TruyenHHH.com

30 Ngay Thu Thach Review Full

Tên truyện: Trọng Sinh Chi Ôn Uyển
Tác giả: Lục Nguyệt Hạo Tuyết
Thể loại: xuyên không, nữ cường
Quốc gia: Trung Quốc

___

Tính từ khi mới chập chững đọc truyện đến bây giờ, có lẽ "Trọng sinh chi Ôn Uyển" là bộ dài nhất mà tôi từng đọc, có đến hơn một ngàn chương. Nhận xét một cách khách quan và công bằng thì tác phẩm này không sánh bằng những tác phẩm cung đấu cùng thể loại. Nhưng đây lại là bộ truyện xuyên không và cung đấu đầu tiên mà tôi đọc, nên có những ấn tượng không tồi về truyện.

Thú thật là khi viết những dòng này, tôi đã chẳng còn nhớ rõ nội dung của truyện, và vì lí do truyện quá dài, nên tôi chẳng thể tìm đọc để lấy cảm hứng review được. Chỉ còn cách nhớ được gì thì nói đấy, nên chắc là bài review sẽ không có đầy đủ thông tin cần thiết về tác phẩm.

Truyện xoay quanh cô gái tên Ôn Uyển vốn là một người sống ở thời hiện đại, với tuổi thơ khốn khó sống trong cô nhi viện và được cha mẹ tìm về lúc sáu tuổi. Không may là trong chuyến đón cô về nhà, ba mẹ cô đã bị tai nạn giao thông mà qua đời. Vậy nên bà nội cực kì không thích Ôn Uyển, luôn tìm lời bới móc và tống cô ra nước ngoài khi mới chỉ mười (hoặc mười mấy tuổi :v). Đường tình duyên của cô cũng vô cùng lận đận, khi bị chính người bạn trai yêu nhau suốt năm năm, từng thề ước khi về nước sẽ kết hôn bỏ rơi, người bạn thân gần hai mươi năm vì người đàn ông của cô ta mà lừa Ôn Uyển kí văn bản chuyển nhượng tài sản. Trong cuộc đời đầy những bất công đau khổ ấy, người duy nhất yêu thương Ôn Uyển là người bác cả Ôn Quân, nhưng ông cũng chẳng thể chăm sóc cô cho đến khi bước chân cô trụ vững trong Ôn Thị. Ôn Quân biết tài năng tiềm tàng trong Ôn Uyển, nhưng cũng biết cô không hứng thú với quyền thừa kế tập đoàn Ôn thị, ông chỉ hi vọng sau khi ông qua đời, lúc nào Ôn thị gặp khó khăn Ôn Uyển hãy dốc lòng giúp đỡ, xem như không uổng công ông thương yêu cô bấy lâu. Sự đời dường như đang đẩy Ôn Uyển vào bước đường cùng, cô vừa giúp Ôn thị vượt qua nguy cơ bị thu mua thì lại phát hiện mình bị mắc bệnh nan y, chỉ sống được nửa năm nữa. Cô để lại di chúc quyên góp một nửa tài sản cho một tổ chức nhận nuôi trẻ mồ côi, và lên chuyến tàu không có điểm đến, "nhiều người trông thấy Ôn Uyển lên tàu, và không bao giờ có cơ hội trở xuống nữa." Cô đã qua đời, và xuyên vào thân thể của một cô bé sáu tuổi bị câm sống ở cổ đại, cuộc sống khó khăn chồng chất lại tiếp tục tái diễn với Ôn Uyển tại đây.

Tôi xin phép dùng đại từ nhân xưng "nàng" để thay thế danh từ Ôn Uyển lúc này.

Nếu như Ôn Quân là người duy nhất đối tốt với Ôn Uyển ở hiện đại, thì ở Tề triều này người một lòng xem nàng như báu vật chỉ có một mình người Ma ma đã già. Sống trong một thôn làng nhỏ bé, thức ăn của Ôn Uyển và Ma ma chỉ có rau dại trộn lẫn với dưa chua và chút gạo lức. Một mình Ma ma với công việc hái rau dại và khâu áo không đủ nuôi hai người một lớn một nhỏ, huống chi Ôn Uyển lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Gạo trong bao ngày càng ít đi, càng xuống dần thì chất lượng gạo càng giảm, thậm chí có hôm Ôn Uyển vừa ăn vừa phải nhả sạn để tránh đau dạ dày. Ma ma nhìn Ôn Uyển, không ngừng rơi nước mắt. Đôi lúc bà lẩm nhẩm, rằng Ôn Uyển vốn là cành vàng lá ngọc, con của công chúa, cháu ruột đương kim hoàng thượng, nay lại phải chịu cảnh sống không bằng người hầu, trong khi cha của nàng  vừa mãn tang Nương đã đi cưới ngay thiếp thất thành bình thê, chẳng còn quan tâm gì đến Ôn Uyển đang sống ở nơi này.

Đón năm mới bằng bánh chẻo và bộ áo đỏ do đích thân Ma ma may xong, Ôn Uyển đã phải vất vả chăm ma ma ngã bệnh. Sau trận ốm, Ma ma quyết tâm lên kinh tìm Tông Nhân Đường (?) để cho Ôn Uyển một cuộc sống tốt hơn, nhưng lại là một cuộc đi không trở lại.

Ôn Uyển trốn thoát khỏi tay trưởng thôn muốn giết chết nàng, sau đó chôn miếng ngọc chứng minh thân phận gần bên bờ sông, và tìm đường đến kinh thành. Nàng bị bọn buôn người bắt cóc phải làm người hầu trong An Nhạc phủ - nhà mẹ đẻ của mẹ ghẻ nàng. Sau chuỗi ngày vất vả làm việc quần quật ngày đêm, trong một lần vô tình chọc giận hai vị tiểu thư của An Nhạc phủ, Ôn Uyển suýt bị người ta giết chết. Nhưng đúng lúc đó, cuộc đời nàng đã rẽ sang chương mới khi được Triệu Vương cứu thoát và đưa về phủ đệ.

Thấy ánh mắt Triệu Vương nhìn mình như có điều suy tính, Ôn Uyển dù biết thân phận thật sự của mình cũng không dám nói với ông ta. Vào một buổi tiệc, Triệu Vương gán ghép Ôn Uyển là con riêng của Trịnh Vương - một vị vương gia không được hoàng đế yêu thích, vì gương mặt của hai người giống nhau như hai giọt nước, với ý đồ muốn hạ bệ Trịnh Vương. Nhưng lại không ngờ rằng một Ôn Uyển vốn dĩ bị câm lại có thể dùng động tác, chữ viết và ngọc bội để minh chứng thân phận thật sự của mình: nàng là con ruột của Phúc Huy công chúa, cha nàng là Bình Hướng Hi - từng là trạng nguyên lang, nhà nội là Định Quốc công - tổ tiên có công cùng vị hoàng đế đầu tiên của triều Tề gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Đại Tề ngày nay, nhà ngoại nàng là dòng họ Tô bên sông tiền đường có danh vọng bậc nhất triều đình.

Kể từ đó trở đi, Triệu Vương nhận định Ôn Uyển là khắc tinh của mình, vì kể từ khi nàng xuất hiện, đường tranh vị của hắn lúc nào cũng gặp khó khăn trắc trở.

Sau khi trở về Định Quốc Công Phủ, những tranh đấu nội trạch cùng sự hợp tác ăn ý của những người mang danh "người thân" khiến Ôn Uyển hết lần này đến lần khác lâm vào cảnh khốn đốn, nàng không còn xem họ là người nhà, người duy nhất nàng tin tưởng là Trịnh Vương - cậu ruột của mình.

Hoàng đế phong Ôn Uyển là Quý Quận chúa, hàm tứ phẩm, cùng cây roi vàng ngự ban có thể đánh từ điêu dân đến quý tộc, để không một ai có thể ức hiếp Ôn Uyển được nữa. Sau này, phong hào của Ôn Uyển tăng lên như gió gặp mây, từ Quý Quận chúa, Hoàng Quý quận chúa, Ngự Tôn Quý quận chúa, Hưng Quốc quận chúa, Ngự Tôn quý Hưng Quốc quận chúa, và cuối cùng là Nhiếp Chính quận chúa. Cùng với phong hào tăng, Ôn Uyển cũng gặp phải vô số biến cố. Trong chuyến hành trình tranh vị, số phận của nàng và Trịnh Vương đã gắn liền với nhau, bởi vậy mà dù không muốn tranh đấu cỡ nào, Ôn Uyển vẫn phải âm thầm góp sức giúp Trịnh Vương thành công đăng cơ, ngài sống, nàng sẽ sống. Ngài bị đẩy ra khỏi vòng tranh vị, có nghĩa là phận nàng chỉ có thể chờ chết. Nàng không có cách nào khống chế cục diện, nhưng lí trí của nàng lại cực kì cao, luôn tỉnh táo trong mọi tình huống, càng nguy hiểm gian khó nàng lại càng bình tĩnh, kiên định.

Đi đôi với phong hào tước vị, danh tiếng của Ôn Uyển lại vô cùng xấu, nàng trước kia từng học kinh doanh, nên đến cổ đại cũng phát huy năng lực mà tự mình kiếm sống. Nhưng ở thế giới này, cấp bậc của thương nhân là thấp nhất trong tất cả các giai cấp, nên nhiều người khinh nàng là quận chúa hám tiền. Riêng Ôn Uyển biết, chỉ khi người ta nhận định nàng là kẻ tham danh hoa phú quý thì nàng mới giảm đi tối thiểu sự uy hiếp với người khác, khiến họ bỏ qua mà không thèm đối phó với nàng. Ôn Uyển kiếm tiền là do không có việc gì làm, nhưng cũng là một phương thức để tự bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy.

Dù danh tiếng không tốt, Ôn Uyển vẫn bái được danh sĩ đệ nhất thiên hạ Tống Lạc Dương làm thầy vì đánh cờ vây thắng hắn. Tống Lạc Dương cũng là người thứ hai ở cổ đại đối xử với Ôn Uyển như con ruột, không chê bai nàng bị câm, hết lòng dạy dỗ, bao giờ nàng gặp chuyện hắn cũng là người đầu tiên ra mặt. Từng nhiều lần Ôn Uyển ngước nhìn bầu trời đầy sao, ước mơ rằng Tống Lạc Dương thật sự là cha ruột của khối thân thể này, chứ không phải người cha bù nhìn "cực phẩm tai mềm" Bình Hướng Hi. Cùng thời điểm này, nàng chiêu mộ tiểu thư con quan lại cùng học với mình, lập nên danh "Bát đại tài nữ kinh thành".

Sau đợt lũ lụt, quốc khố thiếu hụt và hoàng đế thì sầu não nghĩ phương pháp cứu đói ở vùng thiên tai, Ôn Uyển quyên góp toàn bộ tài sản gồm hơn một trăm bốn mươi tám vạn lượng cho Hoàng đế, với câu nói làm trái tim băng sơn của hoàng đế phải tan chảy : "Ông ngoại hoàng đế, bạc có thể từ từ kiếm lại, thân thể mới là quan trọng nhất. Người phải bảo trọng long thể, tuyệt đối không thể ngã bệnh nữa." Lòng nhân ái, sự sẻ chia trong lúc khốn khó của Ôn Uyển làm hoàng đế ngày càng thích nàng hơn và tìm mọi cách giữ nàng ở bên cạnh.

Cũng nhờ Ôn Uyển, Trịnh Vương có được cơ hội đi thị sát và cứu trợ thiên tai. Và sau bốn năm duy trì viết thư qua lại, cuối cùng Ôn Uyển cũng được gặp lại Trịnh Vương trong đợt về triều báo cáo công tác khắc phục thiên tai. Cùng lúc này, hoàng đế cũng cho gọi Triệu Vương và gia quyến của hắn ta về triều để xem xét tìm người kế vị.

Sự sủng ái vô tận của Hoàng đế với Ôn Uyển dần bị san sẻ cho Tư Nguyệt quận chúa - con gái ruột của Triệu Vương. Mặc dù nhiều lần Tư Nguyệt tìm cách hãm hại, Ôn Uyển vẫn không thèm tranh giành với nàng ta. Đến cuối cùng, chính bởi tính cách lí trí nhưng hay mềm yếu này, Ôn Uyển bị hoàng đế, Trịnh Vương và cả Thuần Vương - vị vương gia hợp tác làm ăn với Ôn Uyển trước kia quở trách. Dưới sự thuyết phục từ nhiều phía, Hoàng đế chấp thuận cho Ôn Uyển "nữ phẫn nam trang" ra ngoài rèn luyện tính cách trong vòng một năm.

Với thân phận giả là cháu trai của Thuần Vương phi - Giang Thủ Vọng, tự là Phất Khê, cùng với phúc ngữ học được và hai kẻ cận hầu là Đông Thanh và Băng Dao (Hạ Dao) được Hoàng đế sắp xếp, Ôn Uyển đã gây ra biết bao sóng gió tại kinh thành chỉ trong vòng một năm bởi tài năng xuất chúng của mình: từ làm thơ, thổi sáo, vẽ tranh, cưỡi ngựa, chơi xúc cúc, đánh nhau, và lần vang danh nhất là tài năng đánh cờ xuất chúng thắng được vô số tinh anh đánh cờ của triều đình, thậm chí còn đánh hòa với Tô thừa tướng.

Ngoài danh tiếng vang xa, tại đây Ôn Uyển cũng có được mối tình khắc cốt ghi tâm với thế tử Thuần Vương - Yến Kì Hiên. Tiếc rằng lời hứa chờ đợi nàng năm năm không lấy vợ đã bị Yến Kì Hiên tự tay phá vỡ, cùng với những lời xúc phạm "cho dù lấy gái lầu xanh cũng không thèm cưới người như ngươi" mà Yến Kì Hiên nhẫn tâm nói với mình, Ôn Uyển đành cắt đứt mối tình bằng cách xin ban hôn cho Yến Kì Hiên với Giang Lâm.

Sau đợt rèn luyện này, Ôn Uyển đã có những bước tiến lớn trong tính cách và suy nghĩ. Nàng dần bị cuốn vào vòng tranh vị, biết bao lần đứng giữa ranh giới sống chết: từ vụ ngựa điên, hoa độc, xuân dược, độc Thụy Mỹ Nhân, cuộc truy đuổi của ninja sát thủ đến từ Phù Tang, rồi yểm bùa chú. Nhưng bất kể thế nào, nàng vẫn có thể vực dậy và tiếp tục sống, bởi nàng không muốn lại chết yểu một lần nữa, bởi ý chí cầu sinh trong nàng đã đạt đến cực hạn. Nàng không sợ đối mặt với cái chết, nhưng chưa bao giờ muốn mình phải chết. Cho dù biết có thể ngày mai mình sẽ không còn được sống, nàng vẫn giữ cho tâm trạng mình an nhàn và bình tĩnh.

Sau khi Trịnh Vương đăng cơ một thời gian thì Triệu Vương và Chu Vương dựng cờ làm phản với lí do tiêu diệt yêu tà để cứu lấy đất nước. Yêu tà ở đây là Ôn Uyển, vì theo bát tự của nàng, nhiều vị tăng nhân tu hành đã tính ra nàng vốn dĩ đã chết vào năm sáu tuổi. Nhưng đến hiện tại đã mười mấy tuổi mà vẫn còn sống, họ lấy cớ yêu quái đã chiếm lấy thân thể nàng, đòi triều đình phải giết chết nàng thì mới chịu hạ cờ yên phận. Cũng chính trong đoạn thời gian này, Hoàng đế (Trịnh Vương) đột nhiên bệnh nặng, ngự y chẩn đoán rằng hoàng đế đã không còn cách nào cứu chữa, những đứa con của ngài, từ thái tử, Ngũ Hoàng Tử Yến Kì Huyên, Lục Hoàng Tử Yến Kì Ngôn, công chúa Tư Thông, Tư Hàm, Thục Phi, Hoàng Hậu ai cũng trưng ra bộ mặt khóc tang chờ ngày hoàng đế băng hà. Chỉ riêng Ôn Uyển bấu víu lấy cánh tay người, cầu xin người đừng bỏ nàng đi, Hoàng đế mà băng hà, nàng cũng sẽ bị giết chết, không người này thì cũng là người kia. Lúc này, Hạ Dao - nữ quan thân cận, từng là Chu Tước - phó thống lĩnh tổ chức Thần Cơ Doanh bí ẩn, và cùng là nữ nhi hoàng thất, biểu tỷ của Ôn Uyển đưa ra lời khuyên và giúp nàng lấy lại tinh thần. Bằng ngọc bội mà Hoàng đế cho nàng trước kia, Ôn Uyển giành được quyền làm chủ hoàng cung với sự phục tùng của thống lĩnh cấm vệ quân.

Ôn Uyển tìm đến Hoàng Giác tự tìm cách cứu Hoàng đế, Giác Ngộ đại sư - người được cho là thông hiểu chuyện quá khứ tương lai trong vòng ba trăm năm đưa cho nàng phương thuốc, và chỉ có thể dùng máu trong tim nàng làm thuốc dẫn mới có thể cứu được hoàng đế. Ôn Uyển bất chấp sống chết, bảo Hạ Dao lấy máu trong tim mình và hòa lẫn vào thuốc cho cậu Hoàng đế uống. Chính vì sự hi sinh này, thân thể Ôn Uyển suy kiệt nghiêm trọng, lúc nào cũng lạnh như đông đá, cả người như bị rút thành da bọc xương. Nhưng cũng chính vì vậy, Hoàng đế kể từ đây giao trọn niềm tin cho Ôn Uyển, tin tưởng nàng con hơn con ruột.

Đường tình duyên của Ôn Uyển ở cổ đại cũng gặp vô số lận đận, đến hai mươi tuổi còn chưa muốn lấy chồng. Nên biết nữ giới cổ đại hai mươi tuổi không có chồng đã xem là già đầu mà ế. Mà nàng vẫn còn muốn thử thách nam chính một lần cuối cùng trước khi quyết định có thể giao nửa đời còn lại của mình cho hắn.

Nam chính vốn đã xuất hiện vào năm Ôn Uyển sáu tuổi, hai người gặp nhau ở Ngọc Tuyền tự. Sau sự kiện vô tình hôn nhau ở đây, nam chính Bạch Thế Niên mãi luôn tìm kiếm hình bóng Ôn Uyển mà hắn cho rằng nàng là Tiểu hồ ly mới đi kiếm ăn và gặp phải hắn. Bạch Thế Niên đi tòng quân đánh giặc, đến khi lần nữa quay về thì phẩm cấp đã lên hàng tướng quân. Lần gặp gỡ tiếp theo của hai người tiếp tục là ở Ngọc Tuyền tự, chính vì Bạch Thế Niên càn quét giặc ở vùng duyên hải nên đã gây thù oán với những người xứ Phù Tang, bởi vậy mà họ phái những Ninja tốt nhất đến ám sát hắn. Ôn Uyển với đội ngũ cao thủ hùng hậu đã vô tình lọt phải chỗ mai phục của đám Ninja, thay Bạch Thế Niên càn một trận ám sát. Bên phía nàng tổn thất nghiêm trọng, Hạ Dao, Hạ Ảnh, Võ Tinh (và hai vị Võ gì đấy nữa :v) đều bị thương, nặng nhất là Hạ Ảnh.

Ôn Uyển một mình chạy trốn, gặp được tiểu thư Đinh gia, vốn nghĩ đi theo nàng ta có thể khiến nàng qua được trạm kiểm tra mà không bị người của Triệu Vương bắt giữ, chẳng ngờ lại bị cô tiểu thư Đinh gia đẩy đi gả thay. Trùng hợp thế nào lại gả trúng Bạch Thế Niên, nàng lấy tên giả Thanh Nhi, đêm tân hôn uống say, Ôn Uyển vô tình kể lại hết những đau khổ mình phải chịu trong kiếp trước với Bạch Thế Niên, và bắt chàng phải đáp ứng cả đời chỉ chung thủy với nàng. Bạch Thế Niên cắt tóc, thề với nàng mãi "Vĩnh kết đồng tâm, vợ chồng đồng lòng", nhưng Ôn Uyển lại say quá nên không nhớ được gì. Rạng sáng hôm đó, nhóm sát thủ lại tiếp tục vào ám sát, trong lúc Bạch Thế Niên đi cứu cha và bà, Ôn Uyển dùng độc giấu trong nhẫn và cổ tay giết chết sát thủ và tìm đường quay lại kinh thành trong lốt một tên ăn xin.

Tuy đã bái đường, nhưng chưa động phòng, vả lại có tư tưởng của người hiện đại nên Ôn Uyển không hề thừa nhận rằng Bạch Thế Niên là chồng mình. Thậm chí còn lấy cớ hủy dung, và nói Thanh Nhi (cái tên ÔU nói với BTN ở đêm tân hôn) chỉ là thế thân của nàng mà thôi. Bạch Thế Niên mang theo trái tim tổn thương tiếp tục ra biên thành chiến đấu, riêng Ôn Uyển, vốn tưởng trái tim không đau, tưởng rằng đây là lựa chọn tốt nhất nhưng đôi lúc ngắm sao bóng hình Bạch Thế Niên lại hiện về trong tâm trí. Nhưng nàng biết, với quyền lực và danh tiếng còn hơn cả tể tướng của mình, cùng với Bạch Thế Niên tay nắm binh quyền, vừa có cả binh lại có cả quyền, nếu về chung một nhà sẽ trở thành mối uy hiếp to lớn với hoàng đế đời sau, nên hai người không đời nào có thể đến được với nhau. 

Cho đến năm hai mươi tuổi, chứng kiến Bạch Thế Niên thủ thân như ngọc, nguyện trọn đời trọn kiếp thủy chung với người vợ đã mất - Thanh Nhi (ÔU), trái tim Ôn Uyển bắt đầu bị dao động, và tiến hành đợt thử thách cuối cùng có ba vòng thi, với sự tham gia tranh đấu của Trần A Bố, Văn Dược và Bạch Thế Niên. Cuối cùng, bằng tài năng xuất sắc và tấm lòng chân thành, Bạch Thế Niên cuối cùng cũng thắng cả ba vòng đấu, đặt dấu chấm cho quá trình ngược nam chính của tác giả, và bước vào giai đoạn ngọt ngào của cặp tân lang tân nương. Lúc đầu thì Ôn Uyển còn nghi ngờ Bạch Thế Niên đối tốt với mình vô điều kiện là có mục đích, nhưng sau khi nghe chàng kể lại đoạn chuyện cũ "gả thay" cùng lời hứa vĩnh kết đồng tâm khi xưa, niềm tin của nàng mới được trao trọn.

Lúc Ôn Uyển xác thực mình có thai thì Bạch Thế Niên đã lên đường ra biên thành chiến đấu, trước khi chàng đi, nàng đã đưa cho chàng bộ kim ti nhuyễn giáp, một nửa hổ phù và dốc lòng bày mưu tính kế cho Bạch Thế Niên được an toàn hơn sau khi trở lại Biên Quan. Cũng cùng chàng bày bố đường lui cuối cùng của hai phu thê ở nơi Hải vực.

Ôn Uyển sinh được một cặp song sinh nam, lớn tên Minh Duệ, nhỏ là Minh Cẩn. Điều thú vị ở đây, đó là bạn nhỏ Minh Duệ của chúng ta cũng là một người trọng sinh, có kiếp trước còn đau khổ hơn cả Ôn Uyển: cha không thương, mẹ không yêu, đệ đệ ghét bỏ, suốt ngày bị chê đần độn, vợ bội tín, cho đến khi đạt được danh hiệu trạng nguyên, theo phe Tứ hoàng tử lại bị chính mẹ ruột cho uống thuốc độc để giúp đệ đệ moi ra bảng danh sách bí mật để giúp Lục Hoàng Tử (?). Trong thời gian hai huynh đệ lớn dần, Ôn Uyển nhận nuôi và trở thành lão sư của con trai thái tử - Yến Linh Đông. Trở thành vị nữ sư đầu tiên, nữ thái sư đầu tiên trong lịch sử.

Với sự hoài nghi rằng có băng nhóm hoạt động ngầm thao túng triều đình, hoàng đế quyết định rời ra kinh thành, ra biên quan chiến đấu để đám người đó lợi dụng thời cơ quấy nhiễu kinh thành, sau đó bắt gọn một mẻ lưới. Thái tử bị hạ độc, triều cục hỗn loạn, Ngũ hoàng tử bị hoàng hậu đầu độc chết trong ngục với tội danh hại thái tử, Lục Hoàng Tử với sự giúp sức của Hà trắc phi - người của băng nhóm tiền triều, chiếm lấy quyền trị vì kinh thành, cho người đến bắt Ôn Uyển. Ngược lại Ôn Uyển dưới thánh chỉ của hoàng đế, trở thành Nhiếp Chính quận chúa phối hợp với Tổ chức ảnh vệ và Thần Cơ doanh điều động binh lính bao vây kinh thành, bắt lấy Yến Kì Cừu - con trai riêng của Triệu Vương, moi ra băng đẳng phía sau. Minh Duệ và Minh Cẩn lúc này đang trốn ở hải vực với sự bảo vệ của vợ chồng Hạ Dao - Võ Tinh, Đông Thanh. Thống lĩnh Thần Cơ Doanh - Thiên Long yêu cầu giúp Ôn Uyển đi đón hai vị công tử nhưng mục đích thật sự là dùng Minh Duệ, Minh Cẩn dụ dỗ người điều khiển băng nhóm phục quốc ra mặt và giết chết. Minh Duệ với võ nghệ cao cường được học từ nhỏ và tài năng xuất chúng đã sớm nhận ra ý đồ của Thiên Long, nhưng cậu lại chấp nhận làm con mồi. Sau cùng, chủ mưu phía sau cũng bị giết chết.

Biên quan thắng trận, Bạch Thế Niên trở về, cha con đoàn tụ, những chương còn lại phía sau là cách dạy dỗ con cái của phu thê nhà Ôn Uyển. Trong những chương cuối, Bình gia - Đinh quốc công phủ bị chu di tam tộc (?)  vì tội yếm bùa ngải Ôn Uyển khiến nàng suýt chết lần nữa. Truyện kết thúc bằng cảnh cả nhà Ôn Uyển khăn gói lên đường đi Giang Nam... du lịch :v

Các phiên ngoại phía sau là tiếp diễn câu chuyện dưới lời kể của những người khác nhau, như Yến Kì Hiên, Minh Cẩn, Minh Duệ,... Riêng Minh Duệ thì có phiên ngoại kể về kiếp trước của cậu. Chuyện kết phiên ngoại khi Ôn Uyển và Bạch Thế Niên chết đi, Minh Duệ Minh Cẩn đã vào trung niên, Minh Duệ bị hoàng đế Yến Linh Đông bắt giam, sau cùng, cả dòng chính nhà họ Bạch chuyển đến hải vực sinh sống, tạo ra một thế giới bình đẳng công bằng.

Nói chung bài review này chủ yếu là kể sơ sơ về nội dung truyện :v chưa thể hiện được gì về cảm nhận của người viết review cả :v chịu thôi, truyện quá dài, còn cảm nhận sâu hơn thì chắc bài review lên đến 5000 chữ mất :v

4222 từ

Truy Quang
19/1/2019

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenHHH.com