TruyenHHH.com

Ao Dai Ha Bac

Lê Hiên nghi ngờ Thụy Kha nhưng vẫn không nói ra cho ai biết, ngoài mặt vẫn cười nói bình thường với người kia. Chỉ có điều nó diễn chưa giỏi, Thụy Kha nhìn vào cũng biết tình cảm anh em của hai người đã có thứ gì chen ngang, nói chuyện với nhau đã muốn ngập ngừng. Vẫn đi với nhau, chải đầu cho nhau, giặt đồ chung với nhau, ăn cơm chung bàn với nhau, thi thoảng lại rủ nhau đi dạo hồ hay đàn hát, nhưng không còn ai dám nói ra hết ruột gan lòng mình. Phần Thụy Kha bắt đầu được ông hoàng để ý, thời gian với đứa em kia cũng phải bớt dần. Lại nói người trong cung Bạch Liên nay cũng đã biết xu nịnh “anh Kha”, họ không dễ để Lê Hiên độc chiếm Thụy Kha như trước. Đến ngay cả Trịnh Đức cũng không còn dám xỏ xiên câu nào, ngậm bồ hòn làm ngọt mà bỏ đi.

Họ Trịnh chịu lùi lại một bước khi thấy bà hoàng và Thụy Kha đã làm cho nhà họ Phạm khốn đốn thế nào. Dương Quỳnh dùng họ Trịnh diệt họ Phạm, nhưng chưa chắc cô ta đã buông tha cái thai trong bụng Trịnh Khang. Dạ nhân mang thai tròn trèm một năm, lâu hơn phụ nữ đến mấy tháng lại dễ bị sẩy thai gấp mấy lần; trong khoảng thời gian đó, Dương Quỳnh hoàn toàn có thể cho người hạ độc, thai mất đi cũng là chuyện không hiếm, khó mà đổ lên đầu cô ta được. Nghĩ thế nên Trịnh Đức xin ông hoàng cho vào cung An Bình chăm sóc Trịnh Khang, không giây nào rời mắt khỏi đứa em mình.

Dương Quỳnh nghe tin cũng không ngăn cản. Đúng lệ thì người trong hậu cung đều phải thông qua bà hoàng mới được lên thưa với ông hoàng, nay Trịnh Đức bạo gan phá lệ, cô ta hoàn toàn có thể dùng lý mà vạch tội. Vậy nhưngcô ta lại chuẩn lời cho Trịnh Đức vào ở chung với em mình, vốn cũng vì họ Trịnh đã tính sai đầu óc người này. Dương Quỳnh chẳng dại gì hại Trịnh Khang khi mà tai nạn lúc thi đàn còn chưa sáng tỏ. Cô ta cũng thừa biết hai cậu nhà họ Trịnh không ai biết bày mưu tính kế gì. Trịnh Đức chỉ lớn mồm với kẻ dưới, bẻm mép với người trên, còn Trịnh Khang hiền lành đến khờ khạo, nghe vâng bảo dạ, suy cho cùng chỉ là hai cậu trẻ may mắn được ông hoàng thương yêu trong giây lát.So với cái thai kia, bà hoàng thích thú với đống cỏ dại họ Phạm nhổ chưa hết rễ hơn.

Các quan điều tra Văn Duy chỉ càng thấy đúng như lời bà hoàng nói, bèn thưa lên với ông hoàng là cậu ta có tội. Dương Quỳnh lại lý luận rằng Văn Duy pha độc vào nước từ trước, dâng lên không biết tách trà nào có độc, có thể hại đến cả bà hoàng và nhất là  ông hoàng, tội lại càng lớn. Động đến ông hoàng, theo luật xưa là cả nhà phải chết, nhưng Trung Chính vốn đã bãi bỏ hủ tục này, lại nể tình cậu tần khi xưa mà chỉ hạ lệnh ban thuốc độc, lệnh một tuần nữa sẽ thi hành bản án. Văn Nam vẫn chưa bị định tội, chỉ bị giam lỏng trong cung cấm. Dĩ nhiên, đã làm lớn chuyện thì phải làm cho trót, việc nhà họ Phạm không phải như vậy là xong.

Một buổi trưa nọ, Lê Hiên đang đi dạo một mình thì có tên hầu đi ngang qua làm rớt một phong bì. Nó nhặt lên, định đuổi theo trả lại thì thấy bóng người kia đã ở tít đằng xa. Tên hầu kia tuy bước nhanh nhưng đôi khi vẫn cố tình đi chậm lại để nó theo kịp. Lê Hiên hiểu là hắn có chuyện bí mật muốn nói với mình, liền bước theo hắn ra sau một bụi tre.

Chắc mẩm chung quanh không có ai, tên hầu mới nói.

–        Tôi là người hầu đưa cơm cho cậu Văn Duy trong ngục. Ngày trước cậu Duy tốt với tôi, sai làm gì cũng đều thưởng tôi rất hậu, nay cậu ấy nhờ tôi ra gặp cậu, tôi đành liều một phen.

Vốn không ngờ Văn Duy lại để ý tới mình mà muốn kéo mình vào cuộc, Lê Hiên từ thắc mắc đã thành lo sợ, mắt nhìn tên hầu kia đã có chút đề phòng. Nhìn ra mắt người kia sắc nhọn như dao cau, tên hầu liền cuống quýt giải thích.

–        Cậu đừng lo, cậu Duy bây giờ không còn làm gì được nữa, sẽ không hại cậu đâu. Cậu ấy chỉ biết cậu thân thiết với cậu Thụy Kha mà muốn nhờ một chuyện.

–        Nhờ tôi xin chạy tội giúp? – Lê Hiên liếc mắt.

–        Không ạ. Cậu Duy giờ không chạy nổi tội chết.

Tên hầu kia nói đến đây, vì tình nghĩa xưa cũ đã muốn sụt sùi. Có mấy tình cảm trong cung là thật lòng thật dạ; có người hại nhau cũng sẽ có người đối xử tốt với nhau. Lê Hiên nghĩ thấy mình vì đa nghi mà giọng điệu có phần thái quá, thấy tội nghiệp người kia nên gật đầu cho hắn nói tiếp.

–        Cậu cũng biết cậu Nam anh cậu Duy đang bị giam ở trong cung cấm, tánh mạng cũng khó bảo toàn. Cậu Duy giờ chỉ biết nhờ cậu nói hộ với cậu Kha mấy lời, mong cậu ấy và bà hoàng bỏ qua cho cậu Nam. – Tên hầu ngừng lại một lúc rồi tiếp lời – Cậu Nam không làm chuyện gì xấu, còn cậu Duy làm ra mấy chuyện hại người cũng chỉ để trèo cao mà rạng danh nhà họ Phạm. Ông Phạm là quan bậc thấp, nhiều năm bị hắt hủi trong cung, có con làm tần mới được nở mày nở mặt. Nay con mình phạm tội, cả nhà tuy thoát chết nhưng bị đuổi khỏi Nam Thành, hoàn cảnh khó khăn rất nhiều. Họ chỉ còn dám mong cậu Nam được sống.

Tên hầu nói xong thì nhìn thấy từ xa có bóng người, vội cúi chào Lê Hiên rồi chạy nhanh đi.

Lê Hiên bước ra khỏi bụi tre, chân bước đi dưới trưa trời nắng gắt mà lòng dạ cũng nóng ran. Hơn ai hết, nó hiểu cảm giác cậu dạ nhân nhà quan muốn vươn lên trong hậu cung để củng cố địa vị gia tộc là thế nào. Văn Duy khác nó, nghĩ muốn vươn lên sẽ tìm mọi cách làm cho bằng được, bất kể có phải đạp lên lưng người khác mà đi. Đấy là một định nghĩa của sự cố gắng, còn tâm có sạch hay không, trời đất cũng chẳng ai chứng giám cho mà thưởng phạt công tâm. Dẫu là thế nào, người con trai kia cũng đã có câu trả lời cho riêng mình, không như nó cẩn trọng đong đếm lợi hại nhiều người mà hoài không làm ra nổi chuyện gì. Đấy là chưa kể, anh ta phải đeo một cái gông còn nặng hơn của mình là người anh sinh đôi lanh mồm mà không lanh trí. Tình cảm anh em ruột thịt nặng trịch trong lòng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, anh ta vì anh mình mà hại người khác cũng là chuyện dễ hiểu.

Từ ngày vào cung, Lê Hiên thấy tâm mình càng lúc càng rối bời. Mắt thấy tai nghe mấy chuyện không hay của nhiều người, nó cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần mình đứng ngoài thì sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy đó. Không phải nó muốn làm người thiện lương cả đời, chỉ là nó sợ. Hại người thật ra cần nhiều bản lĩnh mà nó thì lại không có đủ. Nếu không đủ bản lĩnh mà thất bại thì kết cục chả khác nào Văn Duy, tổn hại đến bản thân và cả cha mẹ mình. Không giỏi hại người thì đứng ngoài mà ngóng vào, tuy là biện pháp nhất thời nhưng cũng còn hơn đưa chân vào mặt nước mà chìm xuống tận đáy sâu.

Vậy nhưng, đứng từ trên bờ trông xuống mặt nước, nhìn thấy một người có hoàn cảnh giống mình đang chìm dần xuống thì cũng nóng ruột nóng gan. Họ Phạm tuy không có ơn nghĩa gì với Lê Hiên, nhưng nó nghe tiếng kêu cứu tuyệt vọng này cũng khó mà làm lơ được. Nó sợ nếu mình quay đi lần này, về sau có kêu cứu cũng chẳng ai nghe cho. Luật nhân quả rành rành ngoài kia cũng ít khi sai đi mấy phần. Dẫu sao, nó chỉ cần nói vào mấy lời với Thụy Kha, ngẫm ra cũng không thấy thiệt hại gì. Chỉ cần nó nói tránh đi mối nghi ngờ của mình với Thụy Kha, anh ta sẽ nghĩ mình chỉ đơn thuần là đứa trẻ ngây ngô muốn làm việc tốt.

Này cũng không thể nói là nó vì Văn Nam mà phản bội người anh kia, bởi nếu đặt Thụy Kha và hai anh em họ Phạm lên bàn cân, kết quả nghiêng về ai rất rõ ràng. Lê Hiên chỉ đơn giản là không muốn thấy ai bị đuổi cùng giết tận, phần nữa vì hệ quả của việc làm này, nó nhìn không ra. Thói quen đong đếm lợi hại không phải lúc nào cũng có, cậu nhỏ này lại không lường trước được, một cái lỡ lúc này có thể dẫn đến bao nhiêu phiền phức, buồn bực về sau. Lê Hiên của hiện tại, bụng dạ rối bời sau bao chuyện trong cung, nay chỉ muốn mình suy nghĩ đơn thuần lại mà làm nốt một việc tốt, coi như là bản thân ích kỷ giúp mình ngủ ngon một đêm.

Nghĩ là làm, lúc Lê Hiên về lại cung Bạch Liên đã bước sang nhà Thụy Kha tìm người. Cách cửa mấy bước chân đã nghe tiếng người cười nói xôn xao. Bên trong là ba cậu thanh nam đang ăn mứt với “anh Kha” của họ, nói cười xởi lởi vang cả căn nhà.

Thụy Kha từ lâu đã nhìn ra mục đích của đám trẻ này, được chúng bám theo nói ngon ngọt chỉ thấy phiền chứ không vui. Dẫu tình cảm anh em đang nhạt dần đi với Lê Hiên thì khoảng thời gian bên cạnh đứa em kia vẫn là thoải mái, an lòng nhất. Nhìn thấy Lê Hiên bước vào, Thụy Kha cười mỉm rồi vẫy tay mời vào.

–        Suýt nữa tôi quên, tôi có hẹn với em Hiên. Các em hôm khác lại đến hàn huyên nhé.

Nhận ra mình là vị cứu tinh bất đắc dĩ, Lê Hiên nhếch môi cười nhẹ. Thụy Kha nhìn ba cậu trai kia bĩu môi bỏ đi, lại nhìn qua nụ cười của Lê Hiên, trong lòng giãn ra một chút.

–        Bọn họ nói nhiều quá – Thụy Kha uống vào ngụm trà, nhăn mặt nói lên.

–        Em cứu anh một bàn, nhưng anh nói chúng ta có hẹn mà phải không?

–        Tinh tướng – Thụy Kha vỗ nhẹ lên má Lê Hiên rồi đứng dậy – Mình đi.

Lê Hiên cố tình dắt Thụy Kha ra một góc khuất vắng người ở khu vườn sau cung Bạch Liên. Hai người bước ra ngồi ở một chiếc ghế đá cũ mòn, một khoảng lâu trôi qua vẫn chưa nói gì với nhau. Lê Hiên nhận thấy không khí có phần khác thường, nhìn qua Thụy Kha thì thấy anh ta cũng đang nhìn mình chăm chăm.

–        Nói đi, tôi biết em có chuyện muốn nói – Thụy Kha đưa tay vuốt tóc Lê Hiên.

Lê Hiên nén lại tiếng thở sắp thoát ra, nghiêng mặt chỗ khác mà cất lời.

–        Dạo gần đây, chúng ta bên nhau ít đi.

Thụy Kha gật nhẹ đầu, dừng tay nghịch tóc Lê Hiên lại.

–        Em muốn hỏi anh một chuyện.

Nhận thấy Thụy Kha vẫn nhìn mình chăm chú mà không mở miệng lấy câu nào, Lê Hiên cố gắng nhìn thẳng vào mắt anh ta mà nói, hoàn toàn không nhận ra bản thân mình ấp úng như gà mắc tóc.

–        Chuyện Duy tần…?

–        Phải.

Nói chưa hết câu, Lê Hiên đã nghe bên tai tiếng khẳng định lạnh lùng. Nghi thì cũng đã nghi lâu rồi, nhưng nay xác nhận cũng không dễ dàng gì. Lê Hiên định tránh mặt đi lần nữa, Thụy Kha đã bắt cằm nó xoay lại đối diện mình. Biết chắc xung quanh không có ai, Thụy Kha nhỏ giọng nói.

–        Là tôi lập mưu hại anh ta. Nhưng em phải biết, đấy là do anh ta muốn hại tôi trước. Đấy có phải là lý do gần đây em nói chuyện ngập ngừng với tôi?

Chuyện Văn Duy muốn hại người không phải là chuyện mới, Lê Hiên nghe xong chỉ hạ mắt xuống một chút.

–        Phải.

Thụy Kha khựng lại vài giây rồi bỏ tay ra khỏi cằm nó, quay mặt đi nhìn một chiếc lá đang lìa cành, chao mình về với đất.

–        Em khiếp sợ con người xấu xa như tôi chứ gì?

–        Anh muốn nghĩ sao cũng được.

Thụy Kha thở dài một hơi lại quay sang nhìn nó.

–        Em định tố cáo tôi?

Lê Hiên nghĩ một chút, sau đấy nói lên tiếng “không” chắc nịch.

–        Em chỉ nhìn thấy anh lẻn ra ngoài buổi tối trước hôm thi đàn và một lần anh cười khi được ông hoàng gọi vào. Không đủ bằng chứng, anh lại được ông hoàng bà hoàng yêu thương, em có nói ra cũng chẳng ai tin là thật. Vả lại, em chỉ mới suy ra chuyện anh và Duy tần có liên hệ chứ không hề biết cụ thể mọi việc bên trong.

Thụy Kha nhận ra nãy giờ mình trở nên đa nghi quá mức, tự nhiên dịu giọng lại với đứa em.

–        Vậy hôm nay em muốn gặp tôi làm gì?

Liếm vành môi một lượt, Lê Hiên mới đáp.

–        Anh hại Duy tần đã đủ, có thể nào tha cho Nam tần được không?

–        Em muốn làm người nghĩa hiệp chống đối tà ác sao? – Thụy Kha nhếch môi.

Vốn không thích kiểu nói giễu, Lê Hiên dằn xuống một hơi bực rồi quay sang.

–        Em không đủ tài. Chỉ là…bọn họ như vậy đã quá thê thảm rồi.

–        Chưa đủ. – Thụy Kha quay phắt sang – Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Em đừng tưởng đời này mình không đụng tới ai thì sẽ không ai chạm tới mình, huống chi tôi đã hại em anh ta vào chỗ chết.

Nhận ra ánh mắt lóe lên mấy tia thâm độc của người anh thân thiện hôm nào, Lê Hiên chớp mắt sửng sốt. Thụy Kha trong lòng cũng buồn bực không kém, chịu không nổi đành đứng dậy trước.

–        Nam tần có thể trả thù tôi, tự tôi phải biết bảo vệ mình trước. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, tôi sẽ không để ai chạm đến mình. Nếu em cảm thấy tôi tàn độc nhẫn tâm không như em mong muốn thì chúng ta cũng không cần ở bên nhau mà phiền lòng nhau nữa. Tôi chỉ tìm được chút an ổn khi ở bên cạnh em, đến bây giờ em cũng nghi ngờ, ghét bỏ tôi. Tôi không cần ai chất vấn, tra hỏi, ngờ vực chuyện tôi làm.

Nắng trưa soi xuống đã bức ngạt xoang mũi, Thụy Kha thở ra một hơi lại hít vào một hơi, cất giọng run run.

–        Tôi làm mọi chuyện đều có lý do. Tôi không nói được với em vì bây giờ vẫn chưa phải lúc. Em có hiểu lúc nào tôi cũng cảm thấy cô đơn và không an toàn hay không? – Thụy Kha hơi nghiêng đầu về phía sau – Bạn thân trong cung, tôi chỉ có em. Tôi biết em nghi tôi sau hôm thi đàn, nhưng tại sao em không thể im lặng? Tại sao em không thể cho tôi bình tâm lại sau bao nhiêu thời gian tôi phải đa sự đa đoan? Tại sao em muốn làm người tốt mà lên mặt dạy đời tôi trong lúc này?

Nói ra một loạt câu hỏi cuối cùng, Thụy Kha đã quay mặt lại đối với Lê Hiên, hai tay nắm hai bả vai nó thật chặt. Nhìn vào đôi mắt hung dữ của Thụy Kha, lại nghe bên tai mấy lời mình không muốn nghe nhất, Lê Hiên đứng bật dậy, hất hai tay người kia đang đặt trên vai mình ra, không để ý đến bản thân đang đẩy cuộc nói chuyện đi theo một hướng tiêu cực hơn rất nhiều.

–        Anh đừng ích kỷ! Anh muốn em làm nơi anh trút tâm sự buồn bực sau mấy ngày đêm toan tính, em có thể làm tốt lắm. Vậy nhưng anh không nói ra hết lòng mình, mặt khác lại đòi hỏi em ngoan ngoãn im lặng mà ngó lơ mấy chuyện anh làm sao?

Sóng có lên cao rồi cũng ập xuống một lần, Lê Hiên dừng lại vài giây, đoạn quay đi, hai tay nắm lấy gáy mình mà nhắm mắt lại, nói tiếp thật chậm và ngắt quãng.

–        Muốn làm người tốt à? Đúng, em muốn làm người tốt lắm, em muốn đi ngủ thấy lòng an tĩnh lắm, em tin rằng tâm sạch thì sẽ thấy nhiều điều hay và đẹp lắm. Vậy mà em lại trằn trọc mấy đêm nay vì không biết thế nào là tốt, thế nào là xấu. Em chỉ muốn anh không đuổi cùng giết tận nhà người ta, chỉ vì vậy mà trở thành kẻ lên mặt dạy đời người khác, không làm tròn bổn phận mình là im lặng chia sẻ lòng anh. Anh nói xem, em làm thế nào mới là tốt?

Hai người quay mặt lại nhìn nhau trong vài giây, đều không nói gì mà lại tránh mặt đi chỗ khác. Khoảng thời gian vừa qua, ở bên nhau là thật lòng, nhưng bụng dạ nhau thế nào cũng chưa hẳn đã kể nhau nghe hết. Một lúc tức nước vỡ bờ, nhìn lại mới thấy cả hai đã giấu diếm, che đậy lòng mình thế nào. Ở bên nhau cảm thấy tốt, có khi không cần lời nào cũng là thật tâm. Sự thật mất lòng lại đắng như chén thuốc đen ngầu trị bệnh; nó trị bệnh nào chứ không chữa nổi lòng người đau buồn. Ai cũng có nỗi buồn riêng mình, ai cũng cần phải nói ra, chỉ là tiếng lòng nói ra không dễ nghe nên hiếm ai tìm thấy tiếng đồng vọng.

Tiếng lòng vang ra không vọng lại được, Thụy Kha cất một tiếng cười nhạt, vô tình phá vỡ sự im lặng khô khốc nãy giờ.

–        Tôi không biết cũng chẳng muốn biết thế nào mới là tốt. Tôi chỉ biết, chúng ta thực chất không hợp nhau, từ nay về sau đường ai nấy đi mới là giải thoát cho nhau.

Tình cảm rơi xuống đất, Lê Hiên với tay ra đỡ không kịp. Nó bất giác nắm tay Thụy Kha trước khi người nọ định rời đi thật.

–        Em hỏi anh câu cuối. Anh có bao giờ…nghĩ muốn hại em không?

Thụy Kha cười khẩy, giằng tay ra khỏi tay Lê Hiên.

–        Bây giờ thì không. Sau này, tôi không chắc.

Nhìn bóng Thụy Kha rời đi, Lê Hiên thấy tim mình hẫng đi một nhịp. Vốn nó chỉ định có mấy lời về Văn Nam, ai dè bản thân ngu ngốc lại lái câu chuyện đi sang hướng khác. Câu hỏi không đáng nhất chính là câu cuối, buột miệng nói ra xong hối hận đã không kịp.

Tình cảm với Thụy Kha, nó rất quý. Là con một trong nhà lại bị xa lánh ở trường học, đây là lần đầu tiên nó biết được tình cảm anh em đồng bạn quý giá đến thế nào. Ở đời không dễ kiếm được tai ai nghe chuyện mình, cũng lại càng hiếm hoi bờ vai cho mình nương dựa. Dẫu không hết lòng hết dạ, Thụy Kha cũng đã cho nó cả hai, nó nói thương anh ta chính là lời thật tâm. Dù nghi ngờ anh ta thế nào, khi nhìn thấy đám thanh nam kia vây quanh Thụy Kha một tiếng “anh” hai tiếng “anh”, nó vẫn cảm thấy ganh tị. Chân thật nhất chính là lòng ganh tị.

Nó vốn giữ bí mật chuyện mình biết Thụy Kha có hành tung đáng ngờ cũng vì muốn kéo dài thời gian hạnh phúc bên người anh này thêm một chút nữa. Lê Hiên biết nếu sự nghi ngờ của mình là đúng, sẽ có một lúc Thụy Kha vì trèo cao mà bỏ mình ở lại phía dưới. Thế nhưng, thà như anh ta lạnh lùng với mình dần dà còn hơn tình cảnh hiện tại khi mà trong lòng người kia đã bắt đầu sinh chán ghét. Chán ghét ở mức nào cũng ăn mòn lòng tin nơi con người, mà lòng tin lại là cái bệ nâng đỡ mọi mối quan hệ trên đời. Chỉ cần cái bệ ấy mất, tình cảm lâu nay sẽ sứt mẻ dần đi.

Kỷ niệm chớp tắt vụt qua trong đầu, Lê Hiên ngẩn ngơ bắt lại không kịp. Tay người không bắt nổi gió, bão lòng một trận quét qua cũng chỉ đành để không cho hiu quạnh, hoang tàn vậy thôi. Mất mát, hoảng sợ, lo âu, nuối tiếc, mỗi thứ chia nhau chiếm lấy một góc hoang tàn ấy mà ăn mòn niềm tin về tình bạn lần nữa xảy đến. Từ đáy lòng vớt lên là đục ngầu quá khứ, chính là lúc mới vào cung gặp người anh xinh đẹp nói cười, là lúc đan tay vào mái tóc đen chỉ dài quá vai, là bàn tay đặt đầu mình lên bờ vai êm ái, là mỗi lần trò chuyện đều thấy thoải mái vô cùng. Là nước, có vớt lên cũng đành trôi qua kẽ tay mà rơi xuống lại vào lòng.

Lê Hiên chống hai tay đứng dậy, đôi chân một nửa lại muốn bước đến nhà Thụy Kha xin lỗi. Thế nhưng, tâm nó biết rõ cật lực xin lỗi chỉ vớt vát được một chút trong hiện tại, trông về đường dài cũng sẽ không vững bền được bao lâu. Điểm yếu trọng của một sự đổ vỡ chính là thói nghi kỵ, mà ắt hẳn Thụy Kha từ giờ trở đi có làm gì cũng bắt đầu trông chừng nó rồi. Đôi mắt nhìn nhau đã khác, lời từ ruột gan từ lâu đã không còn nói với nhau, tình cảm vừa chớm nở đã vội nương gió bay lên trời.

Buồn chuyện Thụy Kha, nhưng Lê Hiên vẫn nhớ chuyện mà Văn Duy nhờ mình. Mình giúp chẳng được vẫn là nên báo người ta một tiếng, nói một lần cuối rồi sau này sẽ hoàn toàn không can dự vào việc gì nữa. Nếu về sau, Thụy Kha có bức hại Văn Nam thì cũng là chuyện nằm ngoài tầm tay nó. Một là chính việc Văn Nam đã gián tiếp dẫn đến sự đổ vỡ với Thụy Kha, hai là bản thân Lê Hiên trong hiện tại đã không muốn chen vào chuyện gì mà đối đầu với Thụy Kha nữa. Không còn là bạn đã đủ đau lòng, nếu trở thành kẻ thù đối mặt nhau thì lại càng thương tâm hơn. Dẫu Văn Duy có cùng hoàn cảnh với mình thì nó cũng khó lòng giang tay ôm giúp phận ai khi thân mình còn chưa đủ ấm. Tâm trí nó giờ đã đủ loạn, không cần vì chuyện người khác mà tự rước vạ vào thân. Nghĩ vậy nên trước khi trời ngả chiều tối, Lê Hiên ra ngoài đi tìm người hầu mình gặp trưa nay để nói lại mấy lời cuối cùng.

Nhớ lại chuyện hắn nói mình là người đưa cơm cho Văn Duy, mà cậu tần khi xưa giờ đã thành kẻ chờ chết trong ngục, Lê Hiên nghĩ ngay đến bộ Hình. Vậy nhưng, thanh nam không được tự ý rời khỏi hậu cung mà không có lệnh của người lớn hoặc lý do chính đáng, Lê Hiên cũng đành bó tay. Giữa lúc nó đi loanh quanh trong nhà nghĩ cách thì vô tình thấy cây nhị líu cha đưa cho mình hôm trước, trong đầu chợt nghĩ ra một ý. Mang cây đàn ra đến chỗ người lính canh, Lê Hiên thưa rằng mình muốn trả lại đàn mượn ở bộ Lễ hôm trước, vậy là được rời khỏi hậu cung. Chỉ cần ra khỏi phạm vi hậu cung thì cũng chẳng còn ai giám sát đường đi nước bước nữa. Lúc này, muốn đến bộ Lễ hay bộ Hình cũng là tùy ý.

Đã viện cớ thì phải làm cho giống thật, nghĩ vậy nên Lê Hiên qua bộ Lễ trước để trao lại cây đàn nhị cho cha, bảo rằng khi nào cần thì nó sẽ lại sang mượn. Ông Lê Minh thắc mắc thì nó bảo đàn để trong nhà không tiện, có nhiều người sang mượn mà làm hỏng rất nhanh, để ở bộ Lễ bảo dưỡng sẽ tốt hơn, về sau cũng có cớ cho cha con gặp nhau ôn chuyện. Nói xong, Lê Hiên vội chào cha rồi rời đi để sang bộ Hình, vốn là việc chính khiến nó rời hậu cung. Nó phải đi nhanh vì thanh nam có giờ giới nghiêm là trước bữa tối, nếu về muộn thì sẽ bị người lớn phạt.

Phủ bộ Hình to lớn, gạch đá xám ngắt âm u, mà người bộ Hình vốn cũng không mấy thân thiện, đa nghi có thừa. Họ càng không trọng người trong hậu cung, đặc biệt là các cậu thanh nam bé mọn, nghe Lê Hiên hỏi thăm về tên hầu cũng không nhiệt tình đáp trả, giọng điệu lại có phần như muốn đuổi đi. Giữa lúc cậu trai nản chí định quay về thật thì từ xa có tiếng đàn ông lớn tuổi sang sảng vọng lại, chính là người túc trực trước cổng bộ Hình để báo hiệu khi có người lớn đến thăm.

–        Kính chào Việt phi.

Lê Hiên quay lại thì thấy một người đàn ông độ ngoài ba mươi nhưng mặt mày còn khả ái, dáng người dong dỏng, có da có thịt, mặc áo dài gấm đỏ, trông vào đẹp không kém Thụy Kha, thậm chí độ sắc nét còn hơn hẳn. Đặc biệt đôi mắt sáng và sâu như muốn thâu hết tâm tình người đối diện nổi bật dưới cặp mày lá liễu vốn khó tìm ở đàn ông. Nét đẹp mặn mòi này là ở người đàn ông trưởng thành mà các cậu trẻ không có được, chính là nét nảy nở hài hòa của trai đã có con, cũng chính là lý do người này được gọi là phi vậy.

Từng đi chào hỏi hết mấy phi tần, Lê Hiên vẫn còn nhớ lần gặp mặt Bùi Việt, cũng nhớ rằng Trịnh Đức từng kể với mình mấy lời về người này. Xét trong hiện tại, đây chính là người có thâm niên ở hậu cung lâu nhất. Lúc Dương Quỳnh vào cung, Bùi Việt đã mang thai đứa con đầu lòng được mấy tháng, nghiễm nhiên cũng đã được phong phi. Bao năm trôi qua, ông ta vẫn an phận làm phi chính là có nguyên do.

Khởi thủy rằng bà hoàng ban đầu của Trung Chính sau khi sinh con là hoàng nam Nguyễn Cảnh xong thì qua đời lúc mới mười bảy tuổi. Vợ trẻ qua đời, ông hoàng phiền muộn không ít, qua lại với người này người kia rồi cũng thôi, ngôi hậu vẫn thế mà để trống. Bốn năm sau, phương Nam bất ngờ nổi lên một cậu kép hát cải lương vừa trăng tròn lại đẹp nức tiếng tên là Bùi Việt; các quan nghe danh liền tiến cử lấy công với ông hoàng. May mắn cho họ, Bùi Việt nhanh chóng được ông hoàng yêu thương, nhưng cậu ta chỉ là dân gánh hát, xét về danh phận còn thấp, lại thêm mãi mà vẫn không có được mụn con với ông hoàng nên vẫn không thể thế vào ngôi hậu. Tận đến ba năm sau, khi cậu ta mang thai đứa con đầu tiên rồi được phong phi, lại thêm ông hoàng say mê cậu Phan Nguyên ngoài Hà Bắc thì nhà họ Dương mới lo sợ mà tiến cử Dương Quỳnh vào cung. Là con gái thừa tướng quá cố nhiều đời có công với đất nước, danh thế hơn hẳn hai người con trai kia, Dương Quỳnh mới mười tám tuổi đã trở thành bà hoàng thống lĩnh hậu cung. Bùi Việt cũng chỉ an phận mà chăm sóc con chứ không tranh giành quyền chức gì. Vài năm sau khi Phan Nguyên mất, ông hoàng có trở lại với Việt phi một thời gian, nhưng ông ta cũng chỉ sinh thêm cho ông hoàng một đứa con gái. Hai đứa con, một dạ nhân một gái, không phải chuyện tốt lành gì, quyền lực cũng chẳng bành trướng được bao nhiêu. Ông ta dường như cũng chẳng màng, lại lần nữa vì con mà lánh chuyện hậu cung một thời gian. Năm tháng trôi qua, ván ông ta vững nhưng chẳng ai muốn lay làm gì; ông phi này vì con chứ không thèm quản chuyện thiên hạ, hạn chế tiếp xúc với mọi người thì cũng chẳng ai động tới được ông ta.

Lần gặp mặt ngắn ngủi ở cung Thuận Thiên, Bùi Việt chỉ liếc sơ qua hai người mới vào, hỏi han mấy câu cho có lệ rồi phất tay bảo mình mệt cần nằm nghỉ để đuổi khéo khách đi. Lê Hiên chỉ có ấn tượng với vẻ đẹp phương Nam còn in rõ trên gương mặt người nam phi quá tuổi này chứ không nhớ gì khác, nay gặp lại ông ta ở bộ Hình cũng có chút bất ngờ. Vốn dĩ người trong hậu cung chẳng ai sang bộ Hình làm gì. Lê Hiên sang đây hỏi thăm một tên hầu đã là chuyện lạ, đến Việt phi cũng tới thì càng làm người bộ Hình nghi hoặc thêm. Có nghi thì vẫn phải giữ lễ, họ dám khinh ai chứ không dám khinh một người bậc phi lại ở trong cung lâu năm.

–        Thưa, Việt phi hôm nay sang thăm là có chuyện gì ạ? – một ông quan áo đỏ từ trong bước ra, mặt đanh lại nhưng giọng điệu vẫn ôn hòa.

Bùi Việt cất giọng thanh thanh đáp lại, nghe thế nào vẫn như tiếng nói trai vừa đôi mươi.

–        Ta đến thăm Phạm Văn Duy.

–        Không được ạ. Nó giờ là tử tù, không ai được gặp.

Chớp mắt một cái, Bùi Việt lại lên tiếng.

–        Ông hiểu cho. Lúc mới vào cung, hai anh em nó thường đến chỗ ta chơi; ta cũng thương hai đứa nó nhiều. Về sau, tánh tình chúng nó đổi khác đi, qua lại chỗ ta cũng ít dần, nhưng ta vẫn trọng tình nghĩa với chúng nó một thời. Nay Văn Duy sắp chịu tội chết, ta muốn vào thăm nó lần cuối cùng. Nghĩa tử là nghĩa tận, lý lẽ này chắc ông cũng hiểu cho ta?

–        Ông phi hiểu cho – ông quan chắp tay – chúng tôi chỉ làm theo lệnh bề trên là ông hoàng và bà hoàng. Phạm Văn Duy phạm tội lập mưu ám sát người lớn, ai vào thăm cũng đành khiến chúng tôi nghi ngờ mà điều tra.

Mọi sự tập trung chung quanh đã dồn về phía Bùi Việt, Lê Hiên cũng chưa định rời đi. Nó muốn ở lại xem ông phi này đối nhân xử thế ra sao. Việt phi kia nghe ông quan nói xong cũng chẳng có chút lo sợ mà rời đi, ngược lại còn tiến tới gần ông ta mà nói.

–        Vậy thì cứ điều tra. Nếu ta là đồng phạm hay chủ mưu giật dây sau lưng, tự ta sẽ vào ngồi trong ngục, không chờ ai mời. Việc hôm nay, các ông cứ việc báo lên ông hoàng.

Bị ánh mắt bình tĩnh của ông phi soi thẳng vào, ông quan áo đỏ xoay mặt đi, bóp trán nhẩm tính một hồi rồi phất tay ra hiệu bọn lính canh nhường lối. Việt phi đã ở trong cung nhiều năm, tiểu sử tới giờ vẫn là tờ giấy trắng sạch, nghi ngờ quá mức mà thất lễ cũng chẳng hay ho gì.

–        Vậy tôi mời Việt phi vào thăm phạm nhân. Chỉ mong ông phi đừng nấn ná quá hai khắc.

–        Ta có tình nghĩa với nó nhưng không phải là người nhà hay nhân tình nhân ngãi của nó, cũng không cần nấn ná mà ủy mị khóc than đợi người vào lôi ra đâu.

Giọng điệu ông ta có phần ngạo đời, nhưng ai ở trong cung nhiều năm đều biết tâm người này tốt, chỉ là không để ai lấn lướt mình mà thôi. Lê Hiên nhìn ra bản lĩnh người này, cũng thầm thán phục. Nghĩ mình hết việc, định quay người rời đi, nó lại bị Bùi Việt nhìn thấy mà kêu lại.

–        Cậu đằng kia, đến đây có phải cũng để thăm Văn Duy không? Vào đây với ta.

–        Thưa ông phi, này là làm khó cho chúng tôi. Cậu thanh nam này…

Ông quan ban nãy cất tiếng, Lê Hiên vì thế mà cũng ấp úng, bước đi lừng khừng.

–        Sợ gì? Vậy điều tra luôn nó đi. – Bùi Việt thản nhiên nói – Kẻ trong kia sắp chết rồi, hậu cung không thêm loạn được đâu. – nói rồi quay sang Lê Hiên – Nhanh lên! Còn chần chừ thì tối trời không về lại được cung Bạch Liên đâu.

Thấy ông quan kia gật đầu, Lê Hiên đành bước qua cổng bộ Hình chung với Bùi Việt và một người hầu trai của ông ta, bất đắc dĩ phải vào thăm Văn Duy trong ngục. Ngẫm lại, nó thấy thế này cũng tốt, không cần phải thông qua tên hầu kia mà có thể trực tiếp nói với Văn Duy chuyện Văn Nam.

Trời gần chiều, nắng nhạt dần, hai dãy gạch đá xám xịt cao ngất hai bên càng rét người hơn nữa. Lê Hiên bước theo sau Bùi Việt, mặt lại cúi nhìn chân mình bước đi, chỉ thi thoảng mới nhìn lên tấm lưng ông ta, nghĩ ông ta cao hơn mình chỉ khoảng nửa cái đầu mà dáng đi đã uy nghiêm hơn hẳn.

Người lính dẫn đường phía trước dẫn qua mấy lối ngoằn ngoèo mới đến phòng giam của Văn Duy. Phòng giam cũng ốp đá, chừa một cửa sổ nhỏ trông ra ngoài, tạm thời nhìn vào chỉ thấy âm u buốt vào xương chứ không thấy bóng dáng người nào. Người lính canh bắc một cái ghế cho Bùi Việt, còn Lê Hiên và người hầu trai thì phải đứng. Ba người cách cửa sổ mấy thước, đủ thấy mặt và nghe tiếng nói từ trong phòng giam. Tiếng chuông leng keng một tiếng, lại có tiếng người lính ban nãy to giọng báo có người đến thăm, một bóng người mới vội lao đến nắm mấy song sắt phòng giam mà nhìn ra ngoài. Lúc này, Bùi Việt mới yêu cầu người lính kia rời đi; anh ta phân vân một hồi thì cũng làm theo thật.

Lê Hiên vừa nhìn thấy Văn Duy đã vội cúi mặt xuống, không giấu nổi mà thở ra một hơi. Cậu tần ngày nào còn ngồi ván cao cung Bạch Liên nay đã tả tơi còn hơn gã ăn mày đầu đường xó chợ. Tóc tai rối bù, mặt mày lem luốc lại có mấy vết thương, đặc biệt đôi bàn tay đã bị lóc hết móng tay, máu khô lại đặc quánh, đen đúa mấy đầu ngón tay, nhìn vào rất đáng sợ. Lê Hiên trút ra hơi thở dài xong, liếc nhìn qua Bùi Việt thì thấy người này tuy còn nhìn thẳng nhưng vẫn khẽ nhíu mày lại.

–        Anh Việt, em Hiên! – Văn Duy thều thào, giọng khản đặc vì kêu khóc sau mấy màn tra tấn dụng hình. – Hai người tới được, tôi mừng quá!

Bùi Việt đứng dậy, bước lại gần Văn Duy xem xét trong mấy giây rồi cất tiếng.

–        Đến là để tiễn em lần cuối.

Nghe chữ “lần cuối”, Văn Duy cũng nhớ lại phận mình đã được định đoạt rồi, đôi con mắt rũ xuống rất nhanh.

–        Em biết em không tránh nổi tội chết. Em không mong ai chạy tội giúp mình, bởi chính em biết chuyện đấy là không thể. Nhưng em vẫn bạo gan nhờ tên hầu đưa tin vì em còn một nguyện vọng cuối cùng. Đấy là cứu anh Nam.

Văn Duy ngẩng đầu nhìn Bùi Việt đầy chờ đợi, ông phi kia lại lắc đầu mà bước lại về ghế của mình.

–        Duy, trước kia hai đứa em đến chơi chỗ ta, ta rất quý. Sau này hai em có làm gì, đấy cũng là chuyện về sau, ta đều không quản, không biết. Vậy nên ta không trách hai em. Cái hậu cung này, nó dễ làm người ta mất đi nhân hình nhân dạng lắm. – Bùi Việt phóng mắt ra bó đuốc cháy ở góc hành lang. – Nói vậy là để em biết ta không phải không muốn giúp hai em, nhưng sức ta có hạn. Em nhờ ta nói giúp với bà hoàng buông tha anh của em, tự em đã biết kết quả thế nào rồi mới phải.

Văn Duy thất thần, gục đầu xuống, giây sau lại như nhớ ra chuyện gì mà ngẩng mặt lên nhìn về phía Lê Hiên.

–        Em Hiên, vậy còn Thụy Kha, nó nói sao?

Lê Hiên nhìn vào tia sáng le lói trong đôi mắt Văn Duy, nửa muốn nói nửa lại không muốn nói. Ấp úng mấy giây, nó mới đè giọng xuống mà lên tiếng.

–        Anh Kha nói…nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.

Không còn ai nói gì. Cả gian phòng trong ngoài chỉ còn tiếng đuốc cháy tanh tách cùng tiếng sâu bọ kêu rỉ rả từ đống rơm khô. Không gian chùng xuống theo lòng chảo tuyệt vọng, dây thần kinh căng như sắp vỡ, tụ máu đau đớn trong đầu. Trên nền mặt lấm lem bùn đất và máu, một dòng nước mắt rất trong chảy ra. Dẫu ngục có tối, đứng cách mấy thước vẫn thấy ánh vàng của lửa hắt lên đôi mắt đỏ ngầu rỉ nước ấy. Một lúc sau, vang lên tiếng hít mũi rất mạnh, tưởng như người con trai trong phòng giam kia muốn vớt lại niềm tin vỡ nát của mình vào khí quản trong vô vọng.

–        Đừng lừa dối bản thân trong giờ phút cuối đời mình nữa. Tự trong sâu thẳm, em cũng biết được chẳng ai có thể ngăn nổi bà hoàng. Cô ta đã định hai em phải chết, chúng ta cũng không còn cách nào khác. Chúng ta không thể liều thân mình ngăn cản cô ta hại em Nam, chuyện đấy em cũng hiểu. – Bùi Việt bước lại gần cửa sổ phòng giam  – Ta sẽ làm một chuyện cuối cùng là đưa tro hai em về bên gia đình.

Văn Duy bất ngờ ngẩng mặt lên trần nhà, gầm lên một tiếng. Tiếng thoát ra nghẹn ứ lại như thể âm thanh bị nhốt vào trong cổ họng. Cảm xúc không có nhiều tự do đến vậy, giải phóng đi rồi nó cũng quay lại ám ảnh mà thôi. Bao nỗi niềm sắp trào ra đều nuốt ngược trở lại, đau đớn tủi nhục lại chảy ra theo nước mắt. Nước mắt mặn hóa đỏ máu cay, rần rật rần rật trong người là cơn bĩ cực ngấu nghiến từng thớ thịt. Một bước đi hụt, ngã xuống hầm chông đã đành, quay đầu lại nhìn thấy xác người mình yêu mới khiếp hãi tột cùng.

Khiếp hãi hơn cả khi bản thân phát hiện ra tình yêu oan trái đó.

Những ô cửa trong trí tưởng tượng đang vờn bay chung quanh nay đều biến mất. Tiếng cửa đóng sập lại mới thật lạnh lùng. Gió lùa từ trong tim ra còn lạnh hơn từ ngoài vào, tưởng như tim bị dằm đâm thủng thành nhiều khe hở, se sắt từng đợt gió đi qua lại tím tái quặn thắt không thôi. Đôi mắt đã không còn đỏ hơn được nữa, chính là tơ máu nổi rõ trên tròng trắng, nhìn vào rất khó nhận ra mắt người. Ba người kia nhìn con ma mắt đỏ một hồi rồi cũng rời đi, lần này là cửa thật khép lại, cảm giác cũng không thể nào tệ hơn được nữa.

Có một tiếng cửa vang lên sau cùng, lần này là tiếng mở cửa. Đằng sau cánh cửa trắng mờ ấy là một khoảng sân gạch rộng thênh thang, giữa sân có cây tùng cao to sum sê bóng mát. Hai cậu trẻ mặc áo dài lụa đỏ bước ra, nhìn thấy gương mặt mình ở phía đối diện mà cười khúc khích. Cả hai nắm tay nhau vào ngồi chung một kiệu.

Kiệu đi đường xa, xa rất xa. Lúc sau nhìn lại mới hay vai mình nặng, đưa ngón tay đan vào mái tóc đen nhánh, nóng ấm từ đầu ngón tay truyền thẳng vào tim.

Kiệu đi đường xa, xa rất xa, xa thẳm vào mái tóc mát đầu ngón tay, xa tít mù vào con mắt thiếu nốt ruồi bên dưới.

Kiệu đi đường xa, xa rất xa, xa đến nỗi yêu thương cứa vào lòng tan nát, miệng thì thầm ước kiếp sau xin đừng lại gặp nhau.

Cuối giờ Hợi, lính canh phát hiện Phạm Văn Duy cắn lưỡi tự tử trong ngục. Cùng giờ cùng ngày, Phạm Văn Nam treo cổ trong cung cấm.

Sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, tro về chung một chỗ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com