TruyenHHH.com

Chuyen Thang Sau

Tôi không biết rằng bản thân mình cũng có thể làm được điều gì đấy lớn lao, cho đến khi tôi đứng ở đây, trên bục cao nhất, chiếc huy chương vàng nặng trĩu nơi cần cổ thanh mảnh, và nhìn thấy những giọt nước mắt như pha lê điểm lên khuôn mặt mẹ.

Ấy là từ hồi mà tôi còn nhỏ lắm, và tôi yêu cách đôi chân mình lướt dài trên sân băng.

Lên năm hai mươi tuổi, tuổi mà bạn bè đồng trang lứa vùi mặt ở thư viện Đại học, tôi được mẹ âu yếm ủng hộ ước mơ của mình. Tôi gắn liền cả quãng thời gian trong ngôi trường đào tạo về trượt băng nghệ thuật tại Busan.

"Jimin."

"Thầy gọi em ạ?"

Một buổi chiều sau khi kết thúc buổi tập, gặp thầy mà tim tôi vẫn gõ từng nhịp vì miệt mài cày cuốc. Tôi vén nhẹ tóc mai, mu bàn tay theo thói quen áp lên hai bầu má để giảm đi cái hồng phủ lên gương mặt vì nóng bức do vận động.

Thầy nhìn tôi, cái nhìn nom tiếc nuối nhưng vẫn vui mừng hơn cả, thầy đưa cho tôi tờ giấy được gấp gọn gàng làm bốn.

"Trường Wahn ở Seoul chắc em cũng biết rồi đúng không?"

Sao tôi lại không biết được, nếu nói rằng cứ học tại đây thì sẽ được đi thi đấu Quốc tế, tiến ra những sân chơi lớn hơn thì có thể sẽ hơi nói quá. Nhưng gần như mọi tuyển thủ trượt băng nghệ thuật của Hàn khi chạm mặt với bạn bè bốn phương đều từ ngôi trường này, đều được rèn giũa, có khi mòn cả thân thể và tinh thần, nhưng họ giỏi, và họ tự tin rằng mình giỏi.

Tôi sẽ không nói Wahn là ước mơ cả đời của tôi, vì vuốt ve từng lần chạm băng mới là khát vọng duy nhất mà tôi hướng đến, nhưng Wahn là một điểm sao sáng, vì nếu chạm được ngôi sao ấy, quãng đường từ vạch xuất phát cho tới khi chạm mặt trăng của tôi sẽ gần hơn nhiều.

Tôi gật gật đầu, đồng thời mở tờ giấy ra.

Là thư mời nhập học.

"Thầy có quen với một huấn luyện viên bên ấy, và thầy ấy rất ấn tượng với tài năng của em. Sẽ không sao cả nếu em từ chối, nhưng thầy nghĩ rằng đây là một cơ hội phát triển tốt lắm."

Tôi không trả lời được, vì tay còn mải nắm chặt bức thư mà đọc từng chữ. Hàng chữ được in nổi gọn gàng, tên tôi xinh xắn nằm ngay trung tâm lá, với một dòng nhỏ về lý do cũng như lời chào và chữ ký của người gửi. Tôi chỉ có thể lắp bắp như không dám tin vào tai mình.

"E-em sẽ về nói chuyện với mẹ thử xem sao ạ."

Thầy nhìn tôi, khẽ gật đầu cười, đồng thời vỗ nhẹ vào bờ vai.

"Đừng để lỡ mất cơ hội nhé."

Tôi không phải thuyết phục mẹ, tôi chỉ trực tiếp hỏi bà những gì cần chuẩn bị để đến Seoul phồn hoa từng chỉ tồn tại trong hà sa những kí ức hồi còn bé xíu.

Nhưng nói với bố là cả một câu chuyện khác biệt.

"Con sẽ không làm nên trò trống gì."

Tôi thở hắt ra trước những bước đi lại quanh phòng khách, trong cái nhíu chặt mày từ người bố mà hết lần này đến lần khác chặt đứt mơ ước của tôi.

"Vậy cứ kệ con đi ạ."

"Bố bỏ tiền ra để con ăn học như một người bình thường."

Tôi vuốt sợi tóc mai loà xoà trước trán, dường như đã quá mức quen thuộc với mấy lời sắc nhọn găm thẳng vào tim. Cổ họng nghẹn lại, và tôi bỏ lên phòng.

Hôm sau tôi vẫn nói với thầy rằng bên phía gia đình đều ổn thoả cả, mặc dù chỉ có mẹ với cái ôm nhẹ nhàng và một nụ cười, một cái nắm tay mà tôi biết bà cố ý dúi vào mấy đồng bạc để lo cho tôi học phí.

Nhà tôi không thuộc dạng khá giả gì, những điều mà tôi có ngày hôm nay, với những chiếc huy chương vàng treo dọc góc phòng từ mấy hồi còn non nớt đều do một tay mẹ vun vén và ủng hộ. Mẹ thích tôi theo chuyên ngành kế toán hơn, vì ngày xưa tôi từng rất có tư chất về mặt tư duy tính toán. Tôi yêu bà, cũng hiểu mong muốn của bà, nhưng cái duyên với sân băng lại nặng quá, tôi muốn dứt cũng không được, thế đành thôi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ lắm, vì có phải mình đã ích kỉ mà chỉ biết đam mê của mình hay không, và cả, một là tôi sẽ thật sáng, hai là sẽ chìm sâu xuống, khi ấy tự biết đường mà rút lui, coi như có duyên nhưng không đủ nợ. Nhưng nếu mà tôi lưng chừng chẳng bằng ai, mà cũng chẳng ai bằng mình thì lại vừa nuôi hy vọng, mà vừa chẳng chịu chăm nom đủ, rồi lại tiếc cả quãng niên thiếu.

Tôi bảo với mẹ rằng tuần sau mình lên Seoul, mẹ cũng rơm rớm, mà bố biết tôi bướng bỉnh, nói không lại thì cũng mặc, không bằng lòng lắm nhưng lại doạ đôi một hai câu. Ông chưa bao giờ là áp lực của tôi, cả đời tôi chỉ nghĩ đến nụ cười của mẹ, lo cái nhíu mày của bà, dù được mẹ hết lòng nhưng tôi biết nếu mình rảnh chuyện không đâu, bà sẽ thất vọng nhiều, chỉ là có nói ra hay không mà thôi.

Nghĩ thế nên tôi đành cố, mong là Seoul hợp mệnh.

Đón tôi ở ga tàu là nắng vàng trải lên mi mắt, Seoul rực rỡ và hào nhoáng. Tôi vác theo vali, đa số đều là đồ mẹ cất công chuẩn bị, có mấy món dở chứng lắm nhưng tôi biết mẹ lo, lại ngậm ngùi cất vào. Tỉ như cái kính râm màu đen, mà mẹ kêu mang lên đeo cho mấy đứa ở Seoul không dám bắt nạt. Tôi khi ấy còn cười ngả nghiêng, sau này mới biết mẹ nói gì cũng đúng, chắc là giác quan thứ sáu của người phụ nữ.

Tôi bắt xe tới trường. Wahn đẹp hơn cả những gì tôi nghe họ truyền tai nhau, Wahn là một bức hoạ.

Trường rộng lắm, có một khoảng sân lớn ở ngay phía cổng trường, với những bậc thang hình vòng cung dài xếp lên nhau, dẫn tới hành lang chính. Có tới ba sân tập cho các lớp, một sân băng nhỏ để các học viên tập luyện bất cứ khi nào họ thích, kể cả đêm hay ngày, chỉ cần có thẻ học viên. Trường cũng có cả kí túc xá cho những người học xa nhà, như tôi, và một canteen khá lớn, dù các bữa ăn có vẻ được kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo vóc dáng và sức khoẻ cho mỗi học sinh, tôi vẫn thấy lượng ăn đầy đủ và ưng mắt. Điều hay ho hơn cả, tôi chẳng biết học chung với mình là ở độ tuổi nào.

Hôm tôi đến gặp thầy để nhận lớp, có những người tôi đoán tuổi đã tầm hai mươi tư hoặc hai mươi lăm, nhưng cũng có những em mới chỉ tầm mười lăm, mười sáu là cùng. Và lúc ấy tôi mới biết, chúng tôi được xếp chung lớp do chung trình độ và có kĩ thuật trượt ngang nhau. Cơ bản thì nhìn mặt bằng chung, tôi có vẻ nhỉnh hơn một chút. Có hai nhóc đến vì được thầy yêu cầu, cốt là để các em nhìn tận mắt mà học tập thêm kĩ năng, lớp có hai mươi người, nhưng chỉ khoảng ba người nhỏ hơn tôi, mà hôm nay ngoài hai em kia ra thì có một, tôi hỏi mới biết hai người còn lại đang học ở Nga, không biết bao giờ mới về. Còn lại có một người ngang tuổi, cậu là Joonwoo, hình như đã theo học ở đây từ khi còn bé xíu, chứ không phải vắt ngang nửa đèo như tôi. Chỗ còn lại, đều lớn tuổi hơn tôi cả, chỉ tầm một tới ba tuổi thôi, nên mọi người có vẻ hoà hợp lắm.

Hoá ra Seoul không khó gần như tôi tưởng. Thầy của chúng tôi dễ tính, cũng không có màn chào hỏi học viên mới kì lạ nào, tránh được ánh mắt của bao nhiêu con người đổ dồn vào mình.

Lịch học khá thưa và êm, thường vào chín giờ sáng cho đến ba rưỡi chiều, khoảng thời gian còn lại chúng tôi có thể tuỳ ý sử dụng sân băng để tập luyện thêm cho đến sáu giờ tối, riêng khoảng sân nhỏ ở phía Tây trường thì mở cả ngày. Chúng tôi cũng không phải học các chương trình văn hoá nào, chỉ có trượt băng nghệ thuật thôi.

Chiều lúc xuống ga tàu, mẹ còn nhắn cho tôi một tin thế này.

Jimin lên Seoul không phải sợ con nhé, ai bắt nạt cái gì thì về kể mẹ nghe.

Tôi cười mà hai mắt đỏ hoe, gọi cho mẹ rồi sụt sùi mãi. Mẹ cũng bảo tôi đừng ở kí túc xá trường, không tiện lắm, còn tôi nghe cũng chỉ biết gật gù vâng dạ. Mẹ kể có chị họ, con của bác nhà nội cũng học múa đương đại ở Seoul.

"Mẹ bảo."

"Vâng."

"Chị Areum có thuê một căn trọ, nhỏ thôi nhưng mà hai đứa ở vẫn được. Mẹ hỏi chị rồi, có gì con chia tiền nhà ra, ở cho rẻ, còn dễ đi lại, dễ ở hơn kí túc xá."

Tôi gật đầu như gà mổ thóc mà mẹ không thấy được.

"Có gì thường xuyên gọi về cho mẹ."

"Dạ, thế mẹ nghỉ ngơi đi."

Tôi xách vali vào nhà trọ của chị đã là buổi tối sau khi kết thúc lần học đầu tiên ở Wahn. Chị Areum chào tôi như thể cả hai đã thành tri kỉ cả mấy kiếp. Đúng là có hơi nhỏ, nhưng lại chẳng thiếu thứ gì, có bếp, phòng khách, hai phòng ngủ đơn bé xíu, không có đủ nơi để đặt bàn ăn, nhưng sofa êm ái lắm, nhâm nhi bữa tối với một bộ phim trên Netflix ở đấy cũng không tệ chút nào. Mỗi phòng ngủ lại có một chiếc ban công con con để phơi đồ, tiện hết nấc vì tôi cũng ngại phơi chung với người khác.

Chị hỏi tôi đủ thứ về Wahn, chị học ở trường khác, cũng chuyên về múa đương đại, nhưng tôi ú ớ chẳng nhớ nổi tên trường. Chắc vì là vũ công nên trông chị mảnh mai và mềm mại lắm, khuôn mặt hơi tròn, mắt hai mí xinh xắn và chiếc mũi cao nhỏ. Chị cắt tóc ngắn chỉ vừa chạm vành tai, tôi không biết tại sao, thường tôi vẫn thấy vũ công chuộng để tóc dài hơn, nếu cần cho biểu diễn thì họ sẽ búi hoặc vấn cao lên. Areum chỉ cười, có nhiều cái chắc là thích thôi, không giải thích được.

Chị kể, ở Seoul cái gì cũng tốt, trừ trai Seoul ra. Tôi khúc khích, không có bình luận gì vì tôi chưa thử bao giờ.

"Chị có hai mối tình ở đây, nhưng ai cũng bạc hết em ạ."

Rồi chị lại luyên thuyên về chuyện yêu, về cả chuyện chia tay. Tôi không hay nói, nên tôi biết ơn vì chị không để bầu không khí giữa cả hai rơi vào sự ngượng ngùng nào dù tai tôi chữ được chữ mất. Tôi chỉ ngồi nghe chị mà cũng đến nửa đêm mới về giường. Căn phòng nhỏ nhưng phần cửa gắn với ban công đều bằng kính, tôi mân mê được vẻ phồn hoa của đêm Seoul vào tầm mắt. Muộn thế rồi mà vẫn nhộn nhịp và ồn ào, bản thân tôi vừa nhớ mùi biển Busan, vừa hứng thú với nhịp sống ở Seoul. Giấc mơ rơi vào một lắng chậm, về những tham vọng cao vời vợi, cả về những bước trượt dài ngoài tầm với, tôi sẽ quen với thành phố này sớm thôi, tôi mong thế, hoặc tôi biết mình nên thế.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com