TruyenHHH.com

Da Su Du Nien

Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười hai, Hậu băng. Nhân đó, tôi trở thành thuyết khách, mang món quà không hợp lễ từ Thăng Long đến bái phỏng người ở An Sinh.

Những người từng sống trong Cấm thành như chúng tôi đều dựng riêng cho lòng mình một toà thành để bảo vệ kí ức cũ. Hậu có, Công chúa có, Hoàng thượng có, cả tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng An Sinh vương thì khác. Y chưa từng sống trong Cấm thành và tôi đồ rằng từ ngày tắm máu sông Cái, y cũng chẳng bao giờ muốn đặt chân đến đó nữa. Ấy vậy mà y cũng có một toà thành riêng. Tôi thấy nó hiển hiện trong mắt y, ngay khi y nghe tôi nhắc đến Hậu và Hoàng thượng trong cùng một lời trần thuật.

Chuyện là, Hoàng thượng tìm thấy trong nội tẩm của Hậu mấy hộp chè đã mốc và hết hương, mấy lá thư viết vội rất vắn và đôi ba món đồ linh tinh nữa. Hậu không đốt chúng bỏ, có lẽ chỉ chờ đến ngày chúng được phanh phui dưới ánh mặt trời. Mà ngày ấy chắc hẳn là ngày Hậu không còn trên đời, để tình yêu của Hậu không còn ai bắt chẹt hay chỉ trích, phá tan.

Di nguyện thầm lặng của Hậu được Hoàng thượng chấp thuận. Tất cả thư từ và quà cáp, dù nguyên hay hỏng đều được tôi mang đến An Sinh. Tôi cứ ngỡ An Sinh vương sẽ xúc động đến trầm tư, nhưng không. Y chỉ hời hợt bảo gia nô mang chậu lửa vào rồi tự mình đốt hết. Khói lên đen kịt hun mắt tôi cay xè, hơi đau. Y cũng thế, lại còn sụt sịt mũi, phải ngẩng đầu nhìn trời một lúc để tránh khói đi. Tôi cũng ngẩng đầu theo y và thấy qua khói đốt, trời hôm ấy mảng xanh rờn, mảng xám ngoét.

- Cô là em của Trần Hải nhỉ? - bất thần, y tìm chuyện thoái thác nước mắt.

- Vâng.

- Anh Hải thế nào rồi?

Tôi không ngờ được việc vương gia hỏi về anh tôi bằng giọng điệu nhẹ tênh đó, vì tôi còn nhớ rõ bác tôi và thầy của An Sinh vương - tức Tiên thượng hoàng - có hiềm khích với nhau. Anh họ tôi kể lại, nếu năm ấy bác tôi không có ý giết người tên Lại Linh thì có lẽ bác vẫn còn sống. Nhưng bác không chấp nhận việc anh trai cố ý gạt mình khỏi cuộc tranh ngai vàng, trong khi cả hai cùng họ, nên bác thà giết Lại Linh đi. Tuy bác dừng lại ở bước cuối cùng, tha cho Lại Linh về nhưng ông ta vẫn tự vẫn, còn Tiên thượng hoàng lại không tha cho bác.

Bác cũng đoán chắc Tiên thượng hoàng sẽ ra tay, chỉ không ngờ ngài ấy vốn không muốn gạt bỏ suông, mà là giết bỏ. Nếu nói về làm việc tàn nhẫn, người đời thường bàn tán về cậu Thủ Độ, chỉ chúng tôi biết họ Trần khi ấy có một người tàn nhẫn hơn, còn cậu Thủ Độ chỉ nhận thay tiếng xấu. Dẫu sao người kế tục ngai vàng cũng cần song thân có vẻ ngoài toàn bích, ít nhất là tay không nhuốm máu tươi.

Có lẽ vì vậy, tuy bác tôi và anh họ đánh đông dẹp bắc, chiến công vô kể nhưng vẫn mãi là loạn đảng, không với nổi ngai vàng.

- Cô nghĩ gì đấy?

Tiếng An Sinh vương gọi kéo tôi về với hiện thực, với lửa lách tách nổ, gió ồn ã bên tai và những bụi lửa bay tản mạn.

- Không gì cả. Anh tôi khoẻ lắm, mỗi tội bỏng mặt. - tôi nhìn ngọn lửa liếm từ mép lá thư của Hậu lên tay y, giật mình lắc đầu - Tiên hậu gửi thư không phải để ngài đốt bỏng tay đâu.

- Bệ hạ tưởng nàng muốn ta đọc thư, thật ra nàng muốn ta đốt giúp thì đúng hơn. Ta không đốt mà giữ lại nghĩa là ta còn thù. Ta đốt đi, trả quà cho nàng, nghĩa là không để bụng. Đấy, nàng muốn dò ý ta mà thôi.

Dứt lời, An Sinh vương nở nụ cười giễu, có lẽ vì nhận thấy lời mình buồn cười. Y bảo Hậu dò ý mình, trong khi y cũng đang dò ý người đã khuất. Lấy nhau từ tuổi ngô nghê, y và Hậu có bao giờ thực sự hiểu nhau? Hay họ vốn đã hiểu rồi nhưng từ sau năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu, sự hiểu ấy đã dần nhạt phai? Năm ấy vợ y bị buộc vào cung lấy em trai y, từ vương phi trở thành Hậu. Năm ấy em trai y bỏ lên Yên Tử còn y căm hờn dấy quân làm loạn sông Cái. Năm ấy anh em y ôm nhau khóc trên thuyền. Bao nhiêu cơ sự xảy đến trong một năm khiến cuộc đời y điên đảo. Người sống trong điên đảo có bao giờ tỉnh táo?! Làm sao y nhìn thấy bi kịch của Hậu khi trước mặt là nỗi bi phẫn quá lớn của riêng mình, thứ cơ hồ muốn nuốt chửng y.

Quanh đi ngoảnh lại, sự kiện phế lập đã qua nhiều năm đến thế rồi. An Sinh vương không còn hờn mình hay hờn một ai. Y kể về họ bằng giọng điệu bình thản như thể y là người ngoài cuộc. Cũng giống như Công chúa và Hậu, An Sinh vương vượt qua cơn triều biến bằng cách cố gắng thay đổi bản thân. Người ta nghĩ thay đổi là điều chi lớn lao lắm, song nó vẫn quá nhỏ bé so với mấy mươi năm cuộc đời. Nếu đủ lớn họ đã bỏ qua chuyện cũ rồi, đâu cần mượn khói hun mà chảy nước mắt.

Tôi về Phù Liệt tạm biệt anh họ, khăn gói ít thứ rồi vào kinh tiếp tục hầu chuyện Hoàng thượng. Hay nói khác đi, tôi đang cố đem những thứ mình nhận được từ An Sinh vương chuyển lại cho ngài. Những thứ ấy bao gồm ký ức về anh em nhà chài cá, về Hậu, về cuộc nổi dậy ở sông Cái và lời thăm hỏi dành cho đứa con Quốc Khang. Tất cả đều là nỗi lòng mà bấy lâu nay An Sinh vương giấu kín.

Trước linh đường của Hậu, tôi thay An Sinh vương lạy mấy lạy, mấp máy môi bảo mình vừa hoàn thành tâm nguyện trước khi thác của nàng rồi. Tâm nguyện của nàng có khi là sự tha thứ và chấp thuận của An Sinh vương thông qua việc đốt những món quà xưa, cũng có khi chỉ là việc anh em họ Trần không còn hờn nhau, để hoàng tử Quốc Khang được cả hai người thầy thương quý. Nếu di nguyện của Hậu chỉ có chừng ấy việc, thì Hậu ơi, mong nàng ra đi thanh thản.

***

Một chiều ngồi hầu Hoàng thượng uống hồng mai, tôi đánh bạo hỏi ngài chuyện mình nghĩ bụng từ hồi đến An Sinh. Tôi hỏi, ngài có từng quý mến Hậu không. Như ngạc nhiên lắm, Hoàng thượng rướn người, nhướng mắt:

- Trẫm tưởng người ngoài cuộc phải sáng suốt chứ! Ngươi cắt nghĩa xem "quý mến" là gì?

Người ta thường bảo lòng vua khó dò, vậy mà bấy giờ trước mặt tôi không phải vị vua khó dò nữa. Ngài là người đàn ông nhuốm chuyện hoa trăng phàm tục nhiều đến ngán ngẩm, đột nhiên mờ mịt, không biết tình cảm suốt mấy mươi năm đời mình gửi gắm phương nào rồi. Thế nên tôi càng khó nghĩ hơn, lắc đầu. Ngài tự rót chè rồi tự bạch:

- Ngươi nhắc khiến trẫm nhớ Phật Kim. Đó cũng là người trẫm quý mến, nhưng chắc không phải quý mến theo cách ngươi nghĩ. Hồi trẫm và nàng ấy lấy nhau người nào cũng mới bảy tám tuổi, đã biết gì là vợ chồng đâu. Trẫm quý nàng giống như quý một người bạn, một người đi trước thì đúng hơn.

Hoàng thượng cười hiền, mắt xa xăm. Xem ra ngài vốn chẳng cần tôi hầu chuyện kể lể gì, chỉ mượn tôi làm tiền đề, để tôi khơi mào cho ngài dốc hết tâm sự. Còn vì sao người được chọn là tôi mà không phải một ai khác, có lẽ vì thói quen lặng lẽ suốt gần ba mươi năm của tôi, vì vai tôi mang bóng nhiều người, và cũng vì tôi từng là bạn ngài nhưng chia xa đã lâu. Lý do cuối có vẻ hay. Nếu đổi lại là tôi, tôi cũng sẽ tâm sự với anh họ thay vì những người thân cận hằng gặp gỡ. Người hợp để giữ chuyện lòng của mình nhất không phải người gần gũi mà là người xa lạ, vì phải xa lạ mới không ngại làm người ta phật lòng, và người ta cũng chẳng có lý do để bêu rếu tâm sự của mình với người khác.

Hoàng thượng trầm ngâm hồi tưởng, chốc chốc uống chè, chốc chốc tỏ bày với người xa lạ hiếm khi gặp lại như tôi. Ngài hớp một ngụm chè, giọng điệu bình thản tựa như đang kể về đồng thoại thời nào, hoặc nhắc lại tích xưa của một ông vua bà chúa nào khác:

- Trẫm quên bao nhiêu năm rồi... kể từ lần đầu trẫm nghe người ta đồn trẫm yêu Phật Kim. Trẫm đâu dám?! Không phải trẫm thần thánh hóa Phật Kim đâu, mà vì trông nàng không giống người phàm chút nào. Người ta còn bảo Phật Kim yêu chồng đến độ hai tay dâng giang sơn cho nhà chồng nữa. Ôi trà dư tửu hậu, buồn cười chưa!

- Thế còn bệ hạ với Tiên hậu? - tôi ngập ngừng hỏi.

- Sao lại nhắc Lý Oanh làm gì? - ngài không trách mắng, song lại liếc tôi đầy ý nhị - Trẫm biết ơn Lý Oanh, vậy thôi. Ngươi thấy không, sau năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu anh em đều rời xa trẫm cả. Bọn Bất Cập, Trần Thiêm và Lê Tần chơi cùng ngày bé tuy không cáu ra mặt nhưng cũng chẳng lấy gì làm vui. Trẫm chỉ còn Lý Oanh bên mình. Tìm được người có cùng nỗi đau với mình không dễ, được người ấy bầu bạn, mặc dầu "bầu bạn" trong thù hằn càng chẳng dễ dàng, vui vẻ gì.

Dừng một lát, ngài tiếp:

- Lý Oanh còn hận trẫm và hoài niệm An Sinh vương, thế mới giống người bằng xương bằng thịt chứ! Lúc hòa nhã bình tĩnh, trẫm và Hậu còn có thể kể với nhau về Phật Kim, về tiền triều mà không phải e dè. Những cung tần còn lại có ai dám làm việc ấy?

Tôi chỉ lẳng lặng nghe và biết vậy, có khi ngỡ ngàng không nói nên lời. Hóa ra người sang bần đều cần hơi ấm và cần cảm giác đang sống giữa nhân thế. Hoàng thượng và chị em Hậu vốn như bao người bình thường khác, lại vì đeo mang nhiều trách nhiệm mà bị đồn đại thế nọ thế kia. Nếu yêu người nọ người kia, họ trở thành tội đồ nghìn năm, cầm bằng nói không yêu thiên hạ lại trách họ lạnh lùng. Việc nhà, tự bao giờ, đã trở thành việc chung. Ai bảo càng được quan tâm sẽ càng hạnh phúc?!

Nếu Hoàng thượng nói với Hậu thay vì nói với tôi, có khi nàng được an ủi phần nào và gắng gượng sống tiếp. Bởi tôi biết, nàng đã từng nghĩ giống Hoàng thượng. Nàng đã từng trân trọng con người khiến nàng thù ghét chỉ vì người ấy hằng ngồi nghe nàng luyên thuyên chuyện xưa. Người ấy thảng hoặc hiểu lòng nàng, nhưng chẳng mảy may vạch trần ra. Đồng bệnh tương liên khiến hai người cảm thông và ăn ý với nhau nhưng tiếc là chỉ đến thế.

- Dám hỏi, bệ hạ có thấy tiếc không? - tôi hỏi, ý như thể ngài mới là người nên thấy tiếc - Nếu ngài bộc bạch với Hậu, chuyện...

- Tiếc thì tiếc, nhưng đành vậy. - ngài nghiêng đầu ngắt lời tôi, ánh chiều rọi long lanh trong mắt - Trần đời đâu có ai phải lòng vợ của anh, cũng đâu người nào phải lòng em của chồng? Nói ra ai sẽ cảm thông?

Tôi phản bác:

- Ngài và Hậu đã yên ấm bấy nhiêu năm còn gì.

- Việc lấy nhau do Phụ hoàng trẫm và Thượng phụ sắp xếp. Ban đầu trẫm, Hậu, anh Liễu, nhiều người nữa, bọn trẫm phản đối thế nào chắc ngươi còn nhớ. Ôi thôi, mấy ai được làm theo ý mình.

Rồi đột nhiên ngài cười khô khốc. Ngài nói nếu sau nhiều sóng gió, ai cũng như sơ, trần đời làm gì còn chuyện khổ đau, bất hạnh. Bất hạnh là do người ta thay đổi, không phải do trời. Làm gì có trời nào rỗi rãi trêu đùa hết vận mệnh thế gian.

Đêm ấy tôi mơ thấy mình ngược thời gian trở về hồi Hậu còn tại thế. Tôi đem hết những lời Hoàng thượng nói ban chiều thuật lại với Hậu, những mong Hậu xuôi lòng bỏ hận, thừa nhận sự tồn tại của chút cảm mến kia. Thế nhưng trái ngược với tưởng tượng của tôi, Hậu không ngỡ ngàng hay vui mừng, thậm chí cái nhăn mày tôi cũng không thấy. Tôi chỉ thấy Hậu bế một đứa bé ơi à hát ru, nước mắt chảy dài thành máu.

Hậu gọi nó là Trịnh.

"Thằng bé vì ta mà chết."

"Thái tử là con của Công chúa. Công chúa lúc nào cũng canh cánh tiền triều, họ Lý lại còn đông thế... Thái tử phải chết. Chỉ cần là con của Công chúa và Hoàng thượng thì phải chết."

Tôi tuyệt tình thốt lên, đến chính tôi cũng ngỡ ngàng vì thấy xa lạ với bản thân quá. Thế nhưng Hậu không để ý tôi, chỉ chú tâm dỗ đứa bé nín khóc. Dỗ mãi không xong Hậu đành chịu, lại trò chuyện với tôi:

"Vậy còn họ Lý? Còn những người theo Liễu làm phản rồi chết ở sông Cái? Còn Liễu? Còn Doãn? Còn Quốc Khang? Em biết còn bao nhiêu người nữa không?! Mang bất hạnh của từng ấy người đổi lấy thứ hạnh phúc mơ màng của ta, chắc người đời rủa ta chết mất. Mà chính ta cũng phải rủa mình mới thỏa."

Tôi lặng người, còn Hậu ôm Trần Trịnh, mờ dần rồi biến mất. Trước lúc đi nàng vẫn kịp vuốt tóc tôi, thở dài:

"Thiên hạ khắt khe lắm, bia miệng để muôn đời. Mà người khắt khe, chấp nhặt quá khứ nhất lại là bản thân. Ta đã toại nguyện rồi, em đừng buồn mãi thế."

Những ngày tiếp sau khi tỉnh dậy dưới mái tranh ở Phù Liệt, tôi ngỡ mình đã cách Thăng Long kia xa lắm. Xa mấy dặm đường, hoặc là xa mười mấy hai mươi năm. Dù sao đi nữa tôi cũng không từng thuộc về chốn ngọc quỳnh đó, không từng thuộc về những tranh đấu và yêu oán của họ, nên buồn thương vừa rồi thoạt nhìn như lấy lệ mà thôi.

Năm năm sau, An Sinh vương cũng nối gót Hậu về trời. Tôi với y tuy là anh em họ nhưng không qua lại nhiều, vả lại bấy giờ y là vương gia, tôi là thứ dân, không can hệ chi nhau nên không đi viếng hay khóc thương gì. Tôi cũng nghe nói trong số người đến phúng điếu ở An Sinh, có kẻ từng chịu ơn nên làm bài vãn rất hay, ca ngợi công đức của y với dân An Sinh lúc sinh bình. Trong bài, lão có viết câu "Đa văn quán thế". Hai chữ "đa văn" chỉ Đa Văn Thiên Vương - vị thần có tên theo Phạn âm là Tỳ Sa Môn. Tỳ Sa Môn lại là biểu tự của Lý Kiến Thành thời Đường, trưởng nam của Đường Cao Tổ, sau bị em trai mình là Đường Thái Tông giết hại đoạt ngôi thái tử. Thân phận của Lý Kiến Thành và An Sinh vương vốn nhiều tương đồng, nay được khơi lật, khó trách dấy lên hiềm nghi rằng ngài còn oán thán người em làm vua.

Thế nhưng nếu chữ "quán" không bị kẻ dưới cố ý chép sai, "đa văn" chỉ mang ý ca ngợi thái quá đơn thuần, vốn không nhắc nhớ đến vị thái tử Lý Kiến Thành nọ. Chữ "quán" nguyên bản dùng bộ "kiến" thêm mười bảy nét, đột nhiên biến thành chữ "quán" bộ mịch bảy nét, khác nhau rất xa. Từ quán thị, soi xét thế gian, nghĩa chữ ấy biến thành đứng đầu thiên hạ. Một câu vắn tắt dễ dàng gom hết tội lỗi, lòng gian gá vào người đã khuất. Rồi không biết từ đâu mà lời đồn dấy lên, rằng trước lúc mất An Sinh vương còn dặn người con thứ Quốc Tuấn phải thay y giành lấy Đại Việt. Nếu đó là việc có thật hẳn phải tra được kẻ loan tin rồi trị tội, song đến khi việc lắng xuống người ta vẫn chưa tìm được đầu têu.

Người thao túng nghịch thần viết thơ không ai biết, tôi càng không, nhưng chúng tôi đều thấy thương xót An Sinh vương. Chết chưa phải là hết. Chết rồi vẫn bị lợi dụng. Nếu An Sinh vương biết được việc này, tôi nghĩ y sẽ tức tối dấy quân hỏi tội người làm thơ - giờ cũng đang dưới âm tào như y. Tôi bảo thế với anh họ, anh chỉ véo tai tôi, vừa mắng vừa cười:

- Mày cũng biết người ta khuất núi rồi đấy, còn đùa cợt.

Tôi biết câu nói đùa ấy bất kính lắm chứ, nhưng nghĩ vậy, ít ra chúng tôi vẫn thấy như y còn sống. Chúng tôi vẫn cảm nhận được sự tồn tại của y quanh quất đâu đó, cho dù là ở thế giới bên kia. Không rõ vì sao tôi không muốn nhìn người quanh mình lần lượt ra đi, kể cả những người gần như xa lạ là An Sinh vương. Có lẽ vì giữa cuộc đời dài và lặng này tôi đã không tự tung hoành để tạo ra sinh khí của riêng tôi. Tôi chỉ biết vay chuyện của người khác để lờ đi sự vô dụng của mình.

Sinh mệnh tôi hồ như rất dài, cũng lắm chán chường. Giữa lúc chuyển giao triều đại, những người quanh tôi và trên tôi, Hoàng thượng, Hậu, Công chúa, An Sinh vương và kể cả anh họ Trần Hải, tất cả đều sắm một vai nhất định. Tôi từng cho rằng mình lựa chọn làm người ngoài cuộc, nhiệm vụ duy nhất cả đời này là lặng nhìn thời gian cuộn chảy, cuốn những phận người từ nơi phồn hoa, đẹp đẽ nhất đến chặng đau thương, qua những khúc quanh rồi xuôi đổ về vô tận. Thế nên, tôi bước lên đài cao cuộc đời như kẻ mộng du rồi lại bước xuống. Tôi không có vai gì.

Đời vốn có hai kiểu tiếc nuối, một là tiếc vì đã làm, hai là tiếc vì không làm gì cả.

__________

Chú thích: Việc có người làm bài vãn và chép sai chữ "quán" bộ kiến thêm mười bảy nét  觀 thành chữ quán bộ mịch bảy nét 冠 là hư cấu, mong độc giả không xem là thật và đánh đồng với chính sử.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com