TruyenHHH.com

Bo Chau Bong Lai Khach

Bên ngoài Hàm Anh môn ở góc tây bắc hoàng cung có khoảnh đất rộng và bằng phẳng, gần nơi đóng quân của Vũ Lâm vệ.  Ngoại trừ làm sân đấu kích cúc của hoàng gia, nơi đây còn được trưng dụng làm giáo trường thao luyện võ thuật của Vũ Lâm vệ. Trừ những ngày thao luyện bình thường, mỗi cuối tháng theo thông lệ sẽ tổ chức đấu võ, trong đó nổi bật nhất là "thập nhân đột".

"Thập nhân đột" chính là mười người cùng bao vây tấn công một người ở giữa, nếu người ở giữa có thể phá vòng vây thoát ra thì sẽ được tấn vị.

Vũ Lâm vệ có hệ thống phân cấp nghiêm ngặt, để được thăng hạng không hề dễ, vậy nên phần thưởng này nghe qua đã thấy cực kỳ mê người. Thế nhưng trên thực tế, ròng rã hai năm qua chưa một ai có thể bứt phá thành công.

Sở dĩ khó như thế bởi mục đích ban đầu khi thiết lập nhóm mười người cùng bao vây tấn công là nhằm để tuyển chọn ra nhân tài tinh anh kiệt xuất, toàn bộ dựa trên thực chiến. Bị mười người bao vây, ngoại trừ đao kiếm hay hung khí có thể gây thương thích, người ở giữa có thể sử dụng bất kỳ vũ khí hay chiêu thức nào để tấn công lên các bộ phận trên thân thể của người phát động công kích. Không những vậy, mười người này cũng không phải hạng thông thường, toàn bộ đều là những mãnh binh được tuyển chọn kỹ lưỡng, vậy nên hai năm nay, chẳng những không một ai có thể đột phá vòng vây thành công mà ngược lại, động một tí là có kẻ gãy tay què chân, thậm chí có người vì bị thương quá nặng, nôn ra máu chết tại chỗ.

Nửa năm qua, "thập nhân đột" không còn được tổ chức, dù sao cũng không có ai dám mạo hiểm tính mạng đem tiền đồ ra đánh cược.

Ấy vậy mà hôm nay, nơi này lại lần nữa vang lên những tạp âm sôi nổi.

Mấy tên vũ lâm lang mặc nhuyễn giáp đi giày ô da nhìn nhau, ngầm trao đổi ánh mắt, cùng vây quanh xô đẩy một người, ép hắn đi về phía sân bãi.

Tên Vũ Lâm vệ lang bị xô đẩy có làn da ngăm đen, thân hình cao lớn nhưng có vẻ dong dỏng và nhanh nhẹn đặc trưng ở lứa tuổi thanh niên. Lúc này, hắn bị kìm chặt không cách nào trốn thoát, buộc phải di chuyển đến sân bãi có mười người đang đứng sẵn, chung quanh là nhóm vũ lâm lang tụ tập vây xem, chẳng những không ngăn cản còn liên tục hò reo cổ vũ không ngừng.

Tên vệ lang này là Thôi Huyễn, vừa gia nhập Vũ Lâm vệ chưa đầy một tháng.

Vũ Lâm vệ phân chia địa vị rạch ròi, sùng bái kẻ mạnh, hơn nữa vũ lâm lang đều là con em thế gia ở kinh thành, quen biết với nhau từ trước là chuyện hết sức bình thường. Thôi Huyễn gia nhập sau, ai cũng biết hắn đến từ biên thùy Hà Tây, hậu duệ tội quan, xuất thân thấp kém lại còn không thích giao du. Cả ngày trừ lúc thao luyện ra thì câm như hến, không nịnh bợ kết giao với người khác nên rất nhanh đã bị cô lập.

Hôm nay là buổi huấn luyện võ thuật cuối tháng, mấy tên vũ lâm lang này là do thất lang Thượng Quan gia sai khiến. Thất lang khó chịu vì bị hắn (Thôi Huyễn) bất kính, nên cố ý sai người đẩy hắn vào giữa sân "thập nhân đột", giáo huấn ra trò một phen.

Thôi Huyễn đã sớm bị đẩy đến rìa sân.

Bàn chân hắn cố trì xuống đất, không muốn bước vào.

"Lên đi!"

"Lên đi!"

"Lên đi!"

Đã lâu lắm rồi đám Vũ Lâm vệ mới thấy có người tiến vào vòng khiêu chiến nên hết sức phấn khích, đồng loạt thúc giục.

"Đi vào cho ta!"

Thất lang Thượng Quan gia ra sức đẩy Thôi Huyễn, hắn lảo đảo mấy cái, bỗng chốc bị kéo vào giữa sân, khi hắn đứng vững thì phát hiện chính mình đã ở trong vòng vây, mười tên võ sĩ tay cầm côn bổng tập trung xung quanh hắn.

"Đánh!"

"Đánh!"

"Đánh!"

Vây xem khoảng chừng là hai mươi người, tất cả đều ở độ tuổi thiếu niên, thích nhất là những trận huyết chiến ác liệt, giơ nắm đấm đồng thanh giục giã.

Nơi nơi đều là người. Thôi Huyễn như con thuyền đơn độc bị từng đợt hải triều xô vào, một mình đứng giữa cơn sóng gầm nhấp nhô trùng điệp.

Hắn nhìn những vệ môn lang đầy vẻ tự mãn, nghiến chặt hàm răng, đột nhiên quay người lại, giữa tiếng hò hét cuồng nhiệt của đám đông, hắn chạy đến trước giá vũ khí, chọn ra bàn long côn với một đầu buộc chùm khóa sắt [1] (chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương) rồi quay lại sân.

Mười người trên sân không nói không rằng, lập tức tấn công hắn.

Tiếng hò hét tứ phía càng khuếch đại hơn. Sóng sau xô sóng trước, đinh tai nhức óc. Mặt sân bị mười mấy hai mươi bàn chân xới tung, bụi bay mù mịt. Côn bổng và xích sắt va chạm nhau, kèm với đó là tiếng muộn côn nện tới tấp vào da thịt.

Thôi Huyễn chịu đựng bảy tám loạn côn, nằm gục trên đất, máu tươi chảy ra từ khóe miệng.

Đầu hắn bị ai đó gắt gao giẫm trên mặt đất, mặt bị ép xuống bùn, không thể động đậy, tiếng giễu cợt tràn ngập bên tai hắn.

Thôi Huyễn nhắm mắt, hình ảnh về ngày hắn bị giam trong ngục tối nội phủ chịu đựng tra tấn đầy đau đớn lại hiện ra, bỗng nhiên hắn mở mắt, mí mắt như muốn rách toạc.

Mấy tên vệ lang ép buộc hắn ra sân đang cười hả hê trên nỗi đau của người khác, chỉ đợi đến lúc hắn cầu xin tha thứ và nhận thua, nhưng đáp án mà chúng nhận được lại là không thể khiến hắn bỏ cuộc. Hắn bất ngờ lăn ra đất, bàn tay nắm bàn long côn hung hăng quét về phía bọn chúng, ba bốn tên võ sĩ không kịp phản ứng nhanh chóng bị khóa sắt cuốn lấy chỉ trong tích tắc.

Hắn hét lớn ra sức kéo mạnh, bọn chúng bị té ngã trên đất, lăn thành một đống.

Những tiếng la hét, ồn ào xung quanh dần biến mất, chỉ còn tiếng công bổng và khóa sắt của trận ác đấu giữa sân. Lang vệ nhìn tên thiếu niên Hà Tây với đôi mắt đỏ quạch như hổ điên bị vây hãm giữa sân, vẻ đắc ý dần chuyển thành kinh ngạc.

Thôi Huyễn hung hăng tìm cách vượt qua bảy tám người đang vây cản hắn, bả vai chống chịu mấy loạt trọng côn, hắn quát một tiếng lớn, vung khóa sắt, quấn chặt vào cổ người nằm ngay trước mặt, kéo ngã xuống đất, cùng lúc đó, đầu côn còn lại đẩy đi võ sĩ khác, hắn lộn nhào, lắc người qua tên võ sĩ cuối cùng cản trở mình, thời điểm hai chân rơi xuống chính là ngoài vòng vây.

Hắn thoát khỏi vòng vây thành công.

Mười tên võ sĩ còn lại hoặc thụ thương ngã xuống đất, hoặc run rẩy đứng giữa sân, nhất thời chưa kịp hoàn hồn.

Bốn phía lặng ngắt như tờ.

Thôi Huyễn giơ tay, chậm rãi lau đi dòng máu không ngừng chảy ra từ khóe miệng, ánh mắt lạnh lùng đảo qua đám vũ lâm lang với vẻ mặt hoặc kinh ngạc đến ngây người, hoặc e ngại lẫn sùng bái. Nhìn hắn lúc này hệt như một sói cô độc vừa kết thúc cuộc săn, vừa ngạo nghễ vừa miệt thị đám thú hoang đang quỳ rạp dưới chân nó.

...

Tháng tám chưa hết, tháng chín thay áo.

[2] Trích từ 2 câu thơ trong tập Bân Phong - Quốc Phong thuộc Kinh thi. Thứ cho tại hạ ngu dốt nhưng tại hạ chịu không dịch được thơ. Tháng 8 chỉ tra được baidu,  nguồn Việt mình không tra được nên mọi người tham khảo hai câu khác:

Gốc: Thất nguyệt lưu Huỷ (Hoả)/Cửu nguyệt thụ ý.

Dịch nghĩa: Tháng 7 thì sao Đại Hoả hạ thấp (đã hết mùa hè, khí nóng đã dứt)/Tháng 9 thì trao áo ấm cho mặc (để chống khí lạnh). (Nguồn: thivien.net) Tháng 8 chỉ tra được baidu, nguồn Việt mình không tra được .

Tháng chín năm nay đã tới nhưng cái nóng vẫn oi bức như cũ, chớp mắt nữa là đến hôn kỳ của Tần vương.

Một ngày trước đại hôm, trưởng công chúa Lý Lệ Hoa đích thân đến Tần vương phủ kiểm tra việc chuẩn bị tân phòng, phân phó chưởng sự của vương phủ bày biện lễ vật chúc mừng cho hôn lễ của bà ta là bức bình phong bách tử hí nhạc một mặt khảm ngọc bích [3] (chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương) cẩn thận vào một góc tân phòng, sau đó ngồi xe rời thành đến Tử Dương, giục Lý Huyền Độ mau chóng về thành, tuyệt đối không được vì tu đạo làm làm trễ nải giờ lành đại hôn.

Mai là ngày đại hôn.

Dù trưởng công chúa đã rời đi nhưng Lý Huyền Độ cứ nghĩ mãi chuyện nàng ta mớm hỏi về thời điểm hắn quay lại đất phong sau khi cử hành hôn lễ. Hắn chẳng thể ngủ nổi.  Đến nửa đêm, khi cái nóng của mùa thu từ từ trở nên khó chịu đến mức mở toang cửa sổ cũng không thể khiến hắn thoải mái hơn đôi chút, hắn khép lại vạt áo bước ra khỏi điện, rảo bước đến dòng suối bên trong rừng tùng bách, lội xuống.

Dòng suối trong vắt sâu đến đầu gối hắn. Hắn nhắm mắt, hơi ngửa đầu, để dòng suối trong trẻo từ đầu nguồn chảy xuống, nhanh chóng thấm đẫm toàn thân.

Một cơn gió đêm thổi tới, lướt qua lớp áo ướt sũng dính chặt vào cơ thể Lý Huyền Độ, làn da hắn như được cái lạnh mơn trớn, lúc này hắn mới dễ chịu hơn.

Ở một nơi xa xa, sâu trong khu rừng rậm truyền tiếng hót của cú vọ, bốn phía càng thêm phần yên tĩnh.

Trong lòng suối gần đó, bọt nước lặng lẽ nổi lên, dưới nước hình như có cá lớn đang bơi ngược dòng về phía hắn, khi chỉ cách hắn còn có vài thước, chớp mắt "ào" một tiếng, bọt nước bắn lên tung tóe, một bóng người bịt mặt nhảy ra khỏi dòng nước cùng luồng tia sáng sắc bén đâm thẳng vào Lý Huyền Độ đang ngẩng đầu hứng gió lạnh.

Dưới ánh trăng, ánh kiếm sắc lạnh như tia chớp, lẫm liệt khiến người ta run rẩy.

Đúng là một thanh kiếm lợi hại để kết liễu mạng người.

Lý Huyền Độ trợn mắt, xoay mạnh người.

Mũi kiếm như độc xà giảo hoạt đến cực điểm, từ âm tào địa phủ vươn mình hòng chộp lấy cổ họng hắn.

Lý Huyền Độ lách thân người, mũi kiếm vươn tới chỉ còn vài tấc là sượt qua cổ họng hắn.

Hắn mặc đạo bào, tay không tấc sắt, ngay khi mũi kiếm xẹt qua cổ họng, bàn tay hắn vung lên nắm vững mũi kiếm rồi dùng lực ra sức bẻ gãy, tiếng thanh thúy bật ra, thanh kiếm bị đứt thành hai đoạn.

Đối phương dường như bị bất ngờ, cầm thanh kiếm gãy khựng lại.

Ngay tức khắc, Lý Huyền Độ đẩy ngược mũi kiếm đang nắm trong tay. Đối phương phản ứng cực nhanh, tức tốc nghiêng người tránh né. Dù tránh được phần trí mạng nhưng vẫn chậm một bước.

Đầu kiếm biến thành chủy thủ, cắm sâu vào một bên ngực và vai.

Thân thể người nọ nhoáng cái có chút lung lay.

Máu chảy ra từ lòng bàn tay đã bẻ gãy kiếm của Lý Huyền Độ lẫn thân thể của người đàn ông bịt mặt, nhanh chóng nhuộm đỏ mặt nước.

Chuyện nảy ra chỉ trong tích tắc rồi đột nhiên chấm dứt chỉ trong vài nhịp thở.

Nhóm tùy tùng của Tần vương đang đứng trên bờ suối huýt sáo hiệu lệnh, vội vàng tập trung.

Người bịt mặt nhanh chóng thối lui, nhảy lên bờ suối, dù thụ thương không nhẹ nhưng vẫn có thể thuận lợi đào thoát, đảo mắt đã chạy vào bìa rừng, thân ảnh biến mất giữa bóng đen đang bao phủ lấy khu rừng rậm.

Diệp Tiêu đuổi tới, lệnh hai người Thẩm Kiều Trương Đình dẫn theo đám thị vệ tiến vào rừng truy lùng hung thủ, bản thân hắn thì bảo hộ Tần vương quay về điện.

Lý Huyền Độ vẫn đứng bất động ở trong suối, quay đầu nhìn về thích khách lẩn trốn, dường như có điều phải suy tư.

Diệp Tiêu không dám quấy nhiễu hắn, nhưng ánh sáng lấp lóe từ ngọn đuốc đã khiến vết thương của hắn bị phơi bày. Tay hắn buông thõng bên hông, máu không ngừng chảy dọc xuống ngón tay, nhuộm đỏ mảng lớn góc đạo bào.

Hắn không nhịn được lên tiếng: "Điện hạ, tay người!"

Lý Huyền Độ hồi thần, lội nước lên bờ, trở về điện Ngọc Thanh.

Lòng bàn tay hắn bị thương không nhẹ, vết cắt rất sâu, mơ hồ nhìn thấu tận xương, máu thịt be bét.

Diệp Tiêu không lạ gì những vết thương ngoài da, thuần thục gần như nửa quân y, làm sạch vết thương xong thì dùng kim khâu lại, rắc thuốc cầm máu, cuối cùng lấy vải băng kín vết thương.

Mặt đất loang lổ vết máu. Lý Huyền Độ không rên một tiếng, xử trí xong vết thương, hắn thay y phục, sắc mặt vẫn có chút tái nhợt dựa vào vân sàng, hai mắt hơi khép, lông mi rũ xuống, cả người không nhúc nhích tựa như đã ngủ thiếp đi.

Thẩm Kiều Trương Đình quay lại thỉnh tội với Lý Huyền Độ, nói thích khách cực kỳ xảo quyệt, chỉ quanh quẩn trong khu rừng không thoát ra, bọn hắn đã lục soát cả cánh rừng, từ đầu đến cuối dù có mấy lần suýt đuổi kịp nhưng đều để bị xổng, cuối cùng mất tăm mất dạng, chỉ có thể quay lại xin chỉ đạo.

Diệp Tiêu phẫn nộ, càng nghĩ càng sợ.

"Rốt cuộc là ai? Dù hắn đã thoát được nhưng chưa chắc đã chạy xa được, chẳng nhẽ muốn ta lệnh kinh triệu phủ lập tức phong tỏa núi tìm người?"

Lý Huyền Độ vẫn nhắm mắt, chỉ nói: "Không cần."

Diệp Tiêu không cam lòng, nhưng Tần vương đã mở miệng nói thế, sắc mặt hắn vẫn tái nhợt, sợ vết thương vừa được xử lý trên tay hắn đau đớn trở lại, nên chỉ có thể nhịn xuống tức giận nghe theo.

Lý Huyền Độ lệnh đám người giải tán nghỉ ngơi, riêng hắn vẫn tiếp tục ngồi dựa trên vân sàng, nhớ lại cảnh bị thích khách kia đánh lén.

Mặc dù thời gian giao đấu rất ngắn, đối phương bịt khăn che kín mặt nhưng hắn vẫn có cảm giác quen thuộc, liền lập tức nghĩ đến cái đêm khi vừa đặt chân đến dịch xá Phúc Lộc ở Hà Tây hồi đầu năm.

Hắn mở choàng mắt, nhìn chòng chọc vào bàn tay bị thương dưới ánh đèn, ánh mắt sâu xa, hồi lâu sau hắn buông tay xuống, nhắm mắt vén vạt áo bào, lật người nằm xuống ngủ.

Hôm sau là ngày đại hôn.

Tối qua Bồ Châu ngủ rất ngon, không có cảm giác khẩn trương của đêm trước ngày đợi gả.

Hoặc nói đúng hơn, từ hôm bị tình thế ép phải ra quyết định, khoảng thời gian chờ đợi đến hôn kỳ này mỗi ngày nàng đều ngủ rất ngon.

Đã xác định tốt mục tiêu thì cũng có hướng để phấn đấu, vậy nên về sau cũng không còn gì phải lo âu, tùy cơ ứng biến, nỗ lực hết mình.

Dưới sự hầu hạ của tỳ nữ, ngọc thể mỹ miều trần trụi của nàng được gột rửa trong làn nước nồng đượm hương thơm, lại tốn gần một canh giờ chải kiểu búi tóc kinh hồng giương cánh bay, thêm một lớp áo thiếp thân (áo lót) từ lụa trắng mỏng, rồi mặc vào tầng tầng lớp lớp lễ phục đại hôn.

Chạng vạng, thời điểm tốt lành cho hôn lễ đang đến gần, tiếng hân hoan tán tụng mơ hồ vang lên từ tiền sảnh Quách phủ.

Dưới ánh chiều tà, nàng ghé mình trước cửa sổ, để tỳ nữ xinh đẹp cầm chiếc gương lớn, nàng nhìn vào gương, sửa sang lại tóc mai.

Bóng hoa miên man, trước bức trướng đỏ hồng đạm mạc, người ngọc trong gương mặc địch y [4] dành cho vương phi thân vương, đeo ngọc bội hai mặt, theo mỗi cái giơ tay, ống tay áo mềm mượt rũ xuống, chồng chất trên nếp gấp khuỷu tay để lộ ra đoạn cổ tay ngọc ngà như tuyết trắng. Nàng đeo vòng vàng, mỗi khi nàng lơ đãng chạm vào tóc mai lại phản xạ thứ ánh sáng sóng sánh xán lạn.

[4] địch y: (chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương) Màu xanh thẫm, cổ áo, tay áo, vạt áo hai bên và vạt áo dưới chân màu đỏ thêu hoa văn rồng bay trong mây. Mặt trên thêu bốn mươi cặp chim trĩ.

Người được hoàng thất phái tới đón dâu là vị toàn phúc phu nhân có nhi nữ song toàn, vương phi của thân vương, Đoan vương phi, bà mặc một thân lễ phục, cài điền trâm, mỉm cười thông báo giờ lành đã đến, Tần vương ôm nhạn, tự mình đến đón dâu. [5]

[5] ôm nhạn:  thuộc lễ điện nhạn. (chim nhạn/ngỗng trời) Trong phong tục cưới hỏi xưa, phần lễ cho nhà gái thường bao gồm một đôi chim nhạn vì chim nhạn là loài chim rất chung tình, không sánh đôi hai lần. Loài chim này cũng rất thảo ăn, khi gặp mồi thì gọi nhau cùng ăn chung, khi một con chết rồi, thì con còn lại cũng buồn mà chết theo. Người xưa cho rằng sự di chuyển của đàn nhạn từ Nam ra Bắc phù hợp với âm dương, vợ chồng chung thủy là phù hợp với lẽ phải, lễ nghĩa. Việc dùng đôi nhạn làm lễ vật tượng trưng cho sự hòa hợp của âm dương, giữa một người nam và một người nữ, đồng thời còn tượng trưng cho sự chung thủy trước sau như một trong hôn nhân.

Bồ Châu khựng lại, đột nhiên có chút khẩn trương, nàng nhìn lại mình lần cuối trong gương, quay đầu đáp lại rồi hơi cúi xuống. Hai phó mẫu [6] trong cung phủ khăn xanh thêu hoa văn sen tịnh đế bằng chỉ kim tuyến lên mặt nàng rồi lập tức dẫn nàng ra khỏi nội thất.

[6] phó mẫu: trong văn cảnh này có thể hiểu là người hỗ trợ, hướng dẫn nghi lễ

Lúc này trời đã tối hẳn. Vệ úy trong cung cùng thị vệ vương thủ đã sớm xếp thành hàng trên đường lớn trước cửa Quách phủ, đề phòng đám đông phức tạp.

Dựa theo lễ chế, hôn lễ được cử hành từng bước một, sau khi hoàn tất các thủ tục tại Quách gia, phó mẫu và ti phụ đợi sẵn ở đông phòng dìu Bồ Châu, để nàng bước lên xe hoa.

Xe ngựa tiến về phía trước, nàng ngồi trong xe một lát, không không được tò mò, vụng trộm cởi khăn che mặt, dùng ngón tay vén một góc khăn lên, nhìn ra ngoài.

Hai bên đường đèn đuốc sáng trưng, đội ngũ đón dâu uốn lượn quanh co, khắp nơi đều là nhân mã. Phía trước xe hoa, Lý Huyền Độ cưỡi một con tuấn mã, yên vàng hàm bạc, dây cương được trang trí cầu kỳ, thong dong hướng về phía trước.

Dáng vẻ tùy ý thường ngày của hắn giờ được thay bằng lễ phục màu đỏ, eo lưng thẳng tắp. Bồ Châu trộm nhìn một lát, nàng ngồi xuống, suy nghĩ xem đêm nay nên ứng đối với hắn thế nào.

Đêm động phòng hoa chúc nhất định sẽ thuận lợi, không có gì đáng ngại.

Nàng âm thầm thở ra một hơi, cảm giác khẩn trương ít ỏi khi trước cũng tan thành mây khói chỉ trong chốc lát.

*

Chú thích hình ảnh:

[1] bàn long côn:

[3] bách tử hí nhạc: dòng tranh dân gian của Trung Quốc

[4] địch y:

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com