TruyenHHH.com

Chili Pas De Deux

Tartaglia là một nghệ sĩ violin, thế nhưng cái tài năng của gã chỉ ở hạng quèn bởi vị trí của gã luôn luôn ở hàng thứ tư, tức là hàng cuối trong giàn giao hưởng, ấy là gã tự cho là thế. Chưa ai từng mở miệng thốt ra câu chê bai gã, mà chính gã là người làm điều đó; Tartaglia luôn cho rằng mình là cái thứ không nên tồn tại, gã không coi mình là một con người đúng nghĩa. Có chăng là vì linh hồn bên trong của gã đã mục nát và chết rồi, đúng vậy; gã không muốn sống, Tartaglia đã nhiều lần thử tìm đến cái chết nhưng kết quả là một sự hèn nhát trong gã luôn dừng gã lại trước khi quá muộn, nó luôn vực dậy khi gã cố làm thứ gì đó để kết liễu sinh mạng này. Tartaglia hận cái thế giới này và bản thân gã chết đi được, thế mà gã lại chẳng thể thoát khỏi nó. Có lẽ ai nghe về cuộc đời gã cũng nghĩ rằng nó thật là nực cười, rằng Tartaglia là một tên hèn và thất bại chính hiệu. Giờ đây mỗi ngày trôi qua đối với gã như địa ngục, lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và nó như chôn vùi gã xuống cái hố sâu mà gã chẳng thể thở nổi; dù cho gã cố gắng thoát khỏi vòng lặp ấy, đến mức thể xác và tâm hồn trở nên tàn tạ thì gã cũng không thể thoát ra. Nó ngộp thở lắm, nó là cái cảm giác bí bách và khó chịu mà con người ta ai cũng ghét; ấy thế mà con người, không, một sinh vật sống bình thường là Tartaglia lại phải trải qua cảm giác chết tiệt đó mỗi ngày, thứ cảm giác có thể khiến người ta phát điên. Nhưng Tartaglia đã quen rồi, khi ta đã quá quen với thứ gì đó thì ta cũng dần dần chẳng để ý đến nó nữa; giờ đây thì gã chỉ biết cười, chỉ biết mỉa mai chính bản thân bởi theo Tartaglia thì gã quả là một tên hề thứ thiệt. Và tuyến lệ của gã thì gần như đã không còn hoạt động nữa, lần cuối gã rơi nước mắt là lúc nào thì gã cũng không còn nhớ nữa, về lý do thì cũng như vậy nốt; gã cũng không muốn rơi nước mắt bởi theo gã thì đó đúng thật là yếu đuối và đáng nhục nhã.
Theo như đánh giá của người ngoài thì gã là một con người lạnh lùng và ít nói, hầu như không ai trong giàn nhạc dám cả gan bắt chuyện với gã; bởi cái ánh mắt gã cứ như muốn ăn tươi nuốt sống họ mỗi khi họ đến gần gã. Ấy thế mà cái gã Tartaglia đáng sợ đó lại có ngày để một người tiếp cận mình, gã đã để người đó bước vào thế giới riêng của gã, cái thế giới mà tràn ngập nỗi cô đơn, tăm tối và trống trải đến bi thương.
Hôm ấy cũng chỉ là một ngày bình thường, và tiết trời của tháng 6 thì khá là nóng nực, nhưng cảnh sắc thì lại ngập tràn sức sống và hơi thở của sự bình yên, đâu cũng có thể nghe thấy tiếng ve kêu râm ran hoặc nhìn thấy những tia nắng chói chang len lỏi vào từng tán cây; cái cảnh tươi sáng này thì hoàn toàn đối lập với tình trạng thiếu sức sống của gã. Tartaglia đến để luyện tập cùng giàn nhạc, bởi họ sẽ biểu diễn một bản piano concerto vào tháng sau; theo Tartaglia thì gã không có chút tài cán gì đối với violin, thế nhưng khi học một bản nhạc mới toanh thì gã lại luôn làm rất tốt và gã chẳng bao giờ bị phê bình trước mặt mọi người; mà gã thì lại không lấy làm vui lắm với điều ấy bởi gã cho rằng ai cũng có thể làm thế, và rằng vị trí gã ở hàng cuối nên đâu có ai chú ý đến gã?
Họ sẽ biểu diễn Piano Concerto số 2 cung đô thứ op 18, được sáng tác bởi một nhà soạn nhạc người Nga - Rachmaninoff. Đây là bản nhạc yêu thích của Tartaglia, bởi nó làm gã nhớ tới quê hương của mình; nhớ tới gia đình bé nhỏ của gã và khoảng thời gian trong gã vẫn còn cái thứ lửa gọi là đam mê ấy. Năm ấy gã đã rời xa gia đình mình để theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ violin nổi tiếng, nhưng hiện tại gã vẫn chỉ chật vật ở hàng violin thứ tư. Gã mãi mãi sẽ chẳng thế trở thành một nghệ sĩ violin thực thụ như gã đã từng mơ.
Tartaglia bình thản chỉnh lại dây đàn violin của mình, công việc này quá đỗi quen thuộc với gã, giống như người ta hít thở vậy. Trong khi Tartaglia đang tập trung vào cái công việc duy nhất mà gã có thể làm tốt ấy thì gã nghe thấy nhạc trưởng thông báo rằng dàn nhạc của họ sẽ có vinh dự được biểu diễn piano concerto với nghệ sĩ piano trẻ đang rất nổi tiếng dạo gần đây bởi tài năng và những bài biểu diễn tinh tế mà không kém phần truyền cảm của anh, nghe nói anh ta đã dành được giải nhất trong cuộc thi Chopin. Tartaglia thì cũng cóc quan tâm tới mấy cái giải thưởng đó, nhưng trong lòng gã lại không thể nhịn được mà thầm ngưỡng mộ anh ta, bởi so sánh với một kẻ bất tài như gã thì anh quả là ở một thế giới khác rồi.
Tartaglia cũng từng muốn được bước chân vào cái thế giới ấy, cái thế giới của những con người thành công và tài giỏi luôn được tất cả mọi người nhìn với ánh mắt thèm khát và ngưỡng mộ; thế nhưng gã càng cố gắng, gã lại càng nhận ra bản thân gã vô dụng và rác rưởi đến thế nào, khi những bạn bè đồng trang lứa của hắn đều đỗ vào những nhạc viện hàng đầu hay được giải này giải kia ở các cuộc thi violin quốc tế như Menuhin, chỉ riêng gã là không, gã không đạt được bất kì thứ gì. Cái ý nghĩ chỉ một mình gã thất bại và khác biệt với mọi người làm gã trở nên ghét cay ghét đắng violin, kể từ đó đến bây giờ, mặc dù khi thuở gã còn là một thiếu niên gã đã yêu cây violin của mình đến thế nào. Khi ấy gã ngưỡng mộ và mơ ước được trở nên tài giỏi và điêu luyện như Paganini, Sarasate hay Heifetz; nhưng càng lớn hơn, thực tại lại cho gã một vố đau khi hắn nhận ra mình chẳng là cái thá gì cả.
Rồi nghệ sĩ piano ấy cuối cùng cũng đến, anh ta vô cùng xinh đẹp, mái tóc dài màu nâu được cột gọn phía sau và đặc biệt là ở đuôi mắt anh có hai vệt đỏ khiến người ta chẳng thể rời mắt. Gã phải thừa nhận rằng gã chưa từng gặp một người đàn ông nào mà đẹp như anh ta, và nụ cười của anh thì rất ấm áp và tràn đầy sức sống. Nhưng với Tartaglia thì khuôn mặt ai cũng giống nhau cả, gã sẽ lập tức quên mất rằng người mình từng gặp trông như thế nào, gã cũng không quan tâm chuyện đó bởi gã cho rằng nhớ mặt một ai đó là việc không cần thiết với gã khi gã không có mong muốn kết thân với ai. Tartaglia thậm chí còn chẳng thể nhớ nổi tên của anh ta mặc dù nó chỉ vừa được giới thiệu xong.
Buổi tập dượt bắt đầu, khuôn mặt anh mới nãy còn tươi cười thì giờ đã hoàn toàn khác, mặc dù chỉ là luyện tập nhưng anh vô cùng nghiêm túc và ánh mắt anh hiện tại đã không còn thứ gì khác ngoài chiếc đàn piano ngay trước mặt. Mở đầu bản nhạc là phân đoạn moderato - tức là giai điệu vừa phải, từng giai điệu dồn dập phát lên từ phía giàn nhạc; và rồi tới phần piano. Ngay từ lúc những nốt nhạc vang lên từ chiếc piano của anh, Tartaglia đã bị thôi miên rồi; bởi những âm thanh ấy như đang vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp, tinh tế và sâu lắng. Anh đang chơi đàn, hay đang kể lên một câu chuyện? Gã cũng không biết nữa, gã chỉ biết rằng bản thân không thể rời mắt khỏi người đàn ông ấy, từng ngón tay anh lướt trên phím đàn vô cùng tự nhiên; như thể anh đã hoà làm một với chiếc đàn. Phải rồi, chiếc piano ấy giờ đây chính là máu, là thịt của anh, và tiếng đàn của anh dường như đã chạm vào trái tim gã. Lần đầu tiên con tim gã lại đập rộn ràng như thế, chính anh, anh khiến gã nhận ra rằng gã vẫn là một con người; linh hồn gã vẫn còn đó, bởi từng nốt nhạc ấy đang chạm vào nó. Tiếng đàn của anh như một cơn mưa rào mang theo sự sống, chúng tưới lên trái tim đã khô cằn của gã.
Tới phần cadenza, trong mắt anh chỉ có chiếc piano và những phím đàn đen trắng, còn trong mắt gã thì chỉ có hình dáng của anh. Ngoài anh ra, gã chẳng còn để tâm đến bất cứ thứ gì; mặc cho nhạc trưởng đang chỉ huy dàn nhạc, mặc cho có đến phần của mình. Tartaglia muốn lưu giữ khoảng khắc này cho riêng gã, gã muốn khắc sâu cái bóng hình đó của anh vào sâu trong tâm khảm của gã. Tartaglia cũng không hiểu nổi chính bản thân gã, lần đầu gã có cảm giác như vậy đối với một người; đáng lẽ trước mắt gã chỉ là một màu đen, nó che mắt gã khiến gã chẳng thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, thế giới của gã trước đây chỉ có những tông màu đơn điệu. Thế mà giờ đây thế giới ấy đã trở nên rực rỡ và ngập tràn màu sắc, cái thứ âm nhạc của anh thật diệu kì, và gã không muốn bản nhạc này kết thúc một chút nào.
Giai điệu của bản nhạc lúc nhanh lúc chậm, và dần tiến tới đoạn kết. Tartaglia thậm chí không nhận ra rằng mọi người đã rời khỏi đó từ lúc nào, tâm trí gã hiện tại chỉ có hình bóng của anh mà thôi. Gã ở lại luyện tập một mình, nói là vậy nhưng thực chất gã đã chìm vào chính dòng suy nghĩ của mình rồi; gã nửa muốn gặp anh, nửa không, bởi dù có gặp lại thì anh cũng chẳng biết gã là ai, gã đã luôn luôn mờ nhạt như vậy. Và như để thoát khỏi dòng suy nghĩ ấy, gã châm một điếu thuốc lá lên hút. Cái mùi khói của thuốc lá, nó khiến gã bình tâm trở lại; mỗi khi căng thẳng hay gặp muộn phiền, Tartaglia luôn tìm tới thứ thuốc an thần này của gã, gã cóc thấy nó hấp dẫn nhưng không hiểu tại sao mỗi khi hút gã lại thấy mình bình tĩnh hơn.
Gã chầm chậm bước tới chỗ của chiếc piano, gã chạm vào và cảm nhận nó. Tartaglia nhìn vào hình ảnh phản chiếu của gã trên chiếc piano; gã nhìn chằm chằm nó và tự hỏi rằng liệu bản thân gã có xứng đáng để yêu một ai đó, hoặc được yêu một ai đó không? Bởi hình ảnh gã hiện lên là một người tệ hại và xấu xí, Tartaglia chán ghét nó đến nỗi gã không thể nhìn nó quá năm phút.
Tartaglia ở trên đời này, chỉ ghét duy nhất một thứ, đó chính là bản thân gã.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com