TruyenHHH.com

Duoi Chan Doi

Ba mươi Tết, không khí đón xuân tràn ngập ngôi làng nhỏ. Phụ nữ lo chợ búa, đàn ông trang hoàng nhà cửa, trẻ nhỏ lại háo hức mong chờ đến ngày được diện quần áo mới... Khắp xóm giăng đèn kết hoa cùng những bài nhạc năm mới vang lên vui tươi, rộn ràng.

Bà Xuân cùng hai cô con gái đang tụm lại nơi góc sân gói bánh gù. Cũng gần giống như bánh chưng của người Kinh, bánh gù cũng có những nguyên liệu tương tự. Khác ở chỗ bánh gù sẽ phải thêm một lớp lá chít(1) được luộc chín, rải lên trên lá dong và còn có thêm lá hương lam(2) băm nhuyễn trộn với thịt nữa. Nhờ vậy mà bánh gù mang đến một mùi vị rất riêng, rất đặc biệt.

Bồ lúc nào cũng thế, vô cùng tỉ mẩn với chiếc bánh của mình. Cô chọn một chiếc lá dong nhỏ, lót lên trên ba tấm lá chít, rải một lớp gạo nếp mỏng lên, tiếp đến là đỗ xanh và thịt ba chỉ, cuối cùng là phủ thêm gạo lần nữa. Bánh gù đạt chuẩn thì sẽ có phần giữa nhô cao lên rồi thoải đều về hai bên. Bồ không khéo tay cho lắm, dù đã cố gắng tạo hình và quấn dây lạt thật chặt, nhưng cái bánh của cô vẫn chẳng được đẹp mắt như của mẹ với chị.

Ba mẹ con vừa làm vừa trò chuyện mãi mới gói xong năm cân gạo. Biết hai đứa đều thích ăn món này nên dịp Tết nào bà Xuân cũng gói nhiều lắm. Nhà thì chẳng có nổi cái tủ lạnh, toàn phải mang để nhờ các bác, các thím. Riêng Bồ chỉ thích ăn bánh gù rán nên thành ra mỗi lần vừa vớt bánh xong, nó cũng chăm chăm xách hết đi gửi.

Bánh được xếp vào một cái nồi lớn, hai chị em phải cùng nhau dùng hết sức mới khiêng được lên bếp. Giờ chỉ việc canh lửa nữa thôi, cũng tương tự như bánh chưng, bánh gù cũng cần luộc từ tám đến mười hai tiếng.

Ngày cuối cùng trong năm gia đình nào cũng tất bật ngược xuôi sắm sửa đủ thứ. Bà Xuân vừa dọn đống lá dong còn thừa xong cũng tranh thủ rủ con gái lớn đi chợ mua thêm ít đồ ăn phục vụ mấy ngày Tết. Chỉ còn lại mình Bồ ở lại trông nồi bánh.

Ngoài trời rét mướt, Bồ chẳng buồn đi đâu, vẫn ngồi im trong bếp, cầm que củi cháy dở vẽ đi vẽ lại đủ loại hình thù trên nền xi măng xanh xám. Rồi bỗng, cô nghe thấy tiếng xe máy rầm rầm đang vào nhà mình, liền đứng dậy ra xem thử. Trên xe là anh Còi cùng với một cây quất nhìn như cây thông noel đậu ngay giữa sân, và người ngồi phía sau yên đỡ cây chính là Phong.

"Gì đấy anh Còi?" Bồ ngạc nhiên hỏi.

"Ngoài đường đang ế, rẻ lắm! Anh mua cho nhà mày một cây luôn." Còi tươi cười đáp.

Bồ nghe vậy thì vui mừng hớn hở ra mặt, chạy vội đến đỡ xe để hai người họ khiêng cây xuống.

Hai thanh niên khệ nệ bê cây quất đến bên hiên, đặt tạm trước cửa chính. Còi vào trong nhà ngắm nghía một lúc rồi ra hiệu cho Phong cùng mình khiêng vào. Quất được đặt ngay cạnh cái tủ gỗ đã cũ từ đời ông bà để lại, bên phía đối diện là một cành đào bé xinh mới hôm qua mấy mẹ con chặt về.

Anh Còi biết thừa nhà nó không có gì trang trí nên còn mua thêm hẳn hai dây đèn nhấp nháy để quấn quanh quất với đào. Cắm điện lên, căn nhà nhỏ vốn đơn sơ, mộc mạc bây giờ lại trở nên lung linh, rực rỡ bởi những ánh sáng lấp lánh đủ màu.

Bồ ngắm một hồi có vẻ thích lắm, nét cười không giấu nổi trên gương mặt non nớt. Bởi chưa năm nào nhà này có quất để trưng cả, mà cây quất này lại còn rất đẹp nữa chứ. Dáng như một cái kim tự tháp nhỏ, lá xanh bóng mượt, quả thì sai trĩu to tròn vàng đều tăm tắp.

Còi với Phong cũng quay sang nhìn nhau cười trộm, họ đều không nghĩ cái Bồ thế mà lại trẻ con như vậy.

"Anh về nha!" Còi lên tiếng, đáng thức con bé đang đắm chìm trong cảm giác vui sướng kia.

"Vầng!" Bồ nhất thời ý thức được vừa rồi biểu cảm của mình có hơi quá khích, lại như nghĩ ra gì đó, cô vội vàng nói: "Ơ mà nhà anh năm nay không xuống chặt đào à? Ngoài vườn có cành to đẹp lắm, mẹ em bảo để phần cho nhà bác đấy."

"Đấy! Mày không nhắc anh cũng quên. Sáng nay bác mày bảo anh xuống đây chặt đào thế mà lại gặp thằng Tỏn với thằng Phong đi mua quất, anh cũng theo đi luôn, chẳng nhớ gì nữa. May quá, giờ vẫn kịp." Còi nói xong thì vội vàng chạy ra sau nhà ngắm nghía cây đào trong góc vườn.

Bồ và Phong cũng đi theo. Sau một hồi quan sát kỹ càng, Còi quyết định chọn lấy cành to nhất. Anh cầm theo cái cưa nhỏ leo lên cây bắt đầu đốn hạ. Hai người bên dưới cũng phải đứng mỗi người một bên để đỡ cành cho khỏi dập nát. Loay hoay mãi, ba người cũng đã có được cành đào ưng ý.

Lúc nãy vì vui quá nên Bồ quên mất vẫn còn một người nữa ở đây. Bây giờ cô mới có thời gian để ý đến Phong, mà hình như nó có chuyện gì thì phải. Tuy vẫn tỏ ra điềm đạm như mọi khi, nhưng ánh mắt lại đượm buồn, thậm chí Bồ còn thấy Phong đang giả vờ cười trước những màn pha trò của anh Còi... bởi nụ cười kia quá gượng gạo rồi!

"Có chuyện gì xảy ra với nó vậy?" Trong đầu Bồ bây giờ chỉ có câu hỏi này, nhưng lại chẳng dám mở miệng hỏi. Ngẫm nghĩ một lúc, Bồ quyết định... sẽ tặng Phong một món quà.

"Phong, nhà mày có đào chưa?"

"Nhà tao bé tí, chỗ đâu mà để." Phong hình như cũng hơi bất ngờ với câu hỏi của Bồ, tuy vậy vẫn nhanh chóng đáp lời.

"Thế thì lấy cành nhỏ thôi, anh thấy cành kia đẹp đấy." Còi cũng nói chen vào, tay chỉ về phía cành đào bé xinh còn trơ trọi trên cây.

"Ừ. Đàng nào lát nữa mẹ tao cũng phải chặt đi, cây này cỗi quá rồi." Bồ lại thêm vào.

"Hay là thế nhở?" Phong có chút lững lự.

Còi không nghe thêm nữa, cưa luôn cành đào kia xuống. Và Phong đương nhiên bây giờ cũng chẳng thể từ chối được nữa, có điều hình như nó có vẻ cũng thích cành đào này.

Bồ nhận ra điều ấy, bởi cô thấy mắt Phong sáng lên khi nhìn cành hoa kia.

Vì cành đào của Còi to quá nên cậu ta phải buộc vào sau xe rồi tự mình chở nó về nhà. Phong thì lững thững vác đào trên vai đi bộ.

Đi được một đoạn bỗng nhiên Phong dừng lại, đưa cành đào xuống ngắm nghía. Là một nhánh cây sần sùi, được điểm xuyết bởi những chồi lộc non xanh tươi cùng đám nụ tròn e ấp chờ bung xõa; còn thêm những bông đã nở rộ với cánh hoa phớt hồng, mỏng manh, mềm mại, xinh đẹp tựa thiếu nữ đương độ xuân thì. Tất cả khi kết hợp với nhau lại trở nên hài hòa đến thế, một vẻ đẹp tươi mới khiến lòng người rạo rực, dấy lên cảm giác hi vọng về sự khởi đầu như ý.

Chẳng trách người ta hay có câu: Thấy đào là thấy Tết.

Phong đứng đó mải nhìn đến ngây người.

Đã bao nhiêu năm nhà mình không trưng đào ngày Tết nữa nhỉ? Phong cũng không nhớ nữa.

Là từ ngày bố cậu trở thành một "con ma men", mẹ cũng chẳng còn thiết tha với cái Tết nữa. Nhà cửa không dọn dẹp sắm sửa gì cả, chẳng khác những ngày bình thường là bao.

Hồi bé, cứ mỗi lần đến Tết Phong lại thấy tủi thân ghê gớm. Bạn bè hết khoe quần áo mới, đồ chơi mới rồi lại bánh mứt nhà mình có những gì. Còn Phong lúc ấy thì chỉ biết hùa theo, cười xoà cho qua chuyện.

Phong cũng ghét những lúc bố say lắm chứ, nhưng cậu khi ấy cũng chỉ là một đứa trẻ... một đứa trẻ không có Tết.

"Bé đào, hi vọng mày sẽ mang may mắn đến cho tao!" Phong nhìn cành hoa trên tay, nói nhỏ. Vừa dứt lời, cậu bỗng bật cười, không nghĩ bản thân lại có thể thốt ra một câu ngớ ngẩn như thế.

Đặt lại cành đào lên vai, Phong tiếp tục trên con đường về.

Khuất sau hàng cau già là ngôi nhà nhỏ mới được quét vôi trắng, cổng đi vào được canh gác bởi hai cây dừa xiêm lùn với tán lá vươn rộng.

Phong vừa vào đến sân đã bị cảnh tượng trước mắt làm cho giật nảy người. Cậu bất giác đứng sựng lại, như thể không tin vào mắt mình. Phong cứ đứng đó chẳng có phản ứng gì cả, mãi cho đến khi người đối diện phát hiện ra cậu.

"Anh về rồi à?" Cô gái xinh xắn trong sân lên tiếng trước.

"Thư! Em... em sao lại ở đây?"

"Em gọi cho anh mãi không được, lo lắng không biết anh xảy ra chuyện gì nên mới tìm đến đây."

"Ở đây không tiện, mình ra ngoài nói chuyện."

Phong đặt cành đào xuống rồi kéo tay cô bạn ra khỏi nhà. Cậu gấp rút đến nỗi Thư còn chưa kịp chào bác Hai đang ngồi ngay đó.

Phong đưa Thư ra bờ đê sau nhà. Họ đứng ngay trước cánh đồng xanh ngát, dưới cái nắng vàng đầu chiều còn có gió mát vi vu thổi đến. Với bầu không khí này đáng lẽ con người ta sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu mới phải, nhưng trong lòng Phong bây giờ lại rối như tơ vò, chẳng biết mở lời thế nào.

"Anh mấy hôm nay làm sao vậy? Em gọi không nghe, nhắn tin cũng không trả lời." Vẫn là Thư lên tiếng trước.

Phong không trả lời câu hỏi của Thư, mà quay sang hỏi lại cô: "Làm cách nào mà em tìm được tới đây vậy?"

"Em thông minh mà! Bây giờ có thể nói lí do rồi chứ."

"Hôm trước anh có gặp mẹ em..."

Thật ra, mấy ngày nay Phong đã suy nghĩ rất nhiều lí do để chuẩn bị đối mặt với Thư. Nhưng khi đứng trước gương mặt rạng ngời, đôi mắt lấp lánh như sao xa... Phong lại chẳng nỡ dối gạt cô gái này.

"... Mẹ em... bà ấy đã nói những gì?" Giọng Thư run lên, một nỗi lo lắng bất giác ập đến.

"Bác ấy kể cho anh nghe rất nhiều, về ước mơ của em rồi còn cả chuyện em mới đỗ học bổng du học bên Mỹ nữa."

"Em không cần đi du học!"

"Bác ấy nói em còn muốn học đại học trong tỉnh."

"... Em... em rất giỏi, anh biết mà. Học ở đâu cũng được."

"Nếu là vì anh thì thật sự không đáng."

"Em đã suy nghĩ rất kĩ rồi!" Thư cúi đầu, nhỏ giọng đáp. Cô muốn giấu đi đôi mắt đã ngập nước của mình.

"Chuyện này ngay đến cả anh cũng không chấp nhận nổi." Phong ngưng lại một lúc rồi mới nói tiếp: "Thứ tình cảm trẻ con này rồi sẽ đi đến đâu chứ?"

Lần này, Thư không đáp mà ngước khuôn mặt đỏ ửng giàn giụa nước mắt lên nhìn Phong.

Hai người cứ đứng đó rất lâu, chẳng ai muốn lên tiếng. Thư thì cứ khóc, Phong xót lắm nhưng lại chẳng dám bước đến ôm lấy cô vỗ về như trước nữa. Bởi, Phong sợ, mình chỉ cần bước thêm một bước thôi, sẽ lại mềm lòng mất.

Mãi sau Thư mới gạt nước mắt, cố gắng tìm lại giọng nói đã nghẹn bởi tiếng nức nở kia. Cô gằn từng tiếng một: "Em tự biết tính toán cho tương lai của mình, còn nữa, thứ tình cảm này không phải là trẻ con! Được! Em sẽ đi du học, sẽ thành công trở về, sẽ quay lại tìm anh. Nhớ đấy! Em nhất định sẽ quay về, anh cũng nhất định phải chờ em!"

Lời đáp trả đầy kiên định, và cả sự quật cường trong ánh mắt Thư càng khiến Phong thêm đau lòng. Mãi sau cậu mới đáp: Được. Anh chờ."

Phong cũng không ngờ Thư lại quyết định như thế. Có lẽ đây là cách tốt nhất cho cả hai mà cô ấy nghĩ được ra. Cậu không biết Thư sẽ đi bao lâu, cũng không biết sau này cô quay lại tìm mình nữa không? Nhưng Phong biết khoảnh khắc này cả hai đều thật lòng, như vậy là đã đủ lắm rồi.

Phong tiễn Thư ra đến cổng làng. Cuối năm không tìm được xe nên Phong chỉ đành nhờ Còi đưa Thư về.

Xế chiều, Phong mới về đến nhà. Bác Hai vẫn còn ngồi trong sân loay hoay sửa lại mấy cái ghế cũ, từ ngày về nhà đến giờ hiếm khi Phong thấy bố mình tỉnh táo như vậy.

Thật ra năm xưa ông Hai vốn là một thanh niên tài nghệ đầy mình. Hồi đó ông có hẳn một xưởng gỗ to lắm, hầu hết những món đồ gỗ trong nhà ở cái thôn này toàn là một tay ông ấy làm ra. Vậy mà, không hiểu sao ông lại trở thành một con sâu rượu, tối ngày rượu chè bê bết, chẳng màng đến chuyện làm ăn nữa.

Phong bước đến hỏi: "Bố nhớ nghề rồi à?"

"Sửa lại cho mẹ mày còn dùng, nhìn thế thôi đây toàn là gỗ xịn cả đấy." Ông Hai hứng khởi khoe.

Phong cười: "Vầng."

"Con bé về nhà rồi à?" Giọng ông bỗng trầm xuống.

"Về rồi." Phong không muốn tiếp tục chủ đề này nữa, đứng dậy đi luôn vào trong nhà.

Ông Hai biết con không vui cũng chẳng giữ cậu lại, quay ra tiếp tục công việc của mình.

Cành đào hồi chiều đã được cắm vào một cái ống tre đặt sát bên góc tường. Ban thờ cũng có thêm vài thứ hoa quả, kẹo bánh. Tuy chẳng có gì to tát nhưng ít ra còn có không khí hơn mọi năm.

"Vậy là nhà mình có Tết rồi ư? Tại sao lại chẳng thấy vui vẻ như trong tưởng tượng?" Phong nhìn ngẩn ngơ một lúc rồi đi vào gian trong, ngồi phịch lên giường.

Phong ngây ra, tâm trạng chán chường chẳng muốn làm gì cả. Vừa nằm xuống thì bỗng nhiên cảm giác lưng mình đè lên thứ gì đó, cậu xốc chăn lên thì thấy một cái hộp hình vuông nhỏ.

"Chắc là đám trẻ con lại đến nhà quậy phá đây mà." Phong chép miệng, định là sẽ dọn món đồ chơi này đi, nhưng khi vừa cầm nó lên cậu lại bị hình ảnh bên ngoài chiếc hộp kia làm cho ngẩn người.

Đây chẳng phải là cái đồng hồ điện tử mà năm đó cậu đã dành dụm tất cả số tiền đi nhặt ve chai để mua bằng được về đó sao? Món đồ mà hồi đó Phong đã phải vất vả lắm mới có được, nhưng cuối cùng lại chỉ đành ngậm ngùi mà giấu nó đi...

Một đoạn kí ức tự nhiên ùa về...

Năm đó Phong mới lớp bẩy, lúc ấy rất thịnh hành kiểu đồng hồ đeo tay này. Tỏn đương nhiên cũng có một cái, cậu ta đeo nó đi khoe khắp xóm khiến đám trẻ trong làng hâm mộ vô cùng. Phong thấy vậy cũng ganh tị lắm, cậu quyết tâm phải mua bằng được một cái để ra oai với đám bạn.

Thế là mỗi ngày sau giờ học Phong lại lang thang khắp thị trấn để nhặt ve chai kiếm tiền. Hôm nào cũng đến tối mịt mới về nhà trong bộ dạng hôi hám, bẩn thỉu. Và sau bao nhiêu khổ cực, cậu cũng đã gom đủ tiền để mua chiếc đồng hồ mơ ước.

Phong nhớ, hôm đó bản thân đã rất hồi hộp và háo hức mong chờ giây phút được đeo lên tay chiếc đồng hồ ấy. Đã tự mường tượng ra bao nhiêu viễn cảnh lúc đeo nó đi khoe với đám bạn trong xóm, còn thầm nghĩ: "Bọn nó nhất định sẽ ganh tị với mình chết mất!"

Nhưng khi vừa đeo lên tay, Phong mới nhận ra... nó vốn không hề phù hợp với mình, cũng chẳng giống như những gì cậu đã tưởng tượng trước đó.

Rõ ràng là cùng một kiểu với thằng Tỏn, trông nó đeo thì rất đẹp, rất sang, rất hợp thời. Đến lượt cậu đeo sao lại kệch cỡm thế này? Cổ tay đen đuốc, thô kệch, đầy những vết cào xước đang đóng vảy của mình lại khiến cái đồng hồ kia xấu xí đi rất nhiều.

Lúc đầu Phong còn nghĩ là do quần áo trên người không phù hợp. Cậu lại chạy ngay đi thay bộ đồ đẹp nhất đang có, nhưng thay đi thay lại vẫn chẳng thấy khá hơn chút nào. Cái đồng hồ đeo trên tay như mất đi hẳn giá trị ban đầu của nó.

Phong lúc ấy buồn lắm. Chỉ đành gói ghém chiếc đồng hồ kia vào hộp rồi giấu vào trong góc bàn học của mình. Thi thoảng sẽ len lút mang ra ngắm nhìn một lúc, nhưng lại chẳng đeo thử nó thêm một lần nào nữa.

Đã là chuyện của nhiều năm về trước, Phong gần như đã quên hết rồi.

Ấy vậy mà thứ đồ này hôm nay lại tự nhiên xuất hiện tại đây. Phong tự hỏi: "Có phải là ông trời đang muốn nhắc nhở rằng phải biết thân biết phận hay không? Chiếc đồng hồ kia cũng như Thư vậy, đẹp đẽ và quý giá, nhưng không hề phù hợp với mình."

Suy nghĩ này khiến Phong bật cười. Cậu mân mê chiếc hộp một hồi rồi vẫn quyết định cất nó vào chỗ cũ.

———————————————————————————
Chú thích:
(1)Lá chít: chính là cái lá của cái cây lấy bông làm chổi chít. Ngoài ra dân tộc Dao còn gọi với tên gọi khác là: lá ỏng. Người ta sẽ băm một ít khúc ngọn với khúc đầu đi lấy đoạn giữa để gói bánh.

(2)Lá hương lam: lá này băm nhuyễn trộn với thịt sẽ khiến thịt nhuộm thành một màu đỏ tự nhiên còn có mùi rất thơm nữa. Lá có màu xanh, mọc thành bụi.

(Lá hương lam khi trộn cùng nhân bánh gù, luộc chín sẽ cho ra thành phẩm như thế này.)

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com