Buc Tranh Dia Chinh Tri The Gioi Va Chau A Qua Cai Nhin Cua Kissinger
Là kết quả của hai cuộc Thế chiến, khái niệm về chủ quyền theo Hòa ước Westphalia và các nguyên tắc cân bằng quyền lực bị suy giảm đáng kể trong trật tự đương đại ở lục địa châu Âu, nơi sản sinh những khái niệm và nguyên tắc này. Tàn dư của những khái niệm và nguyên tắc này sẽ tiếp tục, và có thể để lại hậu quả sâu sắc nhất ở một vài quốc gia được thành lập trong thời kỳ khám phá và mở rộng. Đến cuối Thế chiến II, năng lực vật chất và tinh thần để đảm bảo trật tự thế giới của châu Âu đã hầu như biến mất. Mọi quốc gia ở châu Âu lục địa ngoại trừ Thụy Sĩ và Thụy Điển đều đã bị quân đội nước ngoài chiếm đóng vào lúc này hay lúc khác. Nền kinh tế của mọi nước đều ở trong tình trạng đổ nát. Rõ ràng là không một nước châu Âu nào (kể cả Thụy Sĩ và Thụy Điển) còn có thể tự định hình tương lai của chính mình được nữa. Việc Tây Âu tìm thấy sức mạnh tinh thần để bước đi trên con đường tới một phương cách tiếp cận trật tự mới là tác phẩm của ba con người vĩ đại: Konrad Adenauer[77] ở Đức, Robert Schuman[78] ở Pháp, và Alcide de Gasperi[79] ở Italy. Được sinh ra và học hành trước Thế chiến I, họ vẫn giữ lại một số tín điều của triết học châu Âu xưa cũ về các điều kiện cải biến con người, điều này đem lại cho họ tầm nhìn và sức mạnh để vượt qua căn nguyên của những bi kịch ở châu Âu. Trong thời khắc mong manh nhất, họ vẫn giữ được một số khái niệm về trật tự từ thời thanh niên. Niềm tin quan trọng nhất của họ là nếu họ muốn cứu giúp cho người dân và ngăn ngừa những bi kịch của châu Âu tái diễn, họ cần vượt qua những chia rẽ lịch sử ở lục địa này và trên cơ sở đó tạo ra một trật tự châu Âu mới.
Họ phải đối đầu trước hết với một sự chia rẽ khác của châu Âu. Năm 1949, các đồng minh phương Tây kết hợp ba vùng chiếm đóng của họ để tạo ra nước Cộng hòa Liên bang Đức. Nga biến vùng chiếm đóng của mình thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa, gắn nó với Hiệp ước Warsaw. Đức trở lại vị trí của mình 300 năm trước sau Hòa ước Westphalia, sự chia rẽ của nó trở thành yếu tố chủ chốt của cấu trúc quốc tế mới đang nổi lên. Pháp và Đức, hai nước mà sự kình địch giữa họ là trung tâm của mọi cuộc chiến tranh châu Âu trong ba thế kỷ, bắt đầu quá trình vượt qua giới hạn của lịch sử châu Âu bằng cách kết hợp các thành tố chủ chốt trong sức mạnh kinh tế còn lại của họ. Năm 1952, họ thành lập Cộng đồng Than Thép, bước đầu tiên hướng tới một "liên minh gần gũi hơn bao giờ hết" của nhân dân các nước châu Âu và là hòn đá tảng của một trật tự châu Âu mới. Trong nhiều thập kỷ, Đức là thách thức chính đối với sự ổn định ở châu Âu. Trong thập kỷ đầu tiên của thời kỳ hậu chiến, chiều hướng lãnh đạo quốc gia của nước này rất quan trọng. Konrad Adenauer trở thành Thủ tướng của nước Cộng hòa Liên bang Đức mới ở tuổi 73, độ tuổi mà sự nghiệp của Bismarck gần kết thúc. Với phong thái quý tộc và sự nghi ngờ về chủ nghĩa dân túy, ông đã thành lập một đảng chính trị, Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo, lần đầu tiên trong lịch sử nghị viện Đức nắm chính quyền như một đảng ôn hòa được đa số người dân ủy nhiệm. Với sự ủy nhiệm này, Adenauer cam kết giành lại niềm tin của các nạn nhân gần đây của Đức. Năm 1955, ông đưa Tây Đức vào Liên minh Đại Tây Dương. Cam kết với sự thống nhất châu Âu của Adenauer lớn tới mức trong những năm 1950, ông từ chối các đề xuất của Liên Xô gợi ý rằng Đức có thể thống nhất nếu Cộng hòa Liên bang Đức từ bỏ liên minh với phương Tây. Quyết định này chắc chắn không chỉ phản ánh một phán đoán sắc sảo về độ tin cậy trong những đề nghị của Liên Xô, mà nó còn là một nghi ngờ sâu sắc về khả năng xã hội của ông sẽ phải lặp lại hành trình đơn độc như một quốc gia dân tộc ở trung tâm lục địa
châu Âu. Tuy nhiên, phải cần tới một lãnh đạo với sức mạnh ý chí lớn lao để có thể đặt một trật tự quốc tế mới trên nền tảng là sự chia cắt chính đất nước mình. Sự chia cắt Đức không phải một sự kiện mới trong lịch sử châu Âu; nó đã là cơ sở của các dàn xếp trong cả Hòa ước Westphalia và Hội nghị thành Vienna. Điều mới là Đức mới nổi công khai coi mình là một bộ phận của phương Tây trong cuộc đối đầu về bản chất của trật tự chính trị quốc tế. Đây là điểm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì sự cân bằng quyền lực phần lớn được định hình bên ngoài lục địa châu Âu. Trong một nghìn năm, các dân tộc châu Âu đương nhiên coi bất kỳ biến động nào trong cán cân quyền lực với những yếu tố cấu thành cán cân đó là ở châu Âu. Thế giới của Chiến tranh Lạnh đang dần hình thành, tìm sự cân bằng của nó trong cách hành xử và vũ trang của hai siêu cường: Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương và Liên Xô ở bên rìa châu Âu về mặt địa lý. Mỹ đã giúp tái khởi động nền kinh tế châu Âu với chương trình viện trợ Hy Lạp- Thổ Nhĩ Kỳ năm 1947 và Kế hoạch Marshall[80] năm 1948. Năm 1949, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ đã thiết lập một liên minh trong thời bình thông qua Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trạng thái cân bằng châu Âu, trong quá khứ do các quốc gia châu Âu tạo ra, giờ đã trở thành một khía cạnh trong chiến lược của các cường quốc bên ngoài. Liên minh Bắc Đại Tây Dương thiết lập một khuôn khổ tham vấn thường xuyên giữa Mỹ và châu Âu và sự cố kết nhất định trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Nhưng trong bản chất, sự cân bằng quyền lực châu Âu chuyển từ các thỏa thuận nội bộ châu Âu sang việc ngăn chặn Liên Xô trên toàn cầu, chủ yếu bằng khả năng hạt nhân của Mỹ. Sau cú sốc của hai cuộc chiến tranh tàn phá, các nước Tây Âu phải đối mặt với sự thay đổi trong quan điểm về địa chính trị vốn thách thức ý thức của họ về bản sắc lịch sử. Trật tự quốc tế trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh trên thực tế là lưỡng cực, với sự vận hành của liên minh phương Tây
chủ yếu do Mỹ điều hành, với tư cách là đối tác và là người hướng dẫn chính. Đối với Mỹ, liên minh không cần có quá nhiều quốc gia phối hợp hành động để duy trì trạng thái cân bằng, mà chỉ cần Mỹ đóng vai trò giám đốc điều hành của một doanh nghiệp liên doanh. Sự cân bằng quyền lực của châu Âu trước đây trong lịch sử dựa trên sự bình đẳng giữa các thành viên; mỗi quốc gia góp một phần quyền lực của mình để tìm kiếm một mục tiêu chung và cơ bản là hạn chế, đó là trạng thái cân bằng. Nhưng Liên minh Bắc Đại Tây Dương, trong khi kết hợp lực lượng quân sự của các nước đồng minh trong một cấu trúc chung, lại chủ yếu được duy trì nhờ sức mạnh quân sự đơn phương của Mỹ, đặc biệt là nhờ khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Chừng nào vũ khí hạt nhân chiến lược còn là yếu tố chủ yếu trong phòng thủ của châu Âu, mục tiêu của chính sách châu Âu chủ yếu là về khía cạnh tâm lý: Buộc Mỹ coi châu Âu như một phần mở rộng của mình trong trường hợp khẩn cấp. Trật tự quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh phản ánh hai sự cân bằng mà lần đầu tiên trong lịch sử hầu như độc lập với nhau: Sự cân bằng hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, sự cân bằng trong nội bộ Liên minh Bắc Đại Tây Dương mà sự vận hành của nó, theo những cách quan trọng, là yếu tố tâm lý. Thế ưu việt của Mỹ được thừa nhận để đổi lấy việc châu Âu có được sự bảo vệ bằng hạt nhân của Mỹ. Các quốc gia châu Âu xây dựng lực lượng quân sự của mình chủ yếu không phải để tăng thêm sức mạnh nhằm có tiếng nói trong các quyết định của liên minh, mà để được tham gia các thảo luận liên quan đến việc sử dụng khả năng răn đe của Mỹ. Pháp và Anh triển khai những lực lượng hạt nhân nhỏ, không liên quan đến sự cân bằng quyền lực chung, mà tạo ra một yêu cầu bổ sung để được một ghế tham gia vào quá trình ra quyết định của các cường quốc lớn. Những thực tế của thời đại nguyên tử và sự gần gũi về mặt địa lý của Liên Xô duy trì liên minh này trong một thế hệ. Nhưng sự
khác biệt cơ bản trong quan điểm sẽ lại xuất hiện cùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989. Sau bốn thập kỷ Chiến tranh Lạnh, NATO đã có được sự kết thúc Chiến tranh Lạnh mà những người sáng lập liên minh này trước đó đã dự đoán. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989 nhanh chóng dẫn đến sự thống nhất của Đức, cùng với sự sụp đổ của quỹ đạo vệ tinh quanh Liên Xô, vành đai các quốc gia Đông Âu với hệ thống kiểm soát do Liên Xô thiết lập. Như một minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đồng minh, những người đã thiết kế Liên minh Bắc Đại Tây Dương và cho việc giám sát tài tình kết cục của Chiến tranh Lạnh, cuộc tranh giành châu Âu lần thứ ba trong thế kỷ đã kết thúc trong hòa bình. Đức đạt được sự thống nhất như một lời khẳng định của nền dân chủ tự do; nước này tái khẳng định cam kết của mình đối với sự thống nhất châu Âu như là một dự án của những giá trị chung và chia sẻ phát triển. Các quốc gia Đông Âu, bị áp chế trong 40 năm (một số nước lâu hơn) đã bắt đầu xuất hiện trở lại, trở thành các quốc gia độc lập và giành lại bản sắc của mình. Sự sụp đổ của Liên Xô thay đổi trọng tâm của chính sách ngoại giao. Bản chất địa chính trị của trật tự châu Âu căn bản đã biến đổi khi không còn tồn tại một mối đe dọa quân sự thực chất từ bên trong châu Âu. Trong không khí hân hoan sau đó, các vấn đề truyền thống của trạng thái cân bằng bị vứt bỏ như là ngoại giao "kiểu cũ" và được thay thế bằng sự truyền bá những lý tưởng chung. Liên minh Bắc Đại Tây Dương, như bản thân nó giờ đây tuyên bố, cần quan tâm ít hơn đến vấn đề an ninh và nhiều hơn nữa về tầm ảnh hưởng chính trị của nó. Sự mở rộng của NATO tới tận biên giới Nga, thậm chí có lẽ bao gồm cả nước này, giờ đây được đề cập đến như một viễn cảnh nghiêm túc. Việc mở rộng một liên minh quân sự vào vùng đất có lịch sử tranh chấp cách Moscow vài trăm dặm được đề xuất trên cơ sở không phải chủ yếu là lý do an ninh mà như là một phương pháp hợp lý nhằm tiếp tục theo đuổi những thành quả của dân chủ.
Trước một mối đe dọa trực tiếp, trật tự quốc tế đã được coi như là cuộc đối đầu của hai khối đối lập do Mỹ và Liên Xô chi phối. Khi cường quốc Xô-viết suy yếu, ở một mức độ nào đó, thế giới trở nên đa cực và châu Âu nỗ lực xác định một bản sắc độc lập.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com