một chú chim sơn ca nhỏ líu lo cất tiếng hót êm dịu giữa núi rừng, chẳng trách cả A Niên và A Tự đều nói, A Chiến sinh ra chính là để hát.
Trong suốt mùa hè, nhà của A Không và chị Vỏ đã trở thành cứ điểm mới của Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác, bọn họ xem đi xem lại cuốn DVD kia, cuốn từ điển Anh-Trung dùng để ôn tập cho môn tiếng Anh đã trở thành vũ khí bí mật để dịch lời bài hát. Trong khi vừa dịch lời những bài hát kia, Tiêu Chiến cũng đồng thời cảm nhận nhạc Rock, Vương Nhất Bác cũng ở bên cạnh học theo, hai người đã học được không ít bài hát. Ban ngày khi A Niên và những người khác phải đi làm, bọn họ sẽ biểu diễn cho bà nội xem ở chòi nghỉ mát cạnh nhà ngầm. Tháng Tám đến, Nhất Bác đón sinh nhật và nhận được món quà thứ hai của kỳ nghỉ hè này, chính là một bộ trống! Đó là khi A Không đến Đài Bắc mua hàng, chị Vỏ đã dặn anh ta chọn mua, đặc biệt tặng cho tay trống nhỏ của ban nhạc. Cậu nhóc phấn khích đến mức gần như ngủ luôn bên bộ trống suốt đêm, dùi trống gần như luôn cầm trên tay suốt hai mươi bốn giờ không buông. A Chiến cũng có một chiếc micro nhỏ, chị Vỏ có một cây đàn guitar điện mới, A Tự nhờ người mua một cây guitar bass và keyboard mới từ Đài Đông. Keyboard là để tặng cho A Niên. A Niên sờ sờ chiếc keyboard, y như được tặng một bảo vật, hành vi không khác gì cậu bé Nhất Bác. A Không vỗ ngực, "A Không tôi là một người thô lỗ, thích âm nhạc nhưng không biết chơi. Các cậu cứ chơi cho thật hay, sau này nếu nhạc cụ hỏng cứ nói với tôi, để A Không ca của các cậu lo!"
Rất nhiều mùa hè sau đó, mấy người họ luôn cố gắng hết sức để tụ họp lại với nhau, A Không tìm cho bọn họ một nhà xưởng để trống, còn nhờ người của trạm phát điện hỗ trợ kết nối đường dây điện, để họ có thể cùng biểu diễn mà không cần phải lo lắng gì. Ban đầu họ chọn những bản nhạc Rock mà mình yêu thích từ trong chiếc DVD kia hát lại, sau đó cũng tự viết vài bài, chủ yếu là A Niên và A Tự viết trong lúc rảnh rỗi, sau đó mang đến để mọi người cùng nhau tập và biểu diễn. Bất kể mưa gió bão bùng, năm người luôn gặp nhau ở nhà xưởng trống trên đồng cỏ xanh mát. Âm nhạc vang vọng quanh bốn bức tường của nhà xưởng, A Không sau khi chạy xe tải vận chuyển hàng xong sẽ đến nghe, anh vĩnh viễn là vị khán giả trung thành nhất, là người hâm một số một của tay guitar điện. Thỉnh thoảng chị Vỏ sẽ trêu chọc anh, muốn anh phải hát vài câu, anh luôn nói mình chính là đàn gảy tai trâu, thích hợp dùng xe tải chở hàng kiếm tiền hơn. Đợi đến thiên niên kỷ mới sẽ đổi nhạc cụ mới cho cả nhóm. Lan Đảo và nhạc Rock giống như xương với máu, thiếu niên lại thêm cho nó một trái tim với nhịp đập vững vàng. Cứ như vậy, Lan Đảo có ban nhạc đầu tiên – tên là Đạt Ngộ. Tên là do A Tự đặt, người con của biển hiểu âm nhạc nhất, bởi vì tiếng sóng chính là âm nhạc nguyên thủy trên thế giới. A Tự nói, hãy để chúng tôi vĩnh viễn vì hòn đảo này mà cuồng nhiệt ca hát!"
.Tbc
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com