TruyenHHH.com

Cac Thuoc Tinh Tam Ly Dien Hinh Cua Nhan Cach


I - KHÁI NIỆM VỀ TÍNH CÁCH à

Tính cách là mặt đạo đức, là cốt lõi của nhân cách, là mục đích cuộc sống của con người. Tính cách là một thành phần cốt lõi của nhân cách.

Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường dùng từ "tính tình", "tính nết", "tư cách", "phẩm chất"... để chỉ tính cách. Những nét tính cách tốt thường được gọi là "đặc tính", "lòng", "tinh thần", những nét tính cách xấu thường gọi là "thói", "tật". Vậy tính cách là gì?

1. Khái niệm tính cách

Tính cách là một thuộc tính tâm lí phức hợp của cá nhân, bao gồm một hệ thống thái độ của nó đối với hiện thực thể hiện trong hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.

Có thể định nghĩa ngắn gọn: tính cách là thái độ đã được củng cố trong những phương thức hành vi quen thuộc.

Những sự khác biệt cá nhân giữa người và người không chỉ biểu hiện qua khí chất mà còn qua tính cách của họ. Từ tính cách xuất phát từ tiếng Hi Lạp – Charakter nghĩa là dấu vết, dấu ấn. Còn đối với cá tính con người thì có nghĩa là những đặc điểm biểu hiện rõ ràng của cá tính.

Cần phân biệt tính cách, nét tính cách và hành vi ngẫu nhiên:

+ Nét tính cách là thuộc tính tâm lí cá nhân, những nét tính cách tốt như: chân thật, nhân hậu, cần cù v.v..., những nét tính cách xấu gọi là "thói" như: tham lam, lười biếng, cẩu thả...

+ Tính cách là thuộc tính tâm lí của cá nhân nó là mặt đạo đức của nhân cách.

+ Hành vi ngẫu nhiên là những hành vi nảy sinh tức thời bột phát trong một tình huống cụ thể nào đó, nó không được lặp đi lặp lại không được củng cố qua thực tiễn. Ví dụ: Một thanh niên khi lên xe gặp người già, phụ nữ thì chen lấn xô đẩy nhưng lại nhường chỗ ngồi cho một cô gái xinh đẹp, đó là hành vi ngẫu nhiên, không ổn định, không phải là nét tính cách lịch sự của anh ta. Vì vậy, nếu hành vi đó được lặp đi lặp lại trở thành ổn định sẽ là nét tính cách.

2. Đặc điểm đặc trưng của tính cách

Nói đến tính cách không phải là nói đến những đặc điểm hành vi ngẫu nhiên của một người nào đó mà là những phương thức hành vi ổn định, quen thuộc đối với họ, những phương thức hành vi mà chúng biểu thị nhân cách của con người, biểu thị thái độ đối với thế giới.

Tính cách không bao trùm các quá trình tri giác, tư duy, tình cảm, ý chí. Tính cách cũng không phải là số trung bình cộng của các hiện tượng tâm lí khác nhau. Tính cách là một cấu tạo hoàn chỉnh, độc đáo phụ thuộc vào những tác động của cuộc sống, là một hệ thống bao gồm, những thuộc tính như xu hướng, ý chí, đặc điểm trí tuệ và tình cảm được hình thành, phản ánh cuộc sống và hoạt động của cá nhân.

Những thái độ đối với thế giới, những cách hành động và xử sự riêng biệt của một người hay một nhóm người đều hình thành trong quá trình nhận thức và hoạt động, trong những điều kiện xã hội nhất định của cuộc sống. Tất cả những thái độ đã hình thành và có tính chất chủ đạo như thế của con người đối với xã hội, đối với bản thân và những cách cư xử quen thuộc trong môi trường xã hội tạo thành tính cách của mỗi người.

- Tính cách của con người thể hiện một phong cách sống nhất định trong nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, mục đích, tình cảm và ý chí. Những yếu tố này biểu hiện ở chỗ cá nhân lựa chọn một hoạt động và hành vi, thái độ và cách đối xử như thế này hoặc như thế kia. Tuy nhiên, trong hệ thống những thuộc tính tâm lí thì niềm tin, thái độ và thói quen đạo đức giữ vai trò trung tâm trong tính cách con người. Nghĩa là, tính cách là tập hợp những đặc điểm tâm lí bền vững nhất của nhân cách, thể hiện qua hành vi và hành động của họ.

- Nói tới tính cách là nói đến cái điển hình và cái cá biệt trong nhân cách. Tính cách không phải không phải di truyền, cũng không phải là một thuộc tính bất biến của nhân cách. Tính cách của con người được hình thành và phát triển dưới ảnh hưởng của môi trường, của kinh nghiệm sống, của giáo dục và tự giáo dục. Các ảnh hưởng này gồm hai loại:

+ Thứ nhất. Đó là những ảnh hưởng xã hội lịch sử, bởi vì mỗi người đều sống trong một chế độ xã hội nhất định, trong một thời đại, một môi trường xã hội nhất định, nên họ sẽ được hình thành như là một nhân cách dưới ảnh hưởng của những điều kiện đó.

+ Thứ hai. Đó là những ảnh hưởng cá thể độc đáo. Bởi vì những điều kiện sống và hoạt động của mỗi người, con đường sống của họ đều rất độc đáo và không lặp lại. Tính cách của mỗi người vừa được quy định bởi hoàn cảnh xã hội của họ, vừa được quy định bởi cả đời sống cá nhân của họ. Nói cách khác, tính cách của mỗi người đều là sự thống nhất của cái điển hình và cái cá biệt. Trong tính cách của một con người cụ thể có thể tách ra những nét chung của cả loài người, của dân tộc, của giai cấp và những nét cá biệt - đặc trưng riêng cho mỗi người. Cái chung và cái riêng kết hợp với nhau, tạo thành một sắc thái thống nhất của nhân cách, một cung cách hành vi nhất quán của con người. Nắm rõ đặc điểm này và giải quyết đúng đắn vấn đề về cái điển hình và cái cá biệt trong tính cách sẽ có ý nghĩa sư phạm to lớn. Nhà trường không phải chỉ giáo dục cá tính nói chung mà phải giáo dục tính cách điển hình của con người Việt Nam.

3. Những thuộc tính tổng hợp của tính cách

Khi phân tích tính cách một cá nhân, người ta thường nói lên những nét điển hình của người đó về đặc điểm đạo đức và ý chí...

Trong khoa học về tính cách, người ta đã thử tìm nhiều cách xác định các nét tính cách. Có người chỉ kể ra những cử chỉ, cách nói năng điều hành của mỗi người; có người lại tìm cách xác định những nét cơ bản của tính cách dựa trên các thái độ căn bản của họ đối với xã hội đối với lao động, đối với bản thân, đối với người khác.

Những cách xác định tính cách cá nhân trên đây mang tính phiến diện. Để khắc phục những hạn chế trên đây, A. G. Covaliov tách ra trong tính cách những nét tổng hợp, quy tụ trong đó nhiều thuộc tính của cá nhân cụ thể những thuộc tính đó là:

- Mặt đạo đức của tính cách nói lên đặc điểm của con người trong thái độ của người đó đối với mọi người và đối với nhiệm vụ xã hội cũng như trong cách cư xử của người đó.

Lòng nhân ái, thái độ quan tâm tới mọi người, lòng tốt, yêu lao động, kĩ năng làm việc tập thể, ý chí... tất cả những phẩm chất đó nói lên nội dung và hình thức tính cách của con người có tinh thần tập thể. Tuy nhiên, trong xã hội ta gặp không ít những người sẵn sàng phản bội tập thể và đồng chí khi gặp khó khăn, sống vô cảm trước niềm đau, nỗi buồn của người khác. Đó là những người vô liêm sỉ, không còn tình người.

- Tính đầy đủ của tính cách nói lên sự phong phú của cá nhân. Con người phát triển toàn diện là mẫu hình của tính cách mà xã hội hướng tới.

Đối lập lại là con người phiến diện, có một thế giới tâm hồn nghèo nàn và chật hẹp.

- Tính thuần nhất của tính cách nói lên sự thống nhất bên trong của cá nhân, sự thống nhất giữa tâm thế và việc làm, giữa các thái độ và hành vi của cá nhân trong thực tế.

Người có tính cách thuần nhất là con người rất rõ ràng, dứt khoát trong cuộc sống. Đối với họ, ta có thể dễ nói trước ngày mai hoặc ngày kia họ sẽ làm gì và họ sẽ xử sự ra sao trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. F.Ten man viết: "Tính thuần nhất của tính cách là một phẩm chất không thể tách rời được của một con người tiến bộ".

Một người có tính cách thuần nhất là người có lòng tin, lời nói và việc làm của họ đi đôi với nhau, có thái độ, nguyên tắc nhất quán khi giải quyết bất cứ vấn đề xã hội hoặc cá nhân nào. Ngược lại, người có tính cách không thuần nhất là người mà giữa ý nghĩ, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Con người như thế không đáng tin cậy trong tình bạn, tình yêu, trong lao động và cuộc sống nói chung.

- Sức mạnh của tính cách chính là nghị lực của cá nhân.

Một người có tính cách mạnh mẽ chẳng những có một lập trường suy nghĩ vững vàng mà còn biết bảo vệ các niềm tin của mình, biết đạt được mục đích đã đề ra cho dù có thể phải đối mặt với trở ngại nhiều khó khăn. Đặc điểm của con người có tính cách mạnh mẽ là có lòng say mê với sự nghiệp, có khả năng phát huy sức lực tối đa, có tính kiên định và dũng cảm. Trái với thuộc tính đó, con người có tính cách yếu ớt thường tỏ ra chần chừ, luôn luôn dao động, không kiên định trong quan điểm và thái độ. Người có tính cách yếu ớt vốn dễ thoả hiệp, ít hoạt động và hèn nhát khi gặp nguy nan.

Tính độc đáo của tính cách là cái làm cho con người khác hẳn với những người xung quanh, là biểu hiện tính chất riêng biệt chỉ có ở người đó.

- Sự cân bằng của tính cách là điều kiện thuận lợi cho hoạt động và hành vi trong sự giao tiếp với mọi người.

Một người có tính cách cân bằng có thể giải quyết vấn đề một cách sáng suốt, tỏ ra can đảm... trong tình huống khó khăn. Đồng thời, thuộc tính này giúp con người có một cuộc sống điều độ làm việc một cách nhịp nhàng, lao động và nghỉ ngơi hợp lí. Con người không có tính cách cân bằng sẽ gây nhiều phiền muộn cho người khác và cho bản thân mình.

Tất cả những thuộc tính tổng hợp cua tính cách đã nói ở trên phản ánh những phẩm chất của cá nhân. Chẳng hạn, mặt đạo đức của tính cách chẳng những bộc lộ niềm tin mà còn bộc lộ cả các thói quen tương ứng, các đặc điểm cảm xúc và ý chí của con người.

Những nét tổng hợp của tính cách có thể kết hợp hài hoà với nhau hoặc đối lập nhau. Trong đó, đạo đức là mặt cốt lõi của tính cách.



Created by AM Word2CHM

II - CẤU TRÚC TÍNH CÁCH à

1. Nguyên tắc xây dựng cấu trúc tính cách

Cấu trúc tính cách có thể được xem xét về phương diện tâm lí chung, về kiểu tính cách cũng có thể về phương diện cá biệt. Cấu trúc tính cách bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ với nhau. Cấu trúc tính cách của một con người được cấu thành bởi:

+ Các đặc điểm quan hệ xã hội.

+ Động thái của ý chí (khả năng con người có thể thực hiện mục đích của mình yếu hay mạnh).

+ Nền cảm xúc - là cái đi kèm theo những hành vi của con người.

+ Sự quan hệ lẫn nhau giữa tất cả các yếu tố thành phần đó (điều quan trọng đối với cơ cấu của tính cách, thể hiện ở chỗ các yếu tố đó với nhau làm một, hoà hợp với nhau, hoặc là ngược lại xung đột nhau, mâu thuẫn với nhau).

Tính cách có thể xử vào một kiểu nhất định. Nhờ phân tích các tính cách của nhiều người, trừu tượng hoá những nét riêng lẻ và so sánh chúng với nhau, người ta đã xác định được những nét chung cho một nhóm người. Ví dụ, trên cơ sở nghiên cứu tính cách của nhiều người, người ta đã phát hiện ra rằng, nét tiêu biểu đối với một nhóm (nhóm khá lớn) có sự hài hoà giữa các yếu tố thành phần riêng lẻ của tính cách (kiểu cơ cấu hài hoà), còn đối với nhóm khác thì không có sự hài hoà (kiểu xung đột).

Theo nguyên tắc trên người ta còn tách ra kiểu tính cách "biến dạng", tức là kiểu tính cách luôn thay đổi tuỳ theo tình huống và bị tình huống chi phối, hạn chế. Vì vậy, việc xếp một người nào đó vào một kiểu tính cách nhất định không có nghĩa là đã hiểu được đầy đủ tính cách của người đó.

+ Nguyên tắc trên còn chỉ ra rằng trong tính cách của một con người, ngoài những nét chung của kiểu tính cách mà người đó có như những người cùng kiểu, còn có tính chất đặc trưng riêng cho một mình người đó. Theo ý nghĩa đó thì mỗi một người đều mang tính cách độc đáo. duy nhất, không lặp lại. Chẳng hạn, theo cách phân kiểu trên thì tính cách của một người nào đó có thể thuộc kiểu hài hoà, song người này có thể khác những người cùng kiểu ở chỗ trong cơ cấu tính cách của mình mang tính xã hội rất rộng rãi, anh ta theo đuổi những mục đích xã hội và giai cấp chung. Trong lúc đó, những tính chất cộng đồng trong tính cách của người khác lại rất hẹp (mọi hứng thú chỉ xoay quanh gia đình và người thân mà thôi).

2. Cấu trúc của tính cách

Tính cách hình thành trong quá trình tác động qua lại, liên tục giữa hệ thống thái độ và hệ thống hành vi, cử chỉ cách nói năng tương ứng; là sự tác động qua lại liên tục giữa cá nhân với mọi người xung quanh trong quá trình phản ánh hoàn cảnh sống và giáo dục đang hình thành.

- Nội dung của tính cách là hệ thống thái độ.

Hệ thống thái độ trong tính cách là nói lên sự hoàn chỉnh thống nhất giữa ý nghĩa, hành động, lời nói và việc làm thống nhất trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

Trong đó, là thái độ đối với những người xung quanh là đặc biệt quan trọng, vì chính nó sẽ chi phối các mối quan hệ khác. Thái độ với bản thân cũng phản ảnh thái độ đối với con người. C.Mác đã từng nhận xét: chỉ trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại đối với người nay với người khác, mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người.

Hệ thống thái độ là mặt động cơ của tính cách:

+ Thái độ đối với xã hội, với những người xung quanh, sẽ hình thành nên những nét tính cách như: lòng trung thành, tính trung thực, lòng yêu nước, lòng nhân ái, tính vị tha, sự tin tưởng...

+ Thái độ đối với lao động: Thái độ đối với công việc, với quá trình lao động với sản phẩm lao động. Nhờ hệ thống thái độ này mà hình thành các nét tính cách như sự cần cù, chăm chỉ, lười biếng, cẩu thả; sự sáng ý...

+ Thái độ đối với tự nhiên: Thái độ này thể hiện nhận thức một cách đúng đắn về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người, về sự khám phá, cải tạo, bảo vệ, thiên nhiên.

+ Thái độ với tập thể: Thái độ này sẽ hình thành các nét tính cách như: tôn trọng tập thể, có tinh thần trách nhiệm trước tập thể, say mê hoạt động tập thể...

+ Thái độ đối với bản thân: Cá nhân tự đánh giá mình một cách sâu sắc, khiêm tốn, ham học hỏi hay tự cao tự đại... nhằm thỏa mãn một nhu cầu nhất định.

- Hình thức biểu hiện của tính cách: là hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng.

Đây là kiểu hành vi xã hội được đánh giá về mặt đạo đức - tương ứng với hệ thống thái độ đối với xã hội, với lao động, với tự nhiên, với bản thân... Phương thức hành động này được đánh giá cả về một tài năng, tuy nhiên không phân chia một cách tuyệt đối. Chẳng hạn: một người biểu diễn đi trên dây thép rất giỏi qua hành động đó ta đánh giá ở họ: về mặt tài năng. Đồng thời qua đó cũng thấy được những phẩm chất đạo đức như sự dũng cảm, tính kiên trì... của họ. Hoặc, một người có quan hệ tết với quần chúng được đánh giá chủ yếu về mặt đạo đức, nhưng qua đó có thể đánh giá về mặt năng lực: khả năng thiết lập mối quan hệ với quần chúng (nói năng có duyên, quan tâm, gần gũi quần chúng).

Mối quan hệ giữa hệ thống thái độ và hệ thống hành vi.

Đây là mối quan hệ thống nhất không thể tách rời và là mối quan hệ biện chứng vì nó có thể chuyển hoá cho nhau. Thái độ đối với hiện thực bao giờ cũng được thể hiện trong hành vi xã hội bằng cách này hay cách khác. Mặt khác, mọi hành vi xã hội nào đó cũng chứa đựng một thái độ nhất định. Chẳng hạn, một dáng đi, một dáng đứng cũng nói lên thái độ khiêm nhường, tôn trọng người khác hay không.

Trong các mối quan hệ xã hội, hệ thống thái độ là mặt động cơ, mặt bản chất làm nảy sinh hành vi. Ngược lại, hành vi không những biểu hiện mà còn củng cố, phát triển, hình thành những thái độ.

Xác định cấu trúc của tính cách con người có nghĩa là tách ra trong tính cách những thành phần hay thuộc tính chủ yếu và xác định những nét đặc biệt do các thành phần hay đặc điểm nào đó chi phối và xét những nét ấy trong mối quan hệ và tác động qua lại phức tạp với nhau.

Tính cách là một hệ thống hoàn chỉnh những động cơ và những cách xử sự mà khi phân tích một cách tỉ mỉ bao giờ ta cũng có thể tách ra những khâu chủ yếu của hệ thống. Trong đó các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến đặc điểm đặc trưng cho hành vi của con người trong hoàn cảnh đó. Động lực của tính cách cũng phụ thuộc vào động lực của hiện thực bên ngoài, vào những yêu cầu được đề ra cho con người, phụ thuộc vào tình thế mà con người gặp phải cũng như vào các phẩm chất của tính cách và cá nhân nói chung. Bởi vậy, phải xét cấu trúc của tính cách một cách toàn diện, phải phân tích hành vi của con người trong những tình thế khác nhau của cuộc sống, và không phải là nói chung, mà trong mối liên hệ với lịch sử cuộc sống và lịch sử giáo dục của một con người. Trong cấu trúc tính cách đã hình thành của một con người trước tiên phải tách ra hai khía cạnh: nội dung hay mặt động cơ và hình thức của tính cách hay cách cư xử. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc tách ra nội dung và hình thức thành các mặt riêng biệt của tính cách là một việc làm có tính hình thức chỉ tiện cho việc phân tích mà thôi.

Ph. Engels cho rằng: "... Đặc điểm cá nhân không chỉ ở chỗ cá nhân đó làm gì mà còn ở chỗ họ làm điều đó như thế nào".

Các nhà tâm lí học tư sản như Ribo, Fulie, Polan và những người khác đã tìm cách cắt bỏ nội dung và chỉ coi tính cách là hình thức cư xử. Việc làm ấy dẫn tôi học thuyết trừu tượng về tính cách. xem xét tính cách tồn tại bên ngoài thời gian và không gian, dẫn tới việc hiểu tính cách là bản thân hình thức cư xử tự nó đã hình thành, tới việc xây dựng những sơ đồ về tính cách. Từ đó họ đã loại trừ con người sống, cụ thể với các nhu cầu, nguyện vọng, hứng thú của nó. Mặt khác, quan điểm này cũng không đề cập tới hình thức biểu hiện của tính cách và quy tính cách vào nội dung đời sống tinh thần của cá nhân. Quan điểm này dẫn tới việc lấy thế giới quan, nhu cầu, hứng thú hay tổng số của những cái đó thay thế cho tính cách. Như vậy trong những trường hợp này, người ta cũng thủ tiêu mất con người cụ thể có thế giới quan nhất định, có những nhu cầu, hứng thú biểu hiện dưới hình thức xử sự và hoạt động độc đáo riêng.

Khi phân tích cấu trúc của tính cách phải đưa lên hàng đầu nội dung, những thái độ của cá nhân đối với thực tế khách quan coi đó là mặt chủ đạo của tính cách, phản ảnh ảnh hưởng của xã hội, là mặt tạo thành nhân sinh quan của cá nhân (nhu cầu, hứng thú, lí tưởng và xu hướng xã hội của cá nhân), nhân sinh quan đó được hình thành trong những mối quan hệ thực tế của cá nhân với xã hội.

Nội dung của tính cách biểu hiện dưới dạng những thái độ cảm xúc cá biệt, độc đáo nhất định; dưới hình thức hoạt động trí tuệ ý chí hay hoạt động bột phát; dưới dạng các cách cư xử và hành động đã hình thành; dưới dạng các thói quen và các đặc điểm cơ động của cách xử sự và hoạt động của con người.


Created by AM Word2CHM

III - QUAN HỆ GIỮA CÁC THUỘC TÍNH TÂM LÍ VỚI TÍNH CÁCH à

1. Tính cách với năng lực

Mối quan hệ giữa tính cách và năng lực là mối quan hệ giữa đức và tài. Bởi vì, tự giáo dục về nhân cách, tự tìm ra mục đích, động cơ lí tưởng cuộc sống là yếu tố quyết định để hình thành và phát triển năng lực. Vấn đề con người hoạt động như thế nào, theo phương thức nào, phục vụ ai tuỳ thuộc vào đạo đức của họ. Tính cách là gốc, là cốt lõi của nhân cách. Bởi vậy, một người có tính cách tốt sẽ là người có ý chí, say mê cao độ đối với công việc. C. Mác cho rằng: Trong khoa học không có con đường bằng phẳng thênh thang, chỉ có những người không sợ chùn chân mỏi gối mới trèo lên đỉnh cao nhỏ bé, gập ghềnh của khoa học mà thôi.

Nói như vậy có nghĩa là muốn có tài năng phải có một tính cách mạnh mẽ, một bản lĩnh, một nghị lực phi thường.

Năng lực được coi là phương tiện để thực hiện mục đích cuộc sống mà con người mong muốn vươn tới. Mục đích cuộc sống con người đặt ra dù cao đẹp đến đâu mà không có tài năng thì không thể đạt đến được. Con người có tài năng sẽ làm khúc xạ tất cả những mối liên hệ tương hỗ với thế giới qua những năng lực đặc biệt của mình.

2. Tính cách với xu hướng

Nhu cầu, hứng thú, thế giới quan, lí tưởng, niềm tin đều có chức năng thúc đẩy và định hướng sự phát triển của tính cách. Trong đó, nhu cầu và hứng thú quy định nên thái độ lựa chọn đối với các mặt trong cuộc sống còn thế giới quan, lí tưởng, niềm tin, quy định nên nội dung đạo đức trong thái độ. Nghĩa là một người có xu hướng như thế nào, thì sẽ hưởng sự phát triển của tính cách theo hướng đó.

Một khi xu hướng đã hình thành rõ ràng, ổn định thì tính cách của con người thật sự vững vàng, con người sẽ trở nên có bản lĩnh. Trong đó, hệ thống niềm tin là thành phần chủ đạo của một tính cách đã hình thành và ổn định về mặt đạo đức. Hệ thống các quan niệm vững chắc thấm đượm tình cảm về cuộc sống. Bởi vì, niềm tin bao giờ cũng bao hàm thái độ đối những điều mình nhận thức là kim chỉ nam cho hành động là nguyên tắc hoạt động quy tắc hành vi, là cơ sở của sự đánh giá hành vi.

3. Tính cách với tình cảm

Những nét tính cách tốt như: nhân hậu, vị tha, lòng yêu nước, nhân ái, bao dung... mang đậm màu sắc tình cảm.

Đời sống tình cảm có một vị trí rất đặc biệt trong tính cách của cá nhân. Đó là cái chủ yếu, cái bao trùm của tính cách, bởi vì:

- Trong hệ thống thái độ của cá nhân đối với hiện thực thì thái độ xúc cảm, tình cảm chiếm vị trí lớn lao và bao trùm. Con người không thể tồn tại một cách riêng lẻ trong xã hội mà luôn luôn quan hệ với nhau trong một nhóm người, một tập thể. Từ đó nảy sinh sự rung động tình cảm giữa con người với con người, đạo đức, tính cách của con người được xây dựng từ trên cơ sở tình cảm gắn bó giữa con người với nhau là chính.

- Tình cảm chiếm vị trí quan trọng trong số những động lực và nhân tố điều chỉnh hành vi và hoạt động của cá nhân. Tình yêu hay lòng căm thù có khả năng sản sinh ra một năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy con người hoạt động tích cực. A. S. Makarencô - nhà giáo dục Nga đã nhận xét: giáo dục tính cách Bônsêvích chân chính là giáo dục tình cảm con người. Tôi tin rằng nếu chúng ta không giáo dục tình cảm con người một cách đúng mực thì có nghĩa là chúng ta chẳng giáo dục gì cả.

- Phẩm chất và nội dung của tình cảm được coi là phẩm chất và nội dung chủ yếu của tính cách:

Đời sống tình cảm của một người quy định nên tư cách đạo đức tư thế, tác phong của người đó. Vì vậy, hành vi đạo đức chân chính bao giờ cũng là kết quả của tình cảm đạo đức chân chính.

- Khi xúc cảm, tình cảm của một cá nhân đối với những người xung quanh mất đi là dấu hiệu suy thoái của một tính cách. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu tình cảm quyết định tính cách. Tình cảm là mặt chủ yếu, mặt bao trùm của tính cách.

4. Tính cách với ý chí

Thực tế cho thấy những nét tính cách như: sự kiềm chế, sự dũng cảm, gan dạ, tính kiên cường, bất khuất, cũng chính là những phẩm chất của ý chí.

Ý chí của cá nhân là rường cột của một tính cách đã hình thành và ổn định. Người có ý chí lớn thì tính quả quyết và tính độc lập cao, kiên quyết, bền bỉ thực hiện mục đích đã đặt ra. Nói cách khác, ý chí là sức mạnh của tính cách. Nó có khả năng kìm hãm, hoặc nảy sinh hành vi xã hội của con người để đạt mục đích nhất định.

Sức mạnh của ý chí trong tính cách là ở chỗ, nó chuyển được hệ thống thái độ bên trong thành hệ thống hành vi xã hội tương ứng giúp cho con người lựa chọn được phương thức hành động phù hợp với thái độ của bản thân trước hiện thực khách quan.

Đặc điểm của một tính cách có ý chí là rõ ràng, kiên định, độc lập.

Những phẩm chất ý chí của con người biểu hiện sự sẵn sàng trong kĩ năng và thói quen hướng hành vi, hoạt động của mình theo những nguyên tắc nhất định. Đồng thời, khắc phục trở ngại trên con đường đạt tới những mục đích đã đề ra. Những nét ý chí của tính cách có giá trị trong điều kiện ý chí được rèn luyện về mặt đạo đức và hướng vào việc đạt những mục đích có ý nghĩa xã hội.

5. Tính cách với khí chất

Khí chất là động thái của tính cách. Nó quy định sắc thái của tính cách như: hoạt bát, điềm tĩnh, nóng nảy, ưu tư... trong hành vi, cử chỉ, cách nói năng.

Khí chất là một trong những điều kiện tâm lí tạo ra tính độc đáo của tính cách, ảnh hưởng đến tốc độ hình thành một số nét tính cách (chủ yếu do ý thức xã hội).

Mối quan hệ giữa khí chất và tính cách được thể hiện qua các kiểu tính cách:

+ Tính cách hài hoà hoàn chỉnh kèm theo hưởng tâm lí động.

+ Tính cách xung động kèm theo hướng tâm lí tĩnh.

+ Tính cách xung đột kèm theo hưởng tâm lí biến dạng.

Ngoài ra, mỗi kiểu tính cách đó lại bao gồm một số kiểu (biến dạng) nhỏ hơn.

Mối quan hệ giữa tính cách và khí chất là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, nên người ta thường nói: "tính khí" người này thất thường, hay dễ chịu, ổn định.


Created by AM Word2CHM

IV - GIÁO DỤC TÍNH CÁCH à

1. Sự hình thành tính cách

Tính cách hình thành do sự kết hợp, hay thống nhất của các thuộc tính khác nhau của cá nhân. Những thuộc tính này hình thành dưới ảnh hưởng của cuộc sống và của giáo dục. Tính cách được hình thành trong các hoạt động đa dạng và phong phú như: hoạt động vui chơi, học tập, lao động, hoạt động xã hội... Những hoạt động này chủ yếu được tổ chức tập thể. Vì thế, phải chú ý sự định hướng cho mỗi thành viên trong hoạt động ấy.

- Tính cách được hình thành trong tập thể thông qua tập thể do vậy tính cách, các nét tính cách tốt sẽ được phát huy theo định hướng giá trị xã hội. Nói như vậy có nghĩa là các hoạt động phải được tổ chức trong tập thể. Cụ thể là:

+ Hoạt động phải có mục đích cao cả.

+ Tạo ra tâm trạng thoả mái giữa các thành viên trong tập thể.

+ Tạo ra dư luận lành mạnh.

+ Đặt vị trí của mỗi thành viên trong tập thể một cách hợp lí để mỗi thành viên có thể phát huy tối đa những nét tính cách tốt độc đáo của mình.

- Tính cách hình thành, phát triển trong môi trường giáo dục thống nhất, giữa các lực lượng giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội.

- Tính cách được hình thành bằng con đường tự giáo dục của mỗi cá nhân.

Để hình thành một tính cách, nét tính cách tốt đáp ứng những yêu cầu của xã hội, không phải dễ dàng, trong thời gian ngắn mà phải qua quá trình giáo dục ở gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là vai trò tự ý thức, tự rèn luyện, tự giáo đức của từng cá nhân. Chính yếu tố này mới đóng vai trò quyết định cho sự hình thành nhân cách nói chung và tính cách nói riêng.

Người ta cho rằng, trí tuệ hình thành trong tĩnh tại, tính cách hình thành trong giông tố điều đó muốn nói lên tính cách hình thành trong sự đấu tranh động cơ. Trong sự đấu tranh giữa những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài để xác định cho mình một lối sống, cách sống, phong độ sống khác với mọi người khác mà vẫn giữ cho mình những giá trị, quy tắc xã hội yêu cầu. Đồng thời, vẫn giữ được những nét tính cách độc đáo của riêng mình.

2. Giáo dục tính cách

a. Vai trò của tính cách

- Tính cách có ý nghĩa lớn trong đời sống cá nhân và tập thể. Chính những phẩm chất của một người quyết định con đường đời của người đó.

- Người có tính cách tốt có khả năng khắc phục mọi khó khăn để đạt tới những mục tiêu có ý nghĩa lớn đối với xã hội và cá nhân, làm phong phú cho bản thân và cho tập thể, xã hội.

Một cá nhân có đạo đức tốt sẽ đem niềm vui cho những người xung quanh, sẽ lôi cuốn được nhiều người bằng gương cư xử trong xã hội của mình, tăng cường hoạt động cho tập thể. Vì thế, không lấy làm lạ nhiều người lãnh đạo thường coi trọng tính cách của người làm việc với mình hơn là người có năng lực đặc biệt nếu không phải trường hợp có tài xuất sắc. Điều đó không phải là không có căn cứ vì tính cách là động cơ, là gốc, là bộ mặt đạo đức của một con người.

b. Giáo dục tính cách

Do vai trò quan trọng của tính cách nên cần phải giáo dục tính cách cho con người ngay từ nhỏ và tuỳ từng giai đoạn lứa tuổi mà có cách giáo dục tính cách cho phù hợp.

Tính cách hình thành dần dần trong quá trình phát triển của cá nhân. Tính cách hình thành bên ngoài ý thức và ý chí của bản thân người đang phát triển. Bởi vậy, điều có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển tính cách là thường xuyên nâng cao những yêu cầu của mọi người xung quanh, nâng cao yêu cầu hoạt động có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của cá nhân, hoạt động mà cá nhân đang thực hiện.

Những yêu cầu của mọi người và sự hoạt động chỉ tạo nên tính cách khi nào những yêu cầu ấy có tính chất hệ thống và phức tạp dần. Nói cách khác, các yêu cầu phải là những điều kiện sống thường xuyên và đặc trưng của con người, dần dần trở thành những bộ phận tạo nên lối sống của người đó. Chỉ trong điều kiện ấy, con người mới bắt đầu đòi hỏi mình và những người khác, mới có khả năng nhìn về tương lai mà không dừng lại ở thành quả đã đạt được, mới học được cách khắc phục khó khăn trở ngại trên đường hoạt động của mình.

Lao động có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành tính cách. Lao động là nguồn gốc tạo nên tính cách xác định, tính thuần nhất của tính cách. Nhiều nét tính cách tốt như: yêu lao động, tính độc lập, sáng tạo, tinh thần tập thể, đều được hình thành trong lao động. Vì vậy, giáo dục tính cách chân chính phải qua giáo dục lao động. Đặc biệt là lao động tập thể.

Việc học tập, nhất là học tập trong nhà trường không những có ý nghĩa căn bản trong việc hình thành các sức mạnh trí tuệ mà còn có ý nghĩa trong việc hình thành tính cách. Kiến thức giúp cho con người tìm được phương hướng trong thế giới trên trong bản thân mình. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng cách xử sự riêng của mình. Việc dạy học bao gồm cả việc dạy cho trẻ em biết cách đối xử với người lớn, với các bạn cùng tuổi cũng như phải có thái độ đúng đối với các nhu cầu và nhiệm vụ của xã hội. Sự phát triển các phẩm chất trí tuệ ảnh hưởng tới nội dung và hình thức xử sự của cá nhân. Song điều kiện thuận lợi hơn cả để hình thành tính cách một cách tốt đẹp là kết hợp học tập với lao động.

Khi giáo dục tính cách phải thường xuyên chú ý tới hình thức biểu hiện của tính cách. Ở các giai đoạn phát triển đầu tiên của tính cách, các đặc điểm kiểu hình thần kinh có khuynh hướng xác định cách cư xử như tính dễ xúc động và tính bốc đồng của những người này. Tính chậm chạp của loại thứ hai, tính xung động của loại thứ ba, tính rụt rè của loại thứ tư. Muốn làm được điều ấy cần phải đặt đứa trẻ vào các điều kiện thích hợp khuyến khích và tập dượt cách xử sự cần thiết.

Nhà trường chỉ có thể giáo dục một kiểu tính cách xác định cho học sinh khi mà tạo ra được những hoàn cảnh sống điển hình tương ứng của đứa trẻ trong tập thể, khi mà mọi giáo viên và cha mẹ học sinh đều đề ra cho trẻ những yêu cầu thống nhất. Trong khi giáo dục kiểu tính cách của con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay, nhà trường phải tính đến những đặc điểm cá biệt của từng học sinh và phải dựa vào những đặc điểm đó trong khi hướng chúng theo một hướng cần thiết. Trong khi giáo dục những nét tính cách điển hình cơ bản phải hình thành được cá tính phát triển toàn diện của học sinh chứ không phải một "hình nhân" nào đó, được chế tạo theo khuôn đúc. Tính cách là biểu hiện độc đáo, hợp nhất nhiều đặc điểm của cá nhân. Vì vậy, khi giáo dục tính cách phải giáo dục các thuộc tính tâm lí khác như lòng nhân ái, sự dũng cảm, đức hi sinh, tính độc lập, nghị lực sự sáng tạo và tình cảm.

Tóm lại, muốn xây dựng một tính cách thuần nhất, quý giá đối với xã hội thì cần phát triển con người một cách toàn diện, cần thường xuyên quan tâm xây dựng cái cốt lõi có ý nghĩa xã hội của tính cách. Mặt khác, khi giáo dục thế hệ trẻ cần phải tạo điều kiện để trẻ bộc lộ tính cách của mình một cách đầy đủ, rõ nét nhất. Đồng thời, cần hình dung thật rõ hình ảnh lí tưởng về mặt tâm lí đạo đức của tính cách con người Việt Nam trong thời đại mới và cần phải dựa vào đó mà xây dựng chương trình giáo dục.

Người lớn, trước hết là bố mẹ, thầy cô giáo cần phải là tấm gương cho thế hệ trẻ trong lời nói cũng như trong việc làm, trong thái độ cũng như hành vi. Bởi vì, không có gì thuyết phục trẻ em bằng chính sự gương mẫu của người lớn.


Created by AM Word2CHM

TÓM TẮT CHƯƠNG IV à

Tính cách là sự biểu hiện rõ nét nhất của đời sống tâm lí cá nhân. Dựa vào tính cách người ta biết được sự hình thành cá nhân; xác định được đặc điểm hoạt động và phẩm hạnh con người, thấy biểu hiện của mình trong những mối quan hệ bền vững của con người với những mặt khác nhau của hiện thực.

- Tính cách được hình thành trong quá trình sống và hoạt động của con người dưới ảnh hưởng của hoạt động và giáo dục. Cùng với điều đó tính cách còn liên quan đến kiểu hình hoạt động thần kinh cấp cao. Tuy nhiên, kiểu hệ thần kinh không định trước những tính cách riêng biệt của tính cách cũng như của toàn bộ tính cách mà chỉ đảm bảo những điều kiện khác nhau để hình thành hệ thống những đường liên hệ tạm thời trên vỏ não.

- Tính cách được thể hiện rất đa dạng và phong phú ở những khát vọng, nhu cầu, hứng thú, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, sức mạnh của tính cách là ở chỗ nó tạo con người khả năng say mê đạt được mục đích hoạt động...

Tính độc đáo, tính đặc sắc của tính cách là mặt đạo đức của nhân cách.

Khí chất quy định mặt cơ động của tính cách. Khí chất ảnh hưởng đến tính cách, vì nó có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây khó khăn cho việc hình thành tính cách.

Tính chất của khí chất đến lượt mình lại bị điều khiển bằng những đặc tính của tính cách và trong chừng mực nào đó được tổ chức lại dưới sự ảnh hưởng của tính cách.

Ý chí làm cho tính cách có tầm quan trọng và ý nghĩa nhất định trong cấu trúc tâm lí chung của nhân cách. Ý nghĩa xã hội những đặc điểm của tính cách được quy định bởi phẩm chất ý chí. Những hành động và cử chỉ tự động hoá là dấu hiệu của sức mạnh và tính tích cực của tính cách.

Trong những đặc điểm của tính cách thì phẩm chất ý chí là điều kiện bên trong để phát triển và thực hiện những năng lực. Tính cách tạo ra khả năng bù đắp các mặt yếu của năng lực. Ngược lại, năng lực cũng ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tính cách. Năng lực là phương tiện để đạt đến mục đích cuộc sống.

Tính cách con người ràng buộc hữu cơ và có mối tác động tương hỗ với những tính chất khác của nhân cách. Nó xác định phạm vi biểu hiện và mức độ thể hiện của chúng, sự phát triển và hình thành tính cách quan hệ đến sự hình thành nhân cách nói chung.

Điều kiện xã hội quyết định tính cách của con người. Song vai trò quyết định trong việc hình thành tính cách không phải chỉ có điều kiện bên ngoài mà còn do sự hoạt động của con người trong mối quan hệ qua lại tích cực của họ với môi trường.


Câu hỏi ôn tập chương IV

1. Phân tích khái niệm tính cách. Nêu một số ví dụ về nét tính cách và hành vi ngẫu nhiên.

2. Nêu những đặc điểm đặc trưng của tính cách.

3. Trình bày những thuộc tính cơ bản của tính cách. Lấy ví dụ minh hoạ.

4. Phân tích nội dung và hình thức trong cấu trúc tính cách.

5. Trình bày các con đường hình thành tính cách.

6. Muốn giáo dục tính cách cần phải chú ý đến những vấn đề gì? Tại sao nói tính cách là gốc, là mặt đạo đức của con người?



Created by AM Word2CHM

BÀI TẬP THỰC HÀNH à

Bài tập số 19: Đọc cho sinh viên nghe đoạn văn sau: Tháng trước một trong những người bạn của Hạnh mượn cuốn sách của thư viện và xé một trang trong sách. Và khi quyển sách ấy được một học sinh khác rồi mượn trả nó thì nhân viên thư viện nói là sách không đủ trang. Học sinh đó nói là việc buộc tội như vậy là không đúng. Hạnh vô tình biết được thủ phạm xé trang sách - vì bạn đó ngồi cạnh mình và khi giáo viên chủ nhiệm lớp nêu vấn đề này trước lạp thì thủ phạm không hề tỏ thái độ độ nào cả. Hạnh dùng khuỷu tay khích nó và nói nhỏ: "Thú tội đi, chính mày đã xé trang sách đó". Khuôn mặt của thủ phạm biểu lộ kinh ngạc, Hạnh tỏ ra bối rối, sau đó em đứng dậy và nói: "Đây chính là thủ phạm xé trang sách! Bạn ấy đã ngồi không nói gì và không chịu nhận lỗi mà để người khác phải chịu tội oan".

Câu hỏi:

1. Hành vi nào đã xác định những đặc điểm tính cách của Hạnh?

2. Đặc điểm tính cách của Hạnh thể hiện quá trình và thuộc tính tâm lí nào của cá nhân.

3. Đặc điểm tính cách của "thủ phạm" trên là gì?

Bài tập số 20: Hãy xác định những nét tính cách nào dưới đây thể hiện:

1. Thái độ đối với người khác.

2. Thái độ đối với lao động

3. Thái độ đối với bản thân.

- Tình cảm trách nhiệm

- Lòng nhân đạo

- Tính ích kỉ

- Tính lười biếng

- Tính kín đáo

- Tính hoang phí

- Lòng trung thực

- Tính khiêm tốn

- Tính sáng tạo

- Tính cẩn thận

- Tính quảng giao

- Tính tự cao

Bài tập số 21: Hãy chỉ ra những luận điểm nào trong các luận điểm dưới đây là đúng hơn cả trong việc cắt nghĩa khái niệm "tính cách"? Tại sao?

1. Những nét tính cách thể hiện trong bất kì hoàn cảnh và điều kiện nào.

2. Những nét tính cách chỉ thể hiện trong những hoàn cảnh điển hình với chúng mà thôi.

3. Những nét tính cách không phải là cái gì khác ngoài thái độ của con người đối với các mặt xác định của hiện thực.

4. Trong tính cách thể hiện cả thái độ của con người lẫn các phương thức hành động, mà nhờ chúng các thái độ của họ được thực hiện.

5. Tính cách mang tính chất độc đáo, cá biệt.

6. Các nét tính cách là điển hình về mặt xã hội và độc đáo về mặt cá nhân.

7. Tính cách là sự phản ánh các quan hệ xã hội.

Bài tập số 22: Hãy chỉ ra trong đoạn văn mô tả đặc điểm nhân cách dưới đây, những chi tiết nào thể hiện các nét tính cách, những chi tiết nào thể hiện các thuộc tính của khí chất? Tại sao?

"Quyên lên 10 tuổi. Em là một cô bé yêu đời, hoạt bát, sôi nổi, tốt bụng, nhưng hay tị nạnh, cố làm mình nổi bật trong tập thể để được mọi người khen. Là người quảng giao, nhưng rất hay hờn giận, hứng thú với nhiều thứ nhưng hứng thú không ổn định, chóng nguội đi. Em chú ý nhiều đến vẻ ngoài của mình: ngồi hàng giờ trước gương thay đổi các bím tóc, thắt đi thắt lại chiếc nơ... Em hoạt động tích cực trong tập thể, nhưng nếu trong công tác chung phải phụ thuộc vào bạn nào đó thì mất ngay sự hào hứng với công việc, trở nên thờ ơ với mọi việc".

Bài tập số 23: Trong các ví dụ dưới đây tính cách con người có được thể hiện hay không? Tại sao?

1. Người ta hỏi sinh viên A đang đi ngoài phố rằng nhà ga xe lửa ở đâu. A dừng lại và trả lời câu hỏi đó một cách cặn kẽ.

2. Có một lần, giáo viên vào lớp thấy bảng được lau sạch bóng, đã nói: "Các em thật chu đáo!".

- Thưa thầy em lau đấy ạ! - Một học sinh nhanh nhảu đứng lên nói to.

Bài tập số 24: Trong những đặc điểm sau đây, đặc điểm nào thuộc về khí chất đặc điểm nào, thuộc về xu hướng, đặc điểm nào thuộc về tính cách và thuộc về năng lực: khiêm tốn, tài năng, cân thận, nhút nhát, nóng nảy, ưu tư, có niềm tin, vẽ giỏi, hát hay, dễ thích nghi với môi trường mới, say mê nghề nghiệp, tính yêu cầu cao, hứng thú học tập.



Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com