TruyenHHH.com

Chuyen Xua Ben Toc Mai Khong Phai Hai Duong Hong

Tôi sinh ra trong gia đình thương nhân giàu có. Tôi có người cha luôn cưng chiều tôi, có người mẹ trang nhã cao quý, cô cô, anh em trai, cậu nhỏ và mợ nhỏ. Cha tôi là Trình Phượng Đài, mẹ tôi là Phạm Tương Nhi.

Người cha thương yêu và cưng chiều nhất luôn là đứa con gái như tôi, dù lúc ấy xã hội vẫn theo đuổi quan niệm trọng nam khinh nữ. Cha tôi là một thương nhân thành đạt, vợ đẹp con ngoan, gia nghiệp sung túc, nhưng ở cha đôi khi tôi nhìn thấy được sự buồn khổ, hối tiếc và nhớ thương điều gì đó. Những đêm tuyết rơi lớn cha không ngủ được, thường cùng tôi ngồi trước hiên nhà ngắm tuyết, uống trà, và đưa tôi vào những câu chuyện xưa của cha cùng với tri kỉ.

Cha thường ôm dỗ dành tôi vào giấc ngủ, kể cho tôi nghe về quá trình lớn lên của cha từ những cuộc chơi bời thời trẻ chưa tỏ tường, chuyện gia đình ngày xưa, chuyện làm ăn, bạn bè của cha. Cha kể cho tôi về chuyện xưa, về cuộc đời của những đào kép trôi dạt khắp nơi, có nãi nãi Xuân Huyên của tôi, có tượng đài giới kinh kịch như Ninh Cửu Lang, Hầu Ngọc Khôi, có đào hát tài năng Trần Nhẫn Hương, và Thương lão bản.

----------------------------------------------

Cha và tôi có những bí mật nhỏ, ngay cả mẹ cũng không biết. Như việc cha len lén nuôi một con chim màu đen, nhưng bảo là tôi thích. Hay việc cha mang tôi đến lầu hát xem kinh kịch, dạy tôi dùng súng, đưa tôi đi ăn đủ các thứ đồ ăn vặt. Hay việc, cha cất giữ cẩn thận một tấm ảnh, ngồi trên ghế chụp cùng người đàn ông đang đứng sát bên. Tấm ảnh đó, dường như rất đặc biệt, thường được cha lấy ra ngắm nghía vào những khuya uống rượu một mình.

----------------------------------------------

Năm tôi mười tuổi, khi cậu nhỏ cùng mợ chuẩn bị đi định cư ở nước ngoài và bảo muốn nhận lại con gái, tôi biết được tôi không phải thân sinh của cha mẹ. Cha tôi lúc ấy không để ý đến sắc mặt của mẹ và cậu, chỉ quay qua tôi đang đứng bên cạnh mà hỏi:

_ Con gái, con muốn cùng cậu mợ đi hay không?

Tôi nhớ lúc ấy tôi chỉ khóc, ôm chặt cánh tay cha và nói một chữ “Không”.

Về sau đó đã xảy ra những chuyện gì, không ai nói cho tôi biết. Cậu nhỏ và mợ ngày hôm sau đã đi, còn mẹ, là bác gái tôi thì không nói chuyện cùng cha bốn tháng tròn.

------------------------------------------------

Từ nhỏ tôi đã nghe và hiểu được ý nghĩa của kinh kịch. Tôi yêu thích Trần Phi Yến xinh đẹp như tiên, thưởng thức Tiểu Phụng Tiên ngọt ngào như mật. Đĩa và những cuộn phim kinh kịch trong thư phòng của cha, ngoài cha ra thì chỉ có tôi được chạm vào và sử dụng. Có một lần, trong lúc xem vở Trường Sinh Điện của Thương lão bản, một linh cảm gì đó khiến tôi hỏi cha vì sao lại yêu thương đứa con không phải ruột thịt như tôi. Cha lúc đó nhẹ nhàng xoa đầu tôi, ánh nhìn xa xăm vào màn ảnh có Dương Quý Phi sống động như thật kia, nói với tôi:

_ Bởi vì con là đứa cháu trân quý nhất của người mà cha yêu thương.

Khi đó tôi vẫn nghĩ, thì ra cha yêu mẹ như thế, không chỉ để tôi mang họ của cha, còn luôn chăm sóc và cưng chiều tôi như con của mình.

---------------------------------------------

Cha đã không chỉ một lần nói với tôi, khoảng thời gian ở Bắc Bình là những năm tháng trọn vẹn và đong đầy hạnh phúc nhất của cha. Trước ngày đi du học, tôi đã cùng cha nói rất nhiều chuyện. Cha lần đầu tiên kể cho tôi nghe rằng cha gặp người đó vào ngày mùa đông ở Bắc Bình, người đó toả sáng rực rỡ trên sân khấu, thu hút ánh nhìn của người đã trải qua thương trường vạn dặm như cha. Người đó tính tình trẻ con, trừ hát kịch ra thì thường thức rất kém, dễ giận dỗi nhưng cũng dễ quên, tính tình thẳng thắn không khiêm nhường ai. Người đó từng đẩy cha xuống nước, từng bị cha ôm tôi đuổi theo, cũng từng bảo vệ cha và được cha bảo vệ.

Cha kể rằng người đó đã trải qua rất nhiều vấp ngã, bị thương, bị ám hại, bị phản bội. Nhưng người đó trọng tình trọng nghĩa, rộng lượng thiện lương, đối với người từng hại mình cũng có thể không chấp nhất, sẵn lòng đưa tay giúp đỡ không cần hồi báo. Người đó có thể nhịn được chuyện thanh mai trúc mã đối với mình, nhưng lại không nhịn được người khác nói bản thân không xứng với cha. Người đó đối với cha, sẵn sàng vứt bỏ tính mạng để trả thù cho cha, chăm sóc ngày đêm khi cha bị bệnh, đánh đổi giọng hát quý giá nhất của mình để cha tỉnh dậy. Ngày ấy, cha muốn đưa người đó cùng đi, nhưng người đó đã chọn kịch mà ở lại.

Cha kể rằng cha yêu thương một người, người đó là tri kỉ của cha, là người cha cùng chia sẻ buồn vui. Người đó là người cha có thể bộc lộ tất cả suy nghĩ, có thể dùng bộ mặt và hành động chân thật nhất để đối mặt, để nói chuyện và cười đùa. Ở cùng người đó, cha có thể tâm sự thâu đêm, có thể uống rượu say đến mất phương hướng, phóng túng chính mình. Người đó luôn luôn tin tưởng cha, thấu tính cách và suy nghĩ của cha, hiểu những việc động trời cha làm. Người đó, là danh linh nổi tiếng nhất của Lê Viên, là người mà cha nhất mực trân trọng và bảo vệ, Thương lão bản Thương Tế Nhuỵ.

Lúc này, tôi mới biết được trong ánh mắt xa xăm ngày ấy của cha trong thư phòng còn có cả sự yêu thương, ôn nhu và tiếc nuối, có cả cuộc đời trọn vẹn và quyến luyến nhất của cha. Tôi hỏi nhớ như vậy, yêu đến thế, vì sao cha không đi tìm người đó. Cha chỉ cười nhẹ rồi xoa đầu tôi, không nói lời nào. Tôi nhìn ra được nụ cười của cha mang theo sự bất đắc dĩ và nhớ nhung sâu sắc.

------------------------------------------------

Mùa đông ấy, tôi từ nước ngoài về thăm cha, có người nói đoàn hát Thuỷ Vân Lâu nổi tiếng nhất Lê Viên Bắc Bình sắp đến Thượng Hải, đã có dự định ở Thượng Hải phát triển. Khi nghe tin tức này, tôi thấy bàn tay đang cầm sách của cha chợt run lên, quyển sách rơi xuống đất.

Nửa tháng sau, người hầu trong nhà báo có người đưa đến một phong thư giao cho cha. Trong bao thư là một tấm vé xem kịch và một chiếc nhẫn nạm hồng ngọc, đằng sau tấm vé không có chữ mà chỉ vẽ một cành hoa đỏ. Tôi thấy được, trong đôi mắt đôi lúc ảm đạm mỗi khi nghe kinh kịch kia có ánh nước óng lên, cha tôi vội vàng chạy ra ngoài.

Tôi từ cửa sổ đang mở ra, thấy cha đứng trước cửa, hai mắt chăm chăm nhìn người đàn ông ở cổng sân nhà tôi, hai chân như đóng đinh tại chỗ. Người đàn ông ấy đứng dưới trời tuyết rơi, mặc áo giữ ấm màu đen, tay xách hai vali lớn, tóc mái đã hơi dài rũ xuống trước mắt, trên khuôn mặt hơi có chút mệt mỏi, nếp nhăn hằn nhẹ trên khoé mắt. Người ấy cũng đang nhìn cha tôi, sau đó nở nụ cười gọi cha tôi thật nhẹ:

_ Nhị gia.

Cha như chợt bừng tỉnh chạy thật nhanh đến trước mặt người đó, người kia cũng chạy về phía cha. Người đó bỏ vali xuống đất, giang tay ôm lấy cha. Hai cánh tay cha nâng lên vòng qua hông người đó ôm thật chặt, mặt vùi vào cổ người đó, như không bao giờ muốn buông tay. Tôi thấy được mắt cha đỏ lên, một giọt nước mắt rơi xuống, mà trên khuôn mặt tinh xảo của người kia cũng đã tràn đầy những giọt lệ.

Qua rất lâu, rất lâu sau đó, tôi nghe được giọng nói khàn khàn của cha vang lên:

_ Thương lão bản, cậu chạy nhanh như vậy không sợ ngã sao, lần sau cẩn thận một chút.

_ Sẽ không có lần sau – Người đó trả lời như vậy.

_ Cậu cuối cùng cũng đến rồi.

_ Tôi đến rồi.

_ Sẽ không đi nữa chứ?

_ Không đi nữa.

_ Sẽ ở lại chứ?

_ Sẽ.

_ Tôi rất nhớ cậu.

Gió tuyết chợt lớn hơn, tiếng nói chuyện cũng trôi theo tiếng gió mà nhỏ dần, tôi không nghe được người ấy và cha sau đó nói những gì, chỉ thấy được vòng tay ôm của hai người càng siết chặt như muốn khảm đối phương vào thân thể, không bao giờ chia ly nữa.

--------------------------------------------

Trước đó trong đầu tôi vẫn vang vọng một câu hỏi, vì sao cha nhìn thấy vật trong phong bì lại chạy ra ngoài. Thì lúc này tôi chợt nhớ lại, cành hoa vẽ trên tấm vé ấy giống như cây kẹp hoa đỏ cha thường cất trong túi áo mang theo bên mình. Mà chiếc nhẫn hồng ngọc ấy cha vẫn thường nhắc đến, là chính tay cha năm đó đã đeo lên cho người kia.

Tôi biết được người đang được cha ôm vào lòng kia là người cha chờ đợi gần hai mươi năm, là người cha yêu thương nhất kiếp này, là chấp niệm sâu đậm trong lòng cha, Thương Tế Nhuỵ.

-----------------------------------------------

Tôi sinh ra trong gia đình thương nhân giàu có. Tôi có người cha thương yêu cưng chiều, người cậu ruột xem tôi như trân bảo, người mẹ trang nhã cao quý, cô cô, anh em trai. Cha tôi là Trình Phượng Đài, cậu tôi là Thương Tế Nhuỵ, mẹ tôi là Phạm Tương Nhi.

Tôi là Trình Phượng Ất.

                           - Hoàn -

------------------------------------------------------

Lời tác giả: Xem xong phim với một cái kết OE, tôi muốn tự tạo nên một cái HE trong suy nghĩ của mình. Thương lão bản sẽ không theo Nhị gia đi, cũng không thể bỏ hát kịch. Nhị gia cũng không thể bỏ mặc gia đình mà trở lại cùng Thương lão bản. Tôi muốn lấy bối cảnh lời kể của Phượng Ất, một đứa trẻ từ khi ra đời đã không thể định sẵn số mệnh của mình nhưng lại là cầu nối và người thích hợp nhất để kể tiếp câu chuyện xưa dang dở ấy. Gần hai mươi năm sau gặp lại, Thương lão bản đã không còn quá cố chấp với kinh kịch, Nhị gia cũng đã ổn định tình cảm của mình. Từ nay về sau hai người sẽ ở cạnh nhau, cùng tri kỉ và gia đình trải qua quãng đời còn lại. Có người sẽ thắc mắc Thương lão bản sẽ ở cạnh Nhị gia, còn Nhị nãi nãi sẽ như thế nào? Ngày đó, trong xã hội gia đình tam thê tứ thiếp vẫn là chuyện rất bình thường và phổ biến. Việc Thương lão bản không màng tính mạng trả thù cho Nhị gia, hi sinh giọng hát của mình để cứu Nhị gia. Ngày Nhị nãi nãi đưa cho Nhị gia tấm vé tàu đi Hồng Kông ấy, Nhị nãi nãi đã từng nói với người bên cạnh “Chỉ dựa vào điều đó, Thương Tế Nhị ăn cơm Trình gia chúng ta cả đời này. Tôi nhận.”

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com