TruyenHHH.com

Bo Chau Bong Lai Khach

Một tháng sau, đến tháng mười một, Lại bộ ở kinh đô liền bước vào tháng bận rộn nhất trong năm.

Theo lệ cũ của triều đình, vào thời điểm này hằng năm, các quan lại từ tứ phẩm trở lên tại địa phương đều phải trình tấu chương báo cáo về công vụ trong năm qua. Trong số vô số tấu chương chất đầy án kỷ, có một bản vô cùng đặc biệt đã đến, khiến cả triều đình phải kinh ngạc.

Tấu chương này đến từ Đô hộ phủ Tây Vực, vượt ngàn dặm sông núi và được chuyển đến kinh đô từ ba ngày trước. Lại bộ không dám trì hoãn, lập tức dâng lên ngự tiền ngay trong ngày.

Nội dung tấu chương do vị hoàng thúc, Tần vương Lý Huyền Độ đảm nhiệm chức Đô hộ phủ Tây Vực đệ trình. Trong đó, hắn báo cáo về hàng loạt hành động sau khi đến Tây Vực, đồng thời tâu rằng để kiểm soát Trung Đạo tốt hơn, Đô hộ phủ đã chuyển từ Ô Lũy đến Bảo Lặc. Hơn nữa, theo thỉnh cầu của người dân Bảo Lặc, hắn xin triều đình cho phép vị vương tử lưu lạc năm xưa của Bảo Lặc quốc, hiện đang ở kinh đô, trở về thừa kế vương vị, nhằm giúp triều đình ban phát ân trạch và ổn định cục diện nơi đây.

Từ khi tân đế Lý Thừa Dục kế vị, đã nửa năm trôi qua. Cục diện triều đình hiện tại, nhìn bề ngoài, dường như đã dần khôi phục từ sự hỗn loạn nghiêm trọng do tiên đế Hiếu Xương bất ngờ băng hà, các công vụ cũng đang dần đi vào quỹ đạo.

Niên hiệu của tân triều được đặt là "Thiên Thụ", dự kiến bắt đầu từ ngày đầu năm tới.

Trong nửa năm qua, triều đình đã phải đối mặt với không ít biến động. Tàn dư của phe Lưu vương Hồ gia bỏ trốn về Tây Nam, cấu kết với các thổ vương địa phương, tụ tập hàng vạn binh mã, mưu đồ gây loạn. Tuy nhiên, triều đình chỉ mất ba tháng để bình định, hoàn toàn xóa sổ phe Lưu vương.

Căng thẳng nơi biên ải phía Bắc cũng dần lắng xuống. Thoạt đầu Đông Địch tựa hồ như chỉ giương oai, nay lại chìm vào im lìm không chút động tĩnh. Tháng trước, Quảng Bình hầu Hàn Vinh Xương đã hồi kinh.

Án của Thượng Quan Ung cũng khép lại.

Trong thời gian bị giam ở chiêu ngục, ông ta luôn mực chối bỏ tội danh, khăng khăng rằng bệnh dịch ở Đồng Châu là do quan lại địa phương bị mua chuộc để vu oan cho mình. Sau một thời gian dài không có kết quả, vào một buổi sáng, ngục tốt phát hiện Thượng Quan Ung đã treo cổ tự vẫn, để lại một bức huyết thư viết bằng máu từ ngón tay bị cắn rách, tự bày tỏ lòng trong sạch, lấy cái chết để chứng minh bản thân vô tội.

Cái chết của ông ta khiến đại án này rơi vào ngõ cụt. Tân đế không truy phong thụy hiệu nào cho cữu phụ Thượng Quan Ung, chỉ ra lệnh lo liệu hậu sự. Đồng thời, do thiếu chứng cứ nên những người có liên quan, bao gồm gia tộc Thượng Quan và các thành phần khác của phe Thượng Quan cũng không bị truy cứu.

Tuy nhiên, dư luận không ngừng dấy lên lời đàm tiếu, cho rằng đây là mưu lược cuối cùng của Thượng Quan Ung, lấy cái chết để bảo vệ gia tộc và phe cánh. Có người còn mạnh dạn phỏng đoán, nói rằng tất cả đều nằm trong ý muốn của tân đế: nếu Thượng Quan Ung không chết, sẽ khó làm dịu lòng người. Nhưng nếu bị kết tội, cả gia tộc Thượng Quan và những kẻ ủng hộ ông ta sẽ không tránh khỏi bị liên lụy, trong khi đây lại là nhóm trung thành nhất của tân đế. Bởi vậy, để Thượng Quan Ung ra đi là một lựa chọn hoàn hảo: vừa trấn an bá quan và thiên hạ, vừa bảo toàn phần nào thực lực của phe Thượng Quan.

Mặc dù kết quả này không thể khiến tất cả đều hài lòng, nhưng chẳng ai dám đứng ra chất vấn tân đế. Dù gì đi nữa, chết là hết, Thượng Quan Ung đã thắt cổ tự vẫn để tỏ rõ lòng trung trinh, nếu tiếp tục truy cứu, e rằng sẽ trở thành hành động công khai đối đầu với tân đế.

Đây chính là toàn cảnh cục diện lớn của kinh đô trong nửa năm qua. Khi mọi thứ vừa ổn định đôi chút, thì bản tấu chương bất ngờ này đã khiến quan trường dậy sóng.

Không ai ngờ được rằng ngay khi đến Tây Vực, Tần vương Lý Huyền Độ đã nhanh chóng kiểm soát được nút thắt của Trung Đạo. Phải biết rằng, từ lâu Đông Địch luôn coi trọng việc kiểm soát Trung Đạo và Bắc Đạo. Và giờ thì, Bảo Lặc quốc lớn nhất Trung Đạo đã quy thuận dưới tay triều Lý, điều đó đồng nghĩa với việc thế lực Đông Địch đang bị đẩy lùi, dần co cụm về phía Bắc Đạo.

Bất ngờ xen lẫn vui mừng, đây đương nhiên là một tin chấn động lòng người đối với triều Đại Lý.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là những ngày qua, ngoài vợ chồng vương tử nước Bảo Lặc lưu trú lâu năm tại kinh đô bàng hoàng như mộng, lòng đầy hân hoan chờ ngày hồi hương, thì trong triều đình, ai nấy đều im lặng bất thường. Tại buổi chầu sáng nay, chẳng ai nhắc đến chuyện này, như thể không hề hay biết. Chỉ sau khi buổi chầu kết thúc, từng nhóm người mới âm thầm dò hỏi tin tức, bàn luận kín đáo, suy đoán phản ứng của tân đế trước tình hình này.

Ba ngày sau, tại đông các của cung Trường Khánh, Lý Thừa Dục triệu tập Quách Lãng, Diêu hầu, Trần Tổ Đức và Hàn Vinh Xương đến nghị sự về tấu chương do Tây Vực Đô hộ phủ dâng lên, về việc hộ tống vương tử Bảo Lặc quốc về nước, tiếp nhận ngôi vị quân vương.

Tân đế ngồi uy nghi sau ngự án, thân mặc long bào, ngang lưng đeo đai vàng khắc hoa văn mây rồng. Ánh nắng buổi sớm chiếu qua cửa sổ đông các, phản chiếu hình ảnh con rồng vàng thêu trên long bào, ánh vàng rực rỡ đến chói mắt, khiến người ta không dám nhìn thẳng.

Cung Trường Khánh được xây dựng từ thời Minh Tông, vốn là nơi để hoàng đế tiếp kiến ngoại thần, thiết yến và giải trí. Sau khi hoàng đế Hiếu Xương lên ngôi, cung điện này gần như bị bỏ không. Đến khi Lý Thừa Dục đăng cơ, hắn đã dời nơi xử lý chính sự thường nhật từ cung Tử Thần, vốn là nơi bao đời hoàng đế đều dùng, để chuyển đến đây.

Khoảng cách từ cung Trường Khánh đến Môn hạ tỉnh và Trung thư tỉnh, nơi bách quan làm việc, cũng gần hơn. Theo lời Quách Lãng, đây chính là biểu hiện của tân đế muốn đích thân chăm lo chính sự, khiến quần thần không ngớt lời ca tụng.

Hôm nay, tại đông các không chỉ có những bậc lão thần của triều Hiếu Xương là Quách Lãng, Diêu hầu, mà còn có thêm một nhân vật mới. Đó chính là Thôi Huyễn, tuổi còn trẻ mà đã thăng đến chức Khinh xa đô úy tam phẩm, trở thành nhân vật nổi bật nhất kinh đô kể từ khi tân đế lên ngôi.

Chuyện này cũng không có gì bất thường. Một triều vua, một triều thần, tân đế còn trẻ, hiển nhiên sẽ thích đề bạt và trọng dụng những người trẻ tuổi tài năng như mình. Huống chi, thanh niên họ Thôi này thực sự xuất chúng, từng làm kinh động triều đình bằng chiến công mùa thu săn năm trước, sau đó lại lập đại công dẹp loạn phe Lưu vương ở Tây Nam. Sau khi trở về, hắn được thăng lên hàm tam phẩm, chẳng những không ai buông lời dị nghị, mà ngược lại, ai nấy đều lấy làm ngưỡng mộ. Hôm nay, hắn vận triều phục võ quan tam phẩm màu tím, thêu hình mãnh thú biểu trưng cho sức mạnh và dũng khí, đứng trong đông các. Khi mọi người nghị bàn không ngừng, hắn vẫn im lặng, thần sắc nghiêm nghị.

Quách Lãng cùng Diêu hầu và các đại thần bàn luận hồi lâu về quốc sự, lời lẽ trau chuốt, ý tứ tường tận. Đại ý không ngoài việc khen ngợi rằng Tây Vực có thể nhanh chóng khởi sắc như hiện nay, hoàn toàn là nhờ triều đình uy chấn tứ hải, bệ hạ lại có tài trị quốc, lại giỏi dùng người. Mọi người đều đồng tình cho rằng Tần vương đề xuất rất hợp lý, đã đến lúc đưa vương tử Bảo Lặc trở về Tây Vực để kế vị ngai vàng. Vương tử ở lại kinh đô đã gần mười năm, nay hồi quốc, tự nhiên sẽ thân cận với triều đình, trợ lực Đại Lý chống lại Đông Địch.

Lý Thừa Dục nói: "Trẫm cũng đồng ý như vậy. Chư khanh đã không dị nghị, liền định đoạt thế đi. Hôm qua trẫm cũng nhận được tấu chương từ Hồng Lư Tự trình lên, thay mặt vương tử cảm tạ triều đình. Ngoài ra, vương tử còn thỉnh cầu triều ta cử một người đi cùng về nước, giữ chức Phụ quốc hầu, để phò trợ hắn đăng cơ. Ai có thể đảm nhận trọng trách này?"

Chức Phụ quốc hầu nghe thì vinh quang, nhưng thực chất chỉ là người giám sát thuộc quốc mà triều đình phái đi. Vương tử Bảo Lặc lánh nạn nhiều năm, nay sớm hiểu rõ thế sự. Để tân đế Đại Lý yên tâm, hắn chủ động mở lời thỉnh cầu.

Quách Lãng và Diêu Hầu tiến cử vài cái tên, nhưng Lý Thừa Dục tựa hồ không hài lòng, thần sắc lạnh nhạt, không biểu lộ ý kiến.

Hàn Vinh Xương nãy giờ vẫn im lặng, cuối cùng không nhịn được nữa, bước ra khỏi hàng: "Bệ hạ, thần nguyện hộ tống vương tử hồi hương. Về chức Phụ quốc hầu, nếu bệ hạ tín nhiệm, thần nguyện tự tiến cử!"

Lời vừa dứt, bá quan đều sững sờ, ánh mắt đổ dồn về phía hắn.

Chức Phụ Quốc hầu tuy danh nghĩa vẻ vang, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một tiểu hầu ở thuộc quốc Tây Vực. Hàn Vinh Xương vốn đã là Quảng Bình hầu của triều đình, giờ lại tự nguyện đi làm tiểu hầu của thuộc quốc, chẳng khác nào tự hạ thấp thân phận.

Lý Thừa Dục hỏi: "Khanh thực lòng muốn đi?"

Hàn Vinh Xương nghiêm nghị đáp: "Bệ hạ yên tâm! Thần cam tâm tình nguyện tới Tây Vực, tiếp tục tận trung vì triều đình!"

Lý Thừa Dục nhìn hắn một lúc, cuối cùng gật đầu: "Trẫm chuẩn tấu. Vậy để khanh đi. Sau khi đến đó, ngoài việc phò trợ Bảo Lặc vương, khanh còn phải hỗ trợ Đô hộ phủ, đồng lòng hiệp lực, sớm ngày quét sạch thế lực Đông Địch ra khỏi Tây Vực, rõ chưa?"

Hàn Vinh Xương mừng rỡ, quỳ xuống lĩnh mệnh.

Lý Thừa Dục khẽ gật đầu, bỗng như sực nhớ ra điều gì, liền nói thêm: "Còn nữa, đến đó, thay trẫm vấn an hoàng thúc và hoàng thẩm, bảo rằng..."

Khóe môi bệ hạ thoáng hiện một nét cười, lần đầu trong ngày: "... Trẫm rất nhớ hoàng thúc và hoàng thẩm."

Từng chữ từng câu, nói ra rõ ràng.

Thôi Huyễn từ đầu đến cuối vẫn im lặng, ánh mắt thoáng động khi nhìn bóng lưng Hàn Vinh Xương hào hứng lĩnh chỉ rời cung. Nhưng ngay sau đó, hắn cụp mắt, gương mặt khôi phục lại vẻ lãnh đạm thường ngày.

Tin Quảng Bình hầu Hàn Vinh Xương sắp xuất quan, nhận chức Phụ quốc hầu tại Bảo Lặc quốc, không gây nên nhiều sự chú ý trong kinh đô.

Trước đây Hàn Vinh Xương còn có thể nhờ vào trưởng công chúa Lý Lệ Hoa mà thỉnh thoảng được nhắc đến, giờ đây chẳng còn ai buồn để mắt tới hắn nữa, bởi chính Lý Lệ Hoa cũng đang ở trong cảnh ngộ vô cùng khó xử.

Cháu ruột của nàng ta, Lý Thừa Dục, đã đăng cơ gần nửa năm. Triều đình phong quan tiến chức cho không ít người, duy chỉ có nàng, tước hiệu "Đại trưởng công chúa" vốn dĩ sớm phải được sắc phong, lại mãi không thấy hạ chỉ.

Người ta đồn rằng thái hậu Thượng Quan cố ý ngăn cản, cho rằng nàng ta đức hạnh không xứng. Hoàng đế cũng chẳng dám trái lệnh thái hậu.

Không có thánh chỉ, Lý Lệ Hoa mãi mãi chỉ là "trưởng công chúa" triều trước, không thể được hưởng địa vị "đại trưởng công chúa" mà lẽ ra nàng ta phải có. Trong kinh đô, không ít quý phụ nhân lấy việc này làm trò cười, chê bai sau lưng. Có người thậm chí không chỉ sau lưng, mà còn khinh thường ngay trước mặt nàng, như kẻ thù không đội trời chung của nàng ta: Tiêu thị.

Lý Lệ Hoa vĩnh viễn không quên được ngày hôm đó, xe ngựa của nàng đi trên đường, tình cờ gặp Tiêu thị đang trên đường vào cung.

Theo lễ chế, dù nàng chưa được phong Đại trưởng công chúa, địa vị của nàng vẫn cao hơn Tiêu thị. Tiêu thị đáng lý phải nhường đường để nàng đi trước. Nhưng lúc ấy, Tiêu thị cố ý không tránh, chắn xe của nàng ngay giữa phố, khiến dân chúng xung quanh tụ tập chỉ trỏ. Mãi đến khi tiếng bàn tán vang khắp phố, kẻ kia mới giả vờ trách mắng gia nhân, ra lệnh nhường đường.

Lý Lệ Hoa nghe rõ mồn một, khi cỗ xe ngựa của nàng ta đi ngang qua xe của ả tiện nhân kia, từ trong xe liền vang lên một tiếng cười mỉa mai, giọng đầy châm chọc: "Trưởng công chúa thiên tuế, thiên thiên tuế."

Khi ấy, nàng ta tức đến phát cuồng, trong lòng thầm thề, sớm muộn gì cũng phải đem thái hậu Thượng Quan cùng đám tiện nhân như Tiêu thị đạp dưới chân, để chúng sống không bằng chết. Nhưng Lý Lệ Hoa cũng hiểu rõ, nay thời thế đã khác, nàng ta chỉ có thể nhẫn nhịn, nuốt cơn uất hận vào lòng. Kể từ ngày đó, nàng ta tránh xuất hiện tại các buổi tụ họp, lui về biệt trang sống một thời gian. Hôm nay vừa trở về, lại hay tin Hàn Vinh Xương sắp đi Tây Vực nhậm chức Phụ quốc hầu, cơn giận càng bùng lên. Nàng ta nổi trận lôi đình, nhưng cuối cùng cũng chỉ có thể bất lực. Sau một hồi cân nhắc, nàng ta lặng lẽ lên xe, đi thẳng đến cung Bồng Lai.

Nhưng như những lần trước, nàng ta vẫn không thể gặp được Khương thị.

Trần nữ quan thay mặt truyền lời: "Thái hoàng thái hậu đang tĩnh dưỡng, không tiện tiếp khách."

Từ ngày Lý Thừa Dục chính thức đăng cơ, Khương thị từ Thái miếu trở về đã bệnh tật không dứt, hiếm khi tiếp kiến ai. Lý Lệ Hoa lấy lý do thăm bệnh, mấy lần cầu kiến nhưng đều bị từ chối. Hôm nay cũng không ngoại lệ.

Bất đắc dĩ trở về, trong lòng nàng ta càng nghĩ càng giận, lập tức nhớ tới Thẩm Dương. Nàng ra cố gắng kìm nén cơn phẫn uất, định phái một thân tín đi tìm Thẩm Dương hỏi rõ kế hoạch hiện tại của hắn, thì bất ngờ lại nghe được một tin tức mới khiến nàng như sét đánh ngang tai.

Hôm qua, Thẩm Dương đã dâng tấu chương, xin từ quan chức Nam Tư đại tướng quân. Hắn viện lý do từ nhỏ mình đã được thúc phụ nuôi dưỡng, ơn nghĩa như cha, nay thúc phụ qua đời, không thể tiếp tục ở triều làm quan, cần về quê giữ tang.

Tin này chẳng khác nào một nhát dao chí mạng đối với Lý Lệ Hoa. Nhưng đối với những kẻ trong triều đã sớm nhận ra dấu hiệu và ngấm ngầm quan sát, đây lại không phải điều quá bất ngờ.

Ngay từ buổi thiết triều bàn việc đưa vương tử Bảo Lặc về Tây Vực, Thẩm Dương đã vắng mặt. Không chỉ buổi đó, mà suốt nửa năm qua, kể từ khi hắn trở lại kinh thành sau lễ tang, Thẩm Dương ngày càng rút khỏi trung tâm quyền lực.

Là cựu thần được tiên đế sủng ái, rõ ràng hắn không được lòng tân đế Lý Thừa Dục. Thậm chí, tân đế dường như còn có ý phòng bị hắn. Có lời đồn rằng lý do Thẩm Dương đích thân về quê chủ trì tang lễ thúc phụ, thực chất là vì tuân mệnh tân đế. Trong thời gian hắn rời kinh, nhiều nhân sự trong Nam Tư đã bị thay đổi. Sau khi trở lại kinh thành hai tháng, hắn lấy cớ bệnh tình, rất ít vào triều. Cuối cùng, đến hôm qua, hắn đã chính thức dâng sớ xin từ quan.

Hoàng đế không chỉ chấp nhận, mà còn hết lời khen ngợi công lao trước đây của hắn, ban thưởng hậu hĩnh, đồng thời ra lệnh sau khi mãn tang, nhất định hắn phải quay lại triều đình phục vụ.

Trước triều đình, Thẩm Dương tạ ơn thánh ân, cảm động đến mức nghẹn ngào rơi lệ. Hắn dập đầu bái biệt tân đế, rồi trong ánh mắt của bá quan văn võ, từ tốn lui ra khỏi đại điện, trở về phủ Nam Tư, lặng lẽ chờ đợi người kế nhiệm.

Khoảnh khắc ấy, hắn không phải chờ lâu.

Từ ngày cùng triều đại Lý triều dựng nước, trong mắt người thường, phủ Nam Tư luôn là nơi quyền uy tối cao.

Những nhân vật từng thống lĩnh nơi này, như Khương Nghị, hay các đời tiền nhiệm khác, đều là những kẻ danh vọng lẫy lừng, xuất thân danh môn thế gia. Dù Thẩm Dương là ngoại lệ, xuất thân bần hàn, nhưng dưới thời hắn cầm quyền, Nam Tư còn vượt xa thời Khương Nghị, đạt đến đỉnh cao quyền lực, khiến ai nấy đều khiếp sợ.

Thế nhưng, thực tế, bên ngoài phủ Nam Tư lại chẳng có gì nổi bật.

Cửa lớn của phủ, nước sơn đã tróc loang lổ, bậc cửa bọc sắt loang lổ dấu vết bẩn thỉu do giày ủng của võ quan giẫm đạp bao năm. Nền đá thanh lát ở đại sảnh còn lấm tấm dấu vết lưỡi kiếm và vết nứt do binh khí để lại.

Nhiều năm trước, Thẩm Dương tiếp nhận tín ấn, biểu tượng cho quyền lực tối cao tại Nam Tư từ tay Khương Nghị.

Hôm nay, chiếc ấn đồng ấy vẫn còn đó, đang lặng lẽ nằm trên án thư trước mặt hắn. Giờ đây, hắn đã đến lúc phải trao trả nó lại cho người khác.

Ánh tà dương buổi hoàng hôn len qua cánh cửa khép hờ của phủ Nam Tư, chiếu xuống mặt đất lồi lõm, đầy những vết nứt ngoằn ngoèo.

Một bóng người mảnh khảnh nhưng cứng cỏi hiện lên nơi cửa.

Đó là một thanh niên. Y đưa tay đẩy cửa, ánh sáng chiều chói lòa ùa vào đại đường. Y bước qua ngưỡng cửa, từng bước tiến đến trước mặt Thẩm Dương. Đôi mắt sắc bén nhìn thẳng vào hắn, giọng nói đều đều không gợn chút cảm xúc: "Thẩm tướng quân, đắc tội rồi."

Thẩm Dương ngồi lặng lẽ sau án thư lớn, chậm rãi ngẩng đầu, ánh mắt hắn dừng lại trên gương mặt của người trước mặt: Thôi Huyễn.

Hắn nhìn thẳng vào đôi mắt lạnh lùng, mang theo hai tia sắc bén của Thôi Huyễn, lòng bỗng thoáng chút mơ hồ. Hình ảnh lần đầu tiên gặp thiếu niên đến từ Hà Tây này chợt ùa về trong tâm trí.

Ngay từ hôm ấy, hắn đã có một linh cảm: thiếu niên này sớm muộn gì cũng sẽ trở thành kẻ đối đầu với mình.

Đó là một loại trực giác bản năng, như dã thú trong rừng sâu nhận ra đồng loại. Dù đối phương ngụy trang khéo léo đến đâu, mùi máu tanh ẩn chứa trong hơi thở cũng không thể thoát khỏi khứu giác nhạy bén của hắn.

Thẩm Dương cảm thấy hối hận. Khi ấy, hắn đã xem nhẹ thiếu niên này, không sớm loại bỏ khi y còn chưa đủ lông đủ cánh, để rồi hôm nay tự gieo họa.

Giờ đây, linh cảm khi đó đã được chứng minh là đúng.

Hắn không nghi ngờ chút nào rằng, cái chết đột ngột của Hiếu Xương Đế có liên quan không nhỏ đến thanh niên trước mặt.

Thậm chí, đặt mình vào vị trí của y, hắn tự thấy mình cũng khó mà quyết đoán được như thế, nhưng điều đáng sợ nhất ở Thôi Huyễn, là y đã chấp nhận không để lại đường lui, đem tất cả đặt cược chỉ trong một ván.

Và y đã thành công.

Thẩm Dương cảm nhận rõ rệt sự lạnh lẽo thấu xương từ người kế nhiệm này.

Cái chết của hoàng đế Hiếu Xương quá bất ngờ, hoàn toàn vượt ngoài dự liệu của hắn, phá vỡ mọi tính toán ban đầu.

Tuy vậy, hắn vẫn còn hậu chiêu.

Giờ là lúc hắn tạm thời rút lui.

Nhưng chỉ là tạm thời mà thôi.

"Thôi tướng quân, hậu hội hữu kỳ." [1]

[1] hậu hội hữu kỳ: sẽ còn ngày gặp lại

Nói rồi, Thẩm Dương bước ngang qua người thanh niên, qua ngưỡng cửa, sải bước rời đi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com