TruyenHHH.com

Bhtt Edit Hoan Nghich Ai Hoa Da Li

Chương 16: Cùng nhau.

Lâm Cẩm Vân phóng xe như bay đến rạp chiếu bóng Nhân dân thị trấn Cao Hồ. Sau khi tìm được chỗ đỗ xe, cô liền kéo Tưởng Lan đến quầy mua vé.

Vận may của họ khá tốt, suất chiếu gần nhất vẫn còn vé, chỗ ngồi cũng khá ổn.
Lâm Cẩm Vân nhìn đồng hồ, thấy còn khoảng bốn, năm phút nữa mới bắt đầu chiếu nên chạy vội đến một quầy nhỏ gần đó mua một bịch hạt dưa rang, rồi quay lại quầy mua thêm hai chai nước cam, sau đó vội vàng cùng Tưởng Lan vào rạp.

Bộ phim có tên là <<Đặc khu người làm công>>, kể về những cô gái từ miền núi đến Thâm Quyến làm công. Có lẽ vì đề tài quá thực tế, không giống thể loại phim tình cảm hay võ thuật mà người dân thị trấn ưa chuộng, nên lượng người xem không quá đông, nhưng cả hai vẫn xem rất say mê.

Đặc biệt là Tưởng Lan, nói đúng ra thì đây là lần đầu tiên cô ấy được vào rạp chiếu phim.

Làng của cô ấy không có rạp chiếu phim, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng không cho phép cô ấy có cơ hội "xa xỉ" như vậy. Trước đây chỉ từng xem phim ngoài trời do làng tổ chức định kỳ. Tuy miễn phí, nhưng môi trường ồn ào, thiết bị chiếu phim kém, hoàn toàn không thể so với một rạp chiếu yên tĩnh, rộng rãi, trang bị hiện đại.

Tưởng Lan trong lòng vô cùng xúc động và trân quý, suốt cả buổi chiếu đều tập trung cao độ, mắt không rời màn hình, sợ bỏ lỡ bất kỳ cảnh hay câu thoại nào.

Lâm Cẩm Vân trong lúc xem phim thỉnh thoảng lại quay sang nhìn Tưởng Lan, mỗi lần thấy dáng vẻ chăm chú nghiêm túc kia, lòng cô lại tràn ngập niềm vui.

Cô sợ mình nhìn quá lâu sẽ bị phát hiện, đành xen kẽ giữa xem phim và... lén ngắm người bên cạnh, suốt cả buổi đầu óc còn bận rộn hơn cả đôi mắt.

Tưởng Lan đang xem phim, còn Lâm Cẩm Vân thì đang xem cô ấy.

Nhưng cô hoàn toàn cam tâm tình nguyện, thậm chí còn cảm thấy thích thú. Cô cảm nhận được một thứ gì đó dù không hình không dạng đang thật sự tồn tại và dần dần lấp đầy trái tim cô.

Lồng ngực cô như được lấp kín bởi một thứ mềm mại, ấm áp và tràn đầy.

Đây là một cảm xúc chưa từng có, mới mẻ và hiếm lạ. Cô tạm thời chưa thể gọi tên nó, chỉ cảm thấy rất dễ chịu, rất mãn nguyện, cảm thấy chuyến đi lần này không hề uổng phí.

Sau khi phim kết thúc, cả hai đều ngạc nhiên phát hiện mình chẳng hề đụng đến đồ ăn mua lúc nãy.

Cả hai cùng nhìn chai nước cam và bịch hạt dưa vẫn cầm trong tay từ lúc bắt đầu chiếu đến giờ, rồi ngước mắt nhìn nhau, bất giác bật cười.

"Sao lại không ăn chút nào vậy?"

"Mải xem phim quá, chẳng nhớ gì đến ăn uống."

"Hay đem về cho Vỹ Khang đi, coi như đền bù cho anh ấy."

"Mang hạt dưa về thôi. Chai nước đã mở nắp rồi, đi xe về chắc đổ mất, đành uống vậy."

Tưởng Lan thấy có lý nên không phản đối, cùng Lâm Cẩm Vân rời khỏi rạp.

Đêm nay trăng sáng sao thưa, gió nhẹ hiu hiu, đúng là một đêm tuyệt vời để dạo bước.

Lâm Cẩm Vân một tay dắt xe, Tưởng Lan đi bên cạnh, cả hai vừa nhấm nháp nước cam vừa trò chuyện về bộ phim.

"Chị thấy phim này thế nào?"Lâm Cẩm Vân mỉm cười hỏi khi vừa hút một ngụm nước cam.

"Ừm, chị thấy rất hay. Đặc khu Thâm Quyến thật hiện đại, nhưng cũng rất khắc nghiệt và thực tế."

"Thế giới bên ngoài rất rực rỡ, nhưng cũng đầy bất lực."

"Không hổ là cô giáo dạy văn, tổng kết thật hay."

"À, trong số mấy cô gái làm công ấy, chị thích ai nhất?"

"Chị thích nhất là cô gái tên Điền Hạnh Tử."

"Sao lại thích cô ấy?"

"Cô ấy độc lập cũng không sợ hãi. Quản lý xưởng coi thường mấy cô gái làm công, hay chèn ép, xúc phạm họ, chỉ có cô ấy dám đứng ra phản kháng. Chị rất ngưỡng mộ kiểu người như vậy."

Lâm Cẩm Vân nghe xong thì nghĩ thầm: Chị cũng có thể trở thành người như vậy nha. Chị không hề thua kém Điền Hạnh Tử, chỉ là bị đè nặng bởi trách nhiệm mà không nhận ra bầu trời rộng lớn phía trên ngọn núi cao ấy, rồi chỉ biết ngước nhìn, ngưỡng mộ những người ở trên cao mà thôi.

Tưởng Lan thấy Lâm Cẩm Vân mãi không trả lời, liền tò mò hỏi:

"Còn em? Em thích nhân vật nào?"

"Em thích Triệu Xuân Hoa."

"Cô ta hả? Tại sao?"

"Vì cô ấy trông giống chị"

"..."

Lâm Cẩm Vân đang nghĩ về Tưởng Lan, thuận miệng buột ra câu ấy. Đến khi nhận ra mình đã nói gì thì mặt đỏ bừng, vội vàng chữa cháy:

"Khụ, ý em là... cô ấy giống chị nên nhìn thấy gần gũi, hợp mắt. Em xem phim hay thích những diễn viên đẹp mắt."

Nói xong cô không dám nhìn Tưởng Lan nữa, chỉ cúi đầu uống nước, tay nắm tay lái đã ướt đẫm mồ hôi.

Lâm Cẩm Vân không biết rằng, lời chữa cháy ấy không chỉ cứu chính cô mà còn khiến trái tim bất chợt loạn nhịp của Tưởng Lan trở lại bình thường.

Tưởng Lan lấy lại bình tĩnh, mỉm cười:

"Làm gì mà giống chứ?"

"Mũi rất giống. Mũi cô ấy cao, của chị cũng vậy. Khí chất cũng giống nữa." Lâm Cẩm Vân phân tích:

"Còn có đôi mắt nữa, đều là mắt hạnh đẹp. Nhưng mà tên chị hay hơn, Xuân Hoa nghe phổ thông quá, không bằng chữ 'Lan'."

Cô vừa nói vừa cố gắng xua tan bầu không khí ngượng ngùng, không biết rằng trái tim Tưởng Lan vừa mới ổn định lại đập loạn nhịp lần nữa.

Tưởng Lan hơi cúi đầu, ngượng ngùng nói: "Chỉ có mỗi chữ 'Lan', có gì hay đâu?"

"Nói vậy là không đúng rồi. 'Lan' là một thứ rất thanh tao." Lâm Cẩm Vân hứng thú, cảm giác dạy học lại trỗi dậy:

"Khổng Tử từng nói: 'Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân bất phương.' Nghĩa là hoa lan, dù mọc ở trong núi sâu, nhưng không vì ở chốn không người mà không toả hương thơm, cho thấy lan là loài cây cao quý, kiên cường. Lan là 'quân tử chi hoa', nên rất nhiều thành ngữ ca ngợi con người cũng liên quan đến lan, như: 'lan chi ngọc thụ', 'huệ chất lan tâm', 'quế tử lan tôn'... Từ xưa đến nay, lan luôn là loài được các văn nhân yêu thích."

Cô dừng lại một chút rồi nói tiếp:

"Người đặt tên cho chị chắc chắn cũng hy vọng chị có phẩm cách và khí chất giống như hoa lan vậy."

Nói xong cô quay sang nhìn Tưởng Lan, lại thấy cô ấy đang nhìn mình chăm chú, lập tức bối rối, thầm trách mình nói nhiều như khoe kiến thức, liền cười gượng:

"Ha ha, nghỉ hè lâu quá không dạy học, cứ tưởng chị là học sinh. Nghe mấy chuyện này chán lắm phải không?"

Tưởng Lan khẽ cười, đôi mắt hạnh cong cong như đóa lan nở trong khe suối – thanh tao mà yên bình.

"Không đâu, chị thích nghe."

Thích sao?

Tim Lâm Cẩm Vân đập mạnh, một luồng khí nóng trào dâng khắp người, sưởi ấm cả thể xác lẫn tinh thần.

Giây phút này, cô mới hiểu được cảm giác lúc ở trong rạp chiếu phim, cái thứ vô hình từng chút lấp đầy trái tim cô, cái điều không thể gọi tên ấy.

Hóa ra, nó gọi là – yêu.

Cô cúi đầu hút cạn giọt nước cam cuối cùng, vị ngọt thấm đẫm đầu lưỡi, đến cả trong tim cũng nhuốm chút vị ngọt.

Cô quay đầu nhìn Tưởng Lan, ánh mắt sáng rực, nụ cười rạng rỡ:

"Uống xong rồi, mình về nhà thôi."

"Ừ, về thôi."

Trên đường về, vẫn là Lâm Cẩm Vân chở Tưởng Lan.

Nhưng lần này không vội, Lâm Cẩm Vân cố tình đạp thật chậm.

Cả hai như đã hẹn trước, chẳng ai nói gì, chỉ lặng lẽ lắng nghe tiếng xích xe, tiếng gió lùa bên tai, tiếng côn trùng ven đường và cả tiếng tim mình đang đập rộn ràng.

Lâm Cẩm Vân nghĩ, có lẽ nhiều năm sau, thậm chí là hàng chục năm sau, khi nhớ lại đêm trăng gió mát say lòng này, cô có thể quên hết nội dung bộ phim, nhưng chắc chắn sẽ không quên ánh trăng rực rỡ, tiếng côn trùng, làn gió đêm nay và người con gái như nhành lan thơm ngát đang ngồi phía sau.

Cũng trong đêm ấy, cô lần đầu tiên nhìn thấy hình hài của tình yêu.

Ánh đèn nơi xa dần hiện ra, nhưng cô lại mong con đường về nhà, con đường cô đã đi qua hàng nghìn lần, đừng bao giờ kết thúc.

Không biết từ lúc nào, kỳ nghỉ đã dần đi đến hồi kết. Lâm Cẩm Vân tính nhẩm một chút, phát hiện chỉ còn một tuần nữa là phải quay về trường. Vì thế, trong những ngày còn lại, cô chỉ muốn dành trọn thời gian bên cạnh Tưởng Lan.

Nhưng điều này nói dễ hơn làm. Lâm Vĩ Khang vẫn lạnh nhạt với Tưởng Lan, nhưng lại rất thích bám lấy em gái mình, điều đó khiến thời gian hai người ở riêng bị rút ngắn đáng kể. Thêm vào đó, Tưởng Lan cách ngày lại ra ngoài mua đồ, có khi sáng sớm, có khi chiều muộn. Cô ấy kiên quyết không chịu đi xe đạp, cũng không muốn Lâm Cẩm Vân đi cùng, bởi vậy không ít thời gian rảnh rỗi cứ thế bị lãng phí.

Trừ đi thời gian ăn ngủ, Lâm Cẩm Vân nhận ra chỉ còn khung thời gian sau khi rửa mặt buổi tối đến trước khi ngủ là có thể ở một mình cùng Tưởng Lan.

Cô bỗng trách bản thân sao lại tầm thường đến vậy, không biết chơi đàn, thổi sáo, cũng không kể được chuyện cười hay diễn hài, không thể mang lại chút niềm vui nào cho tâm hồn vốn đã u uất của Tưởng Lan.

Tối hôm đó, cô nhìn chằm chằm vào kệ sách đối diện giường, suy nghĩ hồi lâu. Đang định từ bỏ thì trong đầu chợt lóe lên một ý tưởng.

Vì vậy, khi Tưởng Lan quay về phòng, Lâm Cẩm Vân liền tắt máy cassette, hỏi Tưởng Lan có muốn nghe mình đọc văn không.

Tưởng Lan bỏ học từ hồi chưa học xong lớp 8, tính ra đã hơn chục năm chưa từng nghe ai đọc bài khoá. Cô ấy nghĩ bình thường toàn nghe cassette, cũng chưa từng nghe người ta đọc văn, chưa nghe không có nghĩa là không tò mò. Hơn nữa, nghĩ chắc Lâm Cẩm Vân đang "lên cơn" làm cô giáo, cũng vui vẻ chiều ý cô.

Lâm Cẩm Vân phấn khích mang sách giáo khoa ra, tìm một đoạn thích hợp, rồi đọc với chất giọng phổ thông rõ ràng:

"'Từ vườn Bách Thảo đến nhà sách Tam Vị', Lỗ Tấn. Phía sau nhà tôi có một vườn cỏ rất lớn..."

Âm điệu trầm bổng, tiếng đọc vang dội.

Giọng đọc của Lâm Cẩm Vân không chỉ có cảm xúc mà còn lên xuống nhịp nhàng, khi thì nhẹ nhàng như thì thầm, khi lại vang như chuông đồng, rất dễ khiến người nghe đồng cảm, dắt họ đi vào thế giới bài văn, cảm nhận và suy ngẫm theo từng câu chữ.

Một bài văn tưởng như đơn điệu, nhưng nghe lại vô cùng thú vị.

Tưởng Lan thích vô cùng, chưa chờ Lâm Cẩm Vân hỏi cảm nhận đã nắm tay cô xin đọc thêm một bài nữa.

Thấy Tưởng Lan thích, dù đã khô miệng, Lâm Cẩm Vân vẫn không ngại ngần đọc thêm bài nữa.

Sáng kiến bất ngờ này khiến cả người đọc lẫn người nghe đều cảm thấy thỏa mãn và vui vẻ. Từ đó, mỗi tối trước khi ngủ, hai người lại có một thói quen mới: một người đọc văn, một người nghe.

Để khiến Tưởng Lan ngày càng say mê, Lâm Cẩm Vân mỗi tối đều thay đổi thể loại: khi thì tản văn, khi thì tiểu thuyết, truyện ngụ ngôn, thậm chí có lúc là thơ cổ.

Quả nhiên, Tưởng Lan ngày càng thích, nghe càng lúc càng say, đôi khi còn đặt câu hỏi hoặc cảm nhận sau mỗi lần nghe.

Đến đêm thứ năm, hoạt động này đã trở thành một kiểu học tập thư giãn.

Cả người đọc lẫn người nghe đều thu được lợi ích riêng, cảm nhận được rất nhiều điều.

Tác giả có lời muốn nói:

<< Đặc khu người làm công >> là một bộ phim có thật, trong đó có vai tên là Triệu Xuân Hoa, nếu tò mò có thể tìm kiếm tên diễn viên một chút, sẽ có kinh hỉ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com