TruyenHHH.com

Dm On Going Giai Nghien Hoa Quyen

Edit: Ryal

"Vết thương kị nước, nên cẩn thận, trước khi khỏi hẳn cũng đừng ăn những món gây kích thích hoặc những món chua cay".

Tạ Lạc Sinh nghiêng người, vừa thay thuốc cho Dung Thuật vừa dặn dò khe khẽ. Anh cởi áo, vai quấn đầy băng gạc, da hơi tái, môi mất sắc đỏ hồng, trông còn lạnh lẽo hơn trước.

Quản gia Dung Lâm ghi nhớ từng lời rồi than: "Tôi đã kêu tiên sinh phải mang theo vài vệ sĩ, cậu nhất quyết không chịu".

"May mà thằng ranh kia bắn không chuẩn, chứ nhỡ đâu...".

Dung Thuật ngắt lời ông: "Chú Lâm à".

Dung Lâm dừng lại, thở dài, sau đó quay sang nhìn Tạ Lạc Sinh: "Cảm ơn cậu Tạ, phiền cho cậu quá".

Tạ Lạc Sinh đáp: "Chú đừng khách sáo".

Chiều hôm qua Dung Thuật diễn ở Hỉ Duyệt Lâu, đến tối thì bị thương, được đưa thẳng tới bệnh viện.

Tạ Lạc Sinh theo Hàn Túc sang bệnh viện tuyến khác để quan sát một cuộc phẫu thuật khó, đến hôm nay mới biết Dung Thuật đang ở bệnh viện mình làm.

Tin Dung Thuật bị thương được viết khắp các mặt báo, chiếm cứ mọi tiêu đề trang nhất. Một kí giả trùng hợp có mặt tại hiện trường, chụp được vài tấm trong lúc hỗn loạn: hình ảnh máu loang khắp cánh tay phải của Dung Thuật, nhuộm đỏ cả trang phục Quý phi, nom mà khiếp hãi.

Cũng may viên đạn kia không chính xác, nó ghim thẳng vào vai anh.

Chẳng bao lâu sau Dung Lâm về, chỉ còn Dung Thuật và Tạ Lạc Sinh trong phòng bệnh.

Tạ Lạc Sinh chỉnh lại túi truyền nước rồi nói: "Dung tiên sinh cần gì cứ bấm chuông, có y tá đứng trực ngoài cửa. Nếu ngại thì anh gọi cho em cũng được".

Dung Thuật nhìn Tạ Lạc Sinh. Cậu thanh niên áo trắng, dáng người như trúc, tuấn tú giỏi giang, toát lên khí chất sạch sẽ không màng sắc dục.

Đột nhiên anh hỏi: "Có di chứng gì không?".

Tạ Lạc Sinh trả lời: "Nếu Dung tiên sinh tĩnh dưỡng đầy đủ thì không sao hết".

Dung Thuật gật đầu, khách sáo nói cảm ơn. Những ngón tay anh giần giật, cánh tay mềm nhũn, đau đớn.

.

Dung Thuật đang nằm viện.

Lòng Tạ Lạc Sinh ôm tâm tư khác, nhưng chính cậu còn chẳng hiểu tâm tư ấy là gì. Con người vốn có bản năng tránh hại tìm lợi, thấy nguy hiểm thì tự dặn mình cân nhắc cho kĩ rồi mới bước tiếp.

Đám Hàn Túc đâu thể đọc được suy nghĩ của Tạ Lạc Sinh, họ chỉ coi như cậu mê mẩn tiếng hát của Dung Thuật, hay trêu rằng mình gặp phước lớn, có dịp chiêm ngưỡng phong thái của giác nhi danh tiếng đương thời.

Tạ Lạc Sinh còn trẻ nhưng chín chắn, cũng kệ để mọi người đùa mấy câu. Nào ngờ giữa những phút giây rảnh rỗi, cậu bước đi trong vô thức, khi ngẩng đầu lên đã thấy mình đứng trước cửa phòng Dung Thuật.

Cậu nhìn cánh cửa phòng khép chặt một hồi lâu, không dám tiến lên, cũng chẳng đành lòng lùi lại.

Cửa mở đúng lúc Tạ Lạc Sinh xoay người. Dung Thuật đứng đó, thoáng ngạc nhiên.

Tạ Lạc Sinh lại miệng nhanh hơn não: "Dung tiên sinh, em tới xem vết thương của anh thế nào rồi".

Càng giấu càng lộ.

Dung Thuật nhìn cậu trai trẻ, nghiêng người nhường bước: "Vào đi".

Tạ Lạc Sinh nhìn bóng lưng anh mà ảo não mím môi thật chặt, lại thoáng thở phào nhẹ nhõm. Dung Thuật nằm phòng bệnh đơn, anh ngồi bên mép giường, tay trái vén tóc, vai phải xoay về phía cậu: "Phiền bác sĩ Tạ lấy dây buộc tóc giúp tôi".

Tạ Lạc Sinh dõi sang theo hướng mắt anh nhìn, bên kia giường là một sợi dây buộc tóc sẫm màu đơn giản, chắc được làm thủ công. Cậu cầm lấy nó, do dự đôi lát rồi vẫn đưa tay đỡ mái tóc anh, nhỏ giọng: "Để em buộc giúp Dung tiên sinh".

Anh nhìn cậu, buông tay cho tóc mình rơi xuống – những lọn tóc của Dung Thuật mượt và mềm, hơi lành lạnh, thoảng hương thơm. Tạ Lạc Sinh chỉ có một người anh, chưa buộc tóc cho ai bao giờ, cuống đến nỗi lỡ tay kéo mạnh một nhát, nghe Dung Thuật khẽ kêu đau thì hoảng hốt buông ra: "Xin lỗi Dung tiên sinh".

Dung Thuật không giận, chỉ cười rồi hỏi: "Sao mà hồi hộp thế? Chưa buộc tóc giúp bạn gái bao giờ à?".

"... Dung tiên sinh". Tạ Lạc Sinh mím môi ngượng nghịu. Cậu ngắm mái tóc mượt mà trải rộng trên vai anh, cẩn thận đưa tay gom từng lọn tóc, quấn dây lại mấy vòng rồi mới vụng về buộc được một túm tóc lỏng lẻo.

Tạ Lạc Sinh nhìn tác phẩm mình vừa tạo ra. Cậu chưa từng run tay khi cầm dao phẫu thuật, thầy cô nào cũng khen tay cậu rất vững, thế mà chỉ một lần buộc tóc cũng có thể khiến cậu luống cuống tới mức này.

Khuôn mặt của Dung Thuật đúng là được trời cao ưu ái.

Chẳng trách có bao nhiêu người thích anh, Tạ Lạc Sinh thầm nghĩ trong lòng.

Không bàn tài năng diễn xướng, chỉ mỗi khuôn mặt của anh cũng đủ để khiến người ta dốc lòng theo đuổi.

Thích...

Trái tim Tạ Lạc Sinh bỗng dưng loạn nhịp, cậu đối diện với ánh mắt anh mà hai tai đỏ bừng. Cậu cố trấn tĩnh, cúi xuống xem vết thương trên bả vai anh, cũng may là anh được cứu chữa kịp thời và được chăm lo cẩn thận nên thương tổn không ăn sâu vào gân cốt. Tạ Lạc Sinh lại đổi thuốc, thay băng, sau đó nói: "Dung tiên sinh không cần lo đâu ạ, vết thương hồi phục rất ổn, chỉ cần đổi thuốc đúng giờ là được thôi".

Dung Thuật đáp: "Cảm ơn cậu".

Anh toan kéo áo, chợt nhận ra khoảng cách giữa hai người. Tạ Lạc Sinh cúi xuống, trước mắt anh là cần cổ trắng mịn của cậu thanh niên, yết hầu nhô cao, cằm thon nhỏ, sức quyến rũ tuổi xuân lồ lộ. Đôi bên đều khựng lại chốc lát, Tạ Lạc Sinh bồn chồn nuốt nước bọt, yết hầu thoáng dịch chuyển, cảm giác như đang mời người ta chạm vào, vuốt ve, chiêm ngưỡng.

Dung Thuật dời mắt, chuyển sang ngắm nghía bả vai mình: "Bác sĩ Tạ buộc tóc chẳng quen tay nhưng băng bó rất đẹp".

Tạ Lạc Sinh: "...".

Bỗng dưng có người gõ cửa rồi gọi: "Cậu chủ ơi".

Dung Thuật đáp: "Vào đi".

Tạ Lạc Sinh vô thức lùi lại, nhìn người phụ nữ đang bước đến: "Cháu chào dì Thanh".

Dì Thanh khoảng chừng hơn năm mươi tuổi, mặt mũi phúc hậu, dấu vết của thời gian đã bắt đầu hiện lên nơi khóe mắt, tóc búi gọn lại sau gáy, nom tháo vát hiền hòa. Dì cười mỉm: "Chào cậu chủ, chào cậu Tạ".

Dì Thanh là người giúp việc của nhà họ Dung, một "tự sơ nữ" trẻ tuổi [1] người miền Nam trốn ra Thượng Hải được mẹ Dung Thuật nhận vào làm. Dung Thuật thân với dì, bởi dì đã chăm sóc cho anh từ ngày bé.

[1] "Tự sơ nữ" nghĩa là "những người phụ nữ tự chải tóc", chỉ những người phụ nữ búi tóc lên để thể hiện quyết tâm không lấy chồng. Vì khái niệm này khá thú vị nên mình sẽ chú thích rõ hơn ở cuối chương.

Anh hỏi: "Sao dì Thanh lại tới đây?".

Dì Thanh đặt cái cặp lồng mình mang theo xuống rồi đáp: "Nếu hôm nay tôi không đọc báo thì cậu chủ còn định giấu giếm tôi đến bao giờ?".

Dung Thuật sợ dì lo nên dặn Dung Lâm nói rằng mình đang bận việc, không thể về dinh thự nhà họ Dung, nào ngờ dì vẫn biết. Anh bảo: "Chỉ là thương tích cỏn con thôi, không đáng ngại".

Dì Thanh cau mày: "Không đáng ngại chỗ nào? Cậu bị đạn bắn đấy!".

Dì liên tục lải nhải: "Cái ông Dung Lâm cũng quá quắt, sao không sắp xếp vệ sĩ đi theo cậu chủ? Lần này trúng bả vai, lần tới thì sao? Có không biết bao nhiêu kẻ xấu...".

"Mà nhé, gánh hát thì rõ đông, sao có mỗi một người cũng chẳng cản được?".

Dung Thuật day ấn đường, buộc phải cắt ngang: "Dì Thanh, cháu đói rồi".

Tạ Lạc Sinh nhìn anh, cười tủm tỉm. Dung Thuật phát hiện ra nụ cười ấy, anh liếc qua phía cậu, cậu lại quay đi.

Dì Thanh mở cặp lồng rồi dọn thức ăn lên, lại bảo: "Cậu Tạ cùng dùng bữa nhé".

Tạ Lạc Sinh đáp: "Không được đâu dì. Lát nữa đàn anh của cháu có ca phẫu thuật, cháu đứng phụ mổ".

Dì Thanh nhìn Dung Thuật, thấy anh không phản ứng thì đành thôi.

Tạ Lạc Sinh lại nói: "Dung tiên sinh, em đi đây ạ".

Dung Thuật ngước nhìn, bốn mắt chạm nhau, anh khẽ gật đầu rồi đáp: "Ừm".

Ryal's note: Nói thêm về "tự sơ nữ", cảnh báo cực kì dài (tuy mình thấy hay). Các bạn có thể lướt sang chương tiếp theo nếu không có hứng thú.

Lễ giáo Trung Quốc thời phong kiến rất nghiêm, phụ nữ lấy chồng thường bị áp bức, hành hạ, đè nén. Có nhiều phụ nữ không chấp nhận việc sống khổ sở cả đời nên quyết ở vậy hoặc sống chung với những người phụ nữ khác. Bắt đầu từ khoảng cuối nhà Minh – đầu nhà Thanh, nghề nuôi tằm ở huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông phát triển, nhiều nữ công nhân đủ năng lực kinh tế để tự nuôi sống mình, tự quyết định vận mệnh của bản thân, thế nên họ thực hiện một nghi thức đặc biệt là tự quấn bím tóc của mình lại thành búi như phụ nữ đã có chồng (các thiếu nữ chưa chồng sẽ tết tóc lại thành bím dài, khi lên kiệu hoa mới được mẹ hoặc phụ nữ lớn tuổi trong nhà búi lên giúp). Tập tục "tự sơ nữ" lan dần từ huyện Thuận Đức ra khắp vùng Châu Giang.

Các "tự sơ nữ" chung sống với nhau trong một căn nhà gọi là "nhà bà cô". Ban đầu, theo tục lệ thì "tự sơ nữ" là gái còn trinh, không được phép chết trong nhà mẹ đẻ hoặc nhà người thân, sau khi chết thì cha mẹ họ hàng cũng không được mai táng, chỉ có các chị em "tự sơ nữ" khác trong "nhà bà cô" quấn vào chiếu rơm rồi đem chôn. Nếu trong thôn làng không có "tự sơ nữ" nào khác, những thi thể "chết không có chỗ chôn" ấy sẽ bị dân làng vứt xuống sông. Vậy là các "tự sơ nữ" phải gom tiền mua "nhà bà cô" để cùng chung sống và chăm sóc lẫn nhau.

Theo phong tục, việc cúng kiếng hay tảo mộ của "tự sơ nữ" cũng chỉ được thực hiện bởi các chị em "tự sơ nữ" khác, khi các chị em đều đã qua đời thì không ai ngó ngàng đến nữa. Trong quan niệm mê tín thời xưa, các "tự sơ nữ" vì không con cái nên hồn phách không có nơi nương tựa sau khi chết, phải lang thang lưu lạc, thế nên sẽ có một số "tự sơ nữ" vì tình huống bắt buộc mà đành chọn nghi thức "mãi môn khẩu" hoặc "mãi thanh thủ" để có người thắp hương cho bài vị của mình. "Mãi môn khẩu" tức là tổ chức lễ cưới với một người đàn ông nhưng cưới xong không động phòng mà về nhà mẹ đẻ, bỏ tiền ra nạp vợ bé cho người chồng trên danh nghĩa, khi nhà chồng có đám cưới đám tang cũng phải giúp đỡ với tư cách là vợ. "Mãi thanh thủ" tức là minh hôn, làm vợ trên danh nghĩa của một người mới chết, sau vẫn được nhà chồng thờ cúng. Ngoài ra còn một con đường nữa là quyên tiền cho chùa miếu, sau khi chết được nhà chùa thờ bài vị.

Nghi thức trở thành "tự sơ nữ" sẽ được thực hiện ở "nhà bà cô". Người phụ nữ thực hiện nghi thức sẽ chuẩn bị sẵn quần áo mới, vớ, giày, gương trang điểm, dây buộc tóc, cùng với nhang, đèn, đồ chay, nấu nước lá cây bách và lá cây hồng bì để tắm gội, thề trước Quan Âm Bồ Tát là sẽ sống độc thân suốt đời, rồi một "tự sơ nữ" lớn tuổi sẽ giúp búi tóc, thay quần áo, giày dép mới và "hành lễ" cho người đó. Cuối cùng người đó quay về nhà thông báo với cha mẹ, chia đồ lễ cho người thân. Sau khi hoàn thành nghi thức, người phụ nữ này xem như đã "búi tóc", chính thức trở thành "tự sơ nữ", suốt đời không được hối hận.

Trung Quốc thời xưa thường "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy", cuộc hôn nhân sắp đặt chưa chắc đã khiến người phụ nữ hạnh phúc. Đàn ông có thể cưới thêm vợ bé, dù có ngoại tình cũng được xã hội bao dung, phụ nữ thì lại phải thủy chung hết lòng, nhiều người bị coi như hàng hóa gả đi để thu sính lễ. Sau này phong tục "tự sơ nữ" xuất hiện, một khi người phụ nữ đã trở thành "tự sơ nữ" thì đến cả cha mẹ cũng không được ép duyên, vì thế các bậc cha mẹ đa số cực lực phản đối phong tục này.

"Tự sơ nữ" không được phép đổi ý, phải giữ gìn trinh tiết, không được yêu hay quan hệ với đàn ông, nếu không sẽ bị đánh đập hoặc bị bà con nhốt vào lồng heo rồi thả trôi sông. Tuy nhiên quan hệ với phụ nữ thì không bị cấm, thế nên các "tự sơ nữ" có thể sống với nhau như chị em, cũng có thể sống với nhau như người tình.

Sau cách mạng Tân Hợi và thành lập Trung Hoa Dân Quốc, tập tục "tự sơ" vẫn còn. Phải đến năm 1930, nghề dệt lụa tại Trung Quốc sụp đổ, các "tự sơ nữ" không thể mưu sinh nên tản đi tứ xứ để làm người hầu cho các gia đình giàu có hoặc gia đình người Tây, từ đó được gọi là "chị má". Nơi họ chọn là Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... và Sài Gòn – Chợ Lớn ở Việt Nam.

Họ là những người giúp việc nhà chuyên nghiệp, sạch sẽ và trung thực, luôn mặc một kiểu trang phục giống nhau là áo xẩm dài gần đầu gối. Về già, các bà Thuận Đức không đi làm thuê nữa mà sắm một cái rương nhiều ngăn bằng thiếc mặt kiếng thủy tinh để đi bán dạo. Đây là gánh hàng xén mà họ gọi là "Bào phá quại xin" (Bào Hoa – kim chỉ). Họ lang thang khắp nơi đi bán vào buổi sáng, chiều nghỉ. Bên trong những ngăn tủ của họ là kem đánh răng, gương lược, kim, chỉ, vòng đá cẩm thạch... Khi đi bán, họ bận áo đen vải dài. Có người kiếm thêm bằng nghề se lông mặt.

Các "tự sơ nữ" đã hùn tiền mua nhiều "nhà bà cô" ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn, nhưng cho đến nay chỉ còn một căn duy nhất là Tụ Quần Cư ở số 150 đường Trần Quý, phường 6, quận 11.

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), tập tục ép duyên bị bài trừ triệt để, phong tục "tự sơ nữ" cũng biến mất. Một số "tự sơ nữ" chọn quay về quê hương, một số ở lại nơi đất khách quê người.

Hình ảnh các "tự sơ nữ" ở Tụ Quần Cư:

Rương "Bào Hoa – kim chỉ" của "tự sơ nữ":

Cụ Văn Mai (Văn Ngọc Phương, hay "cô Húc"), sinh năm 1922, "tự sơ nữ" cuối cùng ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn:

Các thông tin trên được mình edit và tổng hợp từ Wikipedia Trung Quốc, blog luukhamhung và trang web anduyencholon.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com